Trân Văn
15-4-2020
Nếu đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta. luôn luôn “tài tình, sáng suốt” đúng như “ta” thường khẳng định, đặt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước “ta” hôm 30 tháng 3 và Thư ngỏ gửi đồng bào của Thủ tướng “ta” hôm 11 tháng 4, bên cạnh phát biểu của Tổng thống Đức trong cùng ngày, rõ ràng nước Đức đã… “hỏng”!
***
Sau bà Angela Merkel (Thủ tướng Đức), tới lượt ông Frank Walter Steinmeier (Tổng thống Đức), tâm tình với người Đức về COVID-19 ở Đức (1). Giống như bà Merkel (2), những tâm tình của ông Steinmeier cho thấy, Tổng thống Đức thua xa các lãnh đạo “ta” về sự kiên định lẫn tinh thần lạc quan cách mạng. Đường đường là Tổng thống một quốc gia như Đức mà lại bày tỏ sự buồn phiền vì dịp Phục sinh năm nay, cả ông lẫn dân Đức không thể đến nhà thờ, không thể tới lui thăm viếng nhau và vui chơi như trong quá khứ, đã vậy ông Steinmeier lại còn gieo rắc hoang mang khi khẳng định phía trước sẽ còn nhiều yếu tố bất định đối với thế giới nói chung và nước Đức nói riêng…
Thủ tướng của “ta” rõ ràng là… hơn hẳn cả hai! Trong Thư ngỏ gửi người Việt cư trú ở bên ngoài Việt Nam, Thủ tướng của “ta” loan báo Việt Nam không chỉ “kiểm soát được tình hình” mà còn “đạt những kết quả tích cực”, khiến cả “Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao” vì có “sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, các đoàn thể… cũng như sự đoàn kết, đồng lòng chung tay hành động của toàn dân tộc và những đóng góp, ủng hộ hết sức quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” (2).
Nước Đức đã… “hỏng” vì hết bà Merkel tới ông Steinmeier cùng… lẩm cẩm khi bày tỏ sự ngậm ngùi vì nhiều người Đức và đồng loại trên toàn thế giới chết trong cô độc do COVID-19, sự băn khoăn trước đủ loại thảm cảnh kinh tế, xã hội cả trong và ngoài lãnh thổ Đức, thậm chí… hữu khuynh tới mức đòi… nhận thức lại về tương quan giữa tự nhiên với con người, về phát triển, kèm cảnh báo rằng người Đức nói riêng và nhân loại nói chung rất dễ tổn thương nên đừng tự mãn. Đã vậy còn đề nghị dân Đức cùng ngẫm nghĩ xem sắp tới, nên nghĩ đến người khác, đến nhân quần hay chỉ nghĩ tới mình. Cùng thế giới tìm ra lối thoát chung hay chỉ tính tới đường thoát cho riêng mình!
Tuy bà Merkel và ông Steinmeier cùng có học vị Tiến sĩ, một người trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (bà Merkel), một người trong lĩnh vực khoa học xã hội (ông Steinmeier) nhưng nếu đánh giá cả hai bằng quan điểm của “ta” thì họ quá… kém về… bản lĩnh chính trị! Cũng vì vậy mà không thấy COVID-19 như một cơ hội để khẳng định sự “tài tình, sáng suốt” của cá nhân mình lẫn đảng của mình! Cứ so tâm tình của cả hai với Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài mà Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước “ta” gửi hồi cuối tháng ba, ắt sẽ thấy ngay tâm và tài của nguyên thủ “ta”.
Yếu tố thiên hạ chết như ngả rạ liên tục được “ta” khai thác như bằng chứng về sự ưu việt trong “lãnh đạo của đảng và nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị”. Nhờ Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước và Thủ tướng của “ta” cùng được hệ thống trường đảng giáo dục từ khi còn trẻ, cùng hoàn tất… lý luận chính trị cao cấp, “ta” mới đủ khôn ngoan, không ngừng nhấn nhá về “kết quả tích cực” khiến cộng đồng quốc tế phải “ghi nhận và đánh giá cao”. Dân “ta” đương nhiên phải biết ơn, phải tự hào và tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống chính trị của “ta”!
***
Ít nhất về quan điểm, so với “ta”, nước Đức đã… “hỏng” khi các nguyên thủ, từ Thủ tướng tới Tổng thống cùng bị COVID-19 tác động, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, không những không nhìn ra mà còn làm suy yếu vai trò của… hệ thống chính trị Đức. Nếu bà Merkel, ông Steinmeier ở Việt Nam, chắc chắn cả hai sẽ bị Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng ta đề nghị xử lý kỷ luật vì khiến quần chúng quên mất tầm vóc phi thường, vai trò thiết yếu của hệ thống chính trị, mà chuyển sang thổn thức, tri ân những nhân viên y tế, cứu thương, cảnh sát, bán hàng, phu khuân vác, công nhân vệ sinh,… giữ cho sinh hoạt xã hội bình ổn giữa những xáo trộn, ngả nghiêng bởi COVID-19!
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1088533761531908&id=100011258821919
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1082471188804832
“HỎNG” theo tiêu chuẩn nào?
– Theo chuẩn của VN “ta” thì toàn thế giới “hỏng”, trừ Tàu, Triều và Cu Bà.
– Theo Chuẩn chung thì VN “ta” là hỏng.
-01 bài viết so sánh phản biện nhẹ nhàng, nêu bật tính nhân văn của lãnh đạo Đức, còn lãnh đạo VN luôn mang tính chiến đấu (“thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”), cách mạng (“sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương,”) mặc dù họ đang sống trong thời bình 30 năm nay (2020-1990).
-Cám ơn bác Trân Văn về bài viết.
Chống dịch mà cũng có thể chính trị hóa vấn đề lên thì quả thật là chuyện háo danh hết thuốc chữa.
Đồng ý là Việt Nam làm rất tốt trong việc ngăn chặn dịch CoViD-19, điều trị rất tận tâm những người bị nhiễm bệnh và nhất là cho đến nay chưa có ai tử vong. Thế nhưng so với các nước trên thế giới thì Việt Nam còn thua rất xa so với nhiều quốc gia, kể cả Lào, Campuchia và hầu hết các nước châu Phi lạc hậu khác. Lý do từ trước tới nay tôi khen Việt Nam là vì tôi lo sợ làn sóng dịch bệnh từ bên Tàu tràn qua và Việt Nam không thể khống chế nổi. Thế nhưng may mắn thay chuyện đó đã không xảy ra và lời khen của tôi là để thay cho nỗi mừng Việt Nam đang có chiều hướng thoát được đại nạn.
Thói hô hào, lộng ngôn, ưa dùng từ đao to búa lớn quanh năm suốt tháng đã làm phai nhạt nghĩa của những từ như “quyết liệt”, “cương quyết”, v.v… nên bây giờ gào “quyết liệt” ra rả cũng chả có tác dụng bao nhiêu.
Giờ đến phiên chữ “gồng mình” bị lạm dụng để tung hô, nên thật tình bây giờ mỗi lần đọc thấy chữ này thì chỉ thấy dâng lên cảm giác ghê tởm.