Vấn đề chủ quyền biển đảo: Cái bẫy của tranh luận

Chu Mộng Long

22-4-2020

Nhiều người chê mà như khen: “Thâm như Tàu!”. Nhưng tôi vẫn cho rằng, trí tuệ Việt chưa hẳn thua Tàu. Chỉ bởi trí thức Việt hiện đại ngày càng hoặc mê phục Tàu hoặc chống Tàu một cách võ biền. Còn ngày xưa đã từng có bao nhiêu sứ giả thông minh khẩu chiến trực tiếp với Tàu, buộc vua Tàu phải bái phục và thừa nhận chủ quyền của Việt Nam.

Xem Công hàm của Tàu vừa gửi Liên Hiệp quốc để “đấu khẩu” với Công hàm của Việt Nam, tôi nghĩ không nên chửi bừa mà cần tỉnh táo gỡ từng cái bẫy mà Tàu đã phô ra trong Công hàm của họ. Nên nhớ cái bẫy này không phải do Tàu tạo ra mà do chính ta giăng trước để cho Tàu tương kế tựu kế:

1) Cái bẫy lịch sử

Các học giả của ta dày công tìm kiếm chứng cứ lịch sử để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tôi đọc cả loạt tài liệu chưa in và sách in chính thức từ các học giả này thì thấy chứng cứ xưa nhất mà các ông đưa ra cũng chỉ quanh quẩn thời nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn có công phát hiện và giữ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho đến thời thực dân Pháp và sau Hiệp định Geneve 1954.

Công hàm của Tàu, cũng như điều họ loan truyền lâu nay, cho biết Tàu có đủ bằng chứng chứng minh Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) là của Tàu, vốn đã có từ thời cổ đại. Không nên chủ quan Tàu không có gì. Những gì các học giả ta làm họ điều biết cả. Và họ cũng mất nhiều công phu tìm kiếm trong di sản cổ của họ có Tây Sa, Nam Sa. Câu chuyện ngàn năm Giao Châu, Giao Chỉ thuộc Tàu thì Tây Sa, Nam Sa thuộc Tàu không phải là khó tìm ra bằng chứng!

Cho nên cách đây mấy năm, trong sự kiện tàu Hải Dương 981, các học giả của ta đưa ra chứng cứ lịch sử và nằng nặc đòi Chính phủ khởi kiện, tôi đã viết bài kêu gọi sự thận trọng. Rằng lịch sử như cái gậy ông đập lưng ông, cả phía ta lẫn phía Tàu. Ta lấy lịch sử đòi chủ quyền thì Champa, Cao Miên cũng đòi. Và chính Trung Quốc sẽ bị xé ra thành trăm mảnh, ít nhất phải trao độc lập cho Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng…

Lãnh thổ đã là một phạm trù lịch sử, thay đổi lớn nhỏ tùy từng lúc mạnh yếu khác nhau, thì không thể mang lịch sử ra làm chứng lý. Thổ dân châu Mỹ, châu Úc không thể đuổi người Tây ra khỏi lãnh thổ từng là của họ.

Đó cũng là cách tháo gỡ cái bẫy này. Chính Luật Biển và các Công ước khác của Liên Hiệp quốc về chủ quyền chỉ giới hạn phạm vi điều chỉnh trong thực tại mà không có chỗ nào nói về cái gọi là chủ quyền trong lịch sử xa xưa.

2) Cái bẫy “Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng”

Công hàm của Chính phủ ta gửi cho Chính phủ Tàu ắt Chính phủ Tàu lưu giữ như bửu bối và bây giờ không ngần ngại mang ra tranh luận giữa Liên Hiệp quốc. Tôi tin người Tàu xem cái bửu bối này có sức mạnh thực sự, chứ chứng cứ lịch sử trên kia chỉ là trò chơi vô nghĩa của trí thức dài lưng tốn vải. Nhiều người nói, Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn “vô giá trị”, vì sau Hiệp định Geneve, Hoàng Sa, Trường Sa do chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý.

Mới nghe tưởng chừng có lý, nhưng xem chừng cái lý đơn giản này lại sập bẫy do chính mình tạo ra. Chính quyền Việt Nam cộng hòa chưa bao giờ được nhà nước và sử gia chính thống công nhận là một chính thể (bây giờ vẫn luôn miệng gọi là “Ngụy”) thì làm sao quyền sở hữu Hoàng Sa, Trường Sa có thể được xem là hợp pháp? Tàu dại gì không đánh úp từ chiếc gậy thù địch văng ta từ bộ máy tuyên tuyền của chính người Việt?

Cho nên, muốn vô hiệu hóa cái bẫy Công hàm 1958 ấy, chỉ còn một cách thừa nhận sự tồn tại có tính lịch sử của chính thể Việt Nam cộng hòa, kể cả thừa nhận và vinh danh trận chiến Hoàng Sa 1974. Biết là khó, nhưng không phải không làm được vì chính Hiệp định các bên cùng ký tại Genneve cũng đã công nhận chính thể Việt Nam cộng hòa và chủ quyền của chính thể này từ nam vĩ tuyến 17!

3) Cái bẫy về “đứa con vô thừa nhận”

Công hàm của Tàu nói, một bằng chứng Việt Nam không sở hữu Tây Sa và Nam Sa là trên bản đồ và sách giáo khoa chính thống của Việt Nam không có hai quần đảo này.

Thì ra Tàu cũng đã lần nữa vượt xa trí tưởng tượng của các học giả Việt Nam. Họ chộp lấy cái khoảng trống thực tại (chứ không phải quá khứ), cái khoảng thời gian vì tình hữu nghị 4 tốt 16 chữ vàng, Hoàng Sa và Trường Sa gần như trở thành “đứa con vô thừa nhận”? Tôi tin họ có đủ các loại bản đồ và sách giáo khoa thời kỳ này nên mới dám to tiếng như vậy!

Cái bẫy này do ta tạo ra cho chính ta chui vào và rất khó gỡ. Tôi thật sự rối trí và xin nhường cho các sử gia, nhà giáo dục đã tạo ra cái bẫy nguy hiểm này!

Bây giờ thì giặc đã lộ ra hết các độc chiêu rồi đó. Nếu không gỡ nổi các cái bẫy trên thì việc đâm đơn kiện ra tòa dễ bị thua đau, trừ phi Tòa không như thằng WHO.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

  2. -Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc có nội dung:
    Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đại diện “Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố”:
    1/“Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý”.
    2/“lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm”:
    *”phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi,”
    *”Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận”
    *”quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa,”
    *”và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
    -Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 có nội dung:
    Thủ tướng Phạm Văn Đồng đại diện “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” chỉ gồm 02 điều:
    1/”, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.”
    2/”tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.”
    -Như vậy, công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ “ghi nhận và tán thành” “tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc” khi hải phận đó bao những phần “lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Vì thế, câu văn “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958,” đương nhiên là ko bao gồm việc “ghi nhận và tán thành” nội dung TQ tuyên bố những phần “lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” mà trong đó có kèm theo “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa,”
    -Các câu hỏi dc đặt ra là:
    1/Chu Ân Lai & Phạm Văn Đồng là 02 cá nhân, có đủ cơ sở pháp lý để đứng ra đại diện cho 02 đất nc, ký công nhận chủ quyền lãnh thổ của 02 đất nc? (văn bản đóng dấu Chính phủ có đủ cơ sở pháp lý QG, pháp lý QT?).
    2/Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố chủ quyền “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa,” dựa trên cơ sở pháp lý QT nào? Hay TQ tuyên bố chủ quyền chỉ với lý do mơ hồ là “đã được thiết lập trong một giai đoạn dài của thực tế lịch sử.”. Vậy khi TQ ko có chủ quyền “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa,” nhưng trong “bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958” Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại tự nhận là TQ có chủ quyền thì quá sai, rất lố bịch vì TQ tuyên bố “cái ko phải của TQ là của TQ”.
    3/“quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa,” thuộc chủ quyền của đất nc VN. Vậy Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đúng là đại diện hợp pháp có đủ thẩm quyền thay mặt đất nc VN công nhận chủ quyền với TQ?
    -Bao năm nay VN-TQ nói qua, nói lại nhưng rồi TQ là nc lớn vẫn lần lần lướt tới xem VN ko là gì. Vậy thì những năm tiếp theo TQ sẽ tiếp tục lấn, ko có gì cản dc. VN là nc nhỏ chỉ còn con đường duy nhất là đi kiện, tận dụng lợi thế TQ bị nhiều nc tẩy chay do TQ là nơi phát xuất đại dịch virus corona.

  3. Tư duy của thầy CML quả sắc bén, tỉnh táo. Không như đám trí thức dài lưng tốn vải mà.

  4. Công hàm 1958, tiến thoái lưỡng nan của Đảng cộng sản Việt Nam

    Đầu tháng 04 năm 2020, Trung Quốc công khai yêu cầu Việt Nam thực thi công hàm do Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ngày 21/9/1958, sau đây gọi là công hàm 1958.
    Nhiều người còn mơ hồ và tranh luận và cho rằng Công hàm 1958 vô hiệu vì nó chỉ tuyên bố Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau đây gọi là VNDCCH) tôn trọng chủ quyền lãnh hải của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung quốc (gọi là Trung cộng). Như vậy, bản chất Công hàm đâu có công nhận chủ quyền của Trung cộng đối với Biển Đông và các đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
    Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa của Công hàm, chúng ta cần hiểu nội dung nó tuyên bố cái gì, bối cảnh và tình thế lưỡng nan của Đảng Cộng sản Việt Nam.
    Trích Công hàm 1958 :
    “ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.
    Trích Tuyên Bố của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về Lãnh Hải được thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958”
    “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
    Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
    Như vậy, về bản chất với Công hàm 1958 Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ VNCDCH tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Trung cộng đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa mà Việt Nam đang gọi là Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc này Trường Sa và Hoàng Sa đang nằm dưới sự quản lý thực tế không tranh chấp của chính quyền miền Nam Việt Nam ( gọi là VNCH).
    Bối cảnh của bức công hàm 1958 , xét về điều kiện Việt Nam:
    – Vào năm 1958, miền Bắc Việt Nam ( VN DCCH) vừa mới trải qua cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất (1955-1956), tàn phá hầu như toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp. Kinh tế VN DCHC lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ kinh tế của Trung cộng; viện trợ của Liên Xô ( nếu có) cũng phải được vận chuyển qua Trung cộng bằng đường bộ rồi mới đến Việt Nam.
    – Bộ trưởng ngoại giao VNDCCH (4/1958-1962) lúc bấy giờ là Hoàng Văn Hoan, người khét tiếng có quan điểm thân với Trung cộng. Như vậy, đường lối đối ngoại của VN DCCH lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào HVHoan và câu chuyện công hàm 1958 là chuyện của Hoan+Đồng chứ không chỉ riêng Đồng.
    Như vậy, Công hàm 1958 có hiệu lực hay không?
    Chúng ta khoan bàn đến chế định Estopel hay Luật về Lãnh hải, Lãnh thổ hoặc Luật về Thẩm quyền tuyên bố cấp nhà nước của Việt Nam và Trung Cộng, chúng ta thử đặt công hàm 1958 vào lập luận “không hiệu lực” và “có hiệu lực”.
    a. Công hàm 1958 “không hiệu lực” :
    Định chế Esptopel nói nôm na ” ta không thể cho người khác mà ta đang không sở hữu hợp pháp”. Thời điểm 1958, VN DCCH ở miền Bắc và VNCH ở miền Nam là hai thực thể nhà nước có chủ quyền mặc dù cả hai chưa được Liên hợp quốc chính thức công nhận. Hoàng Sa và Trường Sa lúc bấy giờ đang nằm dưới sự quản lý thực tế không tranh chấp của VNCH. Vì vậy, VNDCCH không thể cho phép Trung cộng thực thi quyền lãnh thổ đối với những khu vực mà nó không có quyền sở hữu.
    Nhiều người dựa vào đó cho rằng Công hàm 1958 sẽ vô hiệu.
    Nếu Công hàm hàm 1958 vô hiệu thì Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là VN XHCN) không có quyền gì với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
    Thậm chí, VN XHCN đang cưỡng chiếm đảo Trường Sa của nhà nước VNCH.
    Chỉ có nhà nước VNCH mới có quyền đứng ra chỉ trích Trung cộng xâm lược lãnh thổ. Như nhà nước VNCH đã sụp đổ sau chiến thắng 30/4/1975 của VNDCCH và không còn hiện hữu một thời gian ngắn sau đó.
    Như vậy, để danh chính ngôn thuận tiếp quản các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa thì VNXHCN phải là người thừa kế di sản của VNCH.
    Muốn thừa kế di sản nhà nước từ VNCH thì VNXHCN phải công nhận VNCH là một nhà nước độc lập đã từng tồn tại và đối diện 3 nguy cơ lớn:
    – Buộc phải công nhận cuộc giải phóng dân tộc lừng lẩy địa cầu 30/4/1975 của miền Bắc thực chất là một cuộc xâm lược phi nghĩa; vì vậy đe dọa tính chính danh về chủ quyền của VNXHCHN tại miền Nam.
    – Nhà nước VN XHCN hiện tại phải thực sự công nhận và hòa hợp với một chính thể nào đó đại diện cho VNCH. Nếu điều này xảy ra, đất nước Việt Nam sẽ tiến tới dân chủ; Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ mất hoặc chia quyền lãnh đạo với các đảng phái khác.
    – Đảng CSVN có nguy cơ đối diện với một vụ kiện cấp nhà nước về tội xâm lược và diệt chủng do thể chế nào đó đại diện VNCH tiến hành.
    b. Công hàm 1958 “có hiệu lực”:
    – Như vậy, sẽ giải quyết được vấn đề chính danh, VNDCCH là chính nghĩa, VNCH là ngụy, bù nhìn. Chiến thắng 30/4/1975 là quang vinh, vĩ đại. Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm. Điều Việt Nam cần làm lúc bây giờ là một tuyên bố cấp nhà nước về việc vô hiệu hóa Công hàm 1958 với vô số lý do và căn cứ pháp định và bắt đầu tiến trình pháp lý quốc tế để kiện Trung cộng.
    – Tuy nhiên, trớ trêu thay, CHXHCN Việt Nam lại phải tếp tục đối diện với tính chính danh của mình vì những ràng buộc về ý thức hệ, kinh tế, chính trị đối với Trung cộng từ trước đến nay. Đó là sự đe dọa của bạch hóa về sự lệ thuộc về chính trị, quân sự, kinh tế của VNDCCH đối với Trung cộng. Đó là bạch hóa Hiệp định Thành Đô, thân phận Hồ Quang, những ký kết bí mật giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh đó là tất tần tật chuyện chăn, gối, đệm, giường giữa hai thế chế chính trị từ xưa đến nay, như Tố Hữu đã từng sủng nịnh:
    “ Bên kia biên giới là nhà
    Bên đây biên giới cũng là anh em”
    Tiến không được, thoái không xong.
    Vì vậy, cho đến nay, phản ứng chính thức của Việt Nam đối với công hàm 1958 chì có 2 lần. Lần nhất vào năm 1979 do hệ quả của chiến tranh biên giới phía Bắc và lần thứ hai trong một cuộc họp báo vào năm 2014 từ phát biểu của một vị phó nào đó của một Ủy ban Biên giới trực thuộc Bộ Ngoại giao (wiki). Việt Nam XHCN chỉ dám âm thầm chuẩn bị vũ khí và nhân lực để tự vệ ( nếu có).
    Xét về phương diện pháp lý, công nhận hay phủ nhận Công hàm 1958 đều là thảm họa đối với Đảng cộng sản Việt Nam. Cứu cánh duy nhất của VNXHCN và của Đảng Cộng sản Việt Nam là thực sự hòa hợp, xóa bỏ hận thù, công nhận VNCH là một thực thể chính trị đã từng tồn tại và cùng với dân tộc Việt đồng lòng chống giặc ngoại xâm. Đảng phải sẵn sàng đương đầu và chấp nhận những tổn thương về chính trị do những thông tin bạch hóa từ Trung cộng. Ở một đất nước dân chủ trong tương lai, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể phải chia quyền hoặc không còn quyền lãnh đạo nhưng nó vẫn còn là một đứa con của dân tộc Việt Nam.
    Dân tộc Việt Nam sẽ quan sát và điểm danh những Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu. Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng; xem họ là những người con của dân tộc Việt; hay coi chúng nó là một lũ tội đồ chó má bán nước hại dân.

    Trần Chính

Comments are closed.