Phù thuỷ

Đàm Hà Phú

24-3-202

Vào thế kỷ thứ 14, có một đại dịch xảy ra, được cho là bệnh dịch hạch, nó lan từ châu Á sang châu Âu, giết chết gần nửa dân số châu Âu. Số người chết (chỉ riêng vì bệnh này) ở châu Âu ước tính lên đến 50 triệu người.

Đại dịch gây ra một nỗi sợ kinh hoàng, nhưng tại thời điểm đó, người ta cho rằng, nó do quỷ và các phù thuỷ gây ra. Hàng trăm ngàn người bị quy kết là phù thuỷ và bị thiêu sống ở khắp châu Âu.

Nhiều người bị bắt giữ vì bị tình nghi là phù thủy. Họ bị tra tấn bằng các dụng cụ rùng rợn, cuối cùng họ phải nhận tội. Nguồn: TRT

Khi người ta càng hoảng sợ, giới cầm quyền bất lực, thì tôn giáo chính là chỗ dựa, là phán quyết sống còn. Điều này cũng giải thích việc sùng đạo ở châu Âu và phong trào bài xích người Do Thái cũng lớn mạnh từ đây.

Tại thời điểm đó, ngoại trừ dịch hạch, thì thương hàn và các cuộc chiến cũng giết khá nhiều người, nhưng nỗi sợ lớn nhất không phải là bệnh dịch hay chiến tranh, mà nỗi sợ lớn nhất chính là sợ bị quy cho là “phù thuỷ”. Phản đối triều đình: phù thuỷ, cãi lại các vị chắc sức tôn giáo: phù thuỷ, nông dân làm thất mùa cũng có thể là phù thuỷ, có chửa hoang: phù thuỷ, thậm chí ăn mặc hơi đẹp chút cũng bị coi là phù thuỷ… Có hàng loạt phim và sách về các câu chuyện bi thảm thời này, các bạn nên xem, từ khoá là “black death”.

Những người được cho là “phù thuỷ” thường bị bắt trói gô, mặc cho họ ra sức kêu oan. Đám đông, cùng với binh lính, sẽ dựng ngay một dàn thiêu, và thiêu sống họ, đôi khi, là cả gia đình họ.

Một người bị kết tội là phù thủy bị hành quyết bằng cách treo cổ. Nguồn: TRT

Nỗi sợ và ám ảnh dịch bệnh khiến người ta bất chấp tất cả, đám đông hoảng loạn cần những phù thủy để đem thiêu và mỗi ngày, lại có một phù thuỷ mới, cứ thế, xã hội cần những phù thuỷ để thiêu, chủ yếu cho bớt sợ. Tất nhiên, chúng ta đều biết, chẳng có vị phù thuỷ nào cả, chẳng có ai đáng phải chết chỉ vì nỗi sợ của người khác, của đám đông.

Bây giờ, mặc dù là thời đại của công nghệ tối tân rồi, nhưng những phù thuỷ ấy, cách này hay cách khác, vẫn rất cần thiết mỗi khi có khủng hoảng. Vâng, đám đông vẫn cần ai đó để đem thiêu, cho hả lòng họ.

Một vị chức sắc tôn giáo đi lễ từ ngày 3 đến ngày 17/3, tại thời điểm VN vẫn an toàn và (theo tường trình của vị này) chưa có thông báo cách ly, nhưng lại bị quy kết vào tội “trốn cách ly”. Một người gửi tiền nhờ dân phòng mua táo giùm trong lúc ở trong vùng cách ly, ngay lập tức bị hiến tế thành kẻ “được voi đòi Hai Bà Tưng”.

Một vài phụ huynh thương con đi tiếp tế cho các cháu ở khu cách ly (mà việc này ở thời điểm đó chưa bị cấm) khi lên mạng đã biến các cháu du học sinh thành cậu ấm cô chiêu ích kỷ này nọ… họ bị truyền thông, bị công đồng mạng ném đá không thương tiếc.

Ngay cả bây giờ, tại thời điểm này, người ta vẫn cố gọi virus đó là Vũ Hán, và bằng cách này hay cách khác, quy tội cho người TQ về việc để đại dịch lan ra. Tôi nghĩ gọi tên gì không quan trọng, quan trọng là TQ đã thiệt hại quá nhiều, cả về nhân mạng lẫn kinh tế, nên việc rủa xả họ, cũng chẳng làm chúng ta tốt đẹp hơn và chẳng giúp gì cho việc chống dịch.

Thực ra, theo tôi, TQ cũng khá nhanh trong việc phong toả, cách ly và thậm chí cấm người TQ ra nước ngoài tại thời điểm đỉnh dịch, điều này hạn chế khá nhiều việc dịch lan ra tại thời điểm đó. Tuy nhiên, về sau là phần chủ quan mất cảnh giác, không phải riêng VN mà cả châu Âu và Mỹ.

Thậm chí, tôi thấy lác đác trên mạng có người hả hê với việc nước Ý đang tăng dần số người chết mỗi ngày, chỉ vì nước này từng ủng hộ TQ trong “vành đai và con đường”, tôi thấy điều này thật xấu xí.

Đại dịch đang diễn ra, tâm lý lo lắng và sợ hãi là tất nhiên, nhưng hãy lo lắng và sợ hãi trong yêu thương và chia sẻ, đừng cố tìm những vị phù thuỷ để thiêu sống họ trên truyền thông, việc đó chỉ làm chúng ta gần với thời trung cổ hơn.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Virus này khởi nguồn ở VŨ Hán, gien của nó gần giống dạng có trên loài dơi ở Vũ Hán, chưa thấy nói nơi nào khác có họ hàng của nó. Gọi bệnh phổi VŨ Hán hay Corona Vũ Hán thì có gì là độc hại ? Như tên gọi bệnh cúm Tây Ban Nha đầu thế kỉ trước, hay dịch hạch Cái Chết Đen nhiều thế kỉ trước lan rộng Âu Á, không thấy ai gọi tên nó như là cách coi thường. Chỉ có con bệnh TQ, luôn ám ảnh và kì thị với chính mình, mới dị ứng và sốt rét với cái tên dịch bệnh Vũ Hán ….

  2. Tác giả không đồng tình với những lời lẽ hể hả khi dân TQ và dân Ý điêu đứng vì dịch, lại còn đòi quốc tế trừng phạt.
    Có comment tán thành trừng phạt TQ (có kể ra các tội trạng). Commnt hàm ý: Đây là phạt ĐCS và chính quyền TQ. Tuy nói vậy, nhưng hậu quả của sự trừng phát thì rơi TRỰC TIẾP lên dầu người dân TQ. Hy vọng sẽ tới dân TQ bất mãn cao độ sẽ nổi dậy, lật đổ.
    Cái hậu quả GIÁN TIẾP này liệu có xảy ra như chúng ta hy vọng?
    ƯỚC GÌ… biết chắc 100% sự trừng phạt sẽ làm đổ ĐCSTQ, sau đó quốc tế sẽ bù đắp xứng đáng cho người dân TQ.

  3. Cám ơn tác giả. Bài rất hay, rất trúng và rất kịp thời.
    Nói năng vô căn cứ, vô trách nhiệm là hiện tượng phổ biến, rất khó sửa. Nếu nó là bệnh mạn tính của những cá nhân riêng lẻ, quả là hết thuốc chữa.

  4. – “Ngay cả bây giờ, tại thời điểm này, người ta vẫn cố gọi virus đó là Vũ Hán, và bằng cách này hay cách khác, quy tội cho người TQ về việc để đại dịch lan ra. Tôi nghĩ gọi tên gì không quan trọng, quan trọng là TQ đã thiệt hại quá nhiều, cả về nhân mạng lẫn kinh tế, nên việc rủa xả họ, cũng chẳng làm chúng ta tốt đẹp hơn và chẳng giúp gì cho việc chống dịch.”

    Đúng như tác giả viết, “gọi tên gì không quan trọng”!
    Việc TQ “thiệt hại qúa nhiều”, chẳng qua vì Độc tài Trung Cộng che dấu khi dịch phát sinh, cho nên bị qủa báo, “ai gieo gíó, ngưòi ấy gặt bão”.
    Kết tội cá nhân nào là “phù thủy” là sai, nhưng “rủa xả họ”- bọn Trung Cộng – là luôn luôn đúng!
    Vì ngay trong đại dịch Virus Vũ Hán, lũ Bành trướng Đại Hán vẫn xây dựng các đảo chiếm được của VN ở Biển Đông đấy!

  5. Trích: “Ngay cả bây giờ, tại thời điểm này, người ta vẫn cố gọi virus đó là Vũ Hán, và bằng cách này hay cách khác, quy tội cho người TQ về việc để đại dịch lan ra. Tôi nghĩ gọi tên gì không quan trọng, quan trọng là TQ đã thiệt hại quá nhiều, cả về nhân mạng lẫn kinh tế, nên việc rủa xả họ, cũng chẳng làm chúng ta tốt đẹp hơn và chẳng giúp gì cho việc chống dịch.”

    Lầm! Tôi ủng hộ những người kêu gọi cách ly Trung Quốc về kinh tế sau dịch để trừng phạt sự bất cẩn của chính phủ nước này trong việc bưng bít thông tin khiến dịch lây lan trong nước và không cho chuyên gia y tế nước ngoài vào giúp điều tra. Không trừng phạt tức là làm ngơ cho hành vi dẫn đến tai họa khủng khiếp. Hành vi bưng bít chỉ là lặp lại từ những trận dịch trước như SARS năm 2009. Trung Quốc đã sai lầm quá nhiều lần. Nay lại kêu gọi mọi người phải… tốt với Trung Quốc là sao?

    Trích: “Thậm chí, tôi thấy lác đác trên mạng có người hả hê với việc nước Ý đang tăng dần số người chết mỗi ngày, chỉ vì nước này từng ủng hộ TQ trong “vành đai và con đường”, tôi thấy điều này thật xấu xí.”

    Quả thật thái độ hể hả khi thấy quá nhiều người chết vì dịch bệnh là đáng chê trách. Nhưng sự thật vẫn không thể chối cãi: sở dĩ Ý sa lầy trước và vượt xa các nước Châu Âu cũng là vì Ý tham gia sâu vào kế hoạch “Vành đai và Con đường”. Ý để cho quá nhiều công nhân Trung Quốc tới lui, làm việc và sợ làm phật ý Bắc Kinh đến nỗi không dám đóng các đường bay giữa hai nước kịp lúc. Kinh nghiệm của Ý là bài học phải học cho những nước nào còn muốn liên hệ với dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Cổ vũ cho việc quay lưng với kinh nghiệm của quá khứ là thái độ đà điểu rúc đầu xuống cát.

    • Về tên gọi “virus Vũ Hán” hay “Wuhan virus”, hồi tháng 2, chính tờ Hoàn Cầu Thời Báo của ĐCSTQ đã sử dụng tên này. Chính chủ của nó đã sử dụng như vậy, liệu người khác có phải tránh phạm húy hay không?

      • Gọi là Corona VŨ Hán là hay hơn, vì cái tên rõ ràng định danh, dễ mường tượng, không giống tên Covid 19 như kiểu gọi ai đó bằng Nhân Vật No1ABC, người khác là Nhân Vật No2ACD. Các chủng virus đều có tên riêng khoa học của nó, sao không gọi dịch cúm Tây Ban Nha hồi đầu thế kỉ, dịch Hạch đen mây thế kỉ… trước bằng tên loại Virus vi khuẩn gây bệnh rồi thêm năm đằng sau vào ? Thằng TQ cũng lắm chuyện, tủn mủn hẹp hòi một cách khùng điên kì lạ.

Comments are closed.