30-12-2019
Hồi những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước (ối giời, thế kỷ trước, nghe cứ như chuyện thời xưa, xa xôi quá), đã từng xảy ra chuyện này, tạm gọi chuyện xưa.
Khi ấy, chả biết quan hệ “Mối tình hữu nghị Việt Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”, đồng chí lục đục, anh em môi răng cắn nhau thế nào, nhưng quan hệ trở nên xám xịt. Hai bên chửi nhau tố nhau còn hơn hàng tôm hàng cá, ầm ĩ như đám mổ bò. Kỹ năng bôi xấu được nâng lên thành nghệ thuật. Phe ta còn ra cả cuốn sách trắng, phô bày trắng phớ thực chất cái gọi mối tình ấy, tên “Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” do Nhà xuất bản Sự Thật của đảng xuất bản (cái logo của nhà xuất bản là ST, bọn tếu táo đùa gọi thành Sờ Ti, Sờ Tí).
Biết bao nhiêu điều giấu kín thì nay phanh phui ra hết. Ai muốn coi cuốn đó nội dung thế nào, cứ lên mạng hỏi bác Gu Văn Gồ. Tất nhiên bên Tàu cộng cũng chả vừa, sách báo đài cứ ra rả tố cáo tiểu bá Việt Nam, nào ăn cháo đá bát, nào vô ơn, nào xâm lược, về sau lại còn lôi cả ông Hoàng Văn Hoan lên đài Bắc Kinh nói suốt ngày này tháng nọ cho có vẻ người thực việc thực. Vụ này, cụ thiếu tướng đại sứ Nguyễn Trong Vĩnh là rõ, tường tận nhất, nhưng cụ lại vừa qua đời thọ 104 tuổi mất rồi, chẳng biết có để lại di cảo gì không.
Té ra các bố cứ đồng chí đồng chiếc, nhưng tinh dững cầm dao đâm nhau, càng đồng chí càng đâm tợn. Chỉ khổ dân, cả dân Việt lẫn dân Hoa.
Khi ấy, chỗ tôi ở xem như là thủ phủ số 2 của người Hoa tại Sài Gòn-Chợ Lớn (chỉ sau khu tục gọi là chợ Lớn, chợ Bình Tây bây giờ, ở quận 6), tức phường 9 quận 5, nơi có cái chợ nổi tiếng An Đông, 90% người Hoa buôn bán tại đây. Mối tình tan vỡ, người Hoa bị rơi vào tình cảnh “đi thì cũng dở, ở không xong”, cuối cùng phải dứt áo ra đi, “thà nép mày hoa, thiếp phụ chàng”. Không đi cũng chả được, chính quyền nay ép mai ép, vả lại còn tạo điều kiện cho về cố quốc, cho phép cả tàu biển của Tàu cộng vào tận cảng Nhà Rồng đón, không đuổi mà như đuổi, đuổi mà không đuổi.
Tôi hay lang thang ra vỉa hè chợ An Đông mua đồ linh tinh của họ. Họ có gì cũng lôi ra bán tuốt, rồi vài hôm sau thấy vắng bặt, biết là đã hồi hương. Cả cái quận 5, cả khu Chợ Lớn vốn đông đúc, sầm uất, buôn bán nhộn nhịp trở nên vắng ngơ vắng ngắt. Nhà của người Việt vượt biên, lại thêm nhà của người Hoa bỏ đi, nhiều lắm. Hồi ấy giáo viên như chúng tôi, nếu chịu khó làm cái đơn xin nhà, có khi còn dễ hơn cả giám đốc sở bây giờ xin. Nhưng tôi quyết cố thủ trong căn hộ 19 mét vuông rưỡi ở khu tập thể bởi ở chung nhau mới vui, vả lại mình ngự như vậy là rộng hơn gấp 3 lần so với thầy mình ngoài Hà Nội rồi. Nghĩ lại thiệt mắc cười.
Những ngày đó, cứ tối là chương trình thời sự trên tivi có chủ đề chống bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Nó gọi mình là tiểu bá, mình tố nó đại bá. Nghe riết, không muốn chơi với Trung Quốc nữa, ghét chúng thậm tệ. Rồi cứ vài ba bữa tivi lại chiếu phim tài liệu, những bộ phim về một nhà nước Trung Quốc đen tối, xấu xa, nham hiểm, tàn bạo, chuyên lừa thầy phản bạn, chuyên xâm lược nước khác. Bộ phim mà tôi nhớ nhất có cái tên thật ấn tượng, “Mây đen bao phủ bầu trời Bắc Kinh”. Thành câu cửa miệng luôn, ai cũng thuộc.
Nghe mà hãi tới bây giờ. Khi không ưa nhau thì không phải chỉ dưa có dòi mà có cả mây đen mờ mịt. Xem phim xong, mấy ông bạn tôi bảo phen này thì chết mẹ chúng mày rồi, Bắc Kinh ơi, còn bá quyền được cái cứt. Rất kinh.
Đúng 40 năm sau, tôi lại mới được nghe từ mây đen. Chuyện nay. Sáng nay, ngày 30.12.2019, tức mùng 5 tháng chạp năm Kỷ Hợi, cụ chủ tịch rất hứng khởi khi tuyên bố trước quốc dân đồng bào về mây đen. Dù cụ cho biết chỉ dẫn lại từ nhận định của tổ chức nước ngoài, nhưng chắc cái câu nịnh ấy nó hợp với cụ và những đồng chí, lại đồng chí, của cụ. Cụ bảo “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Chả biết có phải như thế không, nhưng điều rõ ràng là trước kia mây đen chỉ bao phủ bầu trời Bắc Kinh, nay nó đã loang ra toàn thế giới, rất khiếp, nhưng nó có cảm tình với ta, chỉ chừa có Việt Nam.
Lại nhớ mấy câu thơ của ông Lành: Chào 61 đỉnh cao muôn trượng/Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau/Trông bắc trông nam trông cả địa cầu”, chả có tí mây đen nào mà khổ thấy mẹ. Từ năm 1961 tới giờ đã 58 năm nhưng tư duy của các vị vẫn y nguyên chả thay đổi gì.
Các báo trong nước trích dẫn nguyên câu của ông Trọng: “Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng thế giới đưa ra một nhận định, mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam.”
Có bác nào biết Ngân hàng Thế giới nói điều này trong văn kiện nào hay không? Định chế quốc tế này chắc không đến nỗi đưa ra một nhận định ngớ ngẩn như thế.
Thế thì đích thị Việt Nam ta đang ở giữa mắt bão rồi !!!