Niềm tin nội tâm

Huy Đức

8-5-2020

Công lý và số phận của Hồ Duy Hải có phải đã là ưu tiên quan trọng nhất? “Y án” không đơn giản chỉ để cứu uy tín chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình (khi còn là Viện trưởng VKSTC ông đã từ chối kháng nghị). Bằng phán quyết này, thành tích “phá trọng án” của cơ quan điều tra 12 năm trước được bảo vệ; nền tư pháp không phải ghi thêm một án oan vào sổ đen…

Trong lịch sử tố tụng của nước ta, hung thủ của các vụ án mạng nghiêm trọng gần như đều nhanh chóng bị bắt. Tiền thưởng, huân chương, sao gạch… nhanh chóng được ban phát. Oan sai gần như chỉ được phát hiện khi “nạn nhân” từ “cõi chết trở về” [trường hợp em Tỏ ở Tiền Giang] hoặc hung thủ thật ra đầu thú [như trong vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và “bảy thanh niên nhận tội giết người ở Sóc Trăng” gần mười năm trước].

Chúng ta không biết rõ ai là thủ phạm. Nhưng, 17 vị tối cao thẩm phán biết rõ bằng chứng để buộc tội Hồ Duy Hải là có rất nhiều điểm khá mù mờ. Nhiều bằng chứng được thu thập theo cách vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Một khi có thể mua một con dao ngoài chợ thay thế tang vật, việc khiến cho một bị can cung khai trôi chảy một kịch bản giết người chẳng phải khó khăn gì.

Giá như các vị đừng ngồi trên cái ghế có nhiều hệ lụy như thế mà thử đặt mình trong vị trí của các dự thẩm, tôi nghĩ, các vị sẽ không dám tuyên như vậy. Các vị đã đưa ra một phán quyết rất có giá trị chính trị nội bộ; nhưng đêm nay, nếu không đi uống rượu, các vị thử gác tay lên trán, tự hỏi xem đó có phải là một phán quyết dựa trên pháp luật và niềm tin nội tâm của quý vị không.

Chúng tôi không đủ cơ sở để nói Hồ Duy Hải là vô tội. Nhưng chúng tôi cần được chứng kiến một phiên tòa công khai, nơi, công tố viên thuyết phục hội đồng xét xử bằng những chứng cứ thuyết phục. Thuyết phục trong trường hợp Hải được tuyên vô tội; thuyết phục ngay cả trong trường hợp Hải bị tuyên có tội.

Hủy án khi không đủ bằng chứng để kết tội ai đó không phải là sự thất bại của một nền tư pháp mà là sự chiến thắng của công lý. Ngay cả trong các nền tư pháp trưởng thành không phải mọi trọng án đều được tìm ra hung thủ. Tuyên bố vô tội cho một nghi phạm không có có nghĩa là các cơ quan tố tụng tuyên bố đầu hàng. Bởi, tuyên bố đó xác nhận hung thủ vẫn ngoài vòng pháp luật và các cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục thi hành phận sự. Mười năm ngồi tù oan của những bị án oan như ông Nguyễn Thanh Chấn là 10 năm tự do có thể gây án của những hung thủ thật.

Các vị có còn để cho niềm tin nội tâm của mình vận hành không. Một phán quyết như vụ Hồ Duy Hải, nếu oan, không chỉ làm tan nát một gia đình mà còn cấp thủ tục pháp lý cho hung thủ thật (nếu có) tự do gây án ngoài xã hội. Một phán quyết như vụ Hồ Duy Hải không những không có khả năng chấm dứt tranh cãi mà còn xói mòn hơn niềm tin của dân chúng vào khả năng cung cấp công lý của nền tư pháp vốn có rất nhiều khiếm khuyết này.

Bình Luận từ Facebook