30-5-2020
Trầm cảm làm cho con người có hành vi tự hủy hoại bản thân, tự làm tổn thương thân thể mình, làm mình bị mệt mỏi, đau đớn hay tự sát với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng. Đa phần chính chủ thể cũng không nhận ra hay không cảm nhận một cách cụ thể.
Trầm cảm làm chủ thể không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng bản thân, từ chối tham gia bảo hiểm, những hình thức bảo vệ. Dễ thấy nhất là không đội mũ bảo hiểm, không mặc áo phao, không cài dây an toàn… Cao hơn nữa là cắt xén, bứt tóc, dùng vật sắc nhọn khắc lên da thịt, tự cắn, tự làm phỏng. Các hình thức khác là ngủ ngày thức đêm để “trốn bớt” hiện thực xã hội, tự đầu độc với chất kích thích, chất gây nghiện, chất thức thần, phim ảnh đồi trụy, ngửi mùi hoá chất độc hại,…
Thậm chí, người trầm cảm đau khổ trong im lặng, không thể hiện cảm xúc và có mưu toan tự tử, thực hiện hành vi tự tử. Nhưng đáng sợ hơn là trầm cảm có thể khiến chủ thể có xu hướng tấn công người khác bằng thái độ, lời nói hay thậm chí là hành vi nguy hiểm nhiều cấp độ. Những tên tội phạm giết người nguy hiểm nằm trong nhóm đối tượng được nghiên cứu liên quan đến căn bệnh trầm cảm thể nặng. Mẹ giết con, bà giết cháu hay người thân huỷ hoại nhau cũng có thể bắt nguồn từ trầm cảm.
Tôi đoán nạn nhân Lương Hữu Phước – người bị toà Bình Phước xử án tù giam 3 năm, đã bị trầm cảm trước khi chết. Cái chết ấy được xác định về mục đích và cách thức. Đó là một hình thức phản đối đầy đau đớn. Chí ít, anh ấy không “kéo theo” ai/những ai, mà anh ấy cho rằng mang đến bất công cho mình. Nhưng vấn đề nào chỉ là “thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước” như nạn nhân đã viết…
Trên bình diện xã hội, khi đại đa số các công dân đều có vấn đề về trầm cảm, đó sẽ là một thảm hoạ. Những cuộc tự tử tập thể hay các vụ giết người hàng loạt chủ là phần đỉnh chóp của tảng băng. Việc mất an ninh trật tự diện rộng hay giảm gánh nặng an sinh xã hội dẫn tới bãi công, biểu tình chẳng hạn.
Từng có một cuộc trò chuyện sâu với một cán bộ phụ trách an ninh về cuộc biểu tình phản đối Formosa, người viết đã thẳng thắn: Các anh thử nhìn đám đông biểu tình ngoài con mắt nghiệp vụ thử xem. Đó là một đám đông giàu ẩn ức, bị kìm nén lâu ngày và chờ dịp xả ra. Đừng chụp mũ tất cả là phản động bởi nếu tất cả là phản động thì tính đoàn kết và tính liều mạng sẽ lớn hơn nhiều. Hãy nhìn họ là nạn nhân của một thể chế tồi thì sẽ thấy trong bản thân mình “có” họ.
Các cá nhân trầm cảm ở xã hội nào cũng có. Nhưng một xã hội có đông đảo các công dân trầm cảm thì xã hội ấy đang được quản lý rất tồi! Càng xử lý bằng “bàn tay sắt”, “nắm đấm thép” là càng tích tụ cơn trầm cảm của đám đông và điều đó rất nguy hiểm. Ví dụ, khi cái chết do tự sát của một người bị oan ức không thức tỉnh được nền từ pháp và không hề “cũng đáng lắm chớ” như nạn nhân Lương Hữu Phước; thì sẽ có những hình thức khác ở mức độ nguy hiểm hơn để thức tỉnh nền tư pháp nói riêng hay thức tỉnh xã hội nói chung.
Chỉ là bình thản nói rằng tôi thấy cơn trầm cảm xã hội kéo dài đã có những dấu hiệu không nhỏ về các hành vi huỷ hoại xã hội hiện nay. Và không có cải cách xã hội (chứ không chỉ cải cách tư pháp) thì đến lúc nào đó sẽ không thể kiểm soát được.
P/s: Được viết bởi một người từng trầm cảm, từng chìm trong rượu và các chất kích thích; bởi quá phẫn nộ trước thời cuộc. Tôi đang vượt qua cơn trầm cảm của mình bằng niềm vui công việc có ích, tập luyện thể thao và học cách yêu thương bản thân và mọi người, thay vì huỷ hoại sức khoẻ và nổi nóng với người khác.
“… Bão ngày mai là gió nổi hôm nay!
Trời chớp giật, tất đến ngày sét đánh!” tố hữu