3-2-2020
Hôm nay là ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Định chả nói gì đâu nhưng do vô tình đọc được lời nói chuyện của ông tổng bí thư thối quá nên đành phải buông đôi lời.
Ông ấy nói về đảng thế này:
“Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên.”
Vâng, ở một khía cạnh nào đó thì dù ai có ghét cái đảng này đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng họ có những trình độ và kỹ năng vào bậc thượng thừa. Ấy chuyện đảng cộng sản Việt Nam đã cực kỳ xuất sắc trong việc học tập và ứng dụng nghệ thuật tuyên truyền vào việc lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ.
Ở gian đoạn ban đầu khi mới tập hợp được lực lượng, những người đi theo đảng hầu hết là nông dân. Nhưng trong đó cũng không ít thành phần trí thức, địa chủ và con em các nhà tư bản dân tộc. Để kêu gọi và thống nhất các thành phần này, đảng đã nêu cao ngọn cờ dân tộc để đánh đuổi thực dân. Thực chất, đây là một chiêu trò đã từng được Đức quốc xã sử dụng rất thành công khi tuyên truyền về cái gọi là Chủng tộc Ariang thượng đẳng, để đẩy cả nước Đức lao vào đánh nhau với toàn thế giới.
Ở những giai đoạn tiếp theo, đến khi cần cướp bóc và kiểm soát mọi nguồn lực của xã hội trong Cải cách ruộng đất năm 1953, đảng đã chuyển từ hoạt động bí mật dưới tên gọi rất lành là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Đông Dương thành đảng Lao Động Việt Nam hoạt động công khai năm 1951. Dưới tên gọi này, đảng đã ra sức tuyên truyền về khái niệm giai cấp, kích động hận thù giữa các thành phần xã hội, để từ đó có một nguồn nhân lực to lớn thực hiện Cải cách ruộng đất long trời lở đất.
Dân số Việt Nam năm 1945 tại 32 tỉnh, thành là trên 13 triệu người, còn toàn cõi Việt Nam là khoảng trên 20 triệu người. Lúc đó do đất rộng người thưa, trình độ canh tác thấp nên diện tích đất trồng trọt cũng không có nhiều. Ngoài một số ít ruộng đất vốn có quanh các làng xã, một ít do các triều đại trước ban phát cho quan lại, phần nhiều những mảnh ruộng hay đồn điền lớn là do lớp người mới như các nhà buôn hay các nhà kỹ nghệ đầu tư công sức tiền bạc khai khẩn mà nên.
Nhưng với những khẩu hiệu như: “Người cày có ruộng”; “Trí, Phú, Địa, Hào… đào tận gốc, trốc tận rễ”… cải cách ruộng đất không chỉ là việc lấy đất của tầng lớp cai trị cũ chia cho nông dân, mà thực chất còn là một cuộc cướp bóc trắng trợn tài sản, công sức của cả những người tài giỏi trong xã hội do tích tụ điền địa qua việc khai hoang, buôn bán, giao thương nhiều đời mà có. Số này mới là nhiều, chứ đất của quan lại triều Nguyễn cũ hay của công chức thời Pháp thuộc chưa ăn thua.
Trong những năm tháng đau thương đó, có nhiều người lính đã không tiếc máu xương để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động động địa cầu, nhưng khi trở về thì chẳng còn mái nhà xưa… Con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, nhiều người bị hành hạ tàn khốc trước khi bị giết hại mà không hề có bản án. Tiếng khóc ai oán khắp các làng quê… hỏi rằng hai tiếng đồng bào, hai tiếng dân tộc mà đảng tuyên truyền lúc thủa ban đầu gian khó ở đâu…?
Năm 1956 ông Hồ Chí Minh và đảng Lao động đã phải công khai lên tiếng nhận sai sót trong quá trình thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, rồi thực hiện một số biện pháp kỷ luật và tiến hành sửa sai. Bản thống kê chính thức cho biết là trong số 172.008 ngừơi bị quy là địa chủ và phú nông trong cải cách ruộng đất thì 123.266 người bị quy sai, tức là bị oan. Tính theo tỷ lệ là 71,66%.
Nhưng sửa sai thế nào được khi mạng người đã mất, khi gia đình và tài sản của người ta đã ly tán khắp nơi? Theo tôi chính những hậu quả đau đớn của việc Cải cách ruộng đất năm 1953 là tác nhân lớn nhất để rồi đất nước phải chia hai, bắt đầu vào năm 1954. Từ khi đất nước phân ly, đảng ta ở miền Bắc đã từ từ cất hẳn ngọn cờ dân tộc đi, âm thầm kêu gọi phe XHCN vào giúp sức, nhưng lại lên án kịch liệt miền Nam là bám gót đế quốc Mỹ sài lang. Lúc này tinh thần “vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”, “đánh đuổi chủ nghĩa tư bản”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Đốt cháy dãy Trường Sơn để đánh Mỹ”… và rất nhiều khẩu hiệu khác nữa được tung ra để rồi hai miền Nam Bắc đánh nhau khốc liệt còn hơn với quân thù.
Còn vô số những sự kiện khác nữa như cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979, khủng hoảng kinh tế 1986, hội nghị Thành Đô 1990, gia nhập Asean 1995, bình thường hoá quan hệ với Mỹ 1997… đảng ta lúc nào cũng tài tình đưa ra cách lý giải và khẩu hiệu tuyên truyền cực kỳ thuyết phục, để rồi “đất nước chúng ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Trong bài viết ngắn ngủi này thì tôi không thể kể hết những thành tựu của đảng trong nghệ thuật tuyên truyền quần chúng 90 năm qua. Nhưng tôi tin rằng đến giờ phút này chắc đảng không thể ghi thêm thành tích nào nữa trong lĩnh vực đầy khó khăn này.
Xin chúc đảng ra đi trong thanh thản, chúc những người đảng viên tìm thấy con đường mới, chúc nhân dân mau thoát khỏi cơn mê này.