Bao giờ thì Hà Nội có thị trưởng đúng nghĩa đúng tầm?

Nguyễn Ngọc Chu

12-2-2020

Ảnh: VNN

Nghe tin Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 07/02/2020 phê duyệt xây cầu Vĩnh Tuy 2 với kinh phí 2.540 tỷ đồng mà vừa mừng vừa buồn. Mừng vì Hà Nội có thêm cầu mới giúp cải thiện tình hình giao thông qua phía Bắc sông Hồng. Buồn vì biết rằng bài toán tắc nghẽn giao thông nội đô Hà Nội còn lâu mới được cải thiện. Dưới “triều đại” hiện nay, Giao thông Hà Nội không có cửa cải thiện đáng kể. Muốn cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông một cách đột phá, Hà Nội phải có một thị trưởng đúng nghĩa đúng tầm.

LÀM NGƯỢC

1. Giải bài toán tắc nghẽn giao thông Hà Nội trước hết là giải bài toán tắc nghẽn giao thông nội đô. Mạng lưới giao thông nội đô phải được xây dựng hoàn hảo – mà trước hết hết là mạng lưới giao thông công cộng. Chúng bao gồm hệ thống xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao. Đường giao thông cho các phương tiện giao thông phải không bị chặn – nghĩa là có cầu vượt, đường chui tại các nút giao thông.

Giao thông nội đô nên luôn có đường vòng xuyến, ngầm dưới đất và chạy trên cao, bao quanh thành phố không bị dừng bất cứ điểm nào, ngoại trừ ga đỗ. Đây là tuyến giao thông rất quan trọng, cho phép đến bất cứ điểm nào trên vòng xuyến – đi không quá nửa vòng tròn. Từ đó có thể chuyển sang tuyến khác để vào trung tâm hay ra ngoại ô. Đây là tuyến giao thông phải được ưu tiên xây dựng đầu tiên trong nhóm ưu tiên đầu tiên.

Thế nhưng hiện nay, Hà Nội chưa có vòng xuyến đường trên cao, Hà Nội chưa có vòng xuyến đường tàu điện ngầm. Nói cụ thể, đường vành đai 1 của Hà Nội, sau 50 năm quy hoạch hiện nay vẫn chưa xây dựng xong!

Các đường xuyên tâm của Hà nội – chưa có một đường nào thông suốt. Mọi đường xuyên tâm đều bị chặn hầu khắp mọi nơi.

Từ đó để thấy hệ thống xe buýt không thể hoạt động hiệu quả. Và hệ quả là người dùng sẽ tiếp tục sử dụng xe máy mà ít sử dụng giao thông công cộng, làm cho giao thông ngày thêm tắc nghẽn.

2. Trong khi đó thì Hà Nội làm ngược lại. Không xây dựng các đường vòng xuyến ngầm và trên cao cùng các đường xuyên tâm thông suốt, lại xây các tuyến từ ngoại đô đổ dồn vào trung tâm trước. Đó là các tuyến đường sắt trên cao: Nhổn – Văn Miếu, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, Hà Đông – Cát Linh (còn định mở rộng thêm 20km về Xuân Mai). Cách này chỉ làm cho giao thông Hà Nội thêm tắc nghẽn.

GIAO THÔNG HÀ NỘI ĐANG BỊ ĐIỀU PHỐI BỞI BẤT ĐỘNG SẢN

1. Xây đường cao tốc Hà Nội – Láng Hòa Lạc nhanh là do bất động sản chi phối. Vì bất động sản mà suýt có con đường khác từ Hồ Tây – Ba Vì. Con đường mới này còn được khoác cả tấm choàng “trục tâm linh”. May mà nó bị cản trở.

2. Cầu Vĩnh Tuy 2 được phê duyệt nhanh cũng vì bị chi phối bởi bất động sản khu vực Gia Lâm. Chưa có bất động sản khu vực Gia Lâm thì chưa có cầu Vĩnh Tuy 2.

3. Sắp tới đây rồi còn có cầu Phú Thượng. Sự ra đời sớm hay muộn của cầu Phú Thượng phụ thuộc vào các ông trùm bất động sản Đông Anh. Các nhà đầu tư bất động sản khu vực Đông Anh đang vẽ ra thành phố Hà Nội mới với “Hồ Gươm mới” ở Bắc sông Hồng. Chính họ mới là “cha đẻ” cầu Phú Thượng.

4. Hà Nội phải tập trung nguồn lực để giải quyết ách tắc giao thông nội đô trước. Trong số đó ưu tiên số 1 là hệ thống đường tàu điện ngầm và đường trên cao nội đô để thúc đẩy giao thông công cộng, giảm bớt lượng người dùng xe máy, giảm bớt tắc nghẽn giao thông. Sau đó mới tỏa ra ngoại đô.

Hiển nhiên việc xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ mở thêm đường giao thông ra phía Bắc sông Hồng. Nhưng nhớ rằng ách tắc giao thông nằm ở nút lên xuống 2 đầu cầu. Nếu hệ thống giao thông phía lên xuống 2 đầu cầu không tốt thì xây thêm cầu không có nhiều ý nghĩa.

BAO GIỜ THÌ CÓ THỊ TRƯỞNG HÀ NỘI ĐÚNG NGHĨA ĐÚNG TẦM

1. Về phương diện quản trị, thì Chủ tịch UBND TP Hà Nội là Thị trưởng Hà Nội. Nhưng trên thực tế thì Bí thư Thành ủy Hà Nội mới là người có quyền nhất. Nên Bí thư Thành ủy Hà Nội mới là Thị trưởng Hà Nội. Nhưng Bí thư Thành ủy Hà Nội lại không trực tiếp quản trị Hà Nội. Cũng như vậy, Bí thư Tỉnh ủy là Tỉnh trưởng chứ không phải là Chủ tịch UBND Tỉnh. Nhưng Bí thư Tỉnh ủy lại không phải là người quản trị Tỉnh.

2. Hệ thống Bí thư và Chủ tịch các tỉnh thành của Việt Nam không cho phép có được các ông Thị trưởng và Tỉnh trưởng đúng nghĩa. Điều này làm giảm hiệu quả của công việc quản trị quốc gia. Khuyết tật này không thể không sửa chữa.

3. Ông Vương Đình Huệ vừa được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đây là một “maner” (động thái) chính trị hơn là một tác nghiệp quản trị. Thêm vào đó là thời gian ngắn trong sự vận hành cầm chừng của các chính trị gia ghé chân lên thang, nên không hy vọng ông Vương Đình Huệ làm được gì nhiều cho Hà Nội.

4. Ông Nguyễn Đức Chung là người trái ngành và không đúng tầm cho chức “Thị trưởng Hà Nội bán phần”, lại trong giai đoạn “khủng khoảng”, nên càng không thể làm gì được cho Hà Nội. Nhắc lại chuyện cũ, chỉ riêng ‘sáng kiến giải thoát ách tắc giao thông Hà Nội’ trị giá khoảng 200 ngàn đôla bị chìm nghỉm như hòn sỏi ném xuống Hồ Tây – đã minh chứng thêm tương lai mù mịt của giao thông Hà Nội.

5. Bao giờ thì Hà Nội có một Thị trưởng đúng nghĩa đúng tầm?

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Các Đảng CS một khi nắm được chính quyền thì quản trị quốc gia theo cách riêng của lãnh tụ.Nhưng khốn nổi các lãnh tụ này lại xuất thân từ sự đấu tranh bạo lực,chưa trãi qua trường lớp học tập kiến thức đầy đủ nên thiếu khả năng xây dựng và phát triển đất nước.Mặt khác họ lại độc tài bão thủ và kiêu ngạo cho nên xứ nào lâm vào hoàn cảnh này trước sau gì cũng sụp đổ

  2. Đây là một “maner” (động thái) chính trị hơn là một tác nghiệp quản trị. Ts Chu có “trình” ngoại ngữ “đỉnh” thật.

  3. Bao rờ Nguỹn Ngọc Chu làm thị trưởng thủ đô nhầy nhụa Hà Lội thì lúc đó sẽ có thị trưởng Chu của Hà nội ngàn năm văn hiến. Cố lên thầ Chu. Nhưng truóc hết thầ Chu nên bỏ trườngm bỏ lớp, bỏ đảng, đi sát cái quần nhân Hà lụi đã

Comments are closed.