Sự trâng tráo rực rỡ

Mai Quốc Ấn

28-12-2019

Ảnh: internet

EVN muốn tiếp tục tăng giá điện để bù lỗ những năm trước. Lần tăng giá gần nhất đã đủ để người dân, doanh nghiệp “thấm đòn”. Nay tính bồi thêm cú nữa…

Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Trần Viết Ngãi đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh phía Nam không được phản đối một số nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Tính sơ đã có Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên-Huế từ chối nhiệt điện dù nguồn thu thuế tính bằng nghìn tỉ.

Chí ít hệ thống 3 chính trị địa phương nói trên còn nhìn ra nếu làm điện than thì họ sẽ hy sinh nhiều: môi trường, an sinh xã hội và an ninh trật tự. Thậm chí, là hy sinh cả lòng dân!

Khánh Hoà- một tỉnh phía Nam khác, đang sốt vó vì lo nhiệt điện Vân Phong sẽ ảnh hưởng đến vịnh kín gió không chỉ đẹp mà còn trù phú cá tôm. Người dân ở đảo Điệp Sơn, ở cảng cá Vạn Giã đã bắt đầu biết tra Google về tác hại của nhiệt điện.

Ngầm ẩn sâu dưới bề mặt thông tin chính là những sóng ngầm lo lắng và phẫn nộ. An ninh hai lực lượng vui lòng đừng phủ nhận điều này. Bài học của “cá hay thép” nào chỉ với Formosa hiện hữu hay Hoa Sen cà Cà Ná đã “đắp chiếu”. Bài học của Vĩnh Tân 2015 và Bình Thuận 2018 còn nóng hổi đấy thôi.

Điện là mặt hàng thiết yếu. Nhưng điện mặt trời giờ bị “bẻ còi chính sách”, làm ra điện mà không có đường truyền tải. Điện mặt trời áp mái bán cho dân vẫn lừng khừng hoà lưới. Thuỷ điện tới hạn lâu rồi. Điện gió đang xây dựng thêm nhưng không đáng kể. Điện thuỷ triều, điện hạt nhân chưa thể triển khai.

Nên mới có thứ giả người kiếm tiền bằng sinh mệnh nhân dân, bằng tàn hại môi trường đem thứ nhiệm vụ chính trị ngày xưa và loại hiệp hội sân sau hôm nay, đem ra mặc cả.

Nam Bộ xưa nay đi trước, về sau. Nam Bộ trước giờ cũng đóng góp ngân sách cho trung ương nhiều nhất. Nam Bộ cũng ít được đầu tư hạ tầng hơn các vùng Bắc Bộ khác. Nam Bộ dẫu có lý luận cao cấp cũng không thể làm Tổng Bí thư. Nam Bộ có thể “thôi kệ” nhiều thứ để quẳng gánh… vui đi mà lo sống.

Nhưng, để một kẻ cơ hội mượn oai hùm đòi “ngồi trên đầu”, ép làm chuyện vô đạo thì chắc chắn sẽ khó có sự tâm phục. Nam Bộ có thể giang hồ mã thượng không chém người dưới ngựa; nhưng Nam Bộ cũng từng có Tả quân xách đầu cha vợ vua vào chầu vì vơ vét của dân, đốt phá chùa chiền, giết người vô cớ…

Hơn 300 năm trước, những người xuôi Nam vì không chịu nổi thứ chính trị “hà khắc như hổ dữ”. Để an dân phải có Lễ Thành Hầu. Nay Lễ không có, Thành cũng không thấy. Chỉ thấy đề xuất của gian thần, của nịnh thần đòi vắt sinh lực nhân dân, vắt tài nguyên quốc gia hỏi sao dân an?

Nhắc thêm một chuyện xưa để cảnh tỉnh rằng dẫu “bờ đê chính trị” có gia cố cỡ nào với bao nhiêu vũ khí, bao nhiêu quân nhân; thì xưa nay cũng vô cùng mong manh trước những con sóng phẫn nộ của nhân dân. Và cụ Ức Trai cũng đã viết “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”. Thứ “tổ kiến” độc quyền trâng tráo đòi tăng giá, thứ giả người trâng tráo rực rỡ đề nghị ép người chính là mầm hoạ lớn.

Cứ dõi theo thử xem Quốc hội, Chính phủ và đảng cầm quyền hiện hữu sẽ chọn dưỡng hoạ hay vì dân. Chọn gì thì sẽ có kết quả tương xứng thế ấy thôi mà…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Trần Viết Ngãi đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh phía Nam không được phản đối một số nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Tính sơ đã có Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên-Huế từ chối nhiệt điện dù nguồn thu thuế tính bằng nghìn tỉ.”
    -Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương vào ngày 27/12/2019, “Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Trần Viết Ngãi đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh phía Nam không được phản đối một số nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình”, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời thẳng vào mặt ông Ngãi rằng, nếu nói tiếp tục phát triển điện than thì dư luận chưa chắc chấp nhận. Thủ tướng cho biết, đồng ý đẩy mạnh các dự án điện đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển nhiều dự án điện than mới ở Việt Nam, lo ngại dư luận không đồng tình. Nếu phát triển mới phải theo hướng năng lượng sạch. Vậy là đã quá rõ rồi nhé.
    -Sản lượng điện sản xuất và mua năm 2018 đạt 212,9 tỷ kWh, sản lượng điện sản xuất và mua cả năm 2019 ước đạt 226,4 tỷ kWh. Như vậy sản lượng điện năm 2019 tăng so với năm 2018 là 226,4/212,9 = 1.06 (6%). Nếu dự kiến hàng năm, sản lượng điện năm trước tăng đều thêm 6% so với năm sau, thì tính ra sản lượng điện tiêu thụ vào năm 2030 tăng gấp đôi so với năm 2019, với tổng công suất phải đạt 110.000MW. Phần tăng thêm 110.000MW / 2 = 55.000MW trong 10 năm này, Ta nên đi theo hướng vừa bắt buộc tiết kiệm năng lượng triệt để & song song ưu tiên hàng đầu sd nguồn năng lượng sạch gồm:
    1/Chỉ tiêu hằng năm đặt ra, phải giảm tiêu thụ năng lượng dc 3%/năm x 10 năm = 30% → giảm 30% điện năng tiêu thụ = 30% x 55.000MW = 16.500MW (ưu tiên ng dân, doanh nghiệp, trang trại, cơ quan, trường học, bệnh viện,,,lắp hệ thống điện mặt trời áp mái, sd xe đạp điện, xe máy điện, xe hơi điện, xe tải điện với pin sạc từ năng lượng mặt trời).
    2/Chính sách lắp đặt hệ thống điện mặt trời với khuyến khích để tư nhân đầu tư lắp đặt điện mặt trời chiếm 50% Tổng công suất điện cả nc (Nhà máy điện mặt trời, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái). Chỉ tiêu sản lượng điện mặt trời tiêu thụ phải chiếm ít nhất 50% tổng sản lượng điện tiêu thụ cả nước = 50% x 110.000MW = 55.000MW.
    3/Trong 10 năm, chỉ đầu tư thêm 20% là các nguồn năng lượng sạch khác = 20% x 55.000MW = 11.000MW.
    4/Như vậy thủy điện, nhiệt điện, điện khí còn lại = 110.000-(16.500+55.000+11.000) = 27.500MW. Nghĩa là giảm thủy điện, nhiệt điện, điện khí từ 55.000MW hiện nay xuống còn một nửa: 55.000MW / 2 = 27.500MW, chỉ chiếm 27.500/110.000 = 25%.
    Ta ko phụ thuộc vào nhiệt điện, điện khí hay thủy điện vì tương lai 2~3 năm nữa là nguồn nhập than & khí sẽ cạn dần, giá sẽ tăng cao gây chảy máu ngoại tệ nhập than & khí. Tương lai sau này thời tiết càng cực đoan hơn, khô hạn hơn, phải ưu tiên nc cho sinh hoạt + nông nghiệp nên thiếu nc vận hành thủy điện, trong khi đó năng lượng mặt trời & gió là vô tận, ko mất tiền mua .
    P/s:
    -Trong năm 2019, 95 nhà máy điện mặt trời đã hòa lưới điện Quốc gia với tổng công suất 5.090 MW.
    -Chính phủ Liên Bang Đức với mục tiêu đưa mức tiêu thụ năng lượng tái tạo đạt 50% vào năm 2030. Trung Quốc tuyên bố giảm nhiên liệu hóa thạch xuống còn 20% vào năm 2030.

Comments are closed.