19-5-2020
Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ “tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng”.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi Chủ tịch nước và Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải mà Viện này từng kháng nghị và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới có quyết định giám đốc thẩm hôm 8-5 rồi.
Trong báo cáo, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, Viện vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (ngày 8-5) theo thủ tục đặc biệt, quy định tại Điều 404 BLTTHS.
Đồng thời, Viện Tối cao mong muốn Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến chỉ đạo. VKSND Tối cao cho rằng quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ “tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng”.
Nội dung của báo cáo chỉ rõ: Trước khi có kháng nghị về vụ án Hồ Duy Hải (số 15, ngày 22-11-2019), vào ngày 16-4-2019, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã có báo cáo xin ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Đồng thời, Viện đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết Quyết định số 639 của Chủ tịch nước (trước đó) về việc bác đơn xin ân giảm tử hình để đảm bảo hiệu lực pháp luật khi Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành kháng nghị.
Sau đó, cơ quan này đã có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước với Viện Tối cao: “Đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải”. Do đó, Viện Tối cao khẳng định quyết định kháng nghị trong trường hợp này là đúng thẩm quyền theo luật định.
Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, do thấy không an tâm nên kháng nghị hủy án, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra lại để khẳng định một lần nữa Hồ Duy Hải có tội hay không.
Theo Viện Tối cao, tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã kết luận “sai sót về tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án” là trái với các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự như nguyên tắc “suy đoán vô tội” (Điều 13), nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” (Điều 15) và nguyên tắc “tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra” (Điều 19), trái với nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”.
Báo cáo của VKSND Tối cao nêu: Những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận “có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Viện Tối cao còn cho biết: Quy định của pháp luật hiện hành không có bất cứ điều khoản nào hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao. BLTTHS cho phép những người có thẩm quyền kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Cũng theo báo cáo: Về phạm vi giám đốc thẩm, Điều 387 BLTTHS chỉ cho phép Hội đồng giám đốc thẩm xem xét lại nội dung của vụ án mà không được xét kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao có đúng thẩm quyền hay không.
Nếu xác định kháng nghị trái thẩm quyền thì tòa án không thụ lý và phải trao đổi vấn đề này trước, nhưng trong thực tế tòa án vẫn thụ lý, mở phiên giám đốc thẩm và xem xét nội dung kháng nghị, nghĩa là thừa nhận kháng nghị đúng thẩm quyền. Hơn nữa, việc kết luận kháng nghị trái thẩm quyền đồng nghĩa với việc xét xử cả kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao là trái với phạm vi giám đốc thẩm.
Theo nhận thức của tôi khi để ra bản án giám đốc thẩm thì Tòa án đã sử dụng toàn bộ đội ngũ thẩm phán nên lúc này để xử lại theo Đ. 404 BLTTHS tôi sợ phiên tòa mới với thẩm phán cũ không đủ khách quan để xử. Vì thế những khó xử không thể vượt qua (sẽ xung đột với quy định tố tụng hình sự Đ. 49 và 53 BLTTHS) nếu theo logik phải thay thế toàn bộ đội ngũ thẩm phán cũ, chứ nói như ông Phó chánh án Trí Tuệ nói: „cả HĐTP chúng tôi lại ngồi lại xem xét một lần nữa“ trên các báo cách mấy ngày sợ cuối cùng sẽ nhiều khả năng bất lợi chính cho những người xét xử: Nếu xử đồng ý với kháng nghị thì chẳng lẽ trái lại suy nghĩ của bản thân trong phiên trước hay nói thẳng là „bị ép“. Còn xử bác kháng nghị lại lần nữa thì qua phản ứng của dư luân, phản biên và lí luận chặt chẽ của các chuyên gia luật chắc họ đã thấy là không ổn, và ngoài ra sẽ lại gây căng thẳng cho dư luận 1 lần nữa!