12-5-2020
Tất nhiên, sẽ thiếu sót nếu đo kết quả cải cách tư pháp chỉ trong hình dung bằng phiên giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải.
Nhưng phiên giám đốc thẩm do toàn thể hội đồng thẩm phán tối cao thực hiện với sự chủ toạ của chánh án tối cao, đồng thời là bí thư T.Ư đảng, lại có thể nhìn thấy cải cách tư pháp ở những vấn đề then chốt nhất của nó.
Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 được Bộ chính trị đưa ra vào tháng 6.2020, đã trải đến 5 đời Chủ tịch nước là trưởng ban chỉ đạo.
Một cách tổng quát, nó thiết kế lại hệ thống tư pháp, vốn là những ngành thực hiện nhiệm vụ an ninh nội chính của nhà nước, thành nhánh quyền lực thực hiện quyền tư pháp, hợp cùng quyền lập pháp, quyền hành pháp, thuộc chủ quyền nhân dân. Nó xác lập mục đích của quyền tư pháp, từ chỉ bảo vện nền pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ cầm quyền, đến bảo đảm công lý. Nôm na hơn, bộ máy tư pháp từ nhiệm vụ chính bảo vệ chế độ, bảo về lợi ích nhà nước, còn thực hiện vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đây là một trạng thái chuyển đổi quan trọng từ một nhà nước cách mạng đến một nhà nước quản trị xã hội, kiến tạo phát triển. Nó xác lập cụ thể trong đời sống chính trị tư cách ngang bằng giữa các chủ thể lợi ích, địa vị pháp lí bình đẳng của quyền tư hữu, công hữu, hay sở hữu tập thể. Chính vì lí do này, cải cách tư pháp được coi là một thể chế thiết yếu bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế thị trường.
Trên cơ sở chuyển đối đó, chiến lược cải cách tư pháp xác định toà án là chế định trung tâm của quyền tư pháp, bảo vệ nhà nước pháp quyền, bảo đảm duy trì công lý.
Nó nâng địa vị toà án từ cơ quan xét xử làm nhiệm vụ qui chiếu đường lối, chính sách và chỉ đạo của đảng, của nhà nước cách mạng dưới dạng bản án, thành trung tâm của quyền tư pháp xét xử chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện chức năng giải thích luật để luật pháp cập nhật kịp thời diễn biến của đời sống xã hội, bảo đảm quyền lực tối thượng của hiến pháp, bảo vệ quyền con người, thông qua hoạt động xét xử thực hiện chủ quyền của nhân dân điều chỉnh luật pháp và chính trị.
Phải nói rằng quan điểm cải cách này nếu không nói từ bỏ lí thuyết tổ chức quyền lực chính trị của nhà nước cách mạng, thì cũng là một tiếp nhận dứt khoát hệ thống tri thức về vận hành quyền lực phổ quát của văn minh mà những nhà lí luận biệt phái mệnh danh giai cấp vô sản vu cho là tư duy phản cách mạng. Đây là một thành quả của nhiều thế hệ nghiên cứu về luật pháp và chính trị của Việt Nam, cũng là bản lĩnh của những nhà lãnh đạo quốc gia thuộc thế hệ cầm quyền, trong công cuộc đổi mới như các ông Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương…
Vận hành quyền tư pháp chính là một cốt lõi thực hiện dân chủ. Nói đơn giản, nhà nước pháp quyền xác lập cách thức giải quyết các xung đột, mâu thuẫn bằng lí lẽ, cũng như cơ chế để các lí lẽ phù hợp với lẽ phải thành luật pháp, một công cụ thống nhất hành động, thay vì áp đặt bạo lực chuyên chính.
Chính vì vậy, chiến lược cải cách tư pháp xác định một trọng tâm đột phá là chuyển đổi mô hình tố tụng thẩm vấn, dựa vào bản cung, sang mô hình tố tụng tranh biện chứng cứ. Cùng với yêu cầu thay đổi đó là sự hình thành các định chế hỗ trợ tư pháp. Trong đó luật sư cũng là một công cụ thực hiện quyền tư pháp của nhân dân.
Nghị quyết 49 của Bộ chính trị còn yêu cầu mạnh mẽ quá trình thực hiện quyền tư pháp phải đặt trong sự giám sát chặt chẽ nhân dân, nhất là sự giám sát của các định chế đại diện như cơ quan dân cử, mặt trận và báo chí. Đây là một trụ cột tích cực triển khai chiến lược cải cách tư pháp. Thực tế vai trò giám sát này cần được ghi nhận như một thành tựu cần được tiếp tục thúc đẩy và làm cho nó chính đáng, mạnh mẽ hơn nữa.
Cùng với vai trò giám sát đó, chiến lược cải cách tư pháp cũng được triển khai dựa trên tác động của năng lực thị trường, năng lực chính trị.
Thị trường dịch vụ được sử dụng như một cơ chế để các công cụ hỗ trợ tư pháp không phải là công cụ ban phát làm sai lệch tư thế ngang bằng của các chủ thể ở pháp đình. Nhiều vụ án công lí được duy trì chính yếu bởi lao động nghề nghiệp xứng đáng của luật sư hay của các định chế hỗ trợ pháp. Sự tiếp cận của người nghèo với định chế này tuy từng trường hợp có thể phát sinh nhiều vấn đề cần bổ khuyết. Nhưng ngay trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải nó khẳng định định chế này là một trụ cột thiết yếu để bảo đảm công lý, và do vậy cùng đem lại kết quả cuối cùng của chiến lược cải cách tư pháp.
Tuy nhiên giống như mọi nội đung cải cách chính trị, cải cách tư pháp phụ thuộc chính yếu vào năng lực chính trị của hệ thống, bao gồm trong đó cả bộ máy lãnh đạo và bộ máy thực hiện. Năng lực ấy chủ yếu được hình thành bởi tư duy khoa học, bố trí tổ chức, cán bộ, bản lĩnh xử lí các tương tác chính trị tác động đến cải cách.
Xuất phát từ yêu cầu này, đảng đã xây dựng cơ cấu chức danh chánh án tối cao là thành viên Bộ chính trị, hình thành ban chỉ đạo cải cách tư pháp gồm những lãnh đạo thuộc hàng cao nhất trong hệ thống chính trị.
Chánh án tối cao Nguyễn Hoà Bình là nhân vật cao nhất của toà án từ trước đến nay có được chức danh Bí thư T.Ư đảng. Đó cũng là một vị trí quá giang. Đích đến phải là vị trí UVBCT.
Liệu ông Nguyễn Hoà Bình có phản ánh ý chí chính trị của đảng cầm quyền trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp?
Dường như những gì xuất hiện của ông Nguyễn Hoà Bình với phương thức nghị án 17/17 có vẻ lại đóng đinh các ý tưởng cải cách tư pháp trên chiếc giá chữ thập mà các môn đồ của bạo lực chuyên chính mang vác?
Đấu tranh này còn chưa đến trận cuối cùng.
Nguyễn Hòa Bình là xếp cũ của Lê Viết Chữ. Cả hai lại là người đồng hương huyện Nghĩa Hành-Quảng ngãi. Có khi nào Lê viết Chữ đóng đinh Nguyễn Hòa Bình lên giá chữ thập, để tự cứu mình ko?