Nguyễn Quang Dy
15-12-2019
Dịp Chúa Giáng sinh và Năm mới đang tới gần là cơ hội tốt để nhìn lại năm cũ và chuẩn bị năm mới. Trong năm 2019, nhu cầu đối tác chiến lược Việt – Mỹ cấp bách hơn khi đối đầu Việt – Trung tại Bãi Tư Chính đã tạo ra một cuộc khủng hoảng mới tại Biển Đông. Từ 4/7 đến 24/10/2019, Trung Quốc đã cho tầu thăm dò HD-8 và nhiều tàu chiến vũ trang 4 lần xâm phạm vùng biển Việt Nam, xô đẩy Hà Nội về phía Mỹ. Ông Nguyễn Phú Trọng định đi thăm Mỹ để tìm kiếm sự hỗ trợ và nâng quan hệ lên đối tác chiến lược, nhưng việc đó vẫn chưa thành. Đây là một di sản của năm 2019 để lại cho năm 2020 như một khoản nợ chiến lược.
Quá ít và quá muộn
Trong dịp họp cấp cao Trump – Kim tại Hà Nội (2/2019), ông Trump đã mời ông Trọng đến thăm Washington, dự kiến để thảo luận vấn đề Biển Đông và đối tác chiến lược Việt – Mỹ. Nhưng kế hoạch đi thăm Mỹ của ông Trọng vào tháng 7 và 10 năm 2019 không khả thi vì lý do sức khỏe hoặc vì Trung Quốc phản ứng. Trong khi đó, ông Trump phải đối phó với nguy cơ bị Hạ Viện bỏ phiếu phế truất trong khi Quốc Hội ngày càng bị phân hóa sâu sắc.
Cuối năm 2019, nhiều người lo ngại rằng Việt Nam đối phó khó khăn trước mối đe dọa của Trung Quốc và không nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược sẽ khuyến khích Trung Quốc hành động liều lĩnh hơn tại Biển Đông. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nhằm củng cố thêm lòng tin cho Việt Nam và ASEAN trước những hành động xâm lấn ngày càng trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong diễn văn tại Học Viện Ngoại Giao Việt Nam (20/11/2019), ông Mark Esper đã bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam: “Mỹ kiên quyết chống lại sự đe dọa của bất cứ nước nào áp đặt chủ quyền lãnh thổ hay hàng hải, và kêu gọi chấm dứt sự bắt nạt và các hành động phi pháp khác tác động tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển… Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ cố gắng của các nước đồng minh và đối tác, đặc biệt là của Việt Nam, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội phát triển kinh tế trong toàn khu vực…”.
Các chuyên gia cho rằng điều đó là cần thiết, nhưng “quá ít và quá muộn” (too little, too late) vì Mỹ đã để cho Trung Quốc trỗi dậy làm chủ Biển Đông. Lòng tin chiến lược của các nước khu vực vào Mỹ đã bị xói mòn qua thực tiễn, trong khi Trung Quốc thấy đủ mạnh để thách thức Mỹ và tìm cách gạt Mỹ ra khỏi Biển Đông như cái ao riêng của mình. Về lâu dài, Mỹ cần quay lại với TPP-12, nhưng trước mắt Mỹ và Việt Nam đang tăng cường hợp tác về năng lượng, như các dự án điện khí Sơn Mỹ tại Bình Thuận (trị giá 5 tỷ USD) để giảm thiểu thâm hụt thương mại Việt-Mỹ và sự lệ thuộc quá nhiều của Việt Nam vào Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách quốc phòng “ba không” (không có căn cứ quân sự nước ngoài, không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước khác) mặc dù chính sách đó cần xem xét lại. Ngày 25/11/2019, Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng mới, nhấn mạnh định hướng “Hòa bình và Tự vệ” bằng “Hợp tác và Đấu tranh”, có đề cập đến căng thẳng tại Biển Đông. Nhưng sau 10 năm, chính sách “ba không” nay được điều chỉnh thành “bốn không” chưa đáp ứng tương xứng với tình thế mới.
Nói cách khác, đó không phải là điều chỉnh chiến lược (lâu dài) mà chỉ là điều chỉnh chiến thuật (trước mắt) để đối phó tình huống. Có thể hiểu chính sách “bốn không” là “ba không một nếu”, để ngỏ khả năng hợp tác chiến lược với các nước (như Mỹ) nếu Việt Nam bị nước khác (như Trung Quốc) tấn công xâm lược. Sau 10 năm mà Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam chỉ có thế đã làm nhiều người thất vọng. Điều đó có thể lý giải vì sao đến nay Mỹ và Việt Nam chưa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược hay đối tác chiến lược toàn diện.
Theo Lê Hồng Hiệp (ISEAS), việc bổ sung nguyên tắc “không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực” vào chính sách ba không là không cần thiết, làm loãng thông điệp chính và tạo ra sự hiểu lầm về chính sách quốc phòng của Việt Nam. Một số nhà bình luận (như Bill Hayton) cho rằng nguyên tắc mới này mâu thuẫn với mục đích của chương trình hiện đại hóa quân đội cũng như nhiệm vụ chính của các lực lượng vũ trang Việt Nam. (New White Paper Reveals Little Change to Vietnam’s Defence Policy, Le Hong Hiep, ISEAS, December 10, 2019).
Các nhà ngoại giao có thể lập luận rằng điều quan trọng là thực chất chứ không phải là câu chữ, và có thể kể ra một loạt chương trình hợp tác quốc phòng tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng điều đó chỉ đúng một nửa và chưa lý giải được tại sao lại không dám gọi tên đúng thực chất, và tại sao Việt Nam lại bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng với Mỹ (năm 2019). Chỉ có thể lý giải là do lòng tin chiến lược chưa đủ và hợp tác chiến lược còn chập chững. Việt Nam không muốn làm mất lòng Trung Quốc và nội bộ còn bất đồng (như tay phải, tay trái).
Đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lại một cách nghiêm túc và điều chỉnh chiến lược một cách thực chất, trước mắt tập trung vào hai mục tiêu chính là cải cách thể chế trong nước và quốc tế hóa tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi “định hướng XHCN” có thể cản trở sự phát triển và hội nhập quốc tế, thì chính sách quốc phòng “ba không” có thể cản trở việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Nếu Việt Nam định gửi cho Trung Quốc một thông điệp về “làn ranh đỏ” tại Biển Đông thì thông điệp đó vẫn chưa đủ mạnh vì thiếu sự răn đe của Mỹ.
Theo Fareed Zakaria (CNN) “đồng thuận mới” của Mỹ về Trung Quốc gồm ba điểm chính. Một là thừa nhận chủ trương cộng tác (engagement) với Trung Quốc đã thất bại vì không tác động được vào chuyển biến nội bộ và thái độ đối ngoại của họ. Hai là chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay là hiểm họa lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ và trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Ba là tích cực đối đầu với đe dọa của Trung Quốc sẽ tốt hơn là cộng tác như trước đây. (The New China Scare, Fareed Zakaria, Foreign Affairs, December 6, 2019).
Theo Yoji Koda (cựu tư lệnh hải quân Nhật), Việt Nam tuy yếu hơn nhưng có thể vô hiệu hóa các cứ điểm mạnh của Trung Quốc trên đảo Woody (ở Hoàng Sa) bằng cách triển khai các tàu ngầm Kilo để phong tỏa đường tiếp tế hậu cần cho đảo. Bờ biển dài của Việt Nam cũng tiện cho việc bố trí tên lửa đối đất và đối hạm để phong tỏa các căn cứ trên đảo Woody và Hải Nam. Còn Philippines cũng có thể bố trí tên lửa trên đảo Palawan để khống chế các cứ điểm Trung Quốc trên các đảo Trường Sa. Nếu các nước yếu hơn làm được điều đó thì các cứ điểm mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ trở thành “đàn ếch bất lực trước những con rắn”. (Japan’s Options in the South China Sea, Yoji Koda, Diplomat, December 9, 2019).
Tiến thoái lưỡng nan
Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần bỏ tầm nhìn lỗi thời về “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, vì nó chỉ hậu thuẫn cho tham nhũng và làm thất bại các doanh nghiệp nhà nước, làm cho nền kinh tế thị trường còn non trẻ hoạt động thiếu hiệu quả, và làm cho Việt Nam tụt hậu so với các nước láng giềng. Tháng 5/2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã công khai đặt ra vấn đề cải cách chính trị và chấp nhận khu vực tư nhân làm đầu tàu kinh tế để giúp Việt Nam tránh nguy cơ kép về “bẫy thu nhập trung bình” và hệ lụy của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Về thương mại, Việt Nam tuy có lợi nhưng dễ thành nạn nhân của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vì các nước khác lợi dụng Việt Nam làm nơi trung chuyển hàng hóa để trốn thuế Mỹ. Sau khi ông Trump bất ngờ cáo buộc Việt Nam “gần như là kẻ lợi dụng tồi tệ nhất” và “thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc”, tháng 7/2019 Bộ Thương mại Mỹ đã đánh thuế 400 % lên sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan hoặc Trung Quốc. Gần đây, Việt Nam đã tham gia hai hiệp định thương mại tự do: CPTPP (3/2018) và EVFTA (6/2018). Tuy các hiêp định này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường toàn cầu và giúp tăng trưởng GDP, nhưng đòi hỏi Việt Nam cải cách thể chế về công đoàn và nhân quyền.
Theo David Hutt (Diplomat), sau chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (7-9/11/ 2019), Việt Nam đang tăng cường ngăn chặn hàng Trung Quốc trung chuyển qua Việt Nam để trốn thuế Mỹ, làm tăng thêm thâm hụt thương mại (nay là 40 tỷ USD). Hai vấn đề thâm hụt thương mại và trung chuyển hàng hóa liên quan chặt chẽ với nhau, có thể làm Việt Nam “lợi bất cập hại”, nếu để Mỹ trừng phat. Vì vậy, hợp tác năng lượng là một phát triển đúng hướng để giảm thiểu thâm hụt thương mại và sự lệ thuộc vào Trung Quốc về nhiệt điện. Tập đoàn AES đã cam kết xây dựng nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2 (trị giá 3,1 tỷ USD). (Vietnam struggles to stay a trade war winner, David Hutt, Asia Times, December 10, 2019).
Trong cuộc khủng hoảng Biển Đông lần trước (5/2014) Trung Quốc đã điều dàn khoan HD-981 với hàng trăm tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tạo ra một bước ngoặt, xô đẩy Việt Nam lại gần Mỹ. Ông Trọng lúc đó là Tổng Bí Thư đã đi thăm Mỹ lần đầu tiên (8/2015) và được đón tiếp tại Phòng Bầu dục, như một cử chỉ tượng trưng. Ông Obama đã khẳng định Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ của Việt Nam, và khi đến thăm Việt Nam (5/2016) ông Obama đã quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương. Nay không phải ngẫu nhiên mà đúng lúc này vợ chồng ông Obama lại sang thăm Việt Nam.
Dưới thời Trump, Chiến lược Quốc phòng của Mỹ (NDS) coi Trung Quốc là đối thủ chính, và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm quan hệ Mỹ-Việt càng thêm phức tạp. Kế hoạch thăm Mỹ của ông Trọng được thúc đẩy bởi mối đe dọa của Trung Quốc khi họ điều tàu thăm dò HD-8 và nhiều tàu chiến vũ trang quấy nhiễu hoạt động khoan dầu khí của Việt Nam tại mỏ Lan Tây-Lan Đỏ gần bãi Tư Chính. Mỏ này có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ m2 khí, và Bồn Nam Côn Sơn cung cấp 25 % nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Trong cuộc đối đầu trên biển lần này, tàu thăm dò HD-8 của Trung Quốc đã 4 lần quay lại khảo sát vùng biển gần bãi Tư Chính và dọc các tỉnh Nam Trung Bộ, mở rộng phạm vi xâm nhập trái phép ra các vùng khác tại Biển Đông. Ngày 3/9, tàu cẩu Lam Kình đã tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần dự án Cá Voi Xanh (lô 118), chỉ cách đảo Lý Sơn khoảng 30 dặm, và cách bờ biển tỉnh Quảng Nam khoảng 88 cây số. Sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó Trung Quốc điều dàn khoan vào đây để thăm dò dầu khí.
Ngày 18/9/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng họ có chủ quyền và quyền tài phán tại bãi Tư Chính (tức “Vạn An Bắc”). Trung Quốc đòi Việt Nam phải ngừng khoan dầu khí tại bãi Tư Chính và lên án Việt Nam vi phạm chủ quyền Trung Quốc và hiệp định song phương. Tuyên bố chính thức này của Trung Quốc là hành động xâm lấn trắng trợn, thách thức chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tư Chính khi tàu thăm dò HD-8 và các tàu hộ tống của họ tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đối đầu tại bãi Tư Chính gia tăng, có tin đồn ExxonMobil định bỏ dự án Cá Voi Xanh, nên chuyến đi Mỹ của ông Trọng càng cấp bách. Dù ExxonMobil rút vì lý do Trung Quốc gây sức ép hay do Việt Nam kéo dài quá trình đàm phán về giá khí, thì điều đó chỉ giúp cho Bắc Kinh có cơ hội gạt Mỹ ra khỏi Biển Đông như cái ao riêng của họ. Nếu ExxonMobil mà rút thật thì việc kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc sẽ thành hiện thực.
Nhưng Cá Voi Xanh khác với Cá Rồng Đỏ hợp tác với Repsol của Tây Ban Nha, khác với Lan Tây-Lan Đỏ mà Rosneft của Nga sở hữu 35%, ONGC của Ấn Độ sở hữu 45%, và PVEP của Việt Nam sở hữu 20%. Cá Rồng Đỏ nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm trong “đường Chín đoạn”, cách Vũng Tàu 400 km, nhưng Cá Voi Xanh nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và nằm ngoài “đường Chín đoạn”, cách bờ biển Quảng Nam có 88km. Trung Quốc không thể bắt nạt Mỹ như Tây Ban Nha và ExxonMobil không phải là Repsol. Trữ lượng của Cá Voi Xanh lớn gấp ba lần Lan Tây-Lan Đỏ mà nay được coi là mỏ dầu khí có đóng góp tốt nhất cho Việt Nam, với 48,5 tỷ m2 khí và 18,5 triệu thùng dầu thô.
Về tư duy chiến lược, một số chuyên gia cho rằng dự án Cá Voi Xanh có ý nghĩa răn đe chiến lược còn lớn hơn cả mấy tàu ngầm Kilo mua của Nga. Lúc này, sự có mặt của ExxonMobil có ý nghĩa chiến lược sống còn nên Việt Nam cần tìm mọi cách giữ họ ở lại. Việc đàm phán quá lâu về giá khí của Cá Voi Xanh và xem xét quá lâu về thủ tục chấp thuận có thể xô đẩy ExxonMobil phải cân nhắc đến khả năng rút, mà điều đó chỉ có lợi cho Trung Quốc. Đó là bối cảnh phức tạp đang đặt Việt Nam vào tình thế “tiến thoái lướng nan” (catch-22).
Mấy lời cuối
Trên thực tế, Việt Nam đã có quan hệ “đối tác chiến lược” với 16 nước trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, và một số nước ASEAN, và “đối tác toàn diện” với 14 nước trong đó có Mỹ, Canada, Myanmar. Tuy “đối tác chiến lược” về nguyên tắc cao hơn “đối tác toàn diện” về quy chế ngoại giao và mức độ hợp tác quốc phòng, nhưng trên thực tế đó chỉ là những khái niệm tương đối khác nhau về “thuật ngữ”, trong khi các “đối tác chiến lược toàn diện” như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ quan trọng hơn với Việt Nam.
Nhưng có một nghịch lý là chẳng có đối tác chiến lược nào dám đứng lên chống lại Trung Quốc khi Việt Nam bị bắt nạt tại bãi Tư Chính. Chỉ có Mỹ là nước duy nhất bênh vực Việt Nam về ngọai giao trong vụ đối đầu này, tuy chưa phải là đối tác chiến lược. Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự đe dọa của Trung Quốc, nên sẽ hợp lý nếu Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Mỹ. Nhưng bước phát triển tất yếu này đã bị trì hoãn đến tận bây giờ vì Việt Nam vẫn lo ngại Trung Quốc phản ứng. Mối đe dọa của Trung Quốc không chỉ bao trùm lên Biển Đông mà còn lên cả dòng sông Mekong và các nơi xung yếu khác quanh Việt Nam.
Thế giới đang thay đổi bất thường và khó lường, nên Việt Nam cần phản ứng linh hoạt với tư duy chiến lược đột phá nhằm tháo gỡ ách tắc và bước đi chập chững hiện nay, để thoát khỏi ngã ba đường. Trước mắt, có ba ưu tiên chiến lược hàng đầu: Một là cải cách thể chế và dân chủ hóa để tháo gỡ ách tắc và phát huy nội lực; hai là thúc đẩy đối tác chiến lược với Mỹ; ba là quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và kiện Trung Quốc để tranh thủ quốc tế. Đó là ba mục tiêu chiến lược cơ bản có thể bổ xung cho nhau, giúp Việt Nam phát huy tốt hơn vai trò chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong năm 2020.
Theo Bloomberg (12/12/2019) Trump đã ký duyệt thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một, theo đó Mỹ sẽ giảm 50% thuế trên 360 tỷ hàng hóa Trung Quốc và không đánh thuế thêm 156 tỷ hàng hóa Trung Quốc (sau 15/12/2019). Đổi lại, Trung Quốc thỏa thuận sẽ mua 200 tỷ USD hàng Mỹ trong 2 năm, trong đó có 50 tỷ USD mua nông sản. Tuy đảng Dân Chủ và một số nghị sỹ Cộng Hoà (như TNS Marco Rubio) chỉ trích thỏa thuận này, nhưng thị trường chứng khoán phản ứng tích cực: Chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng 0,8 %. Tuy trước mắt Trump và Tập đều cần một thỏa thuận thương mại để tuyên bố “thắng” nhằm đối phó với sức ép kinh tế và chính trị, nhưng về lâu dài Mỹ-Trung vẫn đối đầu, vừa đánh vừa đàm.
Trong bối cảnh đó, Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt – Mỹ tại Washington (11/12/2019) là một cơ hội tốt, nhưng còn quá sớm để hai bên thay đổi nguyên trạng. Một là lãnh đạo hai nước chưa thực sự sẵn sàng, vì đang đối phó với các vấn đề khác cấp bách hơn. Hai là ASEAN và các nước Đông Á khác vẫn lo sợ và không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Ba là khủng hoảng Biển Đông lại trùng xuống và Trung Quốc là bậc thầy về cờ vây nên muốn duy trì căng thẳng tại Biển Đông trong “vùng xám” nhằm gạt ảnh hưởng của Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc coi khủng hoảng Biển Đông là “vấn đề nhỏ” nhưng đối với Việt Nam là “vấn đề lớn”. Việt Nam đang cô đơn nên vẫn phải theo đuổi chính sách cân bằng để giữ nguyên trạng tạm thời.
Tham khảo
1. Dân chủ hóa để bảo vệ chủ quyền đất nước trường tồn, Vũ Ngọc Hoàng trả lời p/v RFI, 25/10/2019
2. Can Vietnam Be America’s New Ally Against China?,Anders Corr, National Interest, November 7, 2019
3. What does the US want from China? What is its endgame? David Grossman, RAND, November 8, 2019
4. US Perspectives on The South China Sea in An Era of Strategic Competition, Rebecca Strating, Australian Institute of International Affairs, November 25, 2019
5. US-China rivalry puts Vietnam in a no-win bind, David Hutt, Asia Times, December 4, 2019
6. The New China Scare, Fareed Zakaria, Foreign Affairs, December 6, 2019
7. Vietnam Draws Lines in the Sea, Huong Le Thu, Foreign Policy, December 6, 2019
8. Japan’s Options in the South China Sea, Yoji Koda, Diplomat, December 9, 2019
9. Vietnam struggles to stay a trade war winner, David Hutt, Asia Times, December 10, 2019
10. New White Paper Reveals Little Change to Vietnam’s Defence Policy, Le Hong Hiep, ISEAS Commentary, December 10, 2019
11. Is China Planning To Incite A People’s War To Dominate The South China Sea? James Holmes, National Interest, December 13, 2019
12. Winners and losers in Trump’s phase one China trade deal, Heather Long, Washington Post, December 14, 2019
Nhà cầm quyền VN có một niềm kiêu hãnh của bộ lạc mọi rợ và một gánh nhục vĩ đại của ông chủ. Kiêu và nhục vật vờ giữa 3 không và 4 tốt, nếu vậy thì lực lượng gìn giữ hòa bình VN duy trì với thế giới để làm gì. Rượu mời của Mỹ không uống, ưng uống rượu độc Mao Đài.
Thái độ của VN rõ ràng là đứng về và ủng hộ TQ, chống đối lấy lệ để an dân, hợp tác với TQ ngày càng lộ liễu như kiểu nô lệ và chủ nhân hết sức hèn nhược không cần đến lợi ích quốc gia.
Gia tài của Trọng để lại cho dân, gia tài của đảng một đống nợ thù.
“Đây là một di sản của năm 2019 để lại cho năm 2020 như một khoản nợ chiến lược.”
Di sản là tài sản cùa người chết đề lại cho thân nhân còn sống. Ông Trong chưa chết, nên không thể gọi là di sản. Đúng ta phải nói là một vấn đề còn tồn động cần phải giãi quyết.