9-5-2020
Phàm những sự việc kích động cảm xúc của đám đông, gây ra phản ứng dữ dội của dư luận thường vì chúng phạm vào những lẽ thường, là những thứ mà có thể cả những đứa trẻ biết chút ít cũng có thể trả lời rành mạch.
Đó cũng là những thứ mà đôi khi đứng trước những vấn đề phức tạp chúng ta thường quay trở về với nó để tìm câu trả lời giản dị nhất – “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”.
Kết quả vụ giám đốc thẩm mới đây châm ngòi làn sóng phẫn nộ của dư luận vì có những thứ trái khoái không hợp lẽ mà ai ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy được, trừ phi họ cố tình bịt mắt!
Chẳng hạn, một hội đồng 17 người nhưng 16 người còn lại phụ thuộc, bị ảnh hưởng từ một người đứng đầu trong đó thì có bảo đảm quyết định của 16 người kia là độc lập không? Hãy hỏi một đứa trẻ!
Hay nếu một người tham gia phân xử về một vụ việc mà bản thân ông ta có sự dính líu trước đó và việc đưa ra quyết định mới tiềm tàng khả năng ảnh hưởng đến uy tín của ông ta, vậy quyết định của ông ta có thể bảo đảm là công minh không? Hãy hỏi một đứa trẻ!
Liên quan trực tiếp đến vụ án, liệu một tổ điều tra yếu kém về nghiệp vụ và thiếu trách nhiệm đến mức không biết cách bảo vệ hiện trường, vật chứng, thì quyết định của tổ điều tra có bảo đảm công minh hay không?
Có ai chịu để cho bản thân mình trở thành đối tượng điều tra của tổ điều tra như thế hay không? Hãy hỏi một đứa trẻ!
Ở đây không đi sâu vào bản chất vụ án, bộ luật tố tụng được thiết kế để bảo đảm hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra oan sai.
Vì thế, chỉ cần một sai sót trong quy trình là phải làm lại từ đầu. Đó là thỏa thuận! Không bàn cãi!
Chỉ cần một vi phạm, cho dù một vị điều tra viên dày dạn kinh nghiệm và đáng kính nhất lấy sinh mạng ra bảo đảm rằng có làm lại vẫn cho ra kết quả y như cũ, thì vẫn phải làm lại. Đó là thỏa thuận!
Đứng trước sự việc này, có người nói tử tù bị oan, có người nói không oan, nhưng câu hỏi ở đây không phải là oan hay không oan, mà là đã làm đúng hay chưa?
Đa phần người ta phẫn nộ cũng không phải vì người ta nghĩ tử tù bị xử oan mà là đã có sai sót xảy ra và tử tù bị tước cơ hội trải qua một cuộc điều tra và một trình tự xét xử công minh nên phải làm lại từ đầu.
Thế thôi! Không cần phải nhập nhèm đánh tráo khái niệm!
Về mặt chính trị, rõ ràng sau những nỗ lực phòng chống dịch bệnh miệt mài mang lại không ít sự tin tưởng mới lẫn cũ cho chế độ, chúng ta quả thật đang đứng trước một tình huống “Ba thằng làm, một thằng phá”.
Nếu làm lại từ đầu, đúng luật mà vẫn cho ra kết quả như cũ thì làn sóng phẫn nộ ấy sẽ tự dập tắt.
Còn nếu để tình hình như hiện nay và sự việc diễn biến theo như thế, mãi mãi sẽ chẳng có cách gì xóa đi được nỗi hoài nghi, tức giận cũng như chán ghét của số đông, và nó sẽ được khắc ghi vào lịch sử như một vết nhơ không thể gột rửa của nền tư pháp, và có thể cả của chế độ.
Ở đây không nên nhầm lẫn giữa làn sóng bất bình vì phạm vào lẽ thường với một thứ mà không ít người ưa thích sử dụng như một ngôn ngữ thời thượng để tỏ ra hiểu biết là “dân túy”, hay tệ hơn là “sự ngu dốt của đám đông”.
Đây không phải là cuộc đối đầu với đám đông mà là đối đầu với lẽ thường. Vì thế, không nên đối xử với nó như cách đối xử với một làn sóng dân túy.
Hãy tôn trọng cơn phẫn nộ vì phạm vào lẽ thường ấy! Đó là nỗi bất bình có thật và nó sẽ không biến mất nếu không được giải tỏa một cách hợp lý.