25-5-2020
Đâu đó trên cõi mạng, mỗi khi ai đó là người đấu tranh xã hội bị cầm tù, lại vang lên đôi lời trách móc về vấn đề phương pháp đấu tranh. Ôn hoà hay cực đoan? Hài hước hay nghiêm nghị? Thực ra đó là những lựa chọn không dễ dàng khi bạn thực sự đối mặt với sự đàn áp khốc liệt của an ninh.
Hồi năm 2016, trong một lần biểu tình Formosa xả thải chất độc ra biển, một thằng em tôi bị bắt vào đồn. Bị bắt cùng nó là hàng chục người khác, tất cả bị tống lên xe buýt chở về cơ quan an ninh điều tra Hà Nội tại số 6 Quang Trung – Hà Đông.
Vì mặt thằng em tôi hiền lắm, lại bị bắt lần đầu tiên, nên đám sai nha túm ngay lấy nó để thị uy. Màn dạo đầu là tra hỏi tên tuổi như thường lệ. Màn thứ hai là bắt cởi đồ khám xét người, ngay trước đám đông, có cả phụ nữ. Nếu là một người khác thiếu kinh nghiệm, chắc hẳn là họ sẽ sợ rúm ró, hoặc gân lên phản đối, viện dẫn luật pháp, hiến pháp các kiểu với bọn an ninh điều tra. Nhưng xin thưa rằng, ở trong đó làm gì có luật pháp. Nếu ai còn tin rằng có luật pháp, có công lý ở xứ sở này thì hãy nhìn vào nhưng vụ án oan đã bị lôi ra ánh sáng như Hồ Duy Hải, Nguyễn Thanh Chấn…
Thế nên thằng em tôi đã chọn giải pháp là hiên ngang tụt quần giữa đám đông luôn, rồi chổng mông quay vào mặt đám an ninh. Ác hơn nữa, một thằng em khác cười rú lên nói: “Ôi thằng này chym đẹp quá”. Thế là cả đám đông đang còn ngơ ngác và hoảng sợ vì bị đàn áp, oà lên cười theo. Trò trấn áp và thị uy thất bại. Sau đó không còn ai bị khám xét người thô bạo như thế nữa.
Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ trong chuỗi hành trình đấu tranh của giới hoạt động Việt Nam. Nhưng nó chứa đựng một triết lý lớn về phương pháp đấu tranh với chế độ độc tài, mà rất nhiều nhà đấu tranh xã hội trên thế giới từng tổng kết. Trong tác phẩm “Cách làm kách mệnh” nhà hoạt động người Serbia tên là Srdjan Spasojevic từng viết thế này:
“Thông thường, những người đấu tranh phi bạo động hay trích dẫn Gandhi hoặc Martin Luther King, Jr. như là nguồn cảm hứng của họ, nhưng những con người đó, bất chấp rất nhiều phẩm chất tốt đẹp, lại không hài hước cho lắm. Nếu bạn hy vọng tạo nên một phong trào lớn trong vòng một thời gian rất ngắn, ở thời đại Internet và các kênh giải trí khác, thì sự hài hước chính là chiến lược rất quan trọng. Và thế là, vừa thong thả bước trên quảng trường Cộng Hòa, tôi vừa kể cho những người bạn Ai Cập về việc Otpor! đã sử dụng sân khấu đường phố như thể nào. Chúng tôi không làm điều gì quá mang tính chính trị, bởi vì chính trị thì nhàm chán, còn chúng tôi lại muốn mọi thứ phải vui vẻ và quan trọng hơn, phải buồn cười.
Trong những ngày đầu của Otpor! tôi kể, tiếng cười là vũ khí lớn nhất của chúng tôi để chống lại chế độ. Sự lãnh đạo độc tài của Milosevic, suy cho cùng, được tiếp nhiên liệu bởi nỗi sợ hãi: Sợ hãi các quốc gia láng giềng, sợ hãi bị giám sát, sợ hãi cảnh sát, sợ hãi mọi thứ. Nhưng trong suốt kỷ nguyên sợ hãi ấy, người Serbia chúng tôi đã học được một điều là chỉ có thể đánh bại nỗi sợ bằng tiếng cười, và nếu bạn không tin tôi, hãy thử nghĩ xem cách nào tốt nhất để trấn an một người bạn chuẩn bị vào phòng đại phẫu. Nếu bạn tỏ ra nghiêm trọng và lo lắng, thì nỗi lo lắng của cậu ta sẽ còn tăng thêm. Nhưng nếu bạn kể một câu chuyện vui, thì bỗng nhiên cậu ta sẽ thư giãn và thậm chí còn mỉm cười nữa. Nguyên tắc ấy cũng đúng trong trường hợp tổ chức các phong trào...”
Ở một đoạn khác, Srdjan Spasojevic viết: “Chẳng hạn trong một cuộc biểu tình phản đối Milosevic, các thành viên Otpor! ở thành phố Kragujevac của Serbia đã mang những bông hoa trắng – biểu tượng của bà vợ Milosevic, người ngày nào cũng cài một bông hoa nhựa lên tóc – và cài lên đầu những con gà tây, mà trong tiếng Serbia, gà tây là từ xấu xa nhất dành để gọi một người phụ nữ. Những con gà tây mới được đeo trang sức đó được thả trên đường phố Kragujevac, và công chúng được chiêu đãi một vở trình diễn hài hước trong đó những tay cảnh sát hung tợn của Milosevic chạy tán loạn vòng quanh, giẫm đạp lên nhau trong khi những con gà tây cũng chạy khắp các hướng và kêu quàng quạc.
Điều thú vị nhất là cảnh sát không có sự lựa chọn nào cả, bởi vì nếu để cho những con gà tây chạy tứ tung có nghĩa là họ đã chấp nhận sự bất tuân của nhóm Otpor!. Nhưng nếu đã được chứng kiến một tay cảnh sát lực lưỡng chạy theo một con gà tây giống như một nhân vật trong phim hoạt hình, bạn còn có thể sợ hãi trước anh ta nữa không? Đó là một ví dụ cho thấy suy nghĩ sáng tạo có thể biến lực lượng an ninh thành một bức tranh biếm họa trước mắt toàn bộ những người đi làm buổi sáng và rất nhiều phóng viên tới hiện trường để chụp ảnh, và tất cả những gì chúng tôi cần làm chỉ là một chuyến đi đến trại nuôi gia cầm và một chút khả năng tưởng tượng...”
***
Quay trở lại chuyện Việt Nam, chúng ta biết cuộc tranh giành vị trí trong đại hội 13 đang đến hồi gay cấn. Các ứng cử viên đang quyết liệt tung đòn hạ đối thủ bằng nhiều cách. Từ việc bới móc các vụ án có liên đới đến đối thủ, cho đến việc bắt bớ các cây bút tự do một cách vô tội vạ, hòng chứng tỏ vị thế hơn hẳn các đối thủ khác. Dù cách này hay cách kia, tất cả những thủ đoạn đó nhằm gieo rắc nỗi sợ, là vũ khí tối thượng của những tên độc tài.
Trong bối cảnh đó, mấy ngày gần đây nhà hoạt động Hoàng Dũng đã tung ra một trò đùa hài hước, ấy là thay avatar ủng hộ “tổng thống” Nguyễn Xuân Phúc. Có nhiều người hiểu và làm theo. Nhưng cũng có nhiều người tỏ ý phản đối việc này. Lý lẽ chung của họ là tại sao phải ủng hộ một nhân vật chóp bu cộng sản. Tại sao không dành sức lực lên tiếng đòi xoá bỏ chế độ độc tài toàn trị v.v…
Vâng tôi hiểu những đề nghị rất nghiêm chỉnh đó. Nhưng xin hỏi rằng ở đất nước này nếu có công dân nào chỉ kêu ca về giá điện, giá xăng, về những chuyện thường ngày trong đời sống thôi đã có nguy cơ bị công an mời lên làm việc… Đừng nói đến chuyện khi ai đó lên tiếng về thể chế, về nhân sự đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhẹ thì triệu tập, ép chỗ ở, việc làm. Kêu to quá thì nhốt luôn như ông Thuỵ, ông Thành mới gần đây luôn.
Thay vì thảo ra những kiến nghị, những tuyên bố rất vang tai, trò đùa “ủng hộ tổng thống” đang được tung ra lúc này sẽ khiến cho bộ máy chính trị khá lúng túng. Thử tưởng tượng vị thủ tướng của chúng ta đi họp cùng các đồng chí của mình trong đại hội đảng, không biết ông ấy sẽ giải thích thế nào khi bên ngoài nhân dân lại đồng loạt thay avatar ủng hộ ông lên làm tổng thống. Ơ, thế hoá ra là xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa à? Hoá ra đặt đảng cầm quyền ra ngoài vị trí quyền lực của nó à… Xin thưa rằng trò chơi khăm này mới thực sự là cái đang làm khó cho thủ tướng gấp vạn lần những kiến nghị, những tuyên bố dài lê thê chúng ta vốn hay gặp.
Tôi không có ý phê phán hay công kích những đề nghị, kiến nghị hay tuyên bố nghiêm chỉnh. Ý tôi muốn nói là thời điểm. Những đề nghị, kiến nghị hay tuyên bố chỉ có giá trị trên bàn đàm phán, khi những người đấu tranh đã có đủ thế và lực ngang hàng hoặc hơn với chế độ độc tài. Muốn có được vị thế đó, trước hết hãy dùng tiếng cười để xua đi nỗi sợ hãi trên đất nước này.
Các nhà độc tài không biết đùa. Họ sẽ mắc sai lầm ngớ ngẩn khi gặp phải những trò chơi khăm nho nhỏ. Và lợi hại hơn nữa, tôi chưa thấy nhà hoạt động nào có xu hướng đấu tranh theo kiểu hài hước lại bị bắt. Ít nhất là cho đến bây giờ. Trong đó có tôi, kẻ mấy năm trước dám cầm cái đĩa in hình lãnh tụ lên trề môi dè bỉu.