3-4-2020
Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật thường được xem là “luật làm luật” của Việt Nam. Nó là một đạo luật mang tính hiến pháp (một loại nguồn của luật hiến pháp). Đạo luật như vậy đã xuất hiện từ lâu ở nước ta và đã được sửa đi, đổi lại nhiều lần. Ấy thế mà Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015 hiện hành vẫn còn nhiều chỗ sai lớn về mặt kỹ thuật pháp lý.
Cái sai lớn thứ nhất: Đạo luật này không xây dựng trên nền tảng tư duy về một mô hình hệ thống pháp luật nào cả, vì vậy đã quá dễ dãi trong việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tình trạng thực tế hiện nay là: (1) có quá nhiều văn bản qui phạm pháp luật trong một ngành luật; và (2) hầu hết các văn bản qui phạm pháp luật này chứa đựng các qui phạm hỗn tạp của các ngành luật khác nhau.
Hậu quả tiêu cực do đó khó có thể tránh khỏi như: Thứ nhất, chúng mâu thuẫn, chồng chéo nhau nghiêm trọng; thứ hai, chúng gây khó khăn cho việc áp dụng trong giải quyết các tranh chấp thực tiễn; thứ ba, chúng có thể gây mất an toàn về mặt pháp lý cho kinh doanh; thứ tư, chúng gây xung đột trong đào tạo và phát triển tư duy pháp lý; và thứ năm, chúng bị lợi dụng để cài cắm lợi ích cục bộ.
Lấy ngành luật thương mại (thành phần chủ yếu của môi trường pháp lý kinh doanh) làm ví dụ: Chúng ta không xây dựng nổi một một đạo luật nền tảng về thương mại theo đúng nghĩa do không có mô hình hệ thống pháp luật. Do đó trong ngành luật này (nói về nguồn của pháp luật) có tới hàng chục đạo luật ở các tầng nấc khác nhau đan xen bất chủ ý lẫn nhau để chỉ nói về thương nhân, hành vi thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại và quản lý nhà nước về thương mại, và tranh giành nhau về thẩm quyền, như: Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Phá sản, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Bộ luật Hàng hải…
Trong khi: (ví dụ 1) Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp và các đạo luật về thương mại khác không đề cập tới thương nhân vợ chồng, thì Luật Hôn nhân và Gia đình lại đề cập tới qui chế thương nhân vợ chồng, dẫn đến tình trạng gây khó cho việc sử dụng nguyên tắc áp dụng liên quan tới luật chuyên ngành và luật chung; (ví dụ 2) Luật Kinh doanh bảo hiểm lại như một Bộ luật Thương mại và Bộ luật Hành chính thu nhỏ cho mỗi lĩnh vực bảo hiểm mà trong đó không chỉ nói tới thị trường bảo hiểm, giao dịch bảo hiểm, mà còn nói tới cả kiểm soát bảo hiểm, và những vấn đề thương mại khác. Mặc dù Điều 47 của Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015 có qui định về những gì mà Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phải thẩm tra các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh như sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tính thống nhất của các đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gửi tới, nhưng thẩm tra trên cơ sở nào?
Hết sức lưu ý rằng, xây dựng luật là quá trình chắt lọc ra từ trong lý thuyết các công thức pháp lý rồi mài dũa chúng phù hợp với thực tiễn, rồi sắp xếp chúng theo một trật tự và tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Bất kỳ hệ thống pháp luật nào theo truyền thống Civil Law (truyền thống pháp điển hóa) cũng đều làm như vậy để tạo ra các qui tắc xử sự chung mà luật so sánh cho biết điều đó. Vì vậy Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật là vô hồn nếu không có mô hình lý thuyết.
Cái sai lớn thứ hai: Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015 có nhiệm vụ xác định thẩm quyền của mỗi loại văn bản qui phạm pháp luật nhưng lại vi phạm chính thẩm quyền đó thông qua việc qui định cụ thể về hồi tiền hiệu lực của văn bản qui pháp luật và kỹ thuật áp dụng văn bản qui phạm pháp luật, trong khi đó lại qui định sai tại Điều 152 và Điều 156. Khoản 1, Điều 152 qui định: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.
Quốc hội khi thông qua Luật này chắc hẳn không biết phân loại pháp luật nên mới qui định như vậy. Đối với luật vật chất (luật nội dung) thì không thể qui định vấn đề hồi tiền hiệu lực (bất hồi tố), trừ những trường hợp cụ thể rất đặc biệt. Còn đối với luật tố tụng thì vấn đề lại khác hẳn. Tại Điều 156, Quốc hội qui định về kỹ thuật áp dụng luật trong trường hợp có các qui định khác nhau ở các văn bản khác nhau về thời điểm ban hành về cùng một vấn đề, nhưng quên mất nguyên tắc liên quan tới áp dụng luật chuyên ngành và luật chung, cho nên gây mẫu thuẫn và khó áp dụng luật hiện nay trong khi các văn bản thì chồng chéo như trên đã nói.
Về kỹ thuật áp dụng luật thì phải xem xét tới quan hệ trong ngoài trước, trên dưới, rồi mới xem xét tới trước sau. Nhẽ ra Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật chỉ phải trả lời cho các câu hỏi: Các cơ quan nhà nước được ban hành những loại văn bản qui phạm pháp luật nào? Thẩm quyền ban hành ra sao? Làm thế nào để ban hành từng loại văn bản đó? và Vi phạm các qui định này thì xử lý như thế nào? Tuy nhiên Đạo luật này lờ phéng đi cách thức xử lý vi phạm và chế tài đối với sự vi phạm.
Nguyên nhân của những cái sai trên chắc chắn hoàn toàn do chủ quan, thiếu nghiên cứu và thiếu phản biện nghiêm túc có trình độ!