17-1-2020
[Trước hết, mình không nhất thiết phải bênh vực hành động của cụ Kình nhưng mình nghĩ những người ủng hộ hoàn toàn đáng được tôn trọng. Đây là quyền tự do lương tâm (trái tim anh thấy cái gì đúng, cái gì sai) vốn là quyền tự do tuyệt đối, không thể ngăn cản (và Hiến pháp Việt Nam thì lại không ghi nhận).]
Thật lòng mà nói thì mình thấy Vietcombank đáng thương (hại) hơn đáng ghét. Vì tuy là ngân hàng thương mại Nhà nước, mình tin chắc rằng những người điều hành ngân hàng này theo đuổi lợi nhuận quyết liệt chẳng kém gì các nhà tư bản khác (nhất là khi án tù hoặc tử hình vẫn treo trên đầu họ). Cho nên, nếu không có một lệnh nào đó từ chính quyền (và thực tế là Bộ Công An đã xác nhận chính thức chiều nay. Nhưng sao lại chờ đến tận chiều nay?) thì chả dại gì họ làm một chuyện trời ơi như vậy vào dịp gần Tết, cho dù miệng có bày tỏ lòng xót thương hay căm hờn vô hạn đến thế nào đi nữa.
Tình cờ thì sự việc này lại trùng hợp với thời điểm Apple đang tiến hành một nỗ lực pháp lý chống lại chính quyền Hoa Kỳ, khi Bộ Tư Pháp nước này (lại một lần nữa) yêu cầu Apple hỗ trợ mở khoá các thiết bị iPhone để phục vụ cho công tác điều tra một phần tử xả súng bắn chết ba người tại căn cứ hải quân Pensacola, Florida hồi tháng trước.
Đây không phải lần đầu tiên Apple chạm trán chính phủ Mỹ. Hồi năm 2016, công ty này đã ngó lơ một lệnh của toà án yêu cầu Apple hợp tác với FBI trong việc tạo ra phần mềm “cửa hậu” nhằm xâm nhập vào chiếc iPhone 5C của nghi can khủng bố đã giết 14 người và làm bị thương 22 người khác trong vụ khủng bố tại San Bernardino.
Tất nhiên, Apple nói không với mọi yêu cầu, cho rằng trát của toà xâm hại đến quyền riêng tư của khách hàng (dù là tên khủng bố) và bí mật kinh doanh của Apple. Kết quả là hai bên kéo nhau ra toà. Nhưng trước khi toà kịp phân xử một ngày thì FBI tuyên bố đã nhờ được bên thứ ba mở khoá iPhone và rút đơn kiện. Hai bên vui vẻ đi về và Apple không bị phạt vạ, lăng mạ (là quá cứng nhắc và quan liêu trong xử lý yêu cầu?), hay bị khởi tố hình sự. Apple sau đó tuyên bố là cách tốt nhất để không phải hợp tác với FBI là… làm cho công nghệ vượt trội khả năng bẻ khoá của chính họ.
Tất nhiên, truyền thống pháp lý của hai quốc gia là rất khác nhau và Apple thì không có vốn Nhà nước hay Tim Cook không do Bộ 4T bổ nhiệm. Nhưng nhìn vụ việc của Vietcombank, mình lại nhớ đến hồi đại học, mình nghe rất nhiều thầy cô nói rằng, để xã hội phát triển thì ba cột trụ phải đứng vững là Nhà nước, Thị trường, và Xã hội (sau này được biết là XHDS). Thị trường đại diện là các công ty, và Xã hội đại diện là người dân.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc một công ty dám lớn tiếng chống lại lệnh của Nhà nước vì tin vào những nguyên tắc pháp lý cao hơn là rất ít, và thực tế là họ cũng không có quá nhiều động lực để làm vậy. Muốn Thị trường kiềm chế Nhà nước thì Xã hội phải gây sức ép lên cho Thị trường bằng hành vi tiêu dùng.
Tẩy chay là một phương pháp vận động chính sách vì khi đó, doanh nghiệp có đủ cơ sở và sức ép để phản biện lại chính sách của Nhà nước. Nó cũng giúp doanh nghiệp đi từ vị thế phải “chấp hành” sang vị thế “tư duy độc lập”, giúp giảm nguy cơ lạm quyền của chính quyền (hoặc cán bộ). Nên nhớ, xã hội không vui thì doanh nghiệp thua lỗ, doanh nghiệp thua lỗ tức là Nhà nước thất thu, Nhà nước thất thu thì xã hội lại không vui.
***
Quay trở lại câu chuyện Việt Nam, mình thấy việc áp dụng lý thuyết tưởng như đơn giản nêu trên vào thực tiễn là khá khó. Bởi lẽ, ở Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, quyền lợi thường chồng chéo lên lẫn nhau khiến cho các cuộc vận động thường không triệt để.
Lấy một ví dụ rất đơn giản, liệu phong trào tẩy chay Vietcombank có liên tục và lan rộng được không nếu như các công ty vẫn chọn trả lương nhân viên qua Vietcombank vì tiền hàng họ nhận từ Vietcombank hoặc đang đi vay từ Vietcombank. Đó cũng là lý do mà mình thấy không có nhiều sự tin tưởng vào tầng lớp trung lưu vẫn đi làm Nhà nước như hiện nay (xin lỗi…).
Để đấu tranh, người da đen ở một thành phố của Mỹ đã từng sẵn sàng tẩy chay hệ thống xe bus trong suốt hơn 1 năm. Người Việt có dám không uống trà sữa trong 6 tháng để phản đối ly nhựa không?
Trong bối cảnh như vậy thì các phong trào sẽ chọn cách sáng tạo hơn. Một trong những cách phổ biến (và cũng có người đã giới thiệu) là tác động lên các sponsor nước ngoài của doanh nghiệp đó. Câu chuyện Hoàng Anh Gia Lai thất bại trong thương vụ đầu tư cao su ở Campuchia vì một báo cáo của NGO cho thấy HAGL cấu kết với chính quyền Campuchia để cướp đất của dân và dự án này lại được IFC tài trợ, khiến định chế này tuyên bố rút vốn làm HAGL lao đao, là một ví dụ.
Không nên đánh giá thấp biện pháp tẩy chay các doanh nghiệp làm ăn với nhà cầm quyền độc tài. Người dân tây phương đã góp phần đáng kể trong việc lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi bằng những đợt tẩy chay đối với các công ty làm ăn tại nước này.