Bản tin ngày 20-7-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Ông Daniel J.Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam có bài viết đăng trên báo Thanh Niên: Cam kết của Mỹ và luật pháp quốc tế tại Biển Đông, nói về quan điểm của Washington đối với tình hình Biển Đông. Đại sứ Kritenbrink viết:

Những tuyên bố về chính sách của Mỹ vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết duy trì thượng tôn pháp luật của chúng tôi ở Biển Đông qua việc ủng hộ luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS. Đây là cam kết Mỹ chia sẻ với Việt Nam, một trong những thành viên chủ động nhất của UNCLOS, được phản ánh qua các tuyên bố mạnh mẽ mà ASEAN đưa ra vào ngày 26.6 dưới vai trò chủ tịch của Việt Nam“.

RFI có bài nói về việc Bắc Kinh chiêu dụ Hà Nội: Việt Nam quyết đoán hơn về Biển Đông, Trung Quốc cho vay tiền. Dẫn nguồn từ báo South China Morning Post ngày 19/7, cho biết, trong khi Thứ trưởng TQ La Chiếu Huy họp qua mạng với người đồng nhiệm Việt Nam là Thứ trưởng Lê Hoài Trung ngày 16/7, để thảo luận tình hình Biển Đông, thì ngân hàng AIIB của Trung Quốc hứa cho Việt Nam vay 100 triệu đô la.

Trang Thế Giới & Việt Nam đặt câu hỏi về Mỹ: Sau tuyên bố chính sách mới ở Biển Đông, giờ là lúc hành động? Bài dẫn lời phân tích của các chuyên gia từ các trang báo nước ngoài như tạp chí National Interest, báo South China Morning Post, Nikkei Asian Review, nói về các hành động của Mỹ sau tuyên bố cứng rắn ngày 13/7 vừa qua.

Báo Lao Động có bài: Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Không chỉ là tuyên bố suông. Bài viết nêu ba điểm đáng chú ý và kết luận, “phía Mỹ đã cụ thể hoá thêm một mục tiêu là không để Trung Quốc biến khu vực Biển Đông thành một phần trong đế chế hàng hải của Trung Quốc. Cục diện chính trị an ninh và pháp lý quốc tế ở khu vực này trở nên khác trước và mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gặp sóng gió mới“.

Mỹ, Trung lại lời qua tiếng lại về Biển Đông là bài viết đăng trên báo Tiền Phong. Dẫn nguồn từ Reuters cho biết, ngày 18/7, Đại sứ quán Mỹ tại Yangon gọi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là “một phần của một mô hình lớn hơn nhằm phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đáp trả, cáo buộc Mỹ bôi nhọ Trung Quốc một cách “quá đáng”, chia rẽ Trung Quốc với các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông và Hong Kong.

Mời đọc thêm: Biển Đông: Công ty nhà nước TQ có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ (BBC). – Sau Biển Đông, Trung Quốc lăm le Ấn Độ Dương (PLTP). – Đại sứ Kritenbrink: Mỹ thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, sát cánh với Việt Nam (VOA). – Trung Quốc chuẩn bị đưa thêm tàu khảo sát hải dương cỡ lớn ra Biển Đông (RFA).

Người Trung Quốc lưu trú bất hợp pháp ở Quảng Nam

Truyền thông trong nước đưa tin, hàng chục người Trung Quốc lưu trú bất hợp pháp ở Quảng Nam. Quảng Nam vừa phát hiện một nhóm 21 người Trung Quốc đang lưu trú bất hợp pháp trong một nhà nghỉ tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở nơi có hàng chục người Trung Quốc lưu trú. Ảnh: Báo TN

Các nhà chức trách không biết họ nhập cảnh vào VN khi nào và bằng cách nào. Vụ việc được người dân phát hiện và trình báo. Mặc dù ở Việt Nam có rất nhiều cơ quan ban ngành thuộc chính quyền địa phương như tổ dân phố, ban tự quản an ninh trật tự, chính quyền phường, xã, thị trấn… rồi còn quy định đăng ký tạm trú, nhưng vẫn để “lọt lưới” những người Trung Quốc này.

Zing cho biết, công an địa phương sẽ báo cáo Bộ Công an việc 21 người Trung Quốc đến Quảng Nam. Thượng tá Nguyễn Thành Long, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho hay: “Hiện nay tôi đang tập trung chỉ đạo anh em làm, đến sáng nay vẫn chỉ có 21 người. Chưa biết họ đến Quảng Nam bằng cách nào. Công an tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục làm và báo cáo đến Bộ Công an để xin ý kiến“.

Mời đọc thêm: Hàng chục người Trung Quốc ‘không biết bằng cách nào’ lưu trú Quảng Nam (TN). – Nhóm người Trung Quốc lưu trú trong nhà nghỉ ở Quảng Nam bỏ chạy khi công an kiểm tra (Kênh 14). – Biên phòng bị chỉ trích vì 21 người Trung Quốc đi lậu đến Quảng Nam (VOA). – 21 người Trung Quốc bị phát hiện tại Quảng Nam bước đầu âm tính Covid-19 (VOV).

Vụ án Hồ Duy Hải

Nhà báo Nguyễn Đức đưa tin mà theo anh, “có lẽ hiếm người biết”, đó là: “Tại phiên toà giám đốc thẩm, chủ toạ Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết Hồ Duy Hải có tới 52 bản khai, nhưng Cơ quan Điều tra (CQĐT) Long An chỉ dùng 25 bản. Số còn lại CQĐT giữ trong hồ sơ AK”. Ông Đức cũng nhắc lại việc chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải đã rõ ràng, như dấu vân tay và thời gian ngoại phạm.

Tác giả Lê Thắng Thế cũng có bài viết, điểm lại những lời khai được “gọt giũa” cho vừa vụ án của Hồ Duy Hải. Bài viết khẳng định, ngay từ đầu Hồ Duy Hải không hề nhận tội; hay những hình ảnh cái thớt dính máu mới được công bố lên mạng, bởi vì suốt 13 năm tham gia vụ án, các luật sư chưa hề thấy ảnh này. Trong quá trình điều tra các điều tra viên đã mua con dao mới về để khớp với lời khai của Hải; hay việc Hồ Duy Hải nhiều lần kêu oan và nhờ mẹ kêu oan cho mình…

Hình ảnh chiếc thớt trong vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: Báo Công lý

Công bộc hay phường trộm cướp?

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh có bài viết: Huyện ủy nợ tiền 28 năm không trả! Theo đó, do được ông Lê Phú Dũng giới thiệu, “năm 1992, huyện ủy Tam Nông (Đồng Tháp) vay 172 cây vàng và 19.000 đô la của bà Trần Thị Mộng Thu, nói ngon nói ngọt là để đầu tư cho Nông trường Tràm Chim (hiện nay là Vườn Quốc gia Tràm Chim)”. Số tiền này ở thời điểm đó “đủ mua 15 căn nhà mặt tiền ở Saigon”.

Do huyện ủy mượn lâu không trả cho bà Thu, ông Dũng bán gia sản để trả thay, đồng thời cho huyện ủy ký giấy nợ mình. Mặc dù bị xử thua kiện cả sơ thẩm và phúc thẩm, nay chỉ còn 10 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi. Thế nhưng, Huyện ủy và Cục Thi hành án Đồng Tháp đến giờ vẫn cứ cù nhây, không biết bao giờ mới trả dứt điểm cho dân.

Ông Lê Phú Dũng: “Chỉ vì tin lời cán bộ mà 30 năm nay tôi mất tất cả…”. Ảnh: FB tác giả

Trong khi đó tại Phú Quốc – Kiên Giang, chính quyền huyện đảo lại đang đi “tranh” đất với dân. Theo nhà báo Đoàn Kiên Giang, người dân mua đất viết giấy tay từ 2007, sau 7 năm UBND xã “nhảy vào bảo đất công, và tổ chức cưỡng chế”. Khi người dân đang trong quá trình gửi đơn thư tố cáo, khiếu nại thì UBND huyện “âm thầm duyệt cho di dời một công trình Nhà hiệu bộ ở nơi khác về ‘đè’ lên đất đang tranh chấp“.

Nhà báo Đoàn Kiên Giang bình luận: “Sự đã rồi, phủ bênh phủ, huyện bênh huyện. Dân kêu cứu khắp nơi, ĐBQH lên tiếng vẫn chưa ăn thua. Phận dân lăn lóc. Phải nói là mưu cao kế hiểm. Nhưng nghiệt nỗi, lại là dành điều đó cho dân lành“.

Chính quyền cưỡng chế hộ dân trên huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Nhà báo & Công luận

Nhiều cán bộ đảng viên bị khai trừ đảng

Hôm nay UBKT Trung ương đảng CSVN đã thi hành kỷ luật bằng cách khai trừ khỏi tổ chức này hàng loạt cán bộ. Tuy nhiên, những cá nhân này chỉ là những con “muỗi” so với “ruồi” và “hổ” mà người dân mong đợi từ lâu. Trong số những cá nhân bị kỷ luật đợt này bên quân đội dính tới 5 người, đặc biệt là đại tá Bùi Tiến Lợi, thuộc Trường Sĩ quan Công binh, bị giữ nguyên hình thức khai trừ đảng.

Theo báo Dân Việt, tội của ông Bùi Tiến Lợi “phát tán trên mạng xã hội nhiều tài liệu của Đảng và Nhà nước, đưa nhiều tin bài với ngôn từ kích động, lời lẽ thô tục, coi thường kỷ cương phép nước” và “điều nghiêm trọng hơn trong trang phục quân nhân ông Bùi Tiến Lợi còn đăng một đoạn clip với nội dung hoàn toàn sai trái, đó là ‘ai đó nói rằng Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa thì đó là tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế, không đúng với Công ước về luật biển năm 1982′.

Facebooker Bùi Văn Thuận bình luận: “Lỗi của Lợi không phải là ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ mà là do quá hăng hái bảo vệ chế độ một cách điên cuồng, ngu dốt và cuồng tín. Lợi là hiện thân và đại diện tiêu biểu cho đám giáo sư tiến sĩ, giảng viên các trường lý luận, trường công an, quân đội…

Theo quyết định của Đảng ủy trường Sĩ quan Công binh, đầu năm 2018, ông Bùi Tiến Lợi đã từng bị cho thôi tham gia vào “Lực lượng 47” của trường:

Quyết định của Đảng ủy trường Sĩ quan Công binh. Nguồn: Bùi Văn Thuận

Tin Hồng Kông và Tân Cương

Hôm nay, nhà hoạt động Hoàng Chi Phong cho biết, anh đã chính thức nộp hồ sơ tranh cử vào cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, dự định sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay. Trả lời báo chí, Hoàng Chi Phong tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng sẽ khiến thế giới biết rằng chúng tôi không lựa chọn đầu hàng, cách chúng tôi không lựa chọn quỳ gối trước Trung Cộng”.

Nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong đăng ký làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp sắp tới tại Hồng Kông. Nguồn: Reuters / Tyrone Siu

BBC đưa tin: Anh quốc chuẩn bị đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa London và Bắc Kinh, Ngoại trưởng Dominic Raab dự kiến sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ của Anh với Hong Kong, nhằm đáp trả các hành động của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ này.

Cũng BBC có bài: Đại sứ Trung Quốc tại Anh bị BBC hỏi xoáy về người Duy Ngô Nhĩ. Về chương trình triệt sản đối với phụ nữ Uighur ở vùng Tân Cương mà nhà cầm quyền Trung Cộng thực hiện, ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, đã phủ nhận. Nhưng ông Lưu bị phóng viên Anh truy những hình ảnh từ drone, cho thấy cảnh người Duy Ngô Nhĩ bị bịt mắt và đưa lên tàu.

Mời đọc thêm: Anh cáo buộc TQ ngược đãi thô bạo người Uighurs ở Tân Cương (BBC). – Hàng ngàn người Mỹ nghỉ làm phản đối bất bình đẳng chủng tộc (VOA). – Mỹ: Thị trưởng Portland yêu cầu lực lượng liên bang rời thành phố (BBC).

***

Thêm một số tin: Ông giám đốc ‘bặm trợn’ và những ‘chuyến xe 0 đồng’ ở Quảng Ngãi (NV). – Vac-xin ngừa Covid-19: Anh Quốc tố cáo Nga tấn công tin tặcCovid-19: Trung Quốc mở chiến dịch xét nghiệm quy mô tại Tân Cương (RFI). – Tông nát xe cảnh sát, không bị bắt, còn được cho tiền đi chợ, trả tiền nhà (NV). – Covid -19: Tổng thống Trump bị bắt bẻ trên đài Fox News (RFI). – Ông Tập Cận Bình lặp đi lặp lại về ‘vai trò trọng tâm của Đảng Cộng sản’ (BBC).

Bình Luận từ Facebook