Máy bay Airbus A321 bị hỏng động cơ hay nổ bánh?

Mai Bá Kiếm

19-3-2020

Lúc 16g05 ngày 18/3/2020, máy bay Airbus A321 số hiệu VN-A392 đang chạy lấy trớn cất cánh trên phi đạo 25L/07R tại phi trường Tân Sơn Nhất thì xảy ra sự cố, nhưng các báo đưa tin không giống nhau.

Báo Tuổi Trẻ viết, chiếc VN-A392 đã xảy ra sự cố động cơ bên trái. Sự cố khiến “miệng động cơ” máy bay bị sệ, đường băng bị hư hỏng nhỏ và cháy cỏ ở lề bắc đường băng. Tuổi Trẻ không hề nói có sự cố nổ bánh máy bay.

Ngược lai, báo Thanh Niên viết, chiếc VN-A392 đang di chuyển trên đường băng, chuẩn bị cất cánh thì gặp vấn đề kỹ thuật nổ lốp máy bay. Thanh Niên không hề nói có sự cố động cơ bên trái.

Báo Người lao động giật tựa “mâu thuẫn”: “Máy bay nổ lốp ở Tân Sơn Nhất, cột khói bốc cao” và “bắt cá 2 tay”, trong thân bài có viết chiếc VN-A392 ra đường băng chạy đà cất cánh đã xảy ra sự cố động cơ bên trái, khiến miệng động cơ bị sệ.

Vậy, sự cố nào làm cháy cỏ? Các báo viết không rõ, trừ VN Express viếtBánh máy bay văng ra đám cỏ gần đó, tạo lực ma sát gây cháy khoảng 10 phút” (thật ra vỏ bánh văng ra, chứ mâm bánh văng ra là máy bay sụm bánh chè).

Giả thiết này có thể đúng, vì máy bay nổ bánh thì mâm bánh vẫn quay theo quán tính và nó sẽ nghiền nát vỏ bánh xẹp trên phi đạo, gây cháy cao su, có thể vỏ bánh bung ra khỏi mâm văng ra bãi cỏ gây cháy.

Theo Tuổi Trẻ, sự cố động cơ trái khiến “miệng động cơ” máy bay bị sệ, đường băng bị hư hỏng nhỏ (không lẽ sệ tới mặt phi đạo?) và cháy cỏ ở lề bắc đường băng, thì đây là sự cố rất nặng mà tại sao nhiều báo khác không đưa tin?

Airbus A321 được gắn hai động cơ CFM56-5 hay IAE V2500 với công suất đẩy là 31.000 pound (138 kN), được gắn rất chặt vào khung xương (frame) cánh. “Miệng động cơ” (Intake chambre: Buồng hút khí) mà sệ xuống phải có ngoại lưc va đập rất lớn. Nhưng Tuổi Trẻ viết, cuối cùng động cơ này không phát hỏa, thì làm sao cháy cỏ?

Thật ra máy bay nổ bánh trước khi bánh rời mặt phi đạo là điều phúc đức, vì chiều dài phi đạo còn lại dư cho phi công kịp thời dừng máy bay, chỉ khó là nếu bánh sau nổ bên nào là mũi máy bay sẽ quẹo về bên đó, máy bay dễ chạy ra cỏ.

Đáng sợ nhất, bánh máy bay cán vật lạ làm vỏ bánh bị cháy úng mà không nổ, phi công không biết và xếp càng, rồi nó sẽ cháy âm ỉ trong buồng chứa bánh đáp.

Nổ bánh máy bay thường do mặt phi đạo xấu hoặc cán lên vật lạ, nên có nhiều chuyến bay Vietnam Airlines khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị sự cố về bánh.

Riêng tháng 9/2019, Công ty kỹ thuật máy bay Vaeco phát hiện 54 máy bay bị vật ngoại lai (đá, sỏi, hay đinh trên phi đạo) cắt vỏ bánh tại Tân Sơn Nhất, trong đó có 26 trường hợp quá giới hạn cho phép (phải thay dù bánh chưa mòn tới lớp bố màu đỏ – red core).

Tân Sơn Nhất có 2 phi đạo song song: 25R/07L (dài 3.048 m rộng 45,72m) và 25L/07R (dài 3.800 m rộng 45,72m).

Riêng phi đạo 25R/07L, kết quả khảo sát hư hỏng từ năm 2017 cho thấy, chỉ số trạng thái mặt đường (PCI) trung bình là 48, là mức độ xấu.

Trong khi, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO khuyến cáo rằng, với chỉ số PCI từ 40 – 55 là phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn.

Thế mà, từ năm 2017 đến nay, việc khai thác liên tục với số lần cất/hạ cánh ngày càng tăng đã khiến phi đạo Tân Sơn Nhất đã hỏng lại càng hỏng thêm.

Mãi đến tháng 2/2020, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất mới đề nghị Cục Hàng không VN xem xét chấp thuận cho Cảng tạm ngừng khai thác phi đạo 25R/07L để sửa chữa, tẩy vệt cao su, sơn bảo trì tín hiệu, đo ma sát, seo cỏ; kiểm tra bảo dưỡng thiết bị phục vụ bay.

Dự kiến, phi đạo này sẽ đóng cửa từ 12h đêm đến 7h sáng hàng ngày từ 27/2 đến 9/3.

Cũng may, chiếc VN-A392 cất cánh trên phi đạo còn khá tốt 25L/07R, chứ nếu cất cánh trên phi đạo xấu 25R/07L thì chưa biết sẽ ra sao?

Bình Luận từ Facebook