Hùng Hoàng
10-12-2019
Tiếp theo Kỳ 1: Người thoát án tử “phút 89”— Kỳ 2: Chứng cứ ngụy tạo, hung khí đi mua — Kỳ 3: Lúc nhận tội, lúc kêu oan (!?) — Kỳ 4: Muôn cách bôi bẩn nhân thân — Kỳ 5: Chỉ cần lời nhận tội, không cần nhân chứng — Kỳ 6: Bốn cán bộ đột tử và tin nhắn kinh hoàng — Kỳ 6 :Gõ cửa, van xin, chờ đợi,… trước cổng trại giam — Kỳ 7: Gõ cửa, van xin, chờ đợi,… trước cổng trại giam — Kỳ 8: Thân nhân tử tù cũng “lên bờ xuống ruộng” — Kỳ 9: Đớn đau của người mẹ tử tù
Ngoài tội giết người, cáo trạng và bản án còn cáo buộc Hải về tội cướp nhưng Hải cướp cái gì? Bán cho ai? Giá bao nhiêu thì hiện vẫn còn nhiều mâu thuẫn về số lượng và mẫu mã, chưa đủ căn cứ xác định số, loại tài sản, trị giá tài sản bị chiếm đoạt.
Chúng tôi hoài nghi rằng, “bổ sung” thêm tội cướp của Hải cũng phần nào khiến dư luận thấy rằng Hồ Duy Hải thực sự “đáng chết” hơn.
1. Tuyên trả tài sản thu tại hiện trường cho… mẹ thủ phạm!
Biên bản xét nghiệm ở hiện trường” (BL 45), ghi nhận két sắt bưu cục vẫn còn chùm chìa khóa và trong đó có : “2 nhẫn vàng và 893.000đ”. Kết luận điều tra xác định thu giữ tại hiện trường: 1 nhẫn kim loại màu vàng cẩn 5 hột, 1 nhẫn kim loại màu vàng cẩn 2 hột, tiền Việt Nam 893.000đ nhưng cáo trạng lại xác định: Qua kiểm tra trong két sắt điện tử có 1 nhẫn kim loại màu vàng cẩn 5 hột đá trắng và 1 nhẫn cẩn 2 hột đá trắng và 893.000 đồng thu giữ tại nhà bị can Hồ Duy Hải!
Rõ ràng 2 chiếc nhẫn và số tiền này là của ai đó để trong tủ két sắt của bưu điện, Hải không hề chạm đến, sao lại cho rằng Hải đã lấy?
Lạ lùng hơn nữa, tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ 2 chiếc nhẫn và số tiền 893.000đ là của ai mà lại tuyên giao trả lại cho… bà Loan, mẹ Hải, khác nào “râu ông này cắm cằm bà kia”?
Ngoài ra trong số tài sản tòa sơ thẩm tuyên trả lại cho bà Loan có 4 nhẫn kim loại (1 trắng, 3 màu vàng) của con gái bà Loan mua của tiệm vàng Ngọc Sương có hóa đơn hẳn hoi, để trong phòng riêng đã bị thu giữ lúc công an đến khám xét nhà sau khi Hải bị bắt. 4 chiếc nhẫn này là tài sản hợp pháp của con gái bà Loan. Việc thu giữ tài sản có nguồn gốc hợp pháp của công dân hoàn toàn không liên quan gì đến vụ án và đưa vào hồ sơ vụ án là 1 việc làm áp đặt bất thường.
Theo bản án, Hải đã chiếm đoạt được tài sản của 2 nạn nhân và sau đó đem đi tiêu thụ những tài sản sau: Về nữ trang: lấy của Vân: 1 dây chuyền, 1 vòng đeo tay vàng và 1 nhẫn; Hồng: 1 đôi bông tai, 1 dây chuyền vàng, 1 lắc đeo tay và 2 nhẫn vàng kiểu. Sau đó đem bán tại Cửa hàng Vàng bạc chợ An Đông được 3.500.000đ”. Tài sản khác: “điện thoại Nokia 1100, bán cho tiệm Thiện Mỹ được 200.000đ” và “khoảng 40-50 sim điện thoại” sau đó “bỏ vào bọc rác phi tang gần nhà số 111/2 Trần Bình Trọng, Q5”.
Bản án nhận định kết luận trên “Phù hợp với lời khai của anh Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Văn Hộ, Lê Thị Thu Hiếu, Nguyễn Mi Sol, Đinh Phú Hùng, Đặng Thị Phương Thảo là những người thân của 2 bị hại”. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án cho thấy thực chất không hề có sự “phù hợp”. Cụ thể:
Về tài sản của Hồng, chiếc “lắc đeo tay”, có sự khác biệt về kiểu dáng mỗi người khai một kiểu khác nhau. Theo ông Mừng (ba của Hồng) và chị Hiếu thì Hồng có “chiếc lắc gọng vàng cứng”. Nhưng anh Nguyễn Mi Sol, tại Biên bản ghi lời khai, lại khai Hồng có “cái lắc kiểu trái châu móc máy”. Còn Hải “khai” lấy của Hồng “vòng đeo tay dạng xích”. Khác hết!
Về tài sản của Vân: Bản án nói Hải lấy: “vòng đeo tay và 1 nhẫn”. Nhưng theo ông Hộ (ba của Vân), chị Hiếu và anh Mi Sol, thì Vân có “1 đôi bông tai và 1 sợi dây chuyền”, tức không hề có vòng đeo tay! Như vậy bản án đã kết luận Hải lấy món tài sản mà thực tế Vân không có!
2. Tài sản cướp là gì, bán cho ai?… thì “Không xác định”!?
Như đã nói ở bài trước, theo cáo trạng, Hải bán nữ trang tại “Cửa hàng vàng bạc đá quý chợ An Đông” và cửa hàng “có làm hóa đơn nhưng Hải vứt bỏ sau đó”. Nhưng chị Nguyễn Kim Chi, người giao dịch (tại BL 169, 170) khai “không thể xác định, không nhớ được” ai là người bán. Còn bà Đặng Thị Liên, chủ cửa hàng thì cho biết “ khi mua chỉ viết giấy tính tiền”, không có hóa đơn. (BL 171, 172).
Chiếc điện thoại Nokia 1100: ban đầu Hải khai bán cho 1 thanh niên lạ mặt, sau đó khai bán cho cửa hàng ĐTDĐ không nhớ tên. Theo cáo trạng, Hải bán điện thoại cho Cửa hàng điện thoại di động Thiện Mỹ. Nhưng bà Nguyễn Thị Huệ, chủ tiệm Thiện Mỹ khai “không nhớ được người bán”. (BL 178, 179).
Như vậy, rõ ràng không hề có sự “phù hợp” như cáo trạng đã nêu.
Chính vì không xác định được các tài sản được xem là bị chiếm đoạt nên tòa đã không định giá cụ thể các tài sản này mà lại tuyên buộc Hải bồi thường: “Tất cả nữ trang trên của 2 nạn nhân trị giá 3.500.000đ”. Đây là số tiền bị cáo khai tại cơ quan điều tra đã bán 8 món nữ trang nêu trên cho cửa hàng vàng bạc đá quý ở chợ An Đông (quận 5, TP. HCM). Về nguyên tắc khi buộc bồi thường, tòa phải tuyên bị cáo phải bồi thường cho từng nạn nhân, ở đây tòa lại buộc bồi thường chung cho 2 nạn nhân đã chết, vậy mỗi người được bồi thường bao nhiêu không thể biết được.
Điều này là sai sót về trách nhiệm dân sự nhưng đồng thời cũng cho thấy rõ là các cấp tố tụng chỉ quy buộc tội cướp mà không xác định được cướp tài sản gì, của ai.
VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG TỪ ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ: KIẾN NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM
Báo Sạch xin được kết thúc Phần 1 (gồm 10 kỳ) của loạt bài “HỒ SƠ TỬ TÙ HỒ DUY HẢI” bằng văn bản kết luận của luật sư Trịnh Minh Tân gởi cho ngài Chánh án TAND Tối cao và ngài Viện trưởng Viện KSND Tối cao:
“Như vậy, Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. HCM và các giai đoạn tố tụng hình sự đã có những vi phạm nghiêm trọng:
1. Kết luận trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, chỉ căn cứ vào duy nhất lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, mà những lời khai đó bị án đã phủ nhận tại phiên tòa phúc thẩm. Vật chứng được coi là chứng cứ để buộc tội bị án Hồ Duy Hải không xác thực.
2. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể cả 3 giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử sơ và phúc thẩm) đều xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, bằng việc đưa các đội viên dân phòng tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.
Từ những ý kiến nêu trên, chiếu theo Điều 273, căn cứ Điều 274 Bộ Luật Tố tụng hình sự, Văn phòng Luật sư Trịnh Minh Tân xin thông báo đến ngài Chánh án TAND Tối cao và ngài Viện trưởng Viện KSND Tối cao những vi phạm phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án và trong bản án phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/04/2009 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. HCM, để Quý Ngài xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Chỉ có loại rừng rú mới hành xử như vậy, cả hệ thống chính trị cái l.. này đều im thin thít qua loa lấy lệ. Thật tình không muốn đọc hết bài…
Rồi thì nghiệp chướng sẽ đến cho bất kì ai làm ác. Nghiệp chướng không đến với mình thì cũng đến với con cháu mình. Luật nhân quả không bao giờ sai mà cần thời gian hiển hiện, bình tâm hay nôn nóng chờ đợi lẫn lộn, đan xen là một hình thức hiển hiện của luật nhân quả.
Không hiểu nổi! Chuyện thật như đùa! Sinh mạng của người mà xem như cá!