Cứ nói điều mình cho là đúng

Nguyễn Thông

6-7-2020

Trong xã hội dân chủ, mỗi người đều có quyền biểu đạt suy nghĩ của mình. Không nên ép buộc nhau, bởi suy nghĩ của mỗi người mỗi khác. Thấy người khác trái ngược ý mình cũng đừng lấy làm phiền, mà nên tôn trọng cách hiểu của họ.

Chính vì vậy, tôi chả mấy khi chê bai các dư luận viên hoặc những người như Trần Nhật Quang (mà thiên hạ gọi là Quang lùn) khi họ có quan điểm riêng. Tất nhiên về tư cách và thái độ (chửi bới, lăng mạ) mà họ thể hiện thì không phục.

Rất nhiều điều, cứ nói ra là nhận sự phản ứng trái chiều ngay. Kệ, mình cho là đúng như mình nghĩ thì viết ra thôi.

Nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã rất vô trách nhiệm khi bật đèn xanh, buông lỏng, để mặc các địa phương, các trường bắt học sinh phải tựu trường, đi học sớm ngay trong hè, ngang nhiên cướp đoạt những ngày nghỉ hè quý báu của học trò. Học chán chê rồi mới khai giảng, khai trường. Túm lại là rất vớ vẩn.

Nhưng ai nói ra, phê phán chuyện ấy thì lập tức có ông bà lãnh đạo bộ hoặc các chuyên gia đăng đàn rằng không sao cả, học trước là hợp lý, chuẩn bị kiến thức chắc chắn cho trò trước khi vào năm học mới, đáp ứng nhu cầu của nhà trường và gia đình… Họ cứ “thì là mà” rất biện chứng, khoa học, trích dẫn cả Makarenko, cả cụ Hồ, đến nỗi không ít người cho là phải như vậy.

Chỉ có học trò chịu thiệt. Nhưng rồi cái sai cái dở không thể lăng loàn được mãi. Giờ thì chính Bộ Giáo dục phải tuyên bố, kể từ nay trở đi cấm tiệt các trường tổ chức dạy và học trước ngày khai trường. Lạ là sao chưa thấy những ông bà từng đăng đàn lên tiếng khen ngợi chủ trương mới mà cũ này.

Tuần trước, Bộ GTVT phải chính thức công bố không bắt buộc người chạy xe phải bật đèn giữa ban ngày, kể cả khi nắng gắt nữa. Dạo bộ đưa ra quy định ấy, lão hàng xóm nhà tôi cười, đ3o ai lại điên như thế bao giờ. An Nam chứ có phải nước Anh xứ sở sương mù đâu mà điên điên khùng khùng như thằng cha Thể.

Tuy vậy, vẫn có nhiều “chuyên gia” tỏ ra hiểu biết, mắng tôi không biết thì im mồm đi, cả thế giới người ta áp dụng vậy chứ đâu phải chỉ riêng nước mình, thế giới đã có công ước bật đèn ban ngày này nọ. Họ đi đó đi đây nhiều, đọc sâu hiểu rộng, họ mắng thế thì tôi đành chịu. Nay thì cái dự định bật đèn trưa nắng đã phải dẹp. Cũng may cho các quan trên, chứ ban ngày đã nóng nảy chói chang bỏ mẹ, chọc thẳng đèn pha vào mắt nhau lại chả dẫn đến đánh nhau ngoài đường suốt ngày, lúc ấy có mà giời can.

Vụ mua bảo hiểm dân sự xe máy cũng vậy. Nhiều đấng bậc nói đó là quy định có tính toàn cầu, mua bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi cho người bị tai nạn, để giảm tai nạn giao thông, rồi lại còn bênh cả công an đi làm thuê cho bên bảo hiểm… Tôi chỉ thắc mắc cái thẻ bảo hiểm xe máy chả liên quan gì tới tai nạn giao thông, đã dân sự tự nguyện mà lại lôi cả phú lít ra chặn đường phạt phiếc, thế là nhiều vị ào vào mắng không tiếc lời, rằng quen với kiểu sống man rợ, không biết sự văn minh. Vừa rồi, nghe nói chính phủ và quốc hội sẽ bàn, xem lại cái quy định trái khoáy này. Theo tôi, bàn gì nữa, cứ dẹp phắt, thế mới là văn minh.

Có một dạo, dư luận thắc mắc vụ CSGT phạt những người chạy xe quẹo phải không bật xi nhan. Họ rất máy móc, cứ rẽ phải mà không bật là phạt, bất cần biết lối quẹo ấy thế nào. Ai cũng rõ đèn xi nhan để cho người chạy phía sau biết hướng đi của người phía trước mà tránh. Nếu tất cả người trước sau cùng lưu thông một luồng thì cần quái gì xi nhan.

Chẳng hạn ở Sài Gòn, theo đường Phùng Khắc Khoan ra Điện Biên Phủ (Q.1) bắt buộc đều phải rẽ phải bởi cuối đường là công viên Lê Văn Tám chắn ngang, phía trái thì ngược chiều do ĐBP là đường một chiều; hoặc các đường Tản Đà, Trần Tuấn Khải chạy ra Võ Văn Kiệt (Q.5) cũng vậy, chỉ có chiều duy nhất là quẹo phải, ai cũng chạy lối đó, vậy thì xi nhan cho người phía sau làm gì. Nhưng những chỗ ấy CSGT rất thích đón lõng, phạt kiếm bộn tiền.

Có những vị tỏ ra thông thạo, bảo cả thế giới quy định rẽ phải bật đèn, cãi cái gì. Theo tôi chỗ nào rẽ phải như mấy ví dụ trên thì việc phạt là rất vớ vẩn, chỉ béo mấy ông phú lít giao thông, quy định máy móc thì nên dẹp. Luật để phục vụ con người chứ không phải để hành hạ con gnười. Ngay cả chủ nghĩa Mác-Lênin còn phải áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh VN nữa là, sao cứ phải bê nguyên xi như vậy.

Còn nhiều thứ khác nữa, hộ khẩu, bịt miệng báo chí, kinh tế thị trường có đuôi, chủ nghĩa xã hội… luôn có ý kiến trái chiều. Thấy trái thì cứ nói. Chỉ mong sao cuộc sống hợp lý sẽ cuốn phăng đi những thứ cố chặn dòng đi lên của nó.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả:”Thấy người khác trái ngược ý mình cũng đừng lấy làm phiền, mà nên tôn trọng cách hiểu của họ.” nhưng suốt cả bài t/g lại chỉ trích các cơ quan nhà nước.Đúng là suy nghĩ bất nhất

  2. Hoài cảm Hoài hương theo khói sóng Sông Seine
    ****************************************

    https://www.youtube.com/watch?v=O0Umq_ajh7I
    Có một thời một lần lưu đày luân lạc trời Viễn Tây
    André Rieu – Once Upon A Time In The West

    Tình Quê lâng lâng theo khói sóng Sông Seine
    Hoài hương khi Thủ đô Ánh sáng lên đèn
    Mây ơi Chim trời ơi mang tin nhắn đến
    Khi màn đêm buông xuống Hồ Gươm hương Sen
    Hoa Dạ Lan trên Bức tường thì thầm rộ nở
    Nhà tù Hỏa Lò thành Khách sạn Hilton đổi tên
    Vần thơ Hy vọng tù nhân khắc tường tuyệt vọng
    Ngoài kia bao khẩu súng trường đeo chéo lưng quen
    Một thời cuồng Mác cuồng Mao cuồng Hồ cuồng tín
    Tình người đành núp trong triệu cánh Hoa Hồng
    Một thời cuồng Mác cuồng Mao cuồng Hồ cuồng nộ
    Hoa chỉ còn nở muộn trong tim chân trần nhịp sống không
    Đôi mắt Người Hà Nội khai sáng lên bởi Vì Sao hàng triệu
    Và trên mặt Hồ Gươm lung linh khi màn đêm buông
    Bao Khát vọng bao Giấc mơ ám sát thủ tiêu còn vết máu
    Đây chỉ là Hoa Hồng hy vọng ngũ sắc Cầu vồng .. ..
    Có một thời một lần trời Viễn Tây lưu đày luân lạc
    Tình Quê lâng lâng theo khói sóng Sông Seine
    Mây ơi Chim trời ơi mang tin nhắn đến
    Hoài hương hoài cảm Thủ đô Ánh sáng lên đèn
    Khi màn đêm buông xuống Hồ Gươm hương Sen

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

Comments are closed.