Lời nói cuối cùng của luật sư Trần Vũ Hải trong phiên toà phúc thẩm chiều 19/2/2020

Trần Vũ Hải

20-2-2020

Tóm tắt “Lời nói cuối cùng của luật sư Trần Vũ Hải trong phiên toà phúc thẩm chiều 19/2/2020”: 10 bất thường của vụ án trốn thuế 280 triệu đồng và 7 hậu quả nếu kết tội luật sư Hải, trong đó ảnh hưởng đến hàng vạn người dân Nha trang, làm không đúng tư tưởng Hồ Chí Minh trọng hoạt động tư pháp.

(Luật sư Hải đã nói hơn 60 phút, về nhiều nội dung, xin tóm tắt những nội dung chính. Rất mong các bạn chia sẻ cho nhiều người cùng biết)

Thưa Hội đồng xét xử, các đồng nghiệp luật sư, các vị đại diện VKS và các vị có trong và ngoài khán phòng hôm nay.

Trước hết, tôi xin cám ơn HĐXX đã tạo điều kiện cho tôi và các đồng nghiệp trong phiên toà phúc thẩm.

Tiếp đến tôi xin cám ơn 60 luật sư khắp Trung Nam Bắc đã thiện nguyện tham gia bào chữa cho vợ chồng tôi trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử cho tới tận hôm nay. Tôi đặc biệt cám ơn luật sư Nguyễn Hồng Hà, một luật sư Khánh Hoà rất kính mến và kiên trì, dù có việc tang gia, nhưng vẫn tham gia phiên toà này, và giúp đỡ vợ chồng tôi và các đồng nghiệp suốt từ 7/2019 cho đến nay.

Đối với Quý vị đại diện VKS, tôi xin tỏ lòng tôn trọng quý vị, cho dù có sự “va chạm” và không hài lòng đối với Quý vị, tôi tin chúng ta vẫn có thể bắt tay thân mật ngoài toà.

Vụ án trốn thuế này lẽ ra là vụ án nhỏ, nhưng lại nhằm vào tôi, một luật sư hành nghề lâu năm nên được dư luận trong nước và ngoài nước, giới luật sư và rất nhiều người quan tâm. Ngoài 60 Luật Sư trực tiếp giúp vợ chồng tôi, hàng trăm luật sư khác đã ký tên các kiến nghị về vụ án đến các bạn ngành, Đoàn Luật sư Hà nội và Liên đoàn luật sư Việt nam đã gửi nhiều kiến nghị, dù chưa được giải quyết.

Vụ án này cũng liên quan hàng chục vạn Việt kiều có ý định trở lại làm ăn kinh doanh tại Việt nam hoặc có nhà đang nhờ người khác đúng tên, khi chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, một Việt kiều Na Uy là một bị cáo trong vụ án này. Kết quả của vụ án cũng có thể ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình Việt nam với hàng chục triệu người, khi họ tham gia mua bán bất động sản, trước đây hay hiện nay, giống như giao dịch giữa tôi và chị Hạnh. Riêng Nha Trang, nơi gần đây giao dịch bất động sản rất sôi động, giá thị trường từng lên gấp chục lần chỉ trong gần chục năm, hầu hết người dân đều trực tiếp hay có người thân tham gia là người bán hay người mua trong giao dịch bất động sản, trong đó chắc chắc có các vị trong khán phòng này.

Vụ án này nhỏ nhưng trở thành phức tạp, vì nó liên quan đến việc áp dụng nhiều luật chuyên ngành để nhận định các tình tiết trong vụ án. Ngoài Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Bộ luật hình sự cũ 1999/2009 và BLHS mới 2015/2017, phải áp dụng các luật thuế (Luật quản lý thuế, Luật thuế thu nhập cá nhân và rất nhiều văn bẩn thì hành), Luật Giám định Tư pháp, Luật Công chứng, Luật Nhà ở, Luật Quốc tịch, Luật Luật sư, Luật Tố cáo, Bộ Luật dân sự. Có thể lần đầu tiên áp dụng án lệ đã được đề cập trong xét xử tại Việt nam, trưa nay trước khi đến phiên toà tôi đã tìm “án lệ” trong các quyết định hay bản án được đăng trên trang của TANDTC, đều không có kết quả. Trước đây mấy hôm tôi đã gửi bản liệt kê 14 văn bản pháp luật đề nghị Toà án và Viện kiểm sát tham khảo, áp dụng.

Lần đầu tiên trong một vụ án hình sự, một bị cáo là một luật sư vẫn đương hành nghề, lại từng công tác ở ngành Toà án và Kiểm sát. Cho dù tôi có khiêm tốn, tôi cũng được coi là một luật sư có kinh nghiệm, hoạt động lâu năm và có ảnh hưởng nhất định trong xã hội. Nhiều thế lực có thể không ưa thích tôi nên muốn hại tôi, muốn tước thẻ hành nghề của tôi, họ đã lợi dụng các cơ quan tố tụng tỉnh Khánh Hoà trong vụ án này. Vì thế ở cấp sơ thẩm, tôi đã căn cứ vào một điều khoản trong BLTTHS đề nghị Toà án TP Nha trang chuyển vụ án lên cấp tỉnh để khi phúc thẩm sẽ lên Toà cấp cao, thoát khỏi ảnh hưởng của các cơ quan tố tụng địa phương, may ra vụ án mới giải quyết được khách quan, công bằng.

Qua diễn biến phiên toà, rõ ràng đại diện VKS đã không tranh luận lại được với các luật sư và tôi. Các luật sư và tôi đã đưa đủ lý lẽ, căn cứ chứng minh vợ chồng tôi vô tội, và cả hai bị cáo Hạnh và Lắm cũng vô tội. Đó là những lý lẽ, căn cứ đại diện VKS không bác bỏ được và do đó họ không dám tranh luận.

Tôi xin nêu ra đây ít nhất 10 bất thường của vụ án.

1/ Lần đầu tiên ở Việt Nam xử người mua không tham gia vào quá trình kê khai, nộp thuế về tội trốn thuế với tư cách đồng phạm của người bán. Điều này sẽ thành tiền lệ khiến hầu hết người Việt Nam, với thói quen mua không cần hoá đơn, ký vào giấy tờ lập sẵn (có thể ghi giá thấp hơn thực tế giao dịch) vì lý do khác nhau, có thể bị coi và truy cứu về hành vi trốn thuế, là những bị can, bị cáo dự bị.

2/ Lần đầu tiên ở Việt Nam xử trốn thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng Bất Động Sản ghi giá thấp hơn giao dịch. Mặc dù chúng tôi đã chứng minh việc đó không có tội trốn thuế vì chính các quy định hiện hành của Việt Nam không cấm như vậy, nhưng nếu Toà kết tội các bị cáo trong vụ án này, nguy cơ hàng loạt các vụ tương tự sẽ bị xử lý, khởi tố. Hôm nay ông đại diện Chi Cục Thuế Nha Trang có đưa ra một số giấy tờ về khai thuế bán bất động sản để làm ví dụ cho Toà tham khảo, trong đó có tờ khai giao dịch nhà mặt đường 150m2 trong thành phố Nha trang vào năm 2016 (vào thời điểm tôi có giao dịch nhà đất ở Nha trang), ghi giá 300 triệu đồng, trong khi bên thuế tính giá trị theo quy định của địa phương bằng gần 900 triệu đồng.

Theo đánh giá của tôi, giá thị trường thực tế có thể gấp 5-10 lần quy định của Uỷ ban vào thời điểm 2016. Một số người dân Nha trang cho tôi biết các công chứng viên Nha trang vẫn tiếp tục tư vấn người bán ghi giá thấp như một công chứng viên đã tư vấn cho chị Hạnh trong vụ án này, nói rằng “yên tâm đi, vụ án trốn thuế bị truy tố chỉ do liên quan luật sư Hải thôi”. Để bảo đảm công bằng và thu thêm thuế cho nhà nước, Toà cần kiến nghị thanh tra, kiểm tra đồng loạt tại Chi cục thuế Nha trang và các phòng công chứng.

3/ Là vụ án trốn thuế nhỏ, và chính các cơ quan tố tụng cho rằng không có yếu tố nước ngoài (vì chị Hạnh có quốc tịch Việt Nam, tuy có quốc tịch Na Uy nhưng pháp luật chỉ công nhận 1 quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam), nhưng cơ quan điều tra cấp tỉnh tự xác minh và điều tra trái thẩm quyền. Còn kiểm sát viên điều tra là trưởng phòng 1 VKS tỉnh, mà theo quy định ngành (theo phát hiện của một luật sư) phụ trách kiểm sát án an ninh.

4/ Vụ án này do cơ quan điều tra tự xác minh, điều tra trong khi theo quy định phải do cơ quan Thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế trước nếu có dấu hiệu trốn thuế và nếu đến mức truy cứu TNHS mới chuyển sang cơ quan điều tra. Đến nay chính Chi cục thuế Nha Trang thừa nhận không xác định các bị cáo có vi phạm pháp luật về thuế.

5/ Khám xét nhà tôi và cả văn phòng tôi một cách bất thường rầm rộ, từ sáng đến đầu chiếu, đưa tin trên VTV vào giờ vàng nhằm mất uy tín cho tôi và tổ chức hành nghề của tôi. Nhiều tài liệu, tài sản của VP tôi và của khách hàng không liên quan đến vụ án bị thu giữ, ngoài ra tiền và giấy tờ của nhân viên bị lấy đi. Trong khi không khám nhà và cửa hàng chị Hạnh, được coi là đầu vụ, giữ nhiều tài liệu liên quan. Tôi với tư cách luật sư, từng chứng kiến khám xét trong một số vụ án lớn, có cuộc khám xét chỉ diễn ra 15 phút, không thu giữ tài liệu, tài sản nào, không như việc khám xét đối với tôi.

6/ Một vụ án nhỏ mà tổ chức tốn kém, gây thiệt hại cho ngân sách và ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng vạn người dân Nha Trang, hoạt động của cơ quan nhà nước. Tới nay có 4 phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm xử vụ án, riêng phiên toà phúc thẩm này kéo dài tới 1 tuần, đều chặn đường trước toà. Mỗi lần huy động hàng trăm người đủ lực lượng, kiểm tra an ninh quá mức. Đặc biệt cắt internet, mạng 4g trong phạm vi bán kính 1km, ảnh hưởng đến hàng vạn người dân, hàng nghìn khách du lịch và nhiều cơ quan nhà nước.

7/ Vụ án chỉ xét xử bán công khai, không để báo chí và người dân thực sự quan tâm đến dự, trái Hiến pháp, trái Luật báo chí, trái Bộ Luật Tố tụng hình sự. Theo quy định báo chí chỉ cần đăng ký Toà trước 15 phút, nhưng các cơ quan báo chí đăng ký không được Toà giải quyết, nhiều nhà báo cho biết phải thông qua phòng an ninh nào đó để giải quyết. Việc không cho nhiều cơ quan báo chí tham gia, trong có tạp chí Luật sư, khiến diễn biến phiên toà không được phản ánh khách quan, đầy đủ trên báo chí.

8/ Vụ án này có đông luật sư tham gia bào chữa nhất Việt Nam, 60 luật sư đã tham gia, để bảo vệ đồng nghiệp và bảo vệ chính nghề luật sư.

9/ Mặc dù là bị can, rồi bị cáo, cá nhân tôi được rất nhiều người dân, cán bộ, công chức kể cả trong các ngành tư pháp và cả các sỹ quan công an sự chia sẻ, động viên suốt trong thời gian qua, thậm chí cung cấp những thông tin, tài liệu quý báu cho tôi.

10/ Chứng cứ duy nhất để buộc tội các bị cáo là một kết luận giám định đã được chứng minh sai sót, giám định viên thừa nhận không có căn cứ pháp lý và nhiều vi phạm liên quan đến giám định, ngay đại diện của VKS cũng nghi ngờ.

Thưa HĐXX.

Nếu vụ án này tuyên có tội cho các bị cáo, sẽ có 7 hậu quả sau, hết sức nghiêm trọng cho xã hội và nền tư pháp, nên đề nghị HĐXX nên cân nhắc:

1/ Nếu chấp nhận đề nghị của VKS không áp dụng án lệ 02, HĐXX phải nêu rõ căn cứ lý do trong bản án. Khi đó quy định về án lệ có nguy cơ không có hiệu lực thực tế trong xét xử ở Việt Nam.

2/ Bản án nếu không xác định thu nhập của chị Hạnh (từ việc chuyển nhượng bất động sản cho vợ chồng tôi) là thuộc đối tượng chịu thuế TNCN theo điều 3 Luật TNCN (nếu chị Hạnh thuộc đối tượng này, vợ chồng tôi không liên quan vì chị Hạnh chưa kê khai, nộp thuế, việc chưa kê khai có khó khăn về thủ thục theo như lời của ông giám định viên tại phiên toà phúc thẩm, mặc dù chị Hạnh đã đề đạt yêu cầu kê khai, nộp thuế nhưng chưa được cơ quan nào hướng dẫn), sẽ là phủ nhận một quy định của Luật này.

3/ Chấp nhận người mua không tham gia kê khai, nộp thuế cùng người bán là đồng phạm trốn thuế người bán, có những hậu quả như tôi đã nêu trên.

4/ Chấp nhận tính giá để áp thuế TNCN theo giao dịch thực tế (mặc dù không có văn bản nào quy định), dẫn đến phải thanh tra kiểm tra lại tại Chi cục thuế và phòng công chứng trong cả nước, mất ổn định xã hội.

5/ Chấp nhận một loạt các vi phạm pháp luật trong suốt các giai đoạn tiền tố tụng, điều tra, truy tố, xét xử như các luật sư và tôi đã trình bày, đặc biệt vi phạm một nguyên tắc cơ bản quy định tại điều 16 BLTTHS là bảo đảm quyền của người bị buộc tội như tôi đã vừa phân tích và đại diện VKS không đối đáp được, cũng là vô hiệu hoá BLTTHS.

6/ Chấp nhận một kết luận giám định sai sót, vi phạm pháp luật của một giám định viên không khách quan, vô tư và phải từ chối theo quy định (vì ông GĐV là cấp trên trực tiếp của Chi cục thuế Nha Trang, đương sự trong vụ án) là chứng cứ buộc tội, dẫn đến tình trạng giám định cầu thả, làm oan sai càng cơ hội phát triển. Chính GĐV đã thừa nhân KLGĐ sai phạm, không có căn cứ pháp lý.

7/ Đặc biệt chấp nhận việc không làm đúng điều 4 Hiến pháp, trong đó quy định về tư tưởng Hồ Chí Mình. Mở đầu phiên toà, tôi đã kháng cáo bổ sung về vấn đề này, cụ thể quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã không theo một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động tư pháp, được Hồ Chí Mình được phát biểu trong hội nghị công tác tư pháp 1950, rằng “xét xử hay là tốt, không phải xét xử còn tốt hơn”. Câu nói quan trọng này đã được trích dẫn nhiều trong các báo chí của đảng, của ngành toà án, của ngành kiểm sát.

Ngay ông Chánh án toà án Khánh Hoà đã có bài báo tường 7 trang về tư tưởng HCM trong hoạt động xét xử, đăng ngay sảnh của trụ sở Toà án. Đáng tiếc, mấy hôm trước khi đang diễn ra phiên toà này, khi tôi có trình bày về việc không tuân theo tư tưởng HCM trong quá trình tố tụng của vụ án này, có ai đó đã gỡ bỏ bài báo của ông Chánh án. Rõ ràng nếu làm đúng theo luật thuế, theo quy trình, theo BLTTHS, các cơ quan Pháp luật và thuế có thể mời chị Hạnh “khắc phục hậu quả”, như chị đã đề đạt nhiều lần, kể cả bằng văn bản, việc khắc phục hậu quả đã thực hiện tại cơ quan thuế hay tại các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm.

Chị Hạnh cho dù “chưa phục” nhưng cũng sẵn sàng khắc phục, để an tâm làm ăn như chị trình bày và do đó được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, vụ án dừng lại, không phải xét xử theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng các cơ quan này đã cố tình không thực hiện như vậy để xét xử nhằm có cớ tước thẻ luật sư của tôi. Cái tên “vụ án Trần Vũ Hải và đồng phạm trốn thuế” mà VKS tỉnh Khánh Hoà tự đặt, dù rất vô lý (khi chính các cơ quan tố tụng xác định chị Hạnh “chủ mưu” và “hưởng lợi”) đã chứng minh điều đó, dù có trái tư tưởng HCM trong hoạt động tư pháp.

Thưa HĐXX.

Sau phiên toà sơ thẩm, chị Hạnh không kháng cáo do chị quá “mệt mỏi”, như chị trình bày trong phiên toà phúc thẩm, nhưng chị đóng đầy đủ các khoản tiền theo phán quyết của án sơ thẩm đối với chị và anh Lắm. Hôm nay anh Lắm thay mặt anh và chị Hạnh để nghị miễn TNHS để yên tâm sống và làm ăn, cho dù tôi và các luật sư khẳng định họ vô tội, nhưng tôi đề nghị Toà xem xét một cách nhân văn đối với họ, như theo quy định của BLTTHS và BLHS. Cũng như họ, tôi đề nghị Toà xem xét xoá án đối với vợ tôi, một phụ nữ Hà Thành mẫu mực, luôn chấp hành pháp luật, xứng đáng được Toà án đối xử nhân văn. Tất cả các bị cáo này bị liên lụy chỉ vì liên quan đến “luật sư Trần Vũ Hải”, họ không đáng phải ra Toà.

Riêng với tôi, nếu Toà kết tội chị Hạnh, anh Lắm về tội ít nghiêm trọng, và cho rằng tôi có vai trò giúp sức, có đủ tình tiết để miễn TNHS đối với tôi. Nhưng tôi khẳng định tôi vô tội, có đủ căn cứ để hủy bỏ bản án này, và đình chỉ vụ án. Còn nếu Toà án cần thận trọng hơn, có thể giám định lại như theo yêu cầu của tôi, theo BLTTHS.

Nhân đây tôi xin lấy làm hối tiếc, vì bị liên đới trong vụ án này, nên không thể đứng ra làm trung gian giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm, Hà Nội (như đã từng làm năm 2017), không ngăn cản được cuộc khủng hoảng Đồng Tâm xảy ra sáng 9/1/2020, khiến 4 người đáng trân trọng chết oan uổng. Ngày hôm đó tôi phải có mặt ở Nha Trang hầu phiên tòa phúc thẩm này. Xảy ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này, tôi xin lỗi hương hồn 4 người đã chết, vì không thể làm được gì.

Tôi cám ơn mọi người trong khán phòng này, và mong có 1 bản án công bằng, quyết định công tâm, không chịu áp lực của bất kỳ ai. Tôi có niềm tin các ý kiến của tôi và các luật sư sẽ được các vị lắng nghe, cân nhắc, hôm nay, ngày mai, hoặc có thể tuần sau để ra phán quyết hoặc nếu chưa ra được thì hoãn phiên toà để giám định lại trước khi ra phán quyết.

(Toà thông báo sẽ công bố phán quyết vào 9h30 sáng 21/2/2020).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. -Luật sư Ngô Bá Thành, luật sư dưới 2 chế độ, từng là đại biểu Quốc hội ở Hà Nội, có câu nói nổi tiếng:“Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. Lúc đương nhiệm (nhiệm kỳ 24/9/1997 – 25/9/2002), Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương đã khẳng định tại Quốc hội rằng: “Ở nước ta, đôi khi án dân sự xử sao cũng được”. Chiều 11/6/2014, tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận: “Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con” & Ông kết luận: “Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới”.
    -Thục ra, QHVN xây dựng Luật chỉ nhằm mục đích cai trị dân Việt. Còn Đảng viên là giai cấp lãnh đạo, họ “Sống và làm việc theo Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị,… của Đảng”, họ đứng trên Hiến pháp, Pháp luật. Luật sư Ngô Bá Thành nói “xét xử lại dùng luật rừng!” có nghĩa rằng xã hội Việt hiện khác gì là xã hội của loài thú, con ng sống đối xử với nhau như con vật sống trong rừng rú nên “dùng luật rừng!”?
    -Vụ việc Luật sư Trần Vũ Hải là lời cảnh báo sớm cho những ai hy vọng EP đã thông qua EVIPA & EVFTA với VN sẽ giúp thúc đẩy dân chủ và nhân quyền tại VN thì họ quá ảo vọng. Người xưa có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” rất đúng với CS. Vì bản chất CS là: “dối trá & bạo lực”, “cướp công & đổ thừa”, “bất chấp thủ đoạn để chiếm đoạt”.
    -Sống với chế độ CS, vào Đảng là con ng sẽ dần mất hết tính “NGƯỜI”, cuối cùng chỉ còn lại tính Đảng. Diễn giải tính Đảng đó là: đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, cướp chính quyền, tập trung dân chủ,… tính Đảng đã dẫn đưa con ng đi đến Vô Nhân, Vô Đạo, Vô Pháp (bất chấp Pháp luật), Vô Thiên (bấp chấp Trời Đất, bất chấp Nhân Quả).
    P/s: “Sau khởi tố hơn 1 năm, bị can Lê Huy Toàn vẫn là phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, vì sao?”. Vì bị can Lê Huy Toàn là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy Khánh Hòa quản lý, nên việc xử lý các chức vụ thành ủy viên, phó chủ tịch UBND TP Nha Trang đối với bị can Lê Huy Toàn thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Nhưng về mặt Đảng, bị can Lê Huy Toàn chưa bị xem xét, kiểm tra, thanh tra về các dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng đối đảng viên, theo các quy định xử lý kỷ luật của Đảng nên bị can Lê Huy Toàn vẫn được “bảo toàn” các chức vụ nêu trên. Chính phủ pó tay? Than ôi !!!

  2. Khâm phục luật sư Trần Vũ Hải về phẩm chất và trí tuệ, cùng các vị luật sư bào chữa cho luật sư TVH. Các vị là những người tiên phong trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người dân vì nền dân chủ đang nhen nhóm trong xh đầy dẫy bạo lực, bất công.
    Kính chúc cácu vị mạnh khỏe và an vui trong bất kỳ tình huống xấu xa nào vì các vị đã, đang và sẽ luôn luôn đúng, chính nghĩa.
    Phiên tòa này cũng như các loại phiên tòa khác chỉ ngày càng bôi bẩn, vốn đã nhọ nhem từ thời ccrd của chế độ toàn trị độc ác

Comments are closed.