Một góc nhìn về các con số “Tử vong trận mạc” chống virus từ Trung Quốc

Lê Vĩnh Triển

9-4-2020

Phương Tây – những hy sinh ở tuyến đầu của nhân loại:

Những con số thương vong hậu Vũ Hán ở phương Tây làm tôi choáng ngộp, thương và lo cho dân nước họ. Có lẽ cũng vì nhiều người Việt Nam đã sống ở khắp các nước này. Chết khủng khiếp quá. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi không mảy may có ý nghĩ họ thua sút Trung Quốc (nếu có thể tin các con số do Trung Quốc đưa ra) trong ngăn chặn đại dịch.

Có lẽ họ đã chủ quan không phòng bị kín kẽ, có lẽ họ đã tin vào những báo cáo, nhận định giảm nhẹ đáng tội của WHO khiến họ không phòng bị đủ, và nhiều nơi đã bỏ qua những thời điểm vàng để chặn dịch… Tôi chỉ thấy khi bừng dậy, họ chiến đấu mạnh mẽ, minh bạch và công khai. Tôi thấy họ hoàn toàn đối nghịch với Trung Quốc trong cuộc chiến. Những con số tăng dần, tăng mạnh và tăng… minh bạch công khai. Không có trấn áp, bắt bỏ vào thùng xe người bị nghi nhiễm, không có đóng đinh cửa nhà người bệnh và không có những con số thấp vô cùng phi lý. Không có cảm giác họ mất bệnh sĩ diện vì chết nhiều hơn nước này nước kia để rồi che dấu số liệu. Mà ngược lại họ hiên ngang và lắm khi xem sống chết cũng là lẽ thường của nhân loại trên dòng lịch sử.

Tôi thấy không có lý do gì phải yếu lòng, mất kiên nhẫn như một số người cho rằng phương Tây dân chủ thất bại và TQ thành công để rồi góp phần biện minh cho cách thức tàn bạo với dân chúng của TQ, với cách thức mà tôi có lần nói trong một bài trên the Diplomat là “bàn tay sắt”, “cứu cánh biện minh phương tiện”, vốn được các chính thể độc tài ưa thích. Tôi thấy người phương Tây trung thực và thông cảm cho nhau. Và quan trọng, không như cảm nhận về cách Trung Quốc đã làm, tôi cảm nhận họ – phương Tây – đang ở tuyến đầu của nhân loại, trong đó có tôi! Cảm nhận họ đang chiến đấu vì sự tồn vong của nhân loại, của cả chúng tôi. Tôi cầu nguyện cho họ như thể mình đang ở hậu phương và họ đang ngoài tiền tuyến.

Chế ngự cảm xúc lại một chút, tôi đi tìm thứ hạng các quốc gia đóng góp nhiều nhất cho nhân loại, chợt nhận ra cảm nhận của mình có lý. Các quốc gia phát triển nhất thương tích đầy mình đang chiến đấu quả cảm với virus Vũ Hán là các quốc gia đứng thứ hạng cao nhất trong đóng góp và thúc đẩy sự phát triển của nhân loại, đặc biệt trong khoa học và y tế (còn đất nước tôi ở rất sâu trong bảng xếp hạng). Họ là những quốc gia tiên phong của nhân loại trong việc tìm ra thuốc chữa bệnh mà từ đó các quốc gia nghèo được nhờ. Cũng trên đà suy nghĩ đó, tôi đi tìm top các quốc gia có các công ty sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, thì được một list toàn các công ty của các quốc gia phương Tây đang tả tơi vì coronavirus. Công ty đứng hàng 10 (cuối trong top 10) là một công ty Nhật, công ty châu Á duy nhất, thuộc tập đoàn Mitsubishi (*). Để kết thúc ý này, thử hỏi nay mai, có một công ty TQ mời bạn tiêm phòng vaccine thì bạn có sẳn sàng không, hay sẽ chọn vaccine của Mỹ hay một nước phương Tây nào đó?

Sinh mạng là quan trọng, tôi từng nói ý thức hệ cao nhất là ý thức hệ về sinh mạng con người. Nhưng khi xét theo nghĩa sinh – tử ở đời trong SỰ TRƯỜNG TỒN CỦA NHÂN LOẠI, thì những HY SINH Ở TUYẾN ĐẦU cho sự trường tồn ấy mới là đạo đức tối thượng. May mắn thay cho nhân loại, tuyến đầu ngăn chặn dịch bệnh đang là những đất nước hùng mạnh – họ đã và đang đi đầu trong chiến đấu và cả trong việc tìm cách cứu chữa và phòng bệnh, chắc chắn không chỉ dành riêng cho họ. Không phải là sự che giấu sự thật của Trung Quốc để chỉ làm riêng nước này có vẻ mạnh hơn trong chốc lát, mà chính sự minh bạch và hy sinh của phương Tây mới là lời giải, là liều thuốc cho thế giới, thúc đẩy thế giới mạnh mẽ và nhân loại văn minh hơn.

Rất nhiều người trong chúng ta liệu có nghĩ như vậy chăng?

Thay vì cho rằng các nước phát triển kém trong chống dịch, tôi cảm kích trước sự chiến đấu quả cảm, với tinh thần kiên cường và dấn thân khoa học cũng như cả tính nhân văn, tương thân tương ái của họ. Tôi cảm ơn họ đang ở tiền phương chống chọi ác liệt, và ráo riết tìm kiếm cách thức hạn chế dịch bệnh cho nhân loại hôm nay và mai sau. Còn những nền khoa học nào đủ sức làm điều đó?

Việt Nam – biết sức mình và hiểu Trung Quốc:

Ở một khía cạnh khác, tôi lại đánh giá cao cách thức Việt Nam đang chống chọi với dịch bệnh này. Đó là kết quả của sự thông minh và thận trọng của kẻ biết sức mình. Nhưng nếu lựa chọn giữa kiêu hãnh ngạo nghễ và khiêm tốn trong giai đoạn này, tôi cho rằng mình sẽ chọn khiêm tốn.

Tại sao Việt Nam lại sớm ngăn chặn dịch bệnh Vũ Hán để có được kết quả khá khả quan cho đến hôm nay, dù chúng ta ở sát bên Trung Quốc, trong khi các nước khác chủ quan sơ suất khiến tình hình xấu hơn?

Cũng đã từng nêu nhiều lý do, nhưng nay lại có một suy nghĩ, tuy nhỏ bé nhưng tôi rất thích thú. Thích thú đến độ không thể không nói ra ở đây. Đó là câu trả lời cho câu hỏi trên.

Người Việt Nam không bao giờ tin chính quyền Trung Quốc. Những thông tin từ Vũ Hán, Hồ Bắc từ những ngày đầu, cách thức bịt miệng ém tin, tuyên truyền dối trá của chính quyền Trung Quốc, những ý kiến tích cực dù là từ WHO về tình hình dịch bệnh ở TQ… tất cả đều được chúng ta xem xét với một sự cảnh giác cao nhất của một dân tộc mà sự cảnh giác với hiểm họa từ phương Bắc đã thành năng lực tự nhiên! Nghĩ vậy thì có vui không chứ! Càng vui hơn khi ngày càng có nhiều quốc gia nhận ra hiểm họa đến từ chính sách quốc tế gian trá, vụ lợi và vô trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc trong đại dịch lần này của nhân loại.

Tính-đúng-đắn-của-sự-không-tin-Trung-Quốc, điều làm nên thành công bước đầu của Việt Nam, cũng có thể là một đóng góp khiêm tốn của Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch bệnh và cả những đại sự sau này của thể giới.

Chúng ta, Việt Nam, hãy cố lên, cùng gánh vác để đóng góp cho nhân loại và để nâng uy tín quốc gia trên trường thế giới!

Mong nhân loại sớm vượt qua đại dịch để cùng sớm cùng nhau luận tội ác và sự vô trách nhiệm của chính quyền Trung quốc trước đại dịch!

(*) https://blog.technavio.com/blog/top-10-vaccine-manufacturers

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Mà ngược lại họ hiên ngang
    Hiên ngang giành mua thiet bi y te roi chuoi nhau không thua bà hàng cá á ha?

  2. Hôm nay từ HY MÃ LẠP SƠN nhìn về lại TRƯỜNG SƠN trong Quá khứ
    ***************************************

    Dân Ấn nay chợt mở mắt nhìn sau ba Thập kỷ
    Ôi HY MÃ LẠP SƠN cảnh tượng thần kỳ
    Chứng kiến mây xanh núi trắng sao hùng vĩ !
    Nhờ sản xuất ngừng bớt lượng khí thải đi
    Khói bụi giảm ô nhiễm bầu sinh khí quyển.
    Ngày đỉnh núi tuyết trắng xóa bóng chim di
    Đêm Sông Ngân ngân hà triệu triệu vì Sao lấp lánh
    Ôi HY MÃ LẠP SƠN cảnh đẹp thần kỳ diệu kỳ

    Hỡi TÀU-Toàn cầu hóa phá toang hủy diệt tất cả
    Lật lại trang Thế sử Thời Chiến tranh Lạnh sân si
    Chí Phèo Hồ Chí Meo nghe lời Mao Xếnh Xáng dạy
    Đốt dãy Trường Sơn đánh đến Người Việt cuối gan lì
    Chống CHÚ SAM cứu CHÚ CHỆT bằng mật ngọt
    Đến nay Toàn Dân Việt đã sáng mắt quá đi
    Từ HY MÃ LẠP SƠN nhìn về lại TRƯỜNG SƠN hùng vĩ !
    Căm thù uất hận bọn Tề cộng Vệ cộng lệ dâng mi …..

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  3. “Tôi thấy không có lý do gì phải yếu lòng, mất kiên nhẫn như một số người cho rằng phương Tây dân chủ thất bại và TQ thành công để rồi góp phần biện minh cho cách thức tàn bạo với dân chúng của TQ”

    Đồng ý!

  4. Trích: “Cũng đã từng nêu nhiều lý do, nhưng nay lại có một suy nghĩ, tuy nhỏ bé nhưng tôi rất thích thú. Thích thú đến độ không thể không nói ra ở đây. Đó là câu trả lời cho câu hỏi trên.
    Người Việt Nam không bao giờ tin chính quyền Trung Quốc.”

    Đài Loan cũng nhờ không tin và không nghe lệnh Trung Quốc nên mới tránh được hậu quả khủng khiếp của dịch cho đến nay. Nhiều chính phủ Tây phương do tin tưởng Trung Quốc có thể trấn áp được dịch hoàn toàn trong nước cho nên mới không chuẩn bị sớm. Nhiều nước, như Ý, còn sợ làm phật lòng Bắc Kinh cho nên không dám đóng các đường bay từ Trung Quốc.

  5. Từ cuộc chiến chống dịch SARS hồi năm 2003 tôi thấy VN có những kế hoạch chống đại dịch rất tốt. Lần này cũng thế, VN thể hiện được việc chuẩn bị ngăn chăn dịch lây lan vô cùng hữu hiệu.
    Tôi rất ngạc nhiên khi thấy dư luận trong và ngoài nước đổ tại cho Tàu cộng trong việc gian dối khai báo khiến dịch bệnh lây lan giết chết biết bao người. Tại sao Tổng thống nước Mỹ không tin vào hệ thống tình báo nước mình mà lại đặt hết niềm tin vào các thế lực thù địch rồi bây giờ đổ tội cho người ta?
    Thế giới tư bản có những yếu kém trong một số vấn đề nhưng đó là cái giá phải trả cho sự tự do. Từ những kinh nghiệm đau thương, chúng ta sẽ tự điều chỉnh để tránh lập lại sau này. Cái quan trọng là quyền căn bản của người dân được tôn trọng. Đó là quy luật phát triển tự nhiên từ bao ngàn năm nay của loài người.

Comments are closed.