10-1-2020
Những ngày cuối năm 2019 và đầu năm 2020, vùng biển phía nam Biển Đông dậy sóng với những phản ứng quyết liệt của Indonesia trước việc nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu cá đi vào vùng biển đông bắc quần đảo Natuna của Indonesia.
Không chỉ triệu tập đại sứ Trung Quốc, Jakarta còn triển khai 8 tàu chiến và 4 chiến đấu cơ đến khu vực. Tổng thống Joko Widodo còn thân chinh đến Natuna để tỏ thái độ.
Đến ngày 8.1, nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc bắt đầu hướng lên phía bắc, cách bãi Tư Chính của Việt Nam khoảng 30 – 50 hải lý về phía nam, theo dữ liệu tàu biển của trang Marine Traffic.
Tuy không có tín hiệu thể hiện trên trang này, nhưng nhiều khả năng tàu cá Trung Quốc cũng hiện diện cùng nhóm tàu hải cảnh, mà tính đến ngày 10.1 bao gồm ít nhất 3 chiếc Zhongguohaijing, Zhongguohaijing 5403 và Haijing 35111.
Trong ba ngày qua, nhóm tàu hải cảnh (và có thể cả tàu cá Trung Quốc) lượn lờ ở một khu vực khá nhạy cảm. Đó là khu vực tiếp giáp giữa thềm lục địa Việt Nam và Indonesia theo Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa 2007.
Đây là khu vực biển được xem là chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia và thường xuyên diễn ra các vụ Indonesia bắt giữ tàu cá Việt Nam cũng như đối đầu giữa tàu chấp pháp và tàu chiến hai nước, xuất phát từ các vụ bắt giữ này.
Việc Trung Quốc đưa tàu hải cảnh và tàu cá vào khu vực này gợi ý Bắc Kinh muốn tranh chấp trong khu vực tranh chấp chỉ riêng giữa Việt Nam và Indonesia.
Ý đồ của họ có thể bao gồm:
1. Thừa nước đục thả câu, mưu đồ biến Trung Quốc thành một bên tranh chấp ở khu vực biển này.
2. Thực thi chiến lược tằm ăn dâu và cải bắp mở rộng khu vực xâm lấn. Tàu cá đi trước, tàu hải cảnh, tàu chiến theo sau.
3. Khuấy nước đục, khoét sâu mâu thuẫn giữa Indonesia và Việt Nam ở khu vực biển chồng lấn giữa lúc hai quốc gia Đông Nam Á này đang là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Nếu quả đúng ý đồ của Trung Quốc như thế thì Việt Nam và Indonesia lúc này cần phải sát cánh, tạm gác tranh chấp giữa hai bên, nhấn mạnh rõ đây là khu vực chồng lấn riêng của Việt Nam và Indonesia và không liên can gì đến Trung Quốc, sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc và tàu hải cảnh Trung Quốc trong khu vực này là phi pháp và nhóm tàu Trung Quốc phải rút lui.
Tận dụng cương vị ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của cả hai để lên án Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế.
Có vẻ như hai nước đã nhận diện ý đồ chia rẽ của Trung Quốc và cam kết phối hợp với nhau, thể hiện qua việc Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi vừa điện đàm với người đồng cấp Việt Nam ngày 9.1.
Ngoài ra, trong lúc chờ đợi một giải pháp phân định biển triệt để, hai quốc gia có tiếng nói trong ASEAN cũng có thể đề ra các kế hoạch phối hợp tuần tra chung ở khu vực biển này, một mặt giảm thiểu các sự cố phát sinh giữa hai nước, mặt khác xử lý tàu cá Trung Quốc hoạt động phi pháp.
Đó cũng có thể là tiền đề cho việc tiến tới thành lập một liên minh tuần duyên của ASEAN sau này.