Công lý có thật ư?

Ngô Huy Cương

28-4-2020

“Công lý” luôn là sự mong ước của loài người. Nó có tính chất của một lý tưởng cao siêu rất khó đạt tới, nhưng lại có những tiêu chuẩn hướng dẫn cụ thể về lối đi tới đó mà cần phải được giải thích cho những trường hợp cụ thể.

Nữ thần công lý thường được đắp nặn hay tô vẽ khác nhau bởi con người, nhưng thường phải thể hiện được bốn tiêu chuẩn:

(1) Cái đẹp (mà biểu tưởng là phụ nữ);

(2) Quyền uy (mà biểu tượng là thanh kiếm);

(3) Công bằng (mà biểu tượng là cán cân); và

(4) Sự khách quan (mà biểu tượng là sự bịt mắt).

Thế nhưng, có những nơi người ta đắp nặn hay tô vẽ thêm cho nữ thần công lý một số tiêu chuẩn khác, như:

(5) Sự thật (mà biểu tượng là sự khỏa thân); và

(6) Trí tuệ (mà biểu tượng là quyển sách cắp nách).

Và tất nhiên gọi là khỏa thân nhưng nhiều khi xiêm áo của nữ thần hững hờ đôi chút để lộ những đường cong chứ chẳng ai lại để cho nữ thần trong tình trạng không y phục đứng trước cửa toà.

Tôi nhớ có một lần báo chí lên tiếng về việc một nhà xuất bản nào đó in trên bìa của Bộ luật Dân sự hình ảnh một người đàn ông khỏa thân, cơ bắp tay cầm kiếm, tay cầm cân thay cho hình nữ thần công lý. Người ta cảm thấy ngay một nền công lý tục tĩu và thô bạo.

Nên nhớ, pháp luật không bao giờ là chân lý hay công lý mà nó chỉ có thể tiếp cận tới công lý qua cầu nối tư pháp. Có nghĩa là trong mối quan hệ giữa các định chế chính trị với pháp luật, thì lập pháp làm ra luật; hành pháp thi hành luật; còn tư pháp giải thích luật. Pháp luật có các công thức. Nhưng các công thức đó không giống với các công thức trong toán, lý, hoá mà phải được giải thích để rút ra giải pháp cho các trường hợp tranh chấp cụ thể.

Vì vậy chức năng của tư pháp, trong mối quan hệ với các định chế chính trị khác phân chia dựa trên mối quan hệ của chúng đối với pháp luật, là giải thích luật. Pháp luật theo nghiên cứu chung của các nước trên thế giới, trừ Việt Nam (trong môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật theo Sovietique Law), có bốn chức năng, bao gồm:

(1) Gìn giữ hoà bình;

(2) Thiết lập hoặc cho thi hành các tiêu chuẩn xử sự;

(3) Biến các dự định hay kế hoạch trở thành hiện thực; và

(4) Bảo đảm sự công bằng.

Tư pháp luôn gánh trọn chức năng thứ tư này. Biểu tượng công lý gắn với toà án là thế.

Tôi luôn thờ phụng tổ tiên theo truyền thống của người Việt. Song tôi không thể lý giải nổi việc lấy một đức vua cụ thể trong lịch sử ra để làm biểu tượng của công lý!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “nếu linh thiêng chắc hẳn người quá rõ
    dự án tranh đua núp dưới danh người
    tưởng niệm phụng thờ bao nhà hoành tráng
    tượng đá tượng đồng bao chốn bon chen 1

    “thanh bạch” răng xa xỉ rứa người ơi 2
    một chốn ngốn một phết tư ngàn tỷ 3
    thừa tám năm nuôi mọi người thiếu đói 4
    đủ cả năm nuôi gần hết người nghèo 5

    đừng để gian thần nấp bóng người ơi
    đừng để tôn thờ vẫy cờ tham nhũng
    đừng để quan yêu mà dân oán hận
    đừng để triệu người quá khổ khổ thêm

    xin hãy hiển linh nếu quả anh linh
    chặn đám hại dân nếu quả thương dân
    bỏ “tượng đồng phơi” tỏ “hồn muôn trượng” 6
    tỏ gấp đi người muộn lắm người ơi” H. X. P.

  2. “Công lý” chỉ là một cái tên mỹ miều để gọi cho những quan niệm đúng sai của một xã hội. Điều này có nghĩa công lý rất khác biệt giữa các quốc gia hay chế độ. Dưới một chế độ bất chính, công lý thuộc về kẻ mạnh, luôn được dùng để bóp chẹt mọi tiếng nói dựa trên lương tâm và công bằng xã hội. Người dân không bao giờ có thể dựa vào tiêu chuẩn đúng sai của luân lý hay đạo đức truyền thống hoặc đạo đức chung chung của loài người để mà sống, mà phải tìm cách dựa vào thế lực của những kẻ cầm quyền để leo lên chà đạp những người chung quanh. Quan niện “chính nghĩa thắng gian tà” cũng chỉ là những điều thêu dệt từ những câu chuyện kiếm hiệp. Thực tế cho thấy phe phái nào mạnh, phe phái đó trở thành “chính nghĩa”. Công lý được đặt ra và áp đặt lên người dầu người dân bởi phe có sức mạnh trên danh nghĩa của phe có “chính nghĩa”. Thực tế là thế đó!

  3. Bọn nó chỉ cần cái việc làm tượng thôi, tượng ai mà chả liếm láp chấm mút hít đớp như nhau, khai quật ông vua lên chẳng qua để dễ trình bày thôi, có quái gì mà không hiểu.

Comments are closed.