Quy hoạch báo chí, Nhà nước đang lạm quyền

Tâm Chánh

22-5-2020

Rốt cuộc thì người ta cũng kí văn bản qui hoạch trong sự đồng thuận cách mạng của các tờ báo. Qui hoạch báo chí có tác động và cách làm chẳng khác gì cải tạo công thương nghiệp. Làm cho sập tiệm hết thảy năng lực sản xuất của miền Nam, để rồi tưởng thưởng cho mình công trạng cho ra đời nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Không nên và không thể coi mãi đó là công lao đổi mới.

Thị trường báo chí Sài Gòn là một thị trường lâu đời hàng đầu ở châu Á. Cách thức vận hành của thị trường báo chí Sài Gòn cung cấp định dạng cho cơ chế quản lí nhà nước về báo chí.

Sau năm 1975, thế chế mới căn cứ vào luận điểm báo chí cách mạng biến các cơ quan báo chí thành công cụ cầm quyền. Ban đầu còn giải thích trên cơ sở học thuyết cách mạng về quan hệ sản xuất. Khi mà chính cái học thuyết ấy sụp đổ, kinh tế vận hành trở lại qui luật thị trường, thì báo chí vẫn bị quản lí bằng học thuyết đã được thực tế chứng minh là đổ vỡ đó.

Năm nào người ta cũng ca tụng đủ thứ công trạng của báo chí. Rồi thì ru trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước của nhà báo. Thực tế thì chẳng một ai đe doạ đến tồn vong của cách mạng bằng chính hành vi của hai ông lãnh đạo cấp cao của đảng quản lí về báo chí. Hai vị bộ trưởng liên nhiệm đều bày ra cái thực chất nhám nhúa được chính thể che lọng, rước kiệu đặc thù quản lí. Họ bán cái tài sản phái sinh từ một chứng từ xác lập khả năng tự do của dân chúng về thông tin.

Điều kì diệu là cuộc bán mua được chi trả bằng tiền của dân, cũng là một sản phẩm phái sinh về mưu cầu tự do, hạnh phúc. Hai ông bộ trưởng làm tuyên giáo báo chí vào tù, người ta reo mừng vì thu lại được tiền tươi của một loại chứng từ phái sinh. Chẳng ai thèm đếm xỉa đến cái hậu quả của cái chi phí củng cố lập trường của hai ông ấy. Ngay đến nền báo chí cách mạng, ai dám nói chính sách quản lí của các ông ấy không gây hại.

Ngay khi đất nước đang nổ lực được nhìn nhận như một quốc gia thị trường thì chỉ bằng một quyết định chính phủ có quyền hành xử như chẳng có giới hạn trên một thực thể tài sản đang hợp pháp về quyền tài sản. Đó là chưa nói đến quyền ngôn luận của nhân dân đang được thực thi theo hiến pháp và luật thông qua định chế cơ quan báo chí.

Sự đồng thuận với đường lối, chủ trương của đảng đang đi quá giới hạn duy trì sự thống nhất chính trị của xã hội. Sự bất tuân sẽ dễ dàng được đeo khẩu trang phòng chống dịch hoạ hay được qui hoạch tham gia thế lực thù địch như thường thấy. Nhưng nhất định cách qui hoạch báo chí như vừa công bố về qui hoạch báo chí TP.HCM không được bảo đảm trong khuôn khổ luật pháp. Thực tế đó là lạm quyền.

Có lẽ báo chí không ai kêu cứu. Nhưng ngay đến cái chết của nó cũng không thể định đoạt một cách bất hợp pháp.

Bình Luận từ Facebook