Gạo – Người nông dân và cuộc chơi bất công bằng

Huy Nguyễn

24-3-2020

Cách đây mấy hôm, tôi đã linh cảm đến vấn đề bất an trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu khi Covid bùng phát trong bối cảnh hạn mặn khốc liệt xảy ra ở nhiều quốc gia.

Vấn đề an ninh lương thực chưa khi nào được các quốc gia đặt lên cấp thiết như bây giờ. Chiến tranh thì sơ tán, dịch bệnh và mất mùa thì tích trữ. Đó là phản ứng sinh tồn đến loài vật cũng làm như vậy chứ không riêng gì con người.

Hôm đó tôi đã nói sơ sơ, đề cập về sự bất công bằng trong chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu. Và, trong chuỗi giá trị đó, người nông dân luôn là người thiệt thòi ngay cả khi họ được mùa hay mất mùa, ngay cả trong khủng hoảng hay lúc bình thường.

Tôi đặt ra câu hỏi, vì sao họ, những người nông dân phải bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu hay cho Quốc gia, trong khi họ là những người ít được lợi nhất từ sự phồn thịnh của thế giới? Tại sao???

Khi nhu cầu tích trữ lương thực mà đặc biệt là lúa gạo gia tăng, giá gạo sẽ tăng. Khi giá gạo tăng mà đóng cửa, cấm xuất khẩu gạo thì người nông dân bán gạo giá cao cho ai? Như vậy chúng ta mặc định rằng dù nhu cầu hay giá gạo thị trường quốc tế Cao hay Thấp thì người nông dân chỉ được BÁN VỚI GIÁ THẤP mà thôi. Vậy là chúng ta tước đi cơ hội để người nông dân tham gia vào thị trường xuất khẩu một cách công bằng.

Cấm xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. OK đồng ý! Người dân cả nước cần no đủ. Đó là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng, ơ kìa! Sao trách nhiệm lo cho toàn quốc, toàn cầu được no đủ lại dồn lên vai người nông dân, trong khi họ là nhóm người có mức thu nhập trung bình thấp nhất so với tất cả các ngành nghề khác. Họ là số đông và là nhóm người dễ bị tổn thương nhất khi có thiên tai và dịch bệnh.

Trong một bài phân tích cách đây 2 năm, tôi chỉ ra rằng, mức thu nhập của người trồng lúa chỉ đạt 90.000 VND / tháng / công đất. Mức thu nhập đó tôi không dám đem so sánh với bất kỳ loại thu nhập nào và ở bất kỳ quốc gia nào, bởi sự chênh lệch quá lớn.

Một khía cạnh khác, nông dân bây giờ phải phụ thuộc doanh nghiệp đủ thứ từ giống, phân, thị trường và vật tư nông nghiệp. Chính vì vậy giá cả lúa gạo đã được xác định từ khi người dân mới gieo xạ lúa giống. Khi thu hoạch, mặc cho thị trường giá cao thì người nông dân cũng không được bán giá cao. Trừ một số doanh nghiệp chơi đẹp thì nông dân được chia sẻ thêm về lợi nhuận.

Về An Ninh Lúa Gạo Trong Nước

Cây lúa có chu kỳ sinh trưởng 3 tháng, nếu cho đất nghỉ 15 ngày thì có thể tái vụ được luôn. Diện tích hạn mặn ở Mekong Delta coi như bỏ đi không trồng lúa được thì vẫn còn diện tích lúa ở miền Trung và miền Bắc. Sau 3 tháng sẽ bảo đảm thừa cung ứng nhu cầu trong nước, thì tại sao phải đóng biên cấm xuất khẩu?

Theo tôi Chính phủ cần tính toán mua dự trữ lương thực đủ cho nhu cầu 3 tháng đồng thời giúp nông dân bán được lúa giá cao, không bị doanh nghiệp chèn ép. Việc đàm phán giá bán gạo ra quốc tế nên giao cho doanh nghiệp tự làm và chính phủ nên đóng vai trò kiểm soát giá cả và số lượng. Có như thế nông dân mới có cơ hội nâng cao thu nhập của họ và mặn mà với nghề trồng lúa.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện gạo lúa, nông dân xưa như Diễm. Vấn đề bây giờ đang đối mặt nhiều gay cấn. Ưu tiên trước sau. Nhà nước chế độ muốn tồn tại thì chắc chắn phải mở. Một mình nhà nước không thể giải quyết đc.

Comments are closed.