Gánh nặng thuế má của nông dân thời nay, một chút so sánh với thời Pháp thuộc

Hoàng Hải Vân

8-12-2019

“Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (Hồ Chí Minh – Báo Cứu quốc, 17-10-1945).

Một cuộc điều tra của Bộ NN&PTNT từ 10 năm trước tại 135 xã và 117 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của 46 tỉnh, thành trên cả nước, kết quả cho thấy, người nông dân ngoài phải nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước còn phải nộp 30 đến 50 khoản phí khác không nằm trong danh mục, chủ yếu do chính quyền địa phương tự đặt ra (Tuổi Trẻ online 25-7-2013). Tin này được nhiều báo đưa đi đưa lại, cùng với tin tức một hạt lúa phải “cõng” mấy chục khoản đóng góp từ một bài báo trên báo Nông thôn ngày nay được giải nhất Giải thưởng báo chí quốc gia trước đó, đến nay vẫn chưa thấy tin tức nói nơi nào giảm một khoản đóng góp nào.

Báo Nhân Dân của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc khi khẳng định “một hạt thóc hiện nay còn phải “cõng” tới hàng chục loại phí”, theo báo này thì đó là một trong những nguyên nhân “hiện nay ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hà Nội… ngày càng có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng và làm đơn trả ruộng, kéo nhau ra phố làm ăn”, báo này còn dẫn chứng “tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có đến 2.011,90 ha đất ruộng bị người dân bỏ hoang và trả lại chính quyền; số hộ nông dân bỏ ruộng là 6.040 hộ, số hộ nông dân trả ruộng là 2.009 hộ” (Nhân Dân điện tử 16-6-2014).

Gánh nặng của nông dân, theo xác nhận của báo Đảng, là không thể chịu đựng nổi. Đó là chưa kể sự bấp bênh về tài sản khi bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu nông dân cũng có thể bị chính quyền thu hồi đất giao cho các đại gia làm dự án theo Điều 62 Luật Đất đai mà tôi đã nhiều lần đề cập.

Lâu nay các các giáo trình lịch sử và phương tiện truyền thông (cả của Việt Nam dân chủ cộng hòa, Việt Nam cộng hòa và CHXHCN Việt Nam) đều lên án thực dân Pháp đô hộ nước ta với sưu cao thuế nặng “bòn rút tận xương tủy” dân ta. Nhiều công trình nghiên cứu cũng lặp đi lặp lại lời tố cáo đó, nhưng cả trong tuyên truyền lẫn trong nghiên cứu đều hầu như không dẫn số liệu so sánh.

Đọc cuốn sách “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ” của giáo sư Nguyễn Thế Anh ta thấy có nhiều thông tin đáng chú ý (*). Cuốn sách của giáo sư Anh không hề có chút biện minh gì cho thực dân Pháp, ngược lại ông còn lên án gay gắt bọn đô hộ, riêng về thuế má của thực dân ông cho là hết sức nặng nề. Theo ông thì mức thuế tại Nam Kỳ thời Pháp thuộc là cao hơn so với thuế má của triều Nguyễn. Còn nông dân Bắc Kỳ thì chịu thuế nặng nề nhất.

Ông dẫn chứng các số liệu ước lượng : Một gia đình Bắc Kỳ gồm 5 người và có 3 mẫu ruộng, nghĩa là thuộc hạng tương đối khá giả, phải chi tiêu đồng niên 80 đồng bạc vào năm 1934, thì chi cho thực phẩm 50 đồng, chi cho tết nhất 12 đồng, thuế má 10 đồng (chiếm 12% chi phí)… Còn một gia đình nông dân nghèo khổ có 6 con mỗi năm phải chi tiêu 45 đồng, trong đó tiền thuế chiếm 4,2 đồng (chưa đến 10%). Đối chiếu với ngày nay thì nặng hay nhẹ mọi người có thể tự suy ra.

Trong các loại thuế mà người nông dân phải đóng góp thì thuế thân nặng nhất. Đến năm 1937, toàn quyền Đông Dương Brévié đã công bố quyết định cải tổ chế độ thuế khóa, trong đó thuế thân đồng hạng cũ được thay bởi các loại thuế lợi tức: Ở Bắc Kỳ, thuế lợi tức là 1 đồng cho những lợi tức dưới 120 đồng và lên 220 đồng cho những lợi tức trên 6000 đồng. Vào năm 1939, trong tổng số 2.196.932 người nộp thuế ở Bắc Kỳ, chỉ có 114 người trả 250 đồng, 1.502.447 người chỉ trả 2,5 đồng và 483.136 người chỉ trả 1 đồng thuế lợi tức. So với thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp ngày nay, nặng hay nhẹ mọi người cũng có thể tự suy ra.

Chúng ta cứ nghĩ rằng thực dân Pháp đã bòn rút thuộc địa để mang tài sản về chính quốc. Nhưng số liệu giáo sư Anh dẫn ra sau đây cho thấy:

Ở Nam Kỳ ban đầu áp dụng thuế thân nặng hơn triều Nguyễn, cùng với các loại thuế đánh lên thuyền bè, thuế môn bài, thuế muối, thuế lưu trú của Hoa kiều…, sau đó còn đánh thuế rượu, thuế nha phiến và thuế cờ bạc, nên chính quyền thuộc địa không những cân đối được ngân sách mà còn có thặng dư. Nhưng sau đó, thấy mức thuế quá nặng nên Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers đã cho giảm mạnh thuế thân và thuế điền thổ, để bù cho khoản thất thu, ông đánh thuế lên gạo xuất cảng, sắc thuế này chỉ các đại thương gia mới chịu chứ không có ảnh hưởng nào đối với tiểu nông.

Từ năm 1885 đến đầu năm 1887, ngân sách của chính phủ Pháp cáng đáng mọi kinh phí ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Từ năm 1887 trở đi, kinh phí này do ngân sách địa phương đảm trách, chính phủ Pháp chỉ trợ cấp mỗi năm một khoản nhất định, từ sau năm 1892 thì không trợ cấp nữa, nhưng chính phủ Pháp vẫn chịu mọi phí tổn về quân sự. Từ khi thiết lập Phủ toàn quyền Đông Dương, ngân sách của “liên bang” Đông Dương chủ yếu được thu từ ba loại thuế công quản : thuốc phiện, rượu và muối. (Lưu ý một nghịch lý: Hồi đó thuốc phiện được bán tự do đánh thuế cao, nhưng số người nghiện chắc không tràn lan kinh khủng như ngày nay chúng ta cấm). 3 loại thuế này chiếm tới 70% nguồn thu cho ngân sách Đông Dương (phần còn lại thu từ quan thuế, thuế trước bạ và thuế bưu chính). Các loại thuế thân, thuế điền thổ, thuế môn bài, thuế tư ích, thuế thuyền bè là nguồn thu của ngân sách địa phương cho cả ba xứ Bắc, Trung, Nam kỳ, với mức chịu thuế “hết sức nặng nề” như đã dẫn ở trên.

Xin nói thêm: Kể từ khi người Pháp thành lập Bệnh viện đầu tiên của Chính phủ là bệnh viện Chợ Quán Sài Gòn vào năm 1864, đến năm 1939 đã có 25 bệnh viện toàn khoa, 104 trung tâm y hoa, 170 bệnh xá, 105 chẩn y viện, 221 nhà hộ sinh, 43 trung tâm chuyên môn (nhà thương điên, nhà thương hủi…)… Tuy chỉ có 1 thầy thuốc cho 20 ngàn dân và chủ yếu đặt ở thành thị, nhưng người Pháp đã có rất nhiều nỗ lực trong phòng chống bệnh tật cho dân chúng. Tổ chức vệ sinh được điều khiển bởi các Viện Pasteur ở Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội và Đà Lạt. Riêng trong năm 1938, đã có trên phân nửa dân chúng được chủng đậu và chích ngừa dịch tả. Tất nhiên so với sự nghiệp y tế đồ sộ của chúng ta ngày nay thì những gì người Pháp làm được chỉ là con muỗi, họ chỉ hơn ta một chút xíu: Người Pháp phòng chữa bệnh cho dân ta hoàn toàn miễn phí, còn ta thì không.

Viết cái tút này tôi hoàn toàn không có ý gì đề cao người Pháp. Tôi chỉ bị thôi thúc bởi lời nói của cụ Hồ dẫn ở đầu bài. Nếu như dân ta được giảm nhẹ gánh nặng thuế má và các khoản đóng góp để thực sự được “hạnh phúc tự do” thì việc lên án thực dân Pháp “bóc lột tận xương tủy” dân ta là rất đúng.

Còn nếu chưa được như vậy, thì … tôi bỗng nhớ mấy câu thơ của Việt Phương :

“Ta có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh

Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày

Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao”.

_____

(*) Giáo sư Nguyễn Thế Anh, từng là Giám đốc nghiên cứu Trường Cao đẳng thực hành Sorbone – Paris, là học giả uy tín có nhiều công trình sử học rất có giá trị. Sách in ở Sài Gòn năm 1970, được NXB Văn Học, Hà Nội, tái bản năm 2008.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Trò lưu manh thứ nhì của Việt cộng sản là: dốc toàn lực vào canh bạc tân trang NÔNG THÔN MỚI, thực chất chỉ làm cho khí hậu nông thôn nóng lên vì bê tông hóa, rùm beng nhưng thực chất đời sống không có gì cải thiện, con nghiện cờ bạc ma túy không giảm, dân trí ngày càng đi xuống, chi phí NTM 90% là do dân phải gồng gánh, cán bộ xã thôn giàu lên rất nhanh, các cục nợ rất to do NTM đẻ ra và được ém nhẹm bảo lãnh kín kẽ. Thằng dân là người phải dọn dẹp hậu quả.
    Thuế phí trắng trợn và tinh vi ngày càng cao nhưng phúc lợi chẳng có gì, đừng rêu rao về mặt tốt của BHYT, thực chất dân hưởng 1 đảng hưởng 10.

  2. Thuế khốn nạn nhất bây giờ là thuế chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất thường lên đất thổ. Mức thuế này cao gấp mấy lần giá trị thực tế của miếng đất.

Comments are closed.