Họ là ai?

Đoàn Bảo Châu

25-6-2020

Nguyễn Thị Tâm, còn gọi là Tâm Dương Nội là một nông dân lao động cần cù nhất tôi được biết. Tâm ra đồng từ 3, 4 giờ sáng để hái rau mang ra chợ bán, quay về lại ra làm đồng lúc 8, 9 giờ sáng.

Bởi ruộng vườn của người nông dân ở Dương Nội bị chính quyền lấy và số tiền đền bù không xứng đáng nên nhiều người trong số họ đã trở thành dân oan, là người hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của chính mình và nhiều người khác, trong ấy có Tâm.

Tâm là một người nông dân đấu tranh không biết mệt mỏi, cô kể với tôi là ngày cô ngủ có mấy tiếng, làm ruộng xong lại lên đường đến các cơ quan công quyền nộp đơn hy vọng tìm được công lý cho mình. Để được tỉnh táo, cô phải tống vào người không biết bao cà phê.

Người cùng khổ mới biết thương những người cùng cảnh ngộ với mình. Chắc các bạn đã từng được xem những clip khi Tâm thay mặt những nhà hảo tâm phát quà cho những bà con dân oan đang sống lay mắt ở vỉa hè Ngô Thì Nhậm, Hà Đông.

Cái giọng sang sảng khiến người ngồi cạnh còn phải váng đầu, trong những lần phỏng vấn, tôi thầm nể cái khí chất mạnh mẽ của người nông dân ấy.

Hôm qua, Tâm đã bị bắt cùng chị Cấn Thị Thêu, một nông dân mất đất đã từng vào tù hai lần cũng bởi do đấu tranh, hai con trai của chị Thêu là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cũng bị bắt, tất cả với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Ba mẹ con chị Thêu gần đây đã lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc đau lòng ở Đồng Tâm.

Tôi không biết hết những việc họ làm và tôi cũng không đủ thông tin để xem biết cái tội danh kia có đúng với họ không. Ở đây tôi chỉ muốn nêu ra câu hỏi là việc bắt giữ họ có hợp với lòng người không.

Họ là nạn nhân bị mất đất và chính quyền không giải quyết thoả đáng cho họ và chính vì vậy mà họ không ưa gì bộ máy cầm quyền. Đấy là một logic tất yếu. Chẳng lẽ con người ta phải bắt buộc yêu quý kẻ đã gây ra đau khổ cho mình?

Tôi không tin cái tội danh kia là đúng đắn bởi đã có biết bao phiên toà chụp mũ, phi lý đã xảy ra ở Việt Nam và qua những gì tôi chứng kiến họ làm trước công luận, tôi lại càng không tin. Trừ khi chính quyền nêu ra được những bằng chứng thuyết phục.

Các cán bộ chắc cũng phải đồng ý với tôi rằng các đồng chí của các vị đang tham nhũng tràn lan, quan chức ở các nơi đang lạm dụng cái luật sở hữu toàn dân về đất đai để cướp đất của dân lành. Đấy là một thực tế mà các vị không thể chối cãi được.

Một xã hội muốn phát triển theo con đường văn minh thì việc người dân phải đấu tranh với những sai trái là một việc cần thiết. Chính các vị trong bộ máy còn cảm thấy bất lực trước sự xuống cấp về đạo đức, nhân phẩm của những đồng chí cán bộ của mình cơ mà. Vậy tại sao lại bắt bớ, bịt miệng những tiếng nói phản biện hiếm hoi như mấy người này?

Chẳng lẽ các vị định biến 90 triệu dân thành những con cừu phục tùng vô điều kiện, bị đối xử thế nào cũng ngoan ngoãn chấp nhận?

Tương lai đất nước này sẽ ra sao khi người dân không thể mở mồm nói ra bức xúc trong lòng. Triệt tiêu tiếng nói phản biện chính là giết đi sức sống nội tại của một dân tộc và đấy là một tội ác với dân tộc, với tổ tiên.

Các vị định dùng nỗi sợ để cai trị con người? Nếu một dân tộc chỉ hành động theo nỗi sợ thì dân tộc ấy sẽ thoái hoá thành một dân tộc nô lệ. Đất nước này cần nhiều những con người như họ.

Các vị cần nhìn xa hơn, sâu hơn vào sức sống nội tại của một dân tộc để có được hành xử đúng đắn. Tôi không chỉ thương mấy người bị bắt mà lòng tôi còn đau buồn khi nhìn thấy dân tộc này đang biến thành một giống loài hèn nhát, an phận, tuân phục. Chính sự hèn nhát, tuân phục ấy sẽ khiến những kẻ xấu mặc sức tung hoành, mặc sức cướp phá tài nguyên của đất nước.

Rồi đây những bà con dân oan đang vật vờ trên vỉa hè sẽ thấy cô đơn hơn khi vắng Nguyễn Thị Tâm, 29 người dân Đồng Tâm và người thân của họ cũng sẽ cô đơn hơn khi vắng 3 mẹ con nhà chị Cấn Thị Thuê.

Và trên mặt trận truyền thông, đất nước này có vẻ đẹp đẽ yên bình hơn, nhưng nước mắt dân oan sẽ chảy nhiều hơn, tiếng thét khản cổ của họ sẽ tuyệt vọng hơn và cái chết đau khổ của họ sẽ âm thầm hơn. Bao triệu con em người dân đã đổ xuống để các vị tạo ra một xã hội như thế này ư?

Các vị có dám tranh luận những vấn đề như thế này một cách bình đẳng và công khai không?

Đối với tôi, những gương mặt nông dân này đáng quý và đáng trân trọng nhất trong xã hội này.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
    bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
    hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
    hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.
    bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
    chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
    cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.

    tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.
    không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
    lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
    khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
    biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.
    mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
    sợ nữa đi có sợ mãi được không,
    cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
    mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”.

    bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
    lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
    còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
    sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất.

    tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
    cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
    vì người ta cần ánh mặt trời,
    tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi! NDK

  2. Họ là ai?
    Họ là những kẻ chết thay cho mọi người khi đã được ” khai trí”. Công lớn thuộc về những kẻ ” trí khai”như anh ĐBC

Comments are closed.