Tương ngộ tự do

Tâm Chánh

1-6-2020

Một lịch sử chưa phải đã xa, một cộng đồng người Trung Quốc “tị nạn chính trị” vào nước ta được người Việt đùm bọc cưu mang.

Những người Minh hương không chỉ bén rễ, xanh cây thành cộng đồng người Việt gốc Hoa. Họ được chính trị Việt Nam trao cho họ cơ hội và người Trung Quốc đã làm nên điều tuyệt vời tạo ra sắc hồn của các đô thị ngoại thương suốt các cảng thị Chămpa, Phù Nam.

Rời khỏi khung cảnh chật chội gò bãi khi cánh cửa phát triển kinh tế hàng hoá bị chính trị chính thống trói cột trong khuôn khổ kinh tế nhất sĩ nhì nông, từ thế kỉ 15-16, người Việt Nam chọn con đường xuôi Nam.

Cũng là độ đó, người Trung Quốc theo đuổi giao thương bắt đầu số phận luân lạc, do chính sách đóng cửa của Thanh triều.

Ra đi là sự đánh liều.

Nhưng vùng đất mới dù mới được người Việt kiến tạo, khai phá đã chào đón những số phận luân lạc ấy cùng dưới một bầu trời đủ khoáng đạt không chỉ cho sinh kế, mà cho cả thân phận con người.

Cuộc dấn thân tìm kiếm tự do từ giao thương và thị trường của cả người Việt và người Minh Hương tương ngộ trong một hành trình đặc sắc: Nam tiến.

Có lẽ khác nhiều những điều sách vở sơ lược, công cuộc nam tiến của người Việt Nam lại bắt đầu như một cuộc vượt thoát cá nhân khỏi khung cảnh bế tắc của mình ở nguyên xứ.

Liều mình làm một cuộc thiên di, tối thiết là mưu cuộc sinh tồn.

Ngay như họ Nguyễn, đó là một cuộc đào thoát khỏi một cuộc thanh trừng quyền lực trong một dòng họ quân phiệt. Cuộc đào thoát của Nguyễn Hoàng khỏi sự vây bủa của anh rể Trịnh Kiểm đã mở ra cục diện cạnh tranh chính trị Đàng Ngoài, Đàng Trong. Đàng Trong trong thế tự cường đã thực thi một nền chính trị cải cách chưa từng có tiền lệ, để trong vòng chưa tới 100 năm xứ Đàng Trong đã như một quốc gia hùng mạnh.

Hay những cuộc vượt thoát trong các trận đói tàn khốc vì thiên tai địch hoạ xứ Thanh, xứ Nghệ. Hay cùng cực như các tội đồ. Hoặc thân phận của lớp người hạ đẳng như Đào Duy Từ…

Mỗi một hành trình thân phận ấy ít nhiều đã phải vượt lên luân thường của trật tự kinh tế xã hội cũ để rồi những bước chân ban sơ vẹt thành sinh lộ mang tên Đàng Trong.

Trên vùng đất mới họ không chỉ phát huy cao độ năng lực của chính họ, mà còn được khẳng định bằng hệ qui chiếu nhân cách mới. Đàng Trong đã là một quốc gia tuyển mộ thực tài, kể cả từ lớp dân manh lệ và sử dụng họ đến tận chóp đỉnh quyền lực xứ sở.

Chẳng phải phận con hát như Đào Duy Từ, hay dáng vẻ lệch giới của Lê Văn Duyệt, sẽ còn ngụp lặn làm người trên đất cũ, mãn kiếp thấp hèn?

Mấy anh em nhà buôn Tây Sơn liệu có thoát khỏi bóng tối con buôn để giành được quyền lực chính trị nếu còn lắt lay, thập thò ở Hoan, Ái?

Người Đàng Trong, ngay cả làm nhà binh chuyên nghiệp, họ cũng thoải mái như đi làm mướn, có được quyền chọn chủ, khi theo Tây Sơn hay theo phò Nguyễn Ánh. Nếu quản thủ khiến họ không phục thì họ đăng lính cho bên đối địch.

Trong Hoàng Việt Hưng Long chí, một quyển sách được hậu duệ Ngô gia văn phái viết hồi cuối thế kỉ 19, được nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản bản dịch từ bản tiếng Pháp kể câu chuyện Nguyễn Ánh năm lần vào thành Gia Định vật trận chiến trên sông Sài Gòn giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh chẳng khác nào Xích Bích.

Nhưng khi Nguyễn Ánh viện tới Chiêu Tăng Chiêu Sương, thì một vị tướng vốn đã mấy lần theo rồi lìa quân Tây Sơn, về đầu dưới trướng Nguyễn Huệ và là người bày mưu, lập kế chặn đánh giặc Xiêm ở Rạch Gầm Xoài Mút, còn truy đuổi Chiêu Tăng Chiêu Sương trên nhiều ngõ sông rạch Nam Bộ.

Các tướng lĩnh bại trận của nhà Minh như Trần Tuấn Tài, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch liệu có thoát khỏi vòng đời quân phiệt nếu không gian chính trị Đàng Trong không cho họ thân phận những người khai phá, mở cõi. Chính họ đã tạo ra một căn cước khác cho họ từ Nông Nại, Mỹ Tho, Ba Xuyên…

Hay họ Mạc còn luân lạc ngoài biên viễn Hà Tiên, sớm hàng tối trốn, khi với Chân Lạp, lúc với Xiêm La, để rồi chỉ bằng một cái gật đầu của chúa Nguyễn đã đường hoàng bước vào triều, được tôn vinh như một phó vương của người Việt.

Tượng đài Mạc Cửu tại thị xã Hà Tiên. Ảnh: BTLSQG

Người Việt, người Hoa và cả cư dân bản địa có chung tương ngộ tự do để cùng phấn đấu cho đời mình, đời con cháu mình.

Đoan quận công Nguyễn Hoàng dùng chính hàng binh của mình lập ấp mở làng, thực thi một nền chính trị khoan hoà cởi mở, đổi thế trọng nông sang phát triển ngoại thương, tiềm lực quốc gia được củng cố từ các mặt hàng nông sản đến việc hồi sinh thương cảng Hội An giao dịch với người Nhật, người Tàu, mở ra một tầm nhìn biển chưa từng có trong lịch sử người Việt, và có lẽ của cả người Tàu khi đó. Từ những năm tháng đó, chính những người Việt gốc Chăm phò họ Nguyễn đã tiến ra xác định chủ quyền của Đàng Trong ở Bãi Cát Vàng.

Chính tầm nhìn biển đó làm người Việt, người Minh Hương, người bản địa đã cùng gắn bó số phận của mình trong đại cục phát triển hàng trăm năm sau đó trên suốt vùng đất phương Nam.

Diễn dịch bằng tư duy chính sách hiện thời thì Đàng Trong là một khung cảnh xã hội hoá năng lực phát triển, ý chúa, lòng dân thuận chiều.

Nhà nước dường như tập trung chủ yếu cho việc tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh, thực hành yêu cầu đó như một lợi thế cạnh tranh.

Cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ đem xứ Hà Tiên đầu phục chúa Nguyễn sau khi đã đầu phục Chân Lạp hay bị Xiêm La cướp phá, bắt giam gần như cả gia tộc.

Uy vũ của Lê Văn Duyệt có lẽ cũng từ vị thế quân lực, kết hợp cùng mối giao hảo với người Anh mà vị tổng trấn Gia Định lừng danh này triển khai.

Chính trị Đàng Trong còn là sự thu phục rộng rãi dân tâm qua phép dùng người, giao việc và có phương thức quản trị ngân sách hiệu quả hơn Đàng Ngoài cũng như các chính quyền bản địa.

Quả như vật đổi sao dời.

Việt Nam trong ngàn năm chính trị cố cựu sông Hồng không có cải cách chính trị nào đột phá mạnh mẽ như vậy.

Nhưng chỉ chừng đó thôi, cả người Việt lẫn người Hoa vốn chỉ có viễn cảnh Nghiêu Thuấn làm giấc mơ. Khi có quyền lực chính trị trong tay thì cũng là lúc giấc mộng tự do chọn con đường chiêu an về chính thống.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Những người di cư từ lục địa già đã kiến lập nên nước Mỹ.
    Những người di cư từ Hoan, Ái cùng người Minh trốn chạy nhà Thanh đã khai phá miền Tây trù phú.
    Cốt lõi trong những người di cư là sự khao khát tự do, khao khát thể hiện mình. Bản lĩnh đã giúp họ tồn tại và khai mở.
    Những kẻ khư khư ôm lấy những giáo điều, từ Khổng Mạnh đến Mác Lê, là những kẻ thủ cựu. Chúng đang chìm dần trong vũng lầy của sự phản động.

Comments are closed.