Niềm tin mong manh

Ngô Anh Tuấn

6-5-2020

LS Lê Hồng Phong (Thứ 3 từ trái qua). Ảnh: FB tác giả

Luật sư Trần Hồng Phong được mời tham dự phiên toà giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải là một sự kiện rất quan trọng đối với nghề luật sư khi vai trò luật sư được ghi nhận trong một phiên toà giám đốc thẩm. Trước đó, hầu như chưa luật sư nào được mời tham gia vào những phiên toà này. Bản thân tôi cũng từng là luật sư hỗ trợ cho thân chủ trong hai vụ án dân sự đã được tòa hủy án theo thủ tục giám đốc thẩm (năm 2016 và 2018) nhưng cũng chưa một lần được toà mời lên, dù chỉ là để trao nhau một nụ cười thân ái.

Trong phiên toà sáng nay, sau khi nghe thư ký báo cáo sự có mặt của những người tham gia tố tụng, Thẩm phán chủ toạ phiên toà là Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, ông rất tiếc khi một số luật sư, kiểm sát viên tham gia trong quá trình giải quyết vụ án đã vắng mặt, bởi đây là phiên toà quan trọng, là dịp cùng nhau có trách nhiệm để làm rõ, xem xét lại vụ án.

Thấy giấy mời luật sư được tung lên mạng, nghe được tận miệng lời “có gang, có thép” của người đứng đầu ngành toà án nói như vậy, giới luật sư nở mày, nở mặt và không ít đồng nghiệp của chúng tôi và nhiều người dân kỳ vọng rằng vị thế luật sư sắp được nâng lên một tầm cao mới và quyền lợi người dân yếu thế sẽ được tôn trọng hơn. Nhưng, thực tế liệu có giống điều mà chúng ta kỳ vọng?

Trưa nay, trong buổi nói gặp gỡ, trao đổi với luật sư Trần Hồng Phong, ông khẳng định rằng:

1. Các luật sư mà ông chủ toạ có nhắc tới là luật sư Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Văn Hoà ông đều giữ liên lực và cả hai không được mời. Riêng luật sư Đạt, hiện đã định cư ở nước ngoài.

2. Trong quá trình diễn ra phiên toà, ông chỉ được nói khoảng trên dưới 20 phút, sau đó thì được chủ tọa mời ra để toà “làm việc nội bộ” (nguyên văn theo lời luật sư Phong), dù trong giấy mời rất trong trọng gửi tới ông trước đó, lịch ghi rõ là toà làm việc 03 ngày, từ 05-08/5/2020.

3. Phía đại diện VKSNDTC cũng mong muốn ông tiếp tục có mặt tại phiên toà này nhưng không được chấp nhận.

4. Ông có đề nghị thư ký đã lập biên bản ghi nhận sự việc này và ông sẽ có mặt tại toà vào chiều nay để xem biên bản ghi nhận ra sao.

Như vậy, thực tế thì có vẻ không như chúng ta nghĩ, không như chúng ta kỳ vọng, nếu không nói là đang đi theo hướng ngược lại. Toà chỉ mời đại diện một luật sư để “làm màu” chứ không thực sự cần lắng nghe nhiều điều ở ông vì nếu cần ông, không đời nào họ mời ông ra khỏi toà vì ông đã hết nhiệm vụ cả. Ở đây có hai tình huống xảy ra: Hoặc là toà hỏi các vấn đề liên quan theo hướng bất lợi và sẽ tuyên một bản án bất lợi cho thân chủ của ông nên không muốn ông ở lại khiến ông bức xúc; phương án còn lại là sẽ tuyên hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật theo cách như ông chủ tọa nói là “đóng cửa bảo nhau” – trong việc này, công luật sư chỉ là người truyền tin còn công lớn là của HĐXX với người quan trọng nhất, không ai khác là ông chủ toạ…

Đánh giá một cách tích cực, việc mời luật sư Trần Hồng Phong tham gia phiên toà xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là một điểm rất tiến bộ của phiên toà này. Nếu vị chủ toạ khách quan, công minh là tôn trọng đồng nghiệp của chúng tôi, tôn trọng nghề của chúng tôi và quan trọng hơn là tôn trọng những cơ sở pháp lý mà luật sư Phong đã chuẩn bị một cách công phu cho phiên toà này nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án thì đã không có sự việc đáng tiếc diễn ra sáng nay. Niềm tin vào sự công bằng, khách quan của ông chủ toạ phiên toà lịch sử diễn ra sáng nay đã bị lung lay rất nhiều sau hành động trái luật, thiếu suy nghĩ và chứa đựng nhiều khuất tất này.

Bỏ qua nhiều sự nghi vấn, trao đổi với các luật sư, tôi vẫn có niềm tin lớn về một kết quả có lợi cho Hồ Duy Hải (hủy án) vì đây là điều nên làm vào lúc này và nhiều người khác được hưởng lợi vì kết quả này khi mà ngày đại hội đang cận kề mà thành tích, công trạng, tội danh chưa thấy đâu khiến cuộc đấu đá, ganh đua chưa tới hồi phân giải…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Theo LS Ngô Anh Tuấn thì ông chủ tọa hay hội đồng xét xử đã có hành động „trái luật“ ở điểm nào? Điểm 2 Điều 373 BLTTHS quy định: „Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, … liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.“. Cần hiểu rõ ở đây là duy nhất chỉ có quyền: TRÌNH BẦY Ý KIẾN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ MÀ HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỐC THẨM YÊU CẦU, và nếu ai hiểu đúng thì khi họ không yêu cầu hay nói chúng tôi nghe thế là đủ thì lúc đó luạt sư được mời cần hiểu là mình HẾT QUYỀN. Và ai đòi quyền tranh tụng thì càng không được, vì không phải đối tượng có quyền kháng nghị (Người bị kết án và luật sư đại diện chỉ có quyền kháng án chứ không có quyền kháng nghị!).

Comments are closed.