Dư âm và trăn trở từ phiên tòa vụ trốn thuế

Nguyễn Duy Bình

9-12-2019

LS Nguyễn Duy Bình bị cảnh sát cưỡng ép thô bạo ra khỏi phiên tòa. Ảnh: internet

Cách đây mấy tháng nghe tin đồng nghiệp là vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải và 02 công dân khác bị khởi tố về tội trốn thuế do Công an tỉnh Khánh Hoà xử lý, chúng tôi nhận thấy về mặt pháp lý việc khởi tố là chưa ổn và đây cũng là trường hợp mới nhất bị khởi tố về tội trốn thuế trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản, chính vì vậy một số luật sư đã cùng nhau tham gia bào chữa cho đồng nghiệp và cũng chỉ có mong muốn duy nhất đó là góp phần chứng minh sự thật khách quan, góp phần bảo vệ pháp luật, ngoài ra không còn mục đích gì khác.

Ngày 13/11/2019, TAND TP. Nha Trang mở phiên toà và chúng tôi có mặt khá đông đủ, trong đó bao gồm các luật sư là cựu thẩm phán kỳ cựu ở các toà và một số luật sư là lãnh đạo ở các đoàn luật sư. Sáng hôm đó, dọc tuyến đường trước cửa toà án phía CSGT lập hàng chục chốt chặn để cấm xe hơi qua lại. Khi bước vào toà, tất cả luật sư và bị cáo đều phải bị khám xét và thu giữ các thiết bị điện tử như điện toại, máy tính bảng, máy ghi âm và một số thiết bị khác và khi thu giữ phía toà án cũng không tổ chức lập biên bản ghi rõ người bị thu giữ, loại tài sản cũng như tình trạng tài sản…

Thấy vậy, tôi và một số luật sư đã thắc mắc, khiếu nại cho rằng đây là những thiết bị mà BLTTHS không cấm mang vào phiên toà, là những thiết bị chúng tôi dùng để chứa tài liệu vụ án và sử dụng theo pháp luật khi cần thiết; mặt khác, nếu thu giữ phải lập biên bản theo quy định. Sau đó, phía toà án cho rằng theo “nội quy phiên toà” toà án có quyền cấm mang “các thiết bị khác” vào phòng xử. Khi chúng tôi nhìn lên bảng nội quy thấy nội dung đó và khiếu nại cho rằng quy định như vậy là trái pháp luật và trái với nội quy do TAND Tối Cao ban hành nhưng vẫn không được phía toà án chấp nhận và cuối cùng chúng tôi buộc phải chấp hành nếu không sẽ không được vào phòng xử.

Về phía các phóng viên báo chí. Sáng hôm đó khi chúng tôi đến đã thấy một số phóng viên đứng ngoài cổng thắc mắc vì họ không được vào tham dự phiên toà. Thấy vậy, tôi và các đồng nghiệp đã đến trao đổi, đề nghị với phía lãnh đạo toà án nhằm đảm bảo quyền của các nhà báo. Sau khi tiếp xúc, vị lãnh đạo đã hứa xem xét và bảo rằng các luật sư cứ vào đi, mọi chuyện sẽ sắp xếp ổn thoả. Nghe vậy, chúng tôi an tâm đi vào toà nhưng cuối cùng thì hầu như tất cả nhà báo đều không được vào tham dự, trừ báo Khánh Hoà. Điều băn khoăn ở đây là tại sao một phiên toà xử một vụ án bình thường, xử công khai, tại sao các nhà báo khác không được tham dự?!

Tiếp đó, khi bước vào phòng xử chúng tôi nhận thấy đã có sẵn một nhóm người dân ngồi kín những hành ghế phía dưới, không còn chỗ trống cho những người khác; trong lúc đó, các luật sư chỉ được bố trí 03 hàng ghế mà không có bàn, buộc lòng chúng tôi phải kê lên đầu gối để viết. Bên cạnh đó, việc tổ chức bảo vệ phiên toà chúng tôi cũng thấy rất lạ! Tại ngày hôm đó và những ngày tiếp theo, chúng tôi luôn thấy cả mấy chục, cả trăm cảnh sát đứng ngồi xung quanh, vây kín phòng xử. Chúng tôi cũng không hiểu phía toà án cần gì một lực lượng hùng hậu như vậy vì các bị cáo, người dân và cả luật sư chỉ mong muốn có một phiên toà công khai, trật tự và đậm chất cải cách tư pháp như đảng và nhà nước đã đề ra. Chúng tôi đến tham gia là để tỏ rõ tình đồng nghiệp và mục đích lớn nhất là góp phần làm rõ đúng sai, bảo vệ pháp luật chứ có ai gây mất trật tự, có mục đích khác đâu mà cần đến lực lượng như vậy.

Tại phần thủ tục phiên toà. Sau khi vị chủ toạ Lê Thị Hằng công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và kiểm tra sự có mặt của thành phần những người tham gia tố tụng, chúng tôi và một số bị cáo nhận thấy vắng mặt một số người làm chứng, người liên quan rất quan trọng như Công chứng viên trực tiếp ký chứng thực vào hợp đồng chuyển nhượng được cho là ghi thấp để trốn thuế, được cho là đã tư vấn về giá, soạn thảo hợp đồng cho phía người bán nên đã đề nghị hoãn phiên toà để triệu tập nhưng cũng không được HĐXX chấp thuận.

Tại phần xét hỏi vào ngày 14/11/2019, tôi và một số luật sư đã đề nghị HĐXX giải quyết quyền có luật sư bào chữa của bị cáo Ngô Tuyết Phương và Trần Vũ Hải vì hiện có 06 luật sư đã đăng ký bào chữa bổ sung nhưng quá 24 giờ chưa được giải quyết. Nghe xong, vị chủ toạ Lê Thị Hằng chẳng những không giải quyết mà còn ngăn cản. Thấy vậy, tôi hỏi bi cáo Phương: “Bị cáo có tiếp tục yêu cầu 06 luật sư đã đăng ký bào chữa cho mình không ? bị cáo có đề nghị HĐXX giải quyết việc này không ?”, bị cáo trả lời có. Ngay sau đó, tôi đề nghị phía VKS thực hiện quyền giám sát đề nghị HĐXX giải quyết thủ tục này và đề nghị HĐXX tạm ngưng phiên toà để giải quyết nhưng bị vị chủ toạ cắt ngang và lập tức tuyên bố mời tôi ra khỏi phiên tòa. Nghe vậy, tôi chấp hành và đang xếp tài liệu, định xuống ghế tìm cặp để đi ra liền bị cảnh sát bảo vệ kẹp nách lôi ra khỏi tòa án. Khi đã ra khỏi tòa, những cảnh sát tư pháp trên tiếp tục xốc nách, kẹp cổ áp giải tôi lên xe hơi đưa về trụ sở Công an phường Phước Tân, Tp.Nha Trang tạm giữ.

Sau khi tôi bị câu lưu khoảng hơn 01 giờ, phía lực lượng cảnh sát tư pháp lập biên bản làm việc ghi nhận sự việc áp giải về phường rồi thả tôi ra về. Qua sự việc này, tôi nhận thấy vị chủ tọa phiên tòa đã không giải quyết quyền của bị can, bị cáo, không cho luật sư thực hiện quyền đề nghị, khiếu nại theo quy định của BLTTHS hiện hành. Hành vi tố tụng (HVTT) của chủ toạ phiên toà là HVTT được BLTTHS điều chỉnh và luật sư cũng như bị cáo… đều có quyền khiếu nại khi xét thấy hành vi đó trái pháp luật và HĐXX phải giải quyết ngay tại phiên toà nhằm đảm bảo kịp thời quyền lợi của các bên. Việc tôi đặt câu hỏi như vậy đối với bị cáo Phương là đúng quy định và hết sức cần thiết. Việc tôi đề nghị, khiếu nại là quyền của tôi. Khi tôi thực hiện quyền khiếu nại thì HĐXX phải tiếp nhận và giải quyết ngay tại phiên tòa vì suy cho cùng đó cũng là một trong những HVTT đã được BLTTHS quy định. Chủ toạ, HĐXX tuy có quyền điều hành theo nội quy phiên toà, tuy nhiên, họ cũng phải tuân thủ theo quy định của BLTTHS, không phải họ muốn làm gì thì làm, muốn đuổi ai thì đuổi.

Chiều hôm đó tôi tiếp tục trở lại tham gia phiên toà. Một điều đáng nói nữa là tại phần xét hỏi, tôi và các đồng nghiệp luôn bị chủ toạ phiên toà ngăn cản khi chúng tôi hỏi lại những nội dung, tình tiết chưa rõ, những nội dung mà trước đó HĐXX và VKS đã bỏ qua không muốn nhắc tới.

Về phía lực lượng CSTP tôi nhận thấy hành vi của họ là hành vi cưỡng chế mang tính bạo lực và hoàn toàn không cần thiết vì tôi không chống lệnh của HĐXX. Họ cũng không có quyền dùng vũ lực để bắt tôi về tại công an vì khi ra khỏi phiên toà tôi là người tự do, không có lý do gì để bắt giữ.

Tại phần tranh luận, vị chủ toạ thường xuyên nhắc nhỡ các luật sư rằng những nội dung mà các luật sư trước đã trình bày thì luật sư khác không được trình bày nữa. Tôi nhận thấy hành vi nhắc nhỡ như vậy không đúng quy định vì mỗi luật sư đều có quyền chứng minh để bảo vệ thân chủ, mỗi luật sư có phương pháp chứng minh riêng và có cách trình bày khác nhau, mỗi luật sư đều có quyền chứng minh khi STKQ chưa được làm rõ. Chính vì vậy, khi đến phần tranh luận của tôi, tôi đã phát biểu rằng quyền của tôi là quyền độc lập, không phụ thuộc vào ý kiến của ai, hãy để cho tôi phát biểu hết quan điểm của mình, vì vậy sau đó tôi mới được trình bày hết ý.

Đáng tiếc rằng, sau khi phía VKS đối đáp lại có nội dung chưa rõ ràng, chưa chính xác và đầy đủ thì tiếp tục bị vị chủ toạ ngăn cản các luật sư phản biện lại. Chủ toạ còn hướng dẫn rằng các luật sư có câu hỏi nào hỏi phía VKS thì hỏi, còn không thì thôi. Khổ nổi, theo quy định của BLTTHS luật sư lại không có quyền đó, chỉ có quyền tranh luận. Chính vì vậy, hể chúng tôi có ý kiến, có phản biện tiếp theo đều bị vị chủ toạ ngăn cản và ai nấy đều phải tuân thủ nếu không muốn bị đuổi ra khỏi toà. Chính vì vậy, tại phần xét hỏi cũng như phần tranh luận không khí phiên toà trở nên ngột ngạt và người luật sư thấy bức xúc khi quyền của mình đã bị hạn chế, bị ngăn cản.

Một điều lạ nữa đó là ngay khi một số luật sư và bị cáo đang xem biên bản phiên toà thì đột nhiên mất điện, trong lúc đó các khu phố bên cạnh đèn vẫn sáng trưng!

Khi ra về, nhìn lại 03 ngày xét xử trong thâm tâm và cảm giác của tôi thấy mình như vừa thoát khỏi một nhà tù vì mỗi câu phát biểu đều phải đắn đo, cân nhắc và nhìn về lực lượng cảnh sát áp sát sau mình dù đó là những lời phát biểu đúng quy định. Thực sự, tôi nhận thấy đây là một phiên toà có áp lực khủng khiếp chưa từng có, những luật sư tham gia đều cảm thấy bị xúc phạm, khống chế và tước đi những quyền cơ bản của một công dân, một luật sư. Chúng ta nên biết rằng đây là giai đoạn cải cách tư pháp theo nghị quyết của Bộ Chính Trị, tinh thần cải cách tư pháp phải dược các bên tuân thủ, không thể vì một lý do nào đó mà quyên đi chủ trương của đảng và nhà nước.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. nếu có án lệ thì mai mốt lôi đầu mấy thằng tòa này ra xử y hệt theo án lệ này. Thằng nào mà không trốn thuế kiểu này. Gấp triệu lần luôn đấy chứ

  2. Các vị luật sư cũng nên biết thẩm phán cũng bị công an giám sát từng lời nói. Từ nhiều thập kỷ nay, giới thẩm phán và viên chức ngành tư pháp ở Việt Nam đã làm đơn xin cho thẩm phán được quyền miễn tố (hay miễn trừ) về những ý kiến đưa ra trong phiên xử. Nhưng các “đề xuất” này chưa bao giờ được chấp thuận. (Một “đề xuất” kiểu này: https://vnexpress.net/phap-luat/de-xuat-quyen-mien-tru-voi-tham-phan-3285071.html)

    Ở nhiều nước, nhất là các nước Âu Mỹ, công lý được thực thi khi phiên tòa diễn ra đúng trình tự pháp lý — chứ không phải khi tòa tìm ra “đúng người, đúng tội”. Có lẽ giới luật sư trong nước cần phải tranh đấu cho điều này trước tiên, vì nó chi phối mọi hoạt động của họ trước cũng như trong vụ xử.

  3. Tôi có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc (bắt chước cách nói của Hồ) là phóng uế vào phiên tòa này (và nền tư pháp xhcn nói chung).

  4. Có giỏi thì xử bọn dân Tàu ngang nhiên phạm pháp nghiêm trọng tại đất Việt đi, hỡi lũ ác ngu tham hèn. Sau này sao tính sổ đây,có quỳ mọp trước dân cũng không thể tha thứ được.

Comments are closed.