Ba tôi, người đã có một cuộc đời tuyệt diệu

Viet-Studies

Hoàng Tuấn

1-8-2020

Giáo sư Hoàng Tụy. Ảnh: internet

Thấm thoát đã một năm kể từ ngày ba mãi mãi ra đi. Một đồng nghiệp của tôi đã viết: “Dù biết ngày này không thể tránh khỏi, sự ra đi của bác Tụy vẫn để lại khoảng trống và mất mát. Bác Tụy là một người phi thường trong giới trí thức Việt Nam, không chỉ như một nhà khoa học mà còn là người đấu tranh cho những gì bác tin. Đóng góp của ông cho khoa học, giáo dục và cho dân tộc Việt Nam là vô song. Tôi như mất một người thân vì tôi biết bác. Dường như mới hôm qua bác và bác gái tới Melbourne và ký ức về ăn Bò Bảy Món với 2 bác vẫn sống động. Tôi trân trọng những kỷ niệm như vậy và tôi cảm thấy hãnh diện được biết bác. Bác đã ra đi nhưng di sản của ông luôn luôn còn mãi với chúng ta.

Giáo sư Pierre Darriulat, người bạn gần gũi của ba đã nói với tôi “Cha anh là người đàn ông phi thường và sự ra đi của ông là một mất mát lớn. Cha anh lo cho đất nước hơn là cho bản thân. Ít có những người thật như vậy”.

Những người bạn của ba đã viết “ông coi công danh phú quí chỉ là phù vân, nhưng phải sống cuộc đời có nhiều ý nghĩa, dù khó khăn đến mấy cũng tin vào một tương lai tươi sáng của Dân tộc ta, một Dân tộc đau thương và quật khởi“.

Giờ đây, đọc đi đọc lại bài viết của ba về thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi mới hiểu rõ thêm vì sao ba lại có và sống với niềm tin không dao động như vậy. Ba bắt đầu sự nghiệp như một nhà giáo khi chưa đầy 20 tuổi từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Vào thời kỳ mà người ta dễ dàng buông xuôi nhiều thứ để giữ đất và bảo vệ cuộc sống, dân tộc ta đã có được nền giáo dục xuất thần và phát triển một cách kỳ lạ.

Trường Lê Khiết nơi ba dạy, vốn là miền đất nghèo khổ và thiếu học, đã phát triển tới qui mô vượt cả trường trung học thời thực dân ở Qui Nhơn. Cả giáo viên lẫn học sinh đều có niềm tin vào sức mạnh giải phóng của giáo dục với những ước mơ thật lãng mạn. Ít có một dân tộc nào lại làm được đồng thời cả hai việc lớn là đánh giặc và phát triển giáo dục. Ngôi trường Lê Khiết khiêm tốn ở Quảng ngãi đó đã sản sinh nhiều văn nghệ sỹ, nhà giáo, nhà khoa học chân chính. Họ là những người yêu quê hương, yêu con người đến tận đáy tâm hồn và để lại nhiều di sản giáo dục, tinh thần cho thế hệ sau.

Rồi vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt nam, trong những giờ phút lâm nguy phải sơ tán tránh những cuộc oanh tạc không kích muốn đưa miền Bắc Việt Nam về thời ký đồ đá mà Thủ tướng vẫn cất lên tiếng nói “Khoa học nâng con người ta lên”. Là người làm khoa học đã hơn 30 năm ở những nước phát triển, tôi chưa bao giờ nghe được câu nói sâu sắc như thế.

Tôi không bao giờ quên những lần nói chuyện với ba. Ba đau đớn  khi thấy đất nước qua bao thử thách khốc liệt thời chiến lại bỏ lỡ biết bao cơ hội phát triển trong thời bình, những nề nếp giáo dục hay khoa học may mắn có được từ thời chiến không những không được giữ gìn hay phát huy mà bị lụi tàn bởi những quan điểm hẹp hòi mà cứ tưởng là cách mạng.

Quá nhiều những thứ phát triển không giống một ai, thương mại hóa không tha một lĩnh vực nào mà vẫn coi đó là phát huy và sáng tạo. Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều về lý tưởng, về những cái giá của dân tộc phải trả sau hai cuộc chiến. Tôi vẫn nhớ ba nói ngày xưa trong chiến tranh, những người cộng sản là những người đi đầu. Ba luôn nhắc thế hệ tôi không sống trong bối cảnh đó nên không hiểu được nỗi nhục của một đất nước bị nô lệ.

Khi đi dạo dọc bờ sông Hương ba kể say sưa thời thanh niên ba đã bơi qua sông Hương do tụi Tây thách thức. Nhiều lần khi đi nghỉ cùng gia đình tôi, ba và tôi đi dạo riêng nghe ba chia sẻ những day dứt về của ba về thời cuộc, “trong khi khắp thế giới thay đổi, thì VN vẫn cứ kiên định con đường tối tăm, không tương lai, nhiều vị vẫn vô tư, không thấy trách nhiệm, chỉ lo… sắp xếp các ghế ngồi”. Ba hay nhắc chuyện ông Phạm Văn Đồng nói với ba lúc cuối đời “Tôi buồn lắm, buồn vô cùng”.

Một lần vào năm 1987, khi tôi chỉ những dòng báo ca ngợi ông Phạm Văn Đồng là vị thủ tướng lâu đời nhất thế giới, ba bảo họ “quên” nói ông Đồng cũng là thủ tướng ít quyền nhất thế giới. Giờ tôi đọc lại bài viết về Phan Châu Trinh của học trò ba thời Lê Khiết. Phan Châu Trinh đã tìm ra nguyên nhân mất nước, dân tộc sa vào vòng nô lệ thảm khốc là ở trong văn hóa, trong sự lạc hậu quá xa về văn hóa của dân tộc so với đối thủ của mình. Ông không chỉ đặt vấn đề độc lập, ông đặt vấn đề xa hơn, căn bản hơn: Phát triển, cho văn minh bằng thiên hạ. Bi kịch lịch sử là ông hầu như hoàn toàn cô độc về tư tưởng và đường lối trong thời của mình.

Tôi vẫn giữ đầy đủ những email ba kể vắn tắt những việc ba làm như tổ chức hội thảo hàng tuần về giáo dục và những kiến nghị cải cách giáo dục, sách giáo khoa, rồi cùng các đồng nghiệp ở Viện nghiên cứu phát triển đưa ra những kiến nghị, góp ý, kêu gọi.

Đến tận tháng 5 năm 2018, sau khi mẹ tôi mất ít lâu và ba đã bắt đầu yếu, ba vẫn nói sang sảng với tôi về tầm nhìn của lãnh đạo cao nhất trong những giờ phút khó khăn quan trọng như thế nào với đất nước. Ba đặt vấn đề “vậy tầm nhìn ngoài chuyện đánh tham nhũng là gì”?

Mấy tháng trước khi mất, ba đồng ý cho xuất bản cuốn “Xin được nói thẳng” tập hợp nhiều bài viết của ba trong thời gian dài trên các báo về những vấn đề sống còn của xã hội. Ba nói ba hy vọng cuốn sách đó kích thích sự đổi mới của đất nước. Các bài viết trong sách được sắp xếp rất khoa học, dẫn dắt người đọc từ phân tích cơ bản những khuyết tật của hệ thống dẫn đến xã hội tham nhũng đầy những khối u dị dạng nên chỉ có tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống toàn diện mới giải quyết được vấn đề.

Người tài và bản lĩnh người lãnh đạo là nhân tố quan trọng nhất. Phải có những đột phá trong giáo dục và quản lý khoa học mới có hy vọng dân tộc thích ứng với thời đại kinh tế trí thức thay đổi cực nhanh. Tôi biết vì những bài đó mà có thời các báo được chỉ đạo không được phỏng vấn ba. Tôi biết có báo đã bị ngừng hoạt động 9 tháng và toàn bộ ban biên tập bị kỷ luật chỉ vì đăng một bài của ba. Máy tính xách tay có nhiều bài ba đã viết và đang viết bỗng dưng bị mất cắp. Sức đã  yếu lắm mà ba vẫn hỏi về phản hồi của độc giả vể cuốn sách.

Có anh Phúc thủ tướng đã gửi thư đến thăm hỏi và phản hồi tốt. Nhớ lần đầu gặp mặt ở Sài Gòn cuối năm 2016, anh Phúc có nói tôi “mình tổ chức sinh nhật 70 năm ba cậu khi còn làm chủ tịch ở Quảng Nam đấy”. Tôi lại nhớ được xem video ghi lại quê hương Điện bàn vinh danh ba nhân dịp ba 70 tuổi, ghi lại những lời nói chân thành và mộc mạc của quê hương về ba. Mỗi lần về quê, ba đều kể cho tôi với niềm tự hào. Ba nhắc một Hội An phát triển đàng hoàng một phần nhờ có ông bí thư Sự giỏi và có tầm nhìn.

Ba không chỉ là người cha, ba là người thầy và là thần tượng của tôi, là người dẫn dắt tinh thần và luôn chia sẻ những giờ phút khó khăn nhất. Càng ngày tôi càng thấm lời ba nói sau khi ông Phạm Văn Đồng mất rằng ba thật sự buồn vì ba mất nơi chia sẻ tâm tư, nhiều khi chỉ vài câu ngắn ngủi  nhưng động viên thật nhiều.

Thật nhớ những dòng ngắn ngủi của ba như “Con nên giữ sức khoẻ và luôn giữ vững tinh thần, dù khó khăn gì cũng không ngại, miễn mình làm việc đứng đắn, công tâm. Lao động vất vả, nghiêm túc như con kể thì có gì mà lo. Đừng để khó khăn đè mình xuống mà phải đứng trên mọi chuyện. Ba đã từng gặp những chuyện cực kỳ căng thẳng hồi ở ĐH Tổng hợp Ba và bác Thiêm bị tụi nó đấu lên bờ xuống ruộng, định quật ngã cả Ba và bác Thiêm nhưng cuối cùng tụi nó cũng chẳng làm được gì mình, dù chúng nó có một lực lượng quan chức mao-it ở cấp trên ra sức ủng hộ. Tất nhiên hồi đó tụi nó gây cho mình rất nhiều khó khăn, Ba cũng có lúc rất nản, nhưng rồi Ba tập trung làm khoa học, chính thời kỳ này Ba nghĩ ra global optimization. Cứ vùi đầu làm khoa học, bỏ ngoài tai mọị chuyện khác, phớt lờ, quên bớt đi, rồi cuối cùng sẽ vượt qua được khó khăn”.

Và “các điều kiện của con như vậy cũng là mãn nguyện rồi, còn cái gì hơn nữa thì xem như phần phụ thêm, có càng hay, không cũng chẳng sao. Nhiều người cũng chỉ mơ ước chừng đó thôi mà. Ai đó nói muốn sống có hạnh phúc thì nên biết chừng nào là đủ, cái triết lý ấy cũng đúng. Ở các nước như Úc thì cạnh tranh trong xã hội là một áp lực, ở đó không thể thoải mái theo kiểu làm bao nhiêu cũng được, mọi nhu cầu đều có thể ỷ lại vào bao cấp, chẳng phải lo nghĩ nhiều-như trong xã hội ảo tưởng vớ vẩn mà bao năm nay, cho đến tận bây giờ, vẫn được đưa ra tuyên truyền lừa dối dân mình”.

Khi tôi nhỏ, ba dạy về phân số để tôi sau đó tự học. Cuối năm cấp 2, ba dạy đọc sách toán phổ thông tiếng Nga để giúp tôi  tự tìm sách học thêm. Những cuốn sách tiếng Nga cùng những mẩu chuyện hấp dẫn ba kể trong những bữa ăn về những nhà toán học, rồi tấm gương ba nghiên cứu ngày đêm đã giúp tôi  say mê học toán với ước mong theo con đường khoa học của ba. Khi sang học ở Liên Xô, tôi được gặp những người bạn nổi tiếng nhưng bình dị của ba. Tôi hay đến nhà giáo sư Zykov, chuyên gia hàng đầu về lý thuyết đồ thị. Giáo sư Zykov kể hồi ông ở Novosibirsk, ba có đưa một kết quả rất độc đáo về bài toán đồ thị nên có 1 chương trong cuốn sách “Lý thuyết đồ thị” của ông là về phương pháp Hoàng Tụy.

Có lần sinh nhật ông, con gái ông bảo ngày sinh nhật là ngày của gia đình nhưng cha tôi sẽ rất vui khi có cậu đến. Hôm tôi bảo vệ chính thức luận án PhD, ông và cả gia đình đến dự làm cả trường tôi ngạc nhiên, họ không tin là có người nổi tiếng vậy đến dự lễ bảo vệ của tôi. Đến ông thầy hướng dẫn của tôi cũng hỏi sao cậu còn quen biết giáo sư Zykov à. Một người bạn khác của ba là giáo sư Rubinstein, nguyên là học trò của Kantorovich-nhà toán học duy nhất đoạt giải Nobel về Kinh Tế năm 1975.

Từ những năm 60 thế kỷ trước, khi thế giới còn chưa có thuật ngữ “tin học”, Rubinstein cùng Kantorovich đã đưa ra bài toán giao thông thông tin mà ngày nay thế giới đang nghiên cứu nhiều. Họ trong số những nhà khoa học hàng đầu của Liên Xô đến lập ra thành phố khoa học nổi tiếng ở Novosibirsk.

Năm 1987, khi tôi đến Novosibirsk dự hội nghị của sinh viên, Rubinstein đến gặp và đưa tôi về ở nhà ông luôn. Mấy buổi đi dạo cùng ông toàn gặp các cây đa cây đề trong ngành, không là viện sỹ thì cũng giải thưởng Lê Nin hay giải thưởng nhà nước Liên Xô. Sau mỗi lần chào họ, ông hay kể cho tôi những câu chuyện rất thú vị họ được giải thưởng tầm cỡ như vậy vì những công trình gì, những đóng góp gì. Không khí chính trị khi đó thông thoáng hơn và chúng tôi cũng hay nói những chuyện hài hước chính trị.

Là người từng tham gia cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, ông bảo “trên màn ảnh thì cứ làm như tụi Đức ngu lắm, nhưng tại sao đánh nhau với họ khó thế”. Ông kể rất nhiều chuyện hay về Kantorovich, người tốt nghiệp đại học khi 18 tuổi, thành giáo sư khi 22 tuổi, và làm ra những công trình được giải Nobel năm 27 tuổi. Kantorovich không những là nhà toán học mà còn là nhà kinh tế học.

Ai cũng biết giá cả các mặt hàng của Liên Xô thời đó chẳng theo một qui luật kinh tế nào. Kantorovich có nói rằng nếu chúng ta xuất khẩu cách mạng đi toàn thế giới thì cũng nên để 1 hòn đảo là chủ nghĩa tư bản chứ nếu không thì không biết giá cả các mặt hàng thế nào. Rubinstein nói nhiều về ba, về những công trình của ba về tối ưu đầy cảm phục và đầy sức thuyết phục. Ông nói có nhiều người có những kết quả hay, nhưng để xây dựng được thành một lý thuyết hay như ba thì không nhiều. Ông khuyên tôi hãy tìm vị trí của mình trong khoa học và đi theo con đường của ba.

Giờ đây, sau hơn 30 năm nghiên cứu, điều mà tôi tự hào với bản thân nhất có lẽ là đủ sức và trí tuệ để làm theo những lời khuyên của ba, với tác phong nghiên cứu Hoàng Tụy. Hồi tôi nhỏ, ba hay kể chuyện ba tự học rồi nhẩy cóc, ba nghĩ nên tạo điều kiện để học sinh, sinh viên giỏi có thể nhẩy cóc. Đến cuối năm thứ 3 đại học, tôi muốn tốt nghiệp sớm nhưng không được vì để tốt nghiệp, ai cũng phải học rất nhiều các môn ngoài lề khác như Kinh tế chính trị Mác-Lê Nin hay Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Nhưng nhờ vậy và nhờ có “máu” nghiên cứu khoa học của ba, tôi tận dụng được 2 năm cuối tập trung học hỏi nghiên cứu.

Luận án PhD của tôi hoàn toàn là kết quả của 2 năm nghiên cứu này, với 3 bài báo đăng trên tạp chí có tiếng của Liên Xô. Điều tôi đáng tiếc nhất có lẽ là không học tiếng Anh nghiêm chỉnh thời nghiên cứu sinh. Triết lý của ba rất đơn giản và dễ hiểu: muốn hợp tác với phương Tây thì cần biết họ đang quan tâm những vấn đề gì, phải có những công trình đăng ở các tạp chí phương Tây, có những bài báo viết tiếng Anh. Tuy có ý thức đọc các tạp chí phương Tây để hiểu xu hướng nghiên cứu của họ nhưng tôi lại không hề học cách viết một bài báo khoa học bằng tiếng Anh.

Mãi tới năm cuối thời sinh viên PhD là năm 1990, tôi gửi cho ba 2 bài báo tôi viết bằng tiếng Nga để ba dịch sang tiếng Anh và đăng ở phương Tây. Lúc đó ba đang ở Áo và ba đã cặm cụi dịch sang tiếng Anh, in lại bài báo (thời đó đây là công việc rất nhọc) và đưa cho đồng nghiệp bên đó xem trước cũng như hỏi ý kiến họ nên gửi đăng ở đâu. Ba không kể nhưng sau này tôi biết, thời gian đó có những lúc ba phải nằm viện mổ răng, đau đến nỗi bác sỹ đã phải gây mê.

Ba có một người bạn Nhật rất đặc biệt là giáo sư Mitsui ở trường tổng hợp Nagoya. Ông chính là người đề xướng và cùng các nhà toán học Nhật đóng góp giúp viện Toán xây dựng nhà khách năm nào. Thần tượng của Mitsui là Hồ Chí Minh nên khi sang thăm Việt Nam ông mua ảnh chân dung Hồ Chí Minh về treo. Bước vào phòng làm việc của ông sẽ thấy ngay ảnh Hồ Chí Minh. Các đồng nghiệp của ông ở Việt Nam sau kể với tôi là hồi đó tìm mua ảnh Bác Hồ rất khó vì ngoài hiệu sách toàn ảnh chân dài.

Ở trường Nagoya có một nhóm phản đối chiến tranh Việt Nam thời những năm 70 gồm Mitsui, Torii và Hosoe. Với họ, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp là những tên tuổi lớn. Giáo sư Hosoe là chuyên gia hàng đầu của Nhật bản về lý thuyết điều khiển, ngành của tôi. Năm 1993, tôi liên lạc với giáo sư Hosoe qua giới thiệu của giáo sư Mitsui và được ông mời đến Nagoya làm seminar. Sau seminar đó 2 tháng thì ông mời tôi tới Nagoya một lần nữa. Khi gặp, ông bảo giờ chúng tôi phỏng vấn  để tuyển anh làm trợ lý nghiên cứu cho nhóm của tôi, và dẫn tôi sang một phòng có mấy giáo sư nữa để phỏng vấn!

Lần đầu tiên trong đời mới nghe từ phỏng vấn và hoàn toàn không chuẩn bị! Ít lâu sau, ông thông báo là tôi đã được nhận. Rồi nhờ có những bài báo tiếng Anh của tôi, trong đó có bài được một giáo sư nổi tiếng ở Boston (Mỹ) khen đã giải quyết được bài toán mà lâu nay bao nhiêu chuyên gia chưa giải được, ông đưa tôi lên làm giảng viên, thay một giáo sư vốn là thầy của ông vừa về hưu.

Khi tôi đến chào trưởng khoa kỹ thuật của trường (dean of engineering) để bắt đầu công việc vào tháng 4 năm 1994, tôi được nghe mình là giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của trường.

Ở Nhật, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật ở những trường lớn, họ thường có bằng PhD tương đối muộn và sau đó làm trợ lý nghiên cứu khá lâu trước khi được làm giảng viên là bậc thấp nhất trong ngạch giáo sư. Chưa hết, sau tôi mới thấy lúc đó chỉ có tôi và một giáo sư lớn tuổi người Bungaria là người nước ngoài trong hàng ngũ giáo sư, chứ trợ lý nghiên cứu người nước ngoài thì hầu như nhóm nghiên cứu nào  cũng có, nhiều người trong số họ vốn là giáo sư nữa. Cùng  là lý thuyết điều khiển nhưng các vấn đề mà phương Tây quan tâm và Liên Xô quan tâm hoàn toàn khác nhau: lý thuyết điều khiển bên phương Tây nghiên cứu những bài toán điều khiển thực tế, có thật, nhưng lý thuyết điều khiển của Liên Xô bị những nhà toán học thuần túy dẫn dắt nên nghiên cứu toàn những thứ tự tưởng tượng không ai biết để làm gì.

Hosoe có nhiều lần nói với tôi sau này rằng thực ra ông chẳng hiểu gì nội dung seminar của tôi cả, nhưng cảm nhận tôi là người làm việc rất hăng say và có kiến thức cơ bản tốt và ông cần  người như vậy. Ông nói tự hào về quyết định đúng đắn nhất này! Tôi được làm việc thoải mái chỗ ông 5 năm và ông trở thành người bạn lớn và gần gũi nhất của gia đình chúng tôi. Vợ chồng ông đã ở bên tôi trong bệnh viện khi chờ vợ tôi sinh con.

Sau khi ba mất, một lần vợ tôi nói qua điện thoại với ông rằng giờ chúng tôi chỉ có ông như bậc cha chú trong gia đình và vì vậy cuối tháng 11 năm ngoái vợ chồng ông lại lục tục sang Úc thăm chúng tôi. Đến cuối năm, khi nhà tôi đi nghỉ ở Hokkaido, cả gia đình ông cũng lên đó cùng. Con gái tôi khi có tin gì vui về chuyện học hành trước đây bao giờ cũng gọi cho ông nội đầu tiên, giờ thì gọi cho ông Hosoe đầu tiên. Khác với người Việt, người Nhật không gọi nhiều người là bạn, nhưng một khi đã là bạn, họ là những người đáng tin cậy nhất.

Cũng như ba, Hosoe là người không nói nhiều nhưng làm thầm lặng và giúp đỡ, che chở người khác rất nhiều. Bước ngoặt quyết định trong cuộc đời làm khoa học của tôi là được làm việc với giáo sư Hosoe 5 năm, chịu khó và đàng hoàng theo lời khuyên và tấm gương của cha mình. Có lần khi nghe vợ tôi nói là sao việc gì tôi đã làm là cũng cố gắng làm đến đầu đến đũa rất mất sức thì ba rất mừng, ba bảo vậy là con giống cha. Trong 5 năm đó, nghiên cứu của tôi cũng chuyển sang hướng mới là áp dụng các phương pháp tối ưu vào các bài toán khó trong điều khiển, và được hợp tác với ba, nghiên cứu học hỏi những kết quả của ba, và ước mơ có được một vài kết quả hay như một số kết quả của ba.

Năm 1997 khi đến Nagoya, ba mừng khi nghe tôi làm việc có kết quả và có nhiều cơ hội thăng tiến. Ba kể chuyện đề xuất với ông Võ Văn Kiệt mở trường Toán công nghiệp, một trong những mục đích là để tạo môi trường làm việc cho những người như “tụi mày”. Ba đã rất tâm huyết với dự án đó. Năm sau ba nói ba rất giận ông Kiệt đã không đả động gì thêm sau những lời ủng hộ ban đầu. Mãi về sau ba mới biết dự án này không thực hiện được vì một lý do rất lãng xẹt không phải từ ông Kiệt. Năm 2000, khi tôi hỏi ý kiến ba về chuyện xin vào công dân Nhật để có hộ chiếu đi lại các nước cho dễ dàng, ba nói tổ quốc ở trong tim chứ không phải ở tấm hộ chiếu để đi lại.

Năm 2003, giữa lúc đang ở vị trí nhiều người mơ ước và sắp được bổ nhiệm lên vị trí quan trọng của trường, tôi quyết định rời nước Nhật của nền công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới sang nước Úc phát triển chủ yếu bằng cách đào tài nguyên xuất khẩu thô. Ông hiệu trưởng bảo tôi là “khùng” vì đang ở vị trí như thế ở nước Nhật lại sang vị trí thấp hơn ở nước Úc lạc hậu (về mặt công nghệ).

Trước khi rời Nhật, ba cũng qua chỗ tôi. Khi nghe vợ tôi than chuyện phải rời nước Nhật, ba nói ba rất hiểu Tuấn, nó đang ở độ tuổi sáng tạo nhất nên muốn dành hết sức cho khoa học. Ba luôn nói tôi đang có điều kiện mà thời ba không thể mơ được nên hãy hết lòng về khoa học. Hai năm cuối ở trường, do sắp được “đề bạt” nên tôi phải tham gia quá nhiều cuộc họp, khiến còn rất ít thời gian cho nghiên cứu. Giờ tôi vẫn nhớ cảm giác căng thẳng như thế nào khi mỗi sáng đến trường, đang say mê với những ý tưởng khoa học một chút là bị cắt ngang bới cú điện thoại của thư ký “mời giáo sư đi họp”.

Nói vậy chứ làm sao so sánh được với hoàn cảnh ba những năm 60 thế kỷ trước, khi ba ngày làm việc, tối chong đèn viết kiểm điểm và giải trình chuyện “chuyên môn thuần túy” mà không “hồng”. Có vị lãnh đạo cao nhất của ban Tuyên giáo đã đe: trường đại học không phải là nơi để các anh nghiên cứu khoa học. Không thể tưởng tượng nổi “qui hoạch lõm” của ba đã được ra đời trong hoàn cảnh đó.

Năm 2004, lần đầu tiên gia đình tôi về Việt nam. Ba mẹ tôi rất mừng. Khi nghe con tôi muốn ăn sữa chua, ba bảo để ba đi mua. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ba đi siêu thị ở Việt nam. Mới mấy hôm mà ba mẹ đã rạng rỡ  hẳn vì vui. Năm 2008, tình cờ tôi viết cho ba mẹ là cuộc sống bên Úc khó khăn hơn nhiều so với tôi nghĩ, tiền lương có được bao nhiêu thì cho vào khoản trả nợ nhà băng tiền mua nhà gần hết, thêm các khoản chi phí cho cuộc sống ngày càng tăng nữa thì có khi không đủ.

Vậy mà khi bạn tôi về Việt nam công tác, ba mẹ tôi nhờ anh mang sang 10 ngàn đô Mỹ giúp chúng tôi. Hơn ai hết, ba hiểu được những đồng tiền làm ra ở phương Tây đâu có dễ dàng như nhiều người nghĩ. Dù tôi ở đâu, ba cũng quan tâm sao cho tôi tập trung nghiên cứu. Ba mong chúng tôi về nhưng không nói để khỏi ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu của tôi. Chỉ sau khi mẹ tôi mất, khi tôi viết sẽ thăm ba mấy tháng một lần, ba mới trả lời: ừ con về, ba chờ.

Tháng 7 năm 2018 ba bắt đầu ốm nặng. Chị tôi nhắn, mấy hôm nay ba thường xuyên nhắc tôi. Nghe vậy tôi liền gọi để nghe ba. Giọng ba yếu và ba chỉ nói đi nói lại rằng ba rất tự hào về tôi. Tôi nghe vậy buồn hơn là vui vì dường như ba đã thấy không còn nhiều sức, không còn nhiều thời gian trên cuộc đời này. Nửa năm sau, sức khỏe ba có tốt hơn chút và khi gặp tôi, ba bảo: ba mong có sức khỏe để sang Úc thăm gia đình con.

Cuối tháng 6 năm 2019, tôi về thăm ba. Biết trước tôi sẽ đến lúc 9 giờ sáng, ba hỏi cô chăm sóc mấy giờ rồi. Khi nghe là 8 giờ sáng, ba bảo: vậy là còn một tiếng nữa con tôi sẽ tới, nó là giáo sư bên Úc. Ba quá vui khi thấy tôi nên chị tôi bảo “Tuấn mà ở lại lâu chắc ba hết bệnh”. Ba vẫn còn nhớ con tôi năm nay thi vào đại học Y và ba bảo ba biết ở các nước phương Tây thi vào trường Y khó lắm.

Ba sinh động hẳn lên khi tôi ghé tai ba đọc bưu thiếp tiếng Anh trong trẻo cháu gửi ông nội: “Dear Grandpa, I hope you will feel better soon! I miss you a lot while in Australia, so I hope to see you soon after I complete my HSC this year! Next year I hopefully will stay in Vietnam for a long time so I can visit you often! Stay healthy and happy and I will see you soon. Here is you with your new book” (Ông ơi, cháu muốn ông mau khỏe. Ở Úc cháu rất nhớ ông và cháu muốn thăm ông ngay sau kỳ thi đại học. Năm sau cháu sẽ ở Việt Nam lâu để thăm ông thường xuyên. Khỏe và vui ông nhé và cháu sẽ gặp ông sớm. Cháu vẽ ông cầm quyển sách mới của ông). Nhưng ba biết sức lực của mình và ba nói tôi: chắc lần này con gặp ba là lần cuối nên ba chào con.

3 tuần sau, ngày 14 tháng 7 năm 2019, ba đã ra đi mãi mãi. Như ba đã viết cho tôi cách đây 5 năm: “Về phần cá nhân, Ba vẫn luôn thanh thản. Cả đời mình sống tử tế, có trách nhiệm, nên trong tâm bao giờ cũng nhẹ nhàng”, và “Nhiều lần tình cờ trong bệnh viện hoặc trong các buổi gặp gỡ thân mật có những người mình mới gặp lần đầu nhưng cũng bày tỏ với sự ngưỡng mộ chân thành của họ, những lúc ấy Ba cảm thấy đời không đễn nỗi quá bạc bẽo với mình mà xét ra cũng thật công bằng. Mình sống thế nào, dù có những lúc khó khăn, gần như bế tắc, nhưng rồi cuối cùng tấm lòng và sự thanh sạch bao giờ cũng được đền bù xứng đáng, tuy có khi muộn màng”.

Ông đã nói với hậu thế “Tôi mong tất cả các bạn tiếp tục con đường dù tôi có chết đi” trước lúc ra đi. Ba ơi, con luôn tự hào là chưa bao giờ có một ý nghĩ nào khác ngoài tiếp tục con đường của ba.

Bình Luận từ Facebook

12 BÌNH LUẬN

  1. Cám ơn Hoàng Tuấn cho bài viết khá chi tiết về Gs Hoàng Tụy. Mặc dù tôi không quen biết GS Hoàng Tụy và Gia đình, nhưng, tôi cũng đã từng đọc một số bài viết của GS; Bài đọc gần đây nhất là bài viết của Vị GS Khả Kính Hoàng Xuân Phú về GS Hoàng Tụy, khi Cụ tròn 80 tuổi. Bài viết của GS HXP đã giúp chúng tôi hiểu thêm về Cụ và về những Người làm khoa học như Cụ. Cám ơn Gs Hoàng Xuân Phú! Cám ơn Gs Hoàng Tụy cho những cống hiến vô giá mà Cụ đã tận tâm dành cho đất nước nói riêng cho thế giới nói chung. Hoàng Tuấn rất may mắn đã có được Người Cha tốt và mẫu mực cả về phong cách sống và phong cách làm việc! Đất nước cũng may mắn có được MỘT NHÀ KHOA HỌC ĐÍCH THỰC! Cụ Hoàng Tụy “đã có một cuộc đời tuyệt diệu”! Chúc Hoàng Tuấn cùng toàn thể gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc và bình an. Tiếp tục cống hiến. Trân trọng.

  2. Theo tôi, đến giờ bày VẪN CHƯA CÓ AI Người Việt nhiệt tình NHƯNG BỊ MÊ HOẶC bởi tuyên truyền Vịt cộng nhất là các cậu ấm cô chiêu Miền Nam được học bỗng quốc gia du học ĐỦ CAN ĐẢM như ANH André Menras qua video sau

    https://www.youtube.com/watch?v=wKi8cUp_mWM

    Lá cờ, Việt Nam, và tôi: Hồi ức 50 năm của một người biểu tình phản chiến
    25 561 vues•Sortie le 25 juil. 2020

    VOA Tiếng Việt
    1,06 M abonnés
    50 năm trước, André Menras đã cùng một người bạn biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam với lá cờ Việt Cộng trên tượng đài Thủy quân lục chiến trước Hạ nghị viện. Hành động này đã khiến hai người họ bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù hai năm rưỡi và bị trục xuất ngay sau khi được phóng thích. Nhưng Việt Nam đã biến đổi Menras. Nó như một con đường mà định mệnh đã sớm an bài cho ông khi ông đặt chân lên đó lần đầu tiên vào năm 1968.

    VOA Nhìn Lại Lịch Sử giới thiệu một phim ngắn do chúng tôi sản xuất với sự cộng tác của André Menras kể lại hành trình cuộc đời ông trên con đường Việt Nam nhân dịp 50 năm sự kiện biểu tình gây chú ý đó.

  3. Công bằng mà nói thì gs.HT.là một trường hợp hiếm hoi trong giới khoa bảng của chế
    độ CS.nhưng vẫn cố gắng trong nỗ lực trở thành một trí thức sau khi mặt nạ “dân tộc”
    của CS.rơi xuồng vì họ công khai vổ ngực xưng tên đảng CsVN.thống trị cả nước, chứ
    không cần phải tuyên truyền bịp bợm rằng MTGPMN.đứng lên để đấu tranh cho quyền
    tự quyết của nhân dân miền Nam hay chối bỏ mình là CS.như trước kia nữa.
    Một cú lừa,,, vĩ đại không những đối với người dân miền Nam mà cả thế giới !
    Dù sao thì muộn vẫn còn hơn không !

  4. “Tầm nhìn ngoài chống tham nhũng là gì ” ,một góc nhìn rất xuất sắc nhưng ít người nghĩ ra, trong khi ở phương tây là cái bình thường, bởi với họ tìm hướng giải quyết quan trọng hơn tìm lỗi rất nhiều,đơn giản là vậy .Một ví dụ nhỏ cho thấy sự khác biệt quá lớn về văn hóa,làm thế nào để theo kịp, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ….

  5. Tuong nho khi GS.Hoàng Tuy gui mail yêu câu ghi tên ông vào “thu ngo” cua chuyên gia,tri thuc VN o trong và ngoài nuoc,đê phan đôi du an Bô- xit Tây Nguyên. GS.Hoàng Tuy xung đang là”Si phu thoi nay”

  6. Ba nhắc một Hội An phát triển đàng hoàng một phần nhờ có ông bí thư Sự giỏi và có tầm nhìn.

    ————>

    Bí thư Nguyễn Sự Hội An ‘từ quan’ sau khi ăn no bụng và đã cài con cháu vào hệ thống làm ăn kinh tế đứng ngoài luồng hành chánh Hội An !!!!


    “Tôi buồn lắm, buồn vô cùng” Vẫn tin vào lời nói đầu môi chót lưỡi của bố già ranh Phạm Văn Đồng! Sống với cọng sản thì dù lài thiên tài rồi cũng mai một và không còn đầu óc sáng tạo nữa!

    ————>

    NHÂN XÉT RẤT ĐÚNG !! 1 thằng bán Nước với Công hàm Hoàng Sa vì nghe lệnh Hồ Chí Meo hạ bút ký dâng Tàu cộng


    Mấy tháng trước khi mất, HA HA HA ba đồng ý cho xuất bản cuốn “Xin được nói thẳng” tập hợp nhiều bài viết của ba trong thời gian dài trên các báo về những vấn đề sống còn của xã hội.

    ————>HA HA HA

    Theo tôi QUÝ VỊ Tù nhân Lương tâm như TRẦN HUỲNH DUY THỨC còn đáng quý có ích cho SỰ SỐNG CÒN DÂN TỘC VIỆT trước ĐẠI HIỂM HỌA kẻ thù truyền kiếp PHƯONG BẮC hơn cả 2 GS Hoàng Tụy và Ngô Bảo Châu !!!!

    Ba có một người bạn Nhật rất đặc biệt là giáo sư Mitsui ở trường tổng hợp Nagoya. Ông chính là người đề xướng và cùng các nhà toán học Nhật đóng góp giúp viện Toán xây dựng nhà khách năm nào. Thần tượng của Mitsui là Hồ Chí Minh nên khi sang thăm Việt Nam ông mua ảnh chân dung Hồ Chí Minh về treo. Bước vào phòng làm việc của ông sẽ thấy ngay ảnh Hồ Chí Minh. Các đồng nghiệp của ông ở Việt Nam sau kể với tôi là hồi đó tìm mua ảnh Bác Hồ rất khó vì ngoài hiệu sách toàn ảnh chân dài.

    ————>HA HA HA

    CHÍ PHÈO GIAO CHỈ thế kỷ 20 HỒ CHÍ MEO !!!

    CHÍ PHÈO AN NAM thế kỷ 20 HỒ CHÍ MEO !!!

  7. Theo như ý kiến đánh giá của nhà trí thức hà nội & sĩ phu bắc hà “công anh” trên baotiengdan.com thì Hoàng Tụy chỉ giả vờ theo đảng cộng sản, chỉ giả vờ làm đảng viên cộng sản để đươc hưởng đặc quyền của đảng viên cộng sản để được học đại học, để được đi học ở nước ngoài…

    Kể ra như thế thì cũng là “khôn ngoan”, nhưng cái “khôn ngoan” ấy là “khôn ngoan” bất chính, hoàn toàn phi trí thức, tất nhiên, mặc dầu vậy, Hoàng Tụy vẫn được mang danh hiệu “trí thức xã hội chủ nghĩa” cho đến chết, vẫn được hưởng trọn vẹn bổng lộc đảng viên cộng sản mao-ít “lao động”

  8. Đại đa số những người cs đã mắc phải một tội vô cùng to lớn là đã rước chủ nghĩa cs về “làm suy yếu, cạn kiệt” đến tận cùng quốc gia mang tên Việt Nam ! Nhưng, họ lại tự sướng, tự tâng bốc lẫn nhau rằng họ là những người “yêu nước, cứu nước, giúp dân…” !

  9. “đưa đầu chịu nhục”, là cái giá mà Phạm Văn Đồng đã tính toán, đồng ý trả giá để được cái ghế “Thủ tướng lâu đời nhất”, không phải là Phạm văn Đồng bị ép buộc phải “đưa đầu chịu nhục” thay cho hồ chí minh/lê chiêu thống 1955/trần ích Tắc 1950/việt gian nguyễn ái quốc 1946

  10. Thân chào anh Hoàng Tuấn,
    Cám ơn anh Tuấn đã nhắc lại một đoạn ngắn về ông Phạm Văn Đồng qua nhận xét của bố anh, GS TS Hoàng Tụy:
    …”Ba hay nhắc chuyện ông Phạm Văn Đồng nói với ba lúc cuối đời “Tôi buồn lắm, buồn vô cùng”…..
    Một lần vào năm 1987, khi tôi chỉ những dòng báo ca ngợi ông Phạm Văn Đồng là vị thủ tướng lâu đời nhất thế giới, ba bảo họ “quên” nói ông Đồng cũng là thủ tướng ít quyền nhất thế giới.
    Thú thật khi tôi viết về Sự Thật Nằm Sau Bức Công Hàm PVĐ 1958 (30-04-2013), tôi cũng có linh cảm rằng cá nhân ông Đồng đã bị ép buộc phải đưa đầu chịu nhục vì tội “bán nước” thay cho toàn thể Bộ Chính Trị ĐCS thời đó (1958). Hồi đó cả đám lãnh đạo chóp bu hãy còn trẻ, đâu đến nỗi già khọm, thế mà đã lộ bản chất xảo quyệt, gian hùng với nhau, đã hiện hình những con cáo già bên trong nội bộ, nhưng bên ngoài thì “bợ đít” đàn anh TQ, Liên Xô tối đa để giữ chân ghế.
    Rùng mình khi nghe sự thật phũ phàng mà anh Hoàng Tuấn có can đảm viết: “Có vị lãnh đạo cao nhất của ban Tuyên giáo đã đe: trường đại học không phải là nơi để các anh nghiên cứu khoa học”.
    Hy vọng sẽ tiếp tục được đàm luận nghiêm chỉnh với anh Hoàng Tuấn về viễn ảnh tương lai dân tộc Việt Nam ta, anh nghĩ sao về tác phong của tầng lớp trí thức mới trong mục tiêu xây dựng nền công nghiệp vững chắc nhằm chen vai thích cánh với nhân loại tiến bộ.
    Lê Quốc Trinh, Canada

  11. “Tôi buồn lắm, buồn vô cùng” Vẫn tin vào lời nói đầu môi chót lưỡi của bố già ranh Phạm Văn Đồng! Sống với cọng sản thì dù lài thiên tài rồi cũng mai một và không còn đầu óc sáng tạo nữa!

  12. Tất cả các con ốc vít trên chuyến tàu không chịu bung ra. Cuối đời thì than thở, thở than và ” tự sướng” vì chỉ có Tớ là có tâm với dân tộc mà quên đi mình đã đóng góp cho con tàu lao nhanh xuống vực. Tự hào quá TRÍ THỨC XHCN NƯỚC ĐẢNG

Comments are closed.