Tố tụng là nhân quyền

Đặng Đình Mạnh

16-6-2020

Cách nói “Có sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” là một bẫy rập nguy hiểm, nó làm méo mó, thậm chí, đến mức triệt tiêu đi một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp hình sự là “Luật hình thức (thủ tục) quyết định luật nội dung”. Vì lẽ, cách nói đó không chỉ sai nội hàm mà còn tự tiện lập tạo ra khoảng dung sai co giãn cho điều không được phép co giãn.

Về nội hàm, nguyên tắc “Thủ tục quyết định nội dung” yêu cầu xác định có sai sót về tố tụng hay không? Chứ không đặt ra vấn đề có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Nếu có sai sót về tố tụng, thì chỉ cần yếu tố CÓ thì cũng đủ vô hiệu hóa về chứng cứ buộc tội nếu nó được thu thập không đúng quy định tố tụng. Nếu chứng cứ đó thuộc loại quyết định trong vụ án, thì xem như cả vụ án phải buộc đình chỉ.

Bên cạnh đó, cách nói “Có sai sót về tố tụng nhưng KHÔNG làm thay đổi bản chất vụ án” đã tạo ra khoảng dung sai co giãn, như:

– Có sai sót về tố tụng nhưng KHÔNG làm thay đổi bản chất vụ án: Sẽ vẫn được chấp nhận (như quan điểm của 17/17 vị thẩm phán thuộc Hội đồng Thẩm phán TATC đã quyết định trong vụ án Hồ Duy Hải, bác kháng nghị của VKSNDTC).

– Có sai sót về tố tụng làm thay đổi ÍT hoặc NHIỀU bản chất vụ án: Thì có thể được chấp nhận (vì ít) hoặc không (vì làm thay đổi nhiều).

Thế nên, trong luật pháp hình sự của quốc gia tiên tiến, chỉ có quyền đặt vấn đề CÓ sai sót về tố tụng hoặc KHÔNG, chứ không có quyền đặt vấn đề NHIỀU sai sót tố tụng hay ÍT, Và tuyệt đối, càng không bao giờ có quyền đặt ra vấn đề hết sức xa lạ với ý chí trọng pháp “Có làm thay đổi bản chất vụ án hay không”.

Tố tụng chính là nhân quyền, tố tụng càng chặt chẽ nhân quyền càng được tôn trọng. Với ý nghĩa đó, tố tụng chính là thước đo nhân quyền trong một quốc gia có thiết lập nền tư pháp.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ông Bình phải chăng là ” dù sai hay đúng, ông đây đã quyết chốt thì cấm ai lèo nhèo “, hay là ông phải ra mặt cho ai đó để hứng lời dư luận ? Ông này phát biểu gây hài cũng không khác gì Táo Gala cười cuối những năm trước.
    Hơi tục tĩu tí, khi nghe câu ” phân tuy có nhưng không ảnh hưởng mùi vị nồi canh “, thực khách sẽ nghĩ thế nào ? Đừng nói đến công lý quyết định mạng người.

  2. Đọc Báo lề phải Giáo dục bài: „Kỷ Tà Lưa: Công lý Tà Lưa“ https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/ky-ta-lua-cong-ly-ta-lua-post209991.gd
    khá thú vị, trong đó có đoạn tôi muốn trích: „ … câu nói nổi tiếng của St. Augustine, triết gia thời trung cổ: “Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?”. Ông Bình muốn có công lý, trong khi Ông ta bằng mọi cách buộc tội cho Hồ Ngọc Hải qua „25 lời thú nhận“ mà bỏ qua những lời „không nhận tội hay kêu oan“ (Ông ta có biết lời khai của bị cáo hay đại diện luật sư trước Tòa là quyết định không và xin nhớ quên LS Võ Thành Quyết đi?) và đặc biệt Ông ta khẳng định Hải không bị „mớm cung, bức cung, hay bị nhục hình – trong khi Ông ta quá rõ Bộ Luật hình sự 1999 mà dựa vào đó cơ quan tố tụng làm việc đã có điều luật (299) có thể nói khuyến khích bức cung và nhục hình (nếu khai đúng sự thực) chỉ là bước lo-gik tiếp theo và thực tế đã diễn ra tràn lan không thể chỉ ở vụ Nguyễn Văn Chấn. Và khi cán bộ điều tra đã vận dụng Điều luật 299 nói trên thì họ – cũng như ông Bình và cơ quan điều tra hiện nay – phải bằng mọi cách bảo vệ cho các việc làm quá khứ để chứng minh họ làm đúng luật – còn không thì họ phạm tội, và đó chính là lỗi của Luật mà sau này Bộ luật 2015 đã phải sửa đổi điều này.(Đ. 374). Dư luận hiện nay chờ đợi việc Quốc hội không chấp nhận Bản án giám đốc thẩm để xét xử lại. Tuy vậy điều đó xảy ra và lúc đó ông Bình vẫn ngồi ghế chủ tọa và 16 thẩm phán kia lại ngồi ghế xét xử – nếu như họ sau khi quốc hội quyết định phải xử lại nhưng không tự rút lui khỏi chức trách hiện tại – thì không hiểu có nghịch cảnh nào lớn hơn và ai tin họ có dũng khí sửa sai(!?)

Comments are closed.