18-7-2020
Theo dõi ca mổ tách rời cặp Song Nhi, một chuyên gia truyền thông hỏi tôi, báo chí đặc tả như vậy thì có xâm phạm quyền riêng tư quá không, có tôn trọng bệnh nhân không. Tôi không thể trả lời ngay được. Cuộc đời của hai cháu Trúc Nhi và Diệu Nhi sẽ còn ở lại trong y văn của loài người. Y học sẽ có một “case-study” vô giá. Bằng sự cống hiến cho y học thân phận của mình, hai cháu cũng sẽ được thụ hưởng những tiến bộ trong ngành y mà loài người đang có.
Tuy nhiên, có rất nhiều bức ảnh mà báo chí đưa lên một cách hăm hở, tôi không dám dừng mắt mình ở đó một giây. Tôi là cha của hai đứa con may mắn hơn. Nhưng, tôi nghĩ, cũng như các con tôi, mai này khi lớn lên, Trúc Nhi và Diệu Nhi – dù biết đầy đủ sự thật về mình – vẫn chỉ muốn lưu giữ những hình ảnh tuổi thơ tươi đẹp.
VNExpress vẫn có nhiều góc nhìn nhân bản nhất (3 bức ảnh đầu). Không phải là sự hoành tráng của kip mổ lên tới 93 người mà là khả năng đặc tả: Sự tập trung cao độ của bác sỹ Trương Quang Định; Nụ cười ông phật của bác sỹ Trần Đông A; Ánh mắt lương y trong khoảnh khắc sau ca mổ của hai cháu. Hình ảnh người mẹ tựa đầu vào ngực chồng, cả hai cùng khóc (báo Gia Đình Mới) cũng rất giàu cảm xúc [trên mạng có một bức ảnh chụp tình huống này, ở xa, hay hơn, mà sáng nay tôi tìm không thấy].
Có những điều chưa có luật, chưa có án lệ; chưa thể nói rằng đúng hay sai. Nhưng phía trước ống kính là những số phận, phía sau ông kính là một nhà báo, cũng là một con người.
PS: Năm 1992, trong vụ máy bay Yak 40 rơi ở Ô Kha, cô Annette Herfkens, quốc tịch Hà Lan, là người duy nhất sống sót. Khi cô được đưa về Chợ Rẫy, tôi là nhà báo duy nhất có mặt trong phòng bệnh cô. Tôi đã đưa máy lên nhưng khi được nhắc nhở tôi đã không chụp. Đèn flash và tiếng máy cơ có thể rất ảnh hưởng đến một người đang ở trong trạng thái hoảng sợ và rất dễ bị kích động. Tôi trở lại Phòng Xuất nhập cảnh xin chụp ảnh của cô và người bạn trai đi cùng (đã chết) trong hồ sơ lưu ở đây. Khi đó, tôi quyết định từ bỏ một cơ hội làm nghề. Vì, tôi không chỉ là nhà báo.