Thông tin về việc luật sư đăng ký bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương

LS Đặng Đình Mạnh

29-6-2020

Sáng thứ hai, ngày 29/06/2020, luật sư Đặng Đình Mạnh đã đến Cơ quan An ninh Điều tra TP.Hà Nội để làm thủ tục bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương, người bị bắt từ ngày 23/06/2020 cùng với hai thành viên khác trong gia đình gồm cả bà Cấn Thị Thêu (mẹ) và Trịnh Bá Tư (em trai). Ngoài ba người vừa nêu, thì người bị bắt thứ tư là bà Nguyễn Thị Tâm.

Cả bốn người đều bị bắt giữ, khởi tố về tội danh theo điều 117 Bộ luật hình sự có cái tên cũ nôm na là: Tuyên truyền chống nhà nước.

Thông tin sơ khởi được biết: Tuy cùng tiến hành bắt giữ bốn người trong một ngày, nhưng bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá Phương đang bị điều tra chung một vụ án do Cơ quan An ninh Điều tra TP.Hà Nội thụ lý. Bà Cấn Thị Thêu tuy bị bắt giữ ở Hà Nội, nhưng bà và con trai Trịnh Bá Tư bị tạm giam và điều tra chung trong một vụ án khác do Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Hòa Bình thụ lý. Khả năng nhập hoặc tách vụ án như hiện nay giữa hai địa phương sẽ được xem xét trong thời gian đến.

Đối với ông Trịnh Bá Phương, từ khi bị bắt giữ cho đến nay, ông Phương giữ quyền im lặng, bất hợp tác với cơ quan điều tra. Ông từ chối ăn cho đến khi vào trại tạm giam, ông mới đồng ý ăn vì cho rằng đó là thực phẩm được mua bằng tiền thuế của dân.

Về việc nhờ luật sư bảo vệ: Từ tháng 03/2020, sau sự kiện Đồng Tâm, ông Phương đã sớm liên hệ, làm các thủ tục với văn phòng luật sư để bảo vệ cho mình khi phải vướng vào vòng lao lý. Theo thông lệ, sau khi tiếp nhận thủ tục đăng ký bào chữa của luật sư, thì Cơ quan Điều tra sẽ xin ý kiến của Viện Kiểm sát cùng cấp để ra văn bản giới hạn sự tham gia của luật sư trong vụ án ở giai đoạn điều tra.

Tội danh theo điều 117 Bộ Luật hình sự thuộc nhóm xâm phạm an ninh quốc gia, có hình phạt rất nặng. Trong trường hợp nghiêm trọng, hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Gần đầy nhất, thầy Nguyễn Năng Tĩnh cũng đã bị tòa án Nghệ An tuyên hình phạt lên đến 12 năm tù.

Bình Luận từ Facebook