Tại Sao Đồng Tâm?

Viet-Studies

Nguyễn Quang Dy

26-1-2020

Trong bài trước (Những chỉ dấu bất ổn đầu năm mới, 12/1/2020), tác giả đặt biến cố Đồng Tâm trong bối cảnh rộng lớn hơn, để tránh “thấy cây mà không thấy rừng” và cảnh báo về hệ quả khó lường nếu “tự bắn vào chân mình”, chỉ có lợi cho Trung Quốc. Trong bài này, tác giả cố gắng phác họa bức tranh toàn cảnh về Đồng Tâm, trong khi dư luận bị phân hóa vì thiếu hụt thông tin được kiểm chứng, và 60% người Việt bị vô cảm (theo Gallup, 2012).

Tại sao Đồng Tâm có thể đối thoại?

Tháng 4/2017, câu chuyện Đồng Tâm nóng lên khi ông Lê Đình Kình (thủ lĩnh Đồng Tâm, 82 tuổi) bị công an đá gẫy chân và bắt cóc, nên dân Đồng Tâm đã giữ 38 cảnh sát cơ động làm con tin để trao đổi. Lúc đó ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch Hà Nội) đã thuyết phục được lãnh đạo ủng hộ, cùng hai đại biểu Quốc Hội (ông Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng) đã về Đồng Tâm đối thoại với dân để giải cứu con tin và tìm giải pháp ôn hòa.

Tại sao lúc đó phương án đối thoại lại được chấp thuận? Thứ nhất, Đồng Tâm là một xã có truyền thống yêu nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dân Đồng Tâm tuy phản đối chính quyền chiếm đất nông nghiệp (59ha tại Đồng Sênh), nhưng không tranh chấp đất quốc phòng (47ha quanh sân bay Miếu Môn). Khi bộ đội xây tường bao quanh đất sân bay, dân Đồng Tâm đã kéo đến hỗ trợ. Khi dân bắt giữ con tin, họ được đối xử tử tế.

Thứ hai, ông Lê Đình Kình là một lão thành cách mạng có uy tín với dân, có 58 năm tuổi đảng, từng là bí thư đảng ủy nhiều năm. Tuy phản đối chính quyền chiếm đất nông nghiệp, nhưng cụ Kình tin vào đảng và vẫn là đảng viên đến khi bị giết. Một tướng công an có liên quan tới Đồng Tâm nhận xét, “dân hiền lành, không phải phản động, đấu tranh có lý lẽ và ôn hoà, chính quyền để xảy ra đổ máu là không chấp nhận được” (theo Lưu Trọng Văn).

Thứ ba, lúc đó ông Nguyễn Đức Chung đang lên, được lãnh đạo ủng hộ, vì sau đại hội Đảng, lãnh đạo thường muốn xây dựng hình ảnh để củng cố quyền lực. Theo ông Dương Trung Quốc, chính quyền không có bản đồ rõ ràng về đất quốc phòng nên đuối lý. Còn dân Đồng Tâm sau khi bắt giữ 38 cảnh sát cơ động làm con tin, họ có thể quá quá tự tin vào thắng lợi và chính nghĩa nên thách thức chính quyền, như một “sai lầm về chiến thuật”.

Lúc đó lãnh đạo đã tranh cãi xem nên chọn phương án nào để tháo gỡ bế tắc (standoff). Cuối cùng họ đã chọn phương án đối thoại (theo ông Nguyễn Đức Chung), mà không chọn phương án cứng rắn (theo ông Đoàn Duy Khương, phó Giám đốc Công an Hà Nội). Kết quả là ông Chung và cụ Kình đã đã nổi lên như hai ngôi sao đối thoại ôn hòa để giải quyết tranh chấp (dù chỉ là tạm thời). Đồng Tâm cũng nổi lên như một trường hợp độc đáo và điển hình vì dân biết đồng tâm nhất trí, và lãnh đạo Đồng Tâm (cụ Kình) biết ứng xử khôn ngoan.

Tại sao Đồng Tâm lại đổ máu?

Gần ba năm sau, cuộc chơi đã thay đổi, khi ông Chung không giữ cam kết với Đồng Tâm, làm tuột mất cơ hội đối thoại. Câu chuyện Đồng Tâm diễn biến từ đối thoại ôn hòa thành đối đầu cực đoan, khi phe cứng rắn muốn thanh toán cụ Kình và “nhóm đồng thuận” để cảnh cáo những ai dám thách thức. Nhóm lợi ích đứng sau tranh chấp đất Đồng Tâm không chịu ngồi yên để mất cơ hội. Xu thế đối đầu cực đoan trong bối cảnh tranh giành quyền lực trước Đại hội Đảng lần tới, là cơ hội tốt để phe cứng rắn lật lại bàn cờ Đồng Tâm. Điều đó lý giải tại sao cách xử lý vụ Đồng Tâm (01/2020) lại thua xa cách xử lý vụ Thái Bình (1997).

Có thể nói đến tháng 01/2020, “chân dung quyền lực” đã thay đổi. Ông Chung nay bị dư luận tấn công “lên bờ xuống…sông Tô Lịch”, vì những bê bối liên quan đến công ty Nhật Cường, xử lý vụ “nước sạch sông Đà” và vụ nước bẩn sông Tô Lịch. Bàn cờ tranh giành quyền lực trước Đại Hội Đảng đang nóng lên, khi những đối thủ của ông Chung nhân cơ hội này muốn xử lý cứng rắn vấn đề Đồng Tâm như một mũi tên nhắm hai con chim.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang (cựu đại tá công an), mục tiêu dùng bạo lực đánh úp Đồng Tâm là “phải tiêu diệt bằng được ông Lê Đình Kình, tịch thu hết hồ sơ, tài liệu, chứng cứ mà đương sự đang cất giữ, và bắt bằng hết nhóm Đồng thuận Đồng Tâm”. Cụ Kình đã nhiều lần nói với báo chí: “Cho dù có bị chặt đầu, tôi vẫn khẳng định 59ha đất ở Đồng Sênh là đất nông nghiệp”. Cụ Kình nói trong tay đầy đủ hồ sơ, tài liệu, giấy tờ để chứng minh.

Theo ông Quang, cụ Kình vẫn chủ trương đấu tranh ôn hòa, theo ba nguyên tắc. Một là phải dứt khoát không dùng vũ lực. Hai là phải đấu tranh pháp lý (kiện ra tòa án). Ba là phải đối thoại và hòa giải. Nhóm Đồng thuận luôn khẳng định không chống Đảng và Nhà nước, mà chỉ chống bọn tham nhũng và các nhóm lợi ích, thể hiện trong Tâm thư của Đồng Tâm gửi Hội nghị TƯ 7 (15/4/2018) và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội (28/5/2018).

Có mấy yếu tố tác động đến xu thế ứng xử cực đoan của người Việt. Một là chiến tranh tuy kết thúc lâu rồi, nhưng “bóng ma chiến tranh” vẫn ám ảnh tư duy và cách ứng xử của họ. Mỗi khi tranh giành quyền lực hay xung đột lợi ích, người Việt dễ bị xô đẩy vào ma trận nội chiến. Thứ hai, người dân Đồng Tâm vốn ôn hòa, nhưng ngày càng bức xúc vì tuyệt vọng trước cách ứng xử tráo trở của chính quyền nên đã công khai thách thức. Thứ ba, các nhóm lợi ích có thể lợi dụng điểm yếu đó của người dân Đồng Tâm để thao túng chính sách.

Ông Đoàn Duy Khương tuy là Giám đốc Công an và cấp dưới ông Chung nhưng nếu được lãnh đạo Bộ Công An (và cao hơn nữa) ủng hộ thì có thể qua mặt ông Chung để xử lý vụ việc Đồng Tâm. Lần này, tham gia “15 ngày hành động quyết thắng” để bình định Đồng Tâm, không chỉ có lực lượng cảnh sát cơ động của Sở mà còn lực lượng của Bộ và các đơn vị khác. Đồng Tâm từ “ván cờ thế” nay trở thành “nước cờ thí” trong bàn cờ vây lớn hơn.

Hậu Đồng Tâm

Sau biến cố Đồng Tâm (9/1/2020), người ta đang nói đến “hậu Đồng Tâm” với những ẩn ý về “hệ quả không định trước” (unintended consequences), như thảm họa về đối nội, đối ngoại, và truyền thông. Bằng cách tập kích Đồng Tâm vào lúc rạng sáng như tấn công đồn địch, giết chết cụ Kình như kẻ thù không đội trời chung, chính quyền đang đánh mất lòng tin của người dân và chứng minh “cách mạng đang ăn thịt những đứa con của mình”.

Chính quyền không chỉ dùng bạo lực quá mức cần thiết và quá tàn bạo đối với người già, phụ nữ và trẻ em, mà sau đó còn ép Vietcombank phong tỏa tài khoản tiền phúng viếng của nhiều người gửi cho gia đình cụ Kình với lý do đó là “tổ chức khủng bố”. Trong chiến tranh, người ta phải đối xử nhân đạo với tù binh, nhưng trong hòa bình, người Việt lại đối xử tàn bạo với đồng bào của mình như kẻ thù. Sau ông Kình, liệu còn ai dám tin vào Đảng? Đây là cách ứng xử thiếu khôn ngoan, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và an ninh quốc gia.

Trong khi đất nước đang cần đồng thuận quốc gia để tìm cách thoát hiểm bằng đổi mới thể chế và thoát Trung, thì người ta lại hành động như “tự bắn vào chân của mình”, chỉ có lợi cho Trung Quốc. Dấu vết trên thi thể của cụ Kình và ba sỹ quan cảnh sát đầy mờ ám, làm người dân càng nghi ngờ và bức xúc về cái chết thê thảm của họ. Thông báo của 3 người phát ngôn Bộ Công An về biến cố Đồng Tâm đưa ra 3 lần trong 5 ngày có nhiều điểm vô lý và trái ngược nhau, như một thảm họa về truyền thông, càng làm mất uy tín của Bộ Công An.

Quyết định đàn áp Đồng Tâm (9/1/2020) bất chấp Việt Nam là chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (năm 2020), và bất chấp Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu quyết định số phận của EVFTA (Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU). Theo ông Lưu Trọng Văn, chính quyền dùng bạo lực đàn áp dân Đồng Tâm gây ra bất ổn vào lúc này có thể là một phần trong âm mưu của nhóm lợi ích cấu kết với Trung Quốc “như thế lực thù địch”, hòng làm mất uy tín Việt Nam trước khi EU thông qua EVFTA.

Ngày 9/1/2020, bà Virginie Battu-Henriksson, người phát ngôn của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, cho biết Đại sứ Giorgio Aliberti (Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội) đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng (Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), bày tỏ lo ngại trước cách xử lý tình hình của công an Việt Nam. Bà Battu-Henriksson cũng cho biết rằng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã đề nghị có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, đồng thời họ sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình”.

Ngày 16/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành tiếp ông Pier Giorgio Aliberti, nhưng nội dung không được tiết lộ. Trước đó (13-16/1/2020), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm và làm việc với Nghị viện Châu Âu, để “chữa cháy” vụ đàn áp Đồng Tâm. Ông Sơn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của EVFTA & EVIPA nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU và hứa sẽ thực thi đầy đủ các cam kết. Theo Bộ KH-ĐT, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 4,6% GDP và xuất khẩu sang EU sẽ tăng 42,7% (vào năm 2025).

Giọt nước tràn ly

Tháng 7/2019, Tổng thống Trump tuyên bố “Việt Nam hầu như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” và “còn tệ hơn cả Trung Quốc”. Bộ Thương mại Mỹ đã đánh thuế 400% lên sản phẩm thép có nguồn gốc Hàn Quốc, Đài Loan (hay Trung Quốc). Sau biến cố Đồng Tâm, liệu ông Trump còn coi Việt Nam là một “trung tâm hòa giải quốc tế” và là “tấm gương tốt” để Bắc Triều Tiên noi theo, hay Đồng Tâm là “giọt nước tràn ly” làm Trump đổi ý. Phải chăng người Việt vẫn cực đoan muốn Việt Nam cô lập, theo mô hình “không chịu phát triển”.

Ngày 23/7/2017, Việt Nam đã cử đặc vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, bất chấp luật pháp Đức và luật quốc tế, gây ra khủng hoảng ngoại giao với Đức. Phải khó khăn lắm Việt Nam mới bình thường hóa được quan hệ với Đức và vận động được EU ký hiệp định EVFTA. Đêm 8-9/1/2020, Hà Nội huy động 3.000 cảnh sát cơ động đàn áp dân Đồng Tâm, bắn chết ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, tại nhà riêng. Đó là cách hành xử bạo lực, bất chấp luật lệ (như ông Duterte ở Philippine), gây ra phản ứng tiêu cực trong nước và ngoài nước.

Trong khi Việt Nam đang cố gắng vận động quốc tế ủng hộ thì những người cầm quyền cực đoan lại dùng bạo lực để đàn áp dân Đồng Tâm. Ngày 10/1, Việt Nam phóng thích và trục xuất bà Trần Thị Nga để lấy điểm về nhân quyền, nhưng động thái đó quá ít và quá muộn (too little too late) để dư luận quốc tế có thể bỏ qua vụ Đồng Tâm. Ngày 14/1, Đại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuy tỏ ý “cảm kích” trước động thái đó, nhưng vẫn tiếp tục bày tỏ lo ngại về vụ Đồng Tâm và chắc trong thời gian tới sẽ có phản ứng mạnh hơn về vấn đề này.

Tiếng nói về nhân quyền của Mỹ hiện nay có thể không mạnh bằng tiếng nói của EU do Mỹ đã rút khỏi TPP, trong khi EU vẫn nắm đòn bẩy về EVFTA, vì trong hiệp định này có điều khoản ràng buộc về vấn đề nhân quyền. Nếu vấn đề này không được cải thiện, như đánh giá của tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thì EVFTA có thể không được phê chuẩn, hoặc được phê chuẩn nhưng vẫn bị EU giám sát. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với Việt Nam, vì chính phủ Việt Nam đang kỳ vọng rất nhiều vào EVFTA như một cứu cánh.

Vụ Đồng Tâm có thể xô đẩy Việt Nam vào thế mắc kẹt như một nghich lý với “hệ quả kép” về đối nội và đối ngoại, còn nặng nề hơn cả vụ Trịnh Xuân Thanh. Ngày 21/01/2020, INTA (Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu) đã họp tại Bruxelles để bỏ phiếu cho EVFTA, với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống, và 5 phiếu trắng. Đó là một kết quả thuận lợi cho cuộc họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu để phê duyệt EVFTA (đầu tháng 2/2020). Vậy lý giải thế nào về kết quả bỏ phiếu đó, trước cú sốc dư luận do biến cố Đồng Tâm gây ra?

Thứ nhất, giá trị thương mại Việt Nam-EU là 56 tỷ USD, lớn thứ hai sau Singapore, là yếu tố quan trọng nhất để EU phê duyệt EVFTA. Thứ hai, EU phê duyệt EVFTA với Việt Nam không có nghĩa là đánh đổi hay bỏ qua nhân quyền, mà là điều kiện. Thứ ba, sau khi Mỹ rút khỏi TPP thì vai trò của EU trong EVFTA với Việt Nam về thương mại và nhân quyền càng quan trọng hơn. Vì vậy, EU muốn dùng EVFTA để ràng buộc và giám sát Việt Nam về nhân quyền, hơn là để Việt Nam đứng ngoài, có thể bí cờ phải đi theo Trung Quốc.

Thay lời kết

Khi kinh tế thị trường bị thao túng bởi các nhóm lợi ích thân hữu thì quyền lực và tham nhũng không được kiểm soát. Nguy hiểm nhất là tham nhũng chính sách vì nó không chỉ làm thất thoát lớn công quỹ mà còn gây ra khủng hoảng lòng tin. Trong khi Vụ AVG và vụ Thủ Thiêm là hai ví dụ điển hình đang được cho vào lò xử lý thì xảy ra biến cố Đồng Tâm. Đó không chỉ là một nghịch lý mà còn là một bi kịch quốc gia, làm đất nước tụt hậu.

Dư luận thắc mắc vì sao ông Nguyễn Phú Trọng lại vội quyết định truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất cho 3 sỹ quan cảnh sát bị thiệt mạng. Dù vì lý do sức khỏe nên ông Trọng bị bưng bít thông tin hay ông thực sự ủng hộ phương án đàn áp, thì đó là một thảm họa về truyền thông. Điều đó hơi vô lý trong bối cảnh ông Trọng vẫn “đốt lò” để xử lý tiếp vụ Thủ Thiêm, cũng như phát biểu của ông Trần Quốc Vượng (ngày 25/12/2019).

Ông Vượng xác định “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta” và “cơ đồ xây dựng 75 năm có nguy cơ sụp đổ”, không do bên ngoài mà ngay trong nội bộ, vì xác định sai về “thế lực thù địch”. Không chỉ có ông Vượng xác định “kẻ thù làm hại ta chính là ta”, mà còn nhiều người khác như chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm (cựu giám đốc Học Viện Hải Quân). Theo ông Lâm, để giám sát được quyền lực thì “vai trò của nhân dân cũng quan trọng không kém”.

Dư luận cho rằng nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào lịch sử với ba sự kiện bất thường. Một là thảm họa môi trường Formosa; Hai là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh; Ba là vụ đàn áp Đồng Tâm. Nếu vụ Đồng Tâm không phải do ông Trọng, mà là một nhân vật khác muốn gài bẫy ông (theo thuyết âm mưu) thì đó là một dấu hiệu bất ổn vì “trên bảo dưới không nghe”, báo hiệu năm 2020 còn nhiều ẩn số và biến số khó lường.

***

Năm mới, dù chính quyền dùng bạo lực nhổ được “cái gai Đồng Tâm” trong mắt họ thì vẫn khó diệt được tinh thần Đồng Tâm trong lòng dân. Thắng dân chỉ là hạ sách trước mắt, vì phải trả giá đắt lâu dài về đối nội, đối ngoại và truyền thông, như hệ quả bất định của cách ứng xử cực đoan. Tuy “chính phủ kiến tạo” kêu gọi ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển, nhưng cách ứng xử của người Việt vẫn theo hệ quy chiếu 0.4 vì “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, làm Việt Nam tiếp tục bị cô lập và tụt hậu trong một thế giới biến động khôn lường.

NQD. 26/01/2020 (Mùng 2 Tết Canh Tý)

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-1-20

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. CƯỚP
    Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Học Giả: Thái Bá Tân

    Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra.

    Nguồn Mạng.

  3. Học giả: Bùi Chí Vinh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
    Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
    Giúp nhà Lê mã đáo công thành

    Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
    Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
    Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
    Giết đời cha, con, cháu cho đành

    Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
    Công thần thua một lũ hư danh
    Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
    Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
    Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
    Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh

    Hai con án chết đầy oan khốc
    Một cháu chung thân xử rành rành
    Tam tộc một đời đi theo Đảng
    Tưởng thời phong kiến mới lưu manh

    Không ngờ thế kỷ 21
    Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
    Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
    Ba đời máu chảy vẫn còn tanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Quả báo ngày nay đến rất nhanh…

    Nguồn Mạng.

  4. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng.

  5. Tôi có lý do để nghi ngờ rằng thảm kịch ĐT.xảy ra là do giặc Tàu cộng
    gợi ý cho những tên gián điệp của chúng gây ra nhằm mục đích cho EU
    trừng phạt bằng cách trì hoãn ký hiệp định với VN.?
    Thế nhưng EU vẫn nhân nhượng với CsVN.mà ký vì nếu không thì họ
    rơi vào bẫy TC.muốn VN.phải lệ thuộc mọi mặt vào Trung Cộng chặt
    chẽ hơn nữa.Đó là chiến thuật hay thủ đoạn hoàn hảo của bọn bành
    trướng Bắc Kinh để CsVN. không thể thoát ra khỏi chiến lược thôn tính
    VN.của chúng !

Comments are closed.