Hồ sơ tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 6: Bốn cán bộ đột tử và tin nhắn kinh hoàng

Báo Sạch

Anh Vũ

5-12-2019

Tiếp theo Kỳ 1: Người thoát án tử “phút 89” — Kỳ 2: Chứng cứ ngụy tạo, hung khí đi mua — Kỳ 3: Lúc nhận tội, lúc kêu oan (!?) — Kỳ 4: Muôn cách bôi bẩn nhân thân — Kỳ 5: Chỉ cần lời nhận tội, không cần nhân chứng

Công an điều tra hiện trường vụ 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi bị sát hại vào năm 2008. Ảnh: Minh Sơn.

Luật sư Trần Hồng Phong đã nêu trong bài viết đăng trên blog của mình về hiện tượng ngẫu nhiên kỳ lạ: 4 người tham gia trong vụ án Hồ Duy Hải đều bị đột tử. Trước đó, dư luận cũng có nhiều lời dồn đoán về hiện tượng này với nhiều suy diễn khác nhau, và có người suy đoán đây là luật nhân quả, bởi họ làm điều ác với Hải?

Nhưng 1 chi tiết bất ngờ đã hé lộ…

Người đột tử đầu tiên là Công an viên xã Nhị Thành, Huỳnh Văn Minh. Anh này bị đột tử vào năm 2009, khi đang trực đêm tại xã Nhị Thành. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, thì Minh không tham gia trong vụ án và nếu có chỉ là vai trò phụ giúp không quan trọng, vì ngay từ đầu trách nhiệm điều tra vụ án do Phòng Cảnh Sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng CSĐT) thuộc Công an tỉnh Long An thụ lý.

Ngay trong lần đầu tiên Trưởng Công an xã Nhị Thành mời đến làm việc, Hải đang về nhà nội ở TP. HCM, đã gọi điện hỏi ông trưởng công an xã về thời gian và địa điểm làm việc và được hướng dẫn là đến thẳng trụ sở Phòng CSĐT tại chân cầu sắt Tân An. Vì vậy, cái chết của ông Minh, công an viên, tuy xảy ra trên địa bàn vào thời điểm diễn ra vụ án nhưng chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên không có liên quan và không ảnh hưởng đến vụ án!

Tuy nhiên với 3 người còn lại đều có vai trò quan trọng, và cái chết của họ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm rõ bản chất sự thật của vụ án.

1. Nhân chứng bí ẩn đoán được lời khai của Hải trước tòa

Người đột tử thứ hai là Công an viên Nguyễn Thanh Hải, chết năm 2010 vì tai nạn giao thông ngay trên đường từ tỉnh lộ vào trụ sở UBND và công an xã. Tuy là công an viên, nhưng Thanh Hải có vai trò quan trọng trong vụ án, bởi là nhân chứng. Tuy nhiên sự xuất hiện của Thanh Hải trong vụ án lại rất bí hiểm.

Theo lời bào chữa của luật sư Nguyễn Văn Đạt và đơn kêu oan của luật sư Trần Hồng Phong, thì trong tất cả các bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải trong giai đoạn điều tra, Hải đều nhận tội. Nhưng sau khi có kết luận điều tra, lần đầu tiên gặp Hải, luật sư Đạt đã nghe Hồ Duy Hải kêu oan, cho rằng không thực hiện hành vi giết người. Nhưng Hải không nói chi tiết…

Khi ra tòa sơ thẩm, lần đầu tiên Hải công khai kêu oan. Trả lời câu hỏi của tòa, nếu không giết người vì sao biết được diễn tiến vụ án? Hải mới giải thích là do nghe công an viên Nguyễn Thanh Hải kể lại toàn bộ, nên thuật lại. Ngay lập tức, đại diện viện kiểm sát đã lấy ra tờ giấy cam kết của Nguyễn Thanh Hải, khẳng định không tiếp xúc, nói chuyện với Hồ Duy Hải về diễn tiến vụ án.

Điều kỳ lạ, bí hiểm ở đây là vì sao Viện Kiểm sát đoán được Hải sẽ kêu oan và nêu lý do này để chuẩn bị sẵn tờ cam kết ấy?

Bí ẩn nữa là bản cam kết này được thu thập và trình bày tại phiên tòa lại sai về quy trình thực hiện thu giữ theo quy định tố tụng, nhưng lại được tòa sơ thẩm chấp nhận xem như là chứng cứ bác bỏ lời kêu oan của Hải!

Kỳ lạ hơn, chứng cứ quan trọng này cũng không được tòa cập nhật đưa vào hồ sơ vụ án, và đến nay đã không còn dấu vết. Tại phiên tòa phúc thẩm, chi tiết này đã được nhắc lại trong phần xét hỏi nhưng rất tiếc tòa đã không triệu tập nhân chứng Thanh Hải để tiến hành đối chất.

Khi được tòa hỏi, Hồ Duy Hải đã trả lời (trích nguyên văn từ Biên bản phiên tòa): “Bị cáo có nói, có nghe ngóng những người đi xem về, nói có 2 người bị giết chết ở Bưu điện Cầu Voi. Nghe kể nhân viên của xã Nhị Thành đến bảo vệ hiện trường vụ án, nên bị cáo lái xe đến UBND xã Nhị Thành gặp Hải, và Hải (Thanh Hải – PV) thuật lại cho bị cáo nghe”. Điều này có cơ sở! Vì tại thời điểm ấy, Hồ Duy Hải là dân quân xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Nên việc dân quân quen biết, nghe công an viên xã kể chuyện vụ án là bình thường.

Nhưng trước câu trả lời khá rõ ràng ấy, chủ tọa phiên tòa đã hỏi vặn lại Hồ Duy Hải 1 câu vô lý và phi lô gích: “Theo bị cáo, công an viên có được đến hiện trường không?”. Theo thực tế Hải không thể biết và theo pháp luật Hải cũng không cần phải biết điều này.

Tuy nhiên, cái chết bất ngờ của Nguyễn Thanh Hải làm cho câu hỏi: vì sao viện kiểm sát đoán trước câu trả lời của Hải trước phiên tòa để chuẩn bị trước bản cam kết, phải rơi vào ngõ cụt.

2. Trưởng phòng CSĐT yêu cầu sếp cũ bào chữa cho bị cáo, sau đó đột tử

Người đột tử thứ 3 là Trưởng phòng CSĐT Phạm Văn Tiến, Phó Ban chuyên án. Ông Tiến là người trực tiếp chỉ đạo điều tra án và là người phát ngôn với báo chí. Nhiều bài báo trong thời điểm điều tra đã dẫn nguồn từ thông tin của thượng tá Phạm Văn Tiến. Ông đã thể hiện quyết tâm phá án là: “Cái chết của 2 cô gái quá thương tâm. Bằng mọi giá chúng ta phải tìm cho ra hung thủ”.

Trong những biện pháp bằng mọi giá ấy có việc làm kỳ lạ là ngay sau khi khởi tố vụ án, ngày 1/4/2008, Phòng CSĐT đã có công văn trưng cầu trực tiếp với Đoàn Luật sư tỉnh Long An, yêu cầu đích danh luật sư Võ Thành Quyết làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải mà gia đình hoàn toàn không hay biết! Điều này trái với quy tắc hỗ trợ pháp lý cho bị can, bị cáo, đó là cơ quan tố tụng phải gởi công văn trưng cầu luật sư đến Trung tâm Hỗ trợ pháp lý, rồi trung tâm sẽ giới thiệu luật sư cho gia đình lựa chọn, sau đó mới chuyển yêu cầu đến đoàn luật sư.

Kỳ lạ hơn nữa là thời điểm này, công an điều tra liên tục khám xét nhà Hồ Duy Hải đến mức đào cả nền nhà, vào phòng em gái Hải thu giữ cả nữ trang dược mua của tiệm vàng Ngọc Sương có chứng từ hẳn hoi.

Và điều bất ngờ, khi luật sư Quyết vốn là thủ trưởng tiền nhiệm của thượng tá Tiến. Vào tháng 6/2008, sau khi gia đình Hải buộc lòng ký hợp đồng với ông Quyết, thì thượng tá Tiến đã gọi điện kiểm tra xem gia đình Hải có thật đã thuê luật sư Quyết chưa. Khi gia đình Hải xác nhận, đưa ra số hợp đồng thì ngay lập tức việc khám xét chấm dứt.

Sau đó, khi gia đình thuê luật sư Đạt bào chữa thì cơ quan điều tra và tòa án vẫn chỉ tiếp tục chấp nhận ông Quyết là luật sư chỉ định!

Và ông Tiến còn được dư luận quan tâm khi điều tra vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt. Nhưng sau vụ án này, ông được chuyển sang phụ trách phòng chống ma túy. Ông bị đột tử trong trụ sở cơ quan, ngay trong cuộc họp vào năm 2012. Đây là cái chết bất ngờ, đột ngột, bởi vào đêm trước đó, 1 cán bộ cấp dưới cùng ông đi nhậu và đưa ông về cho biết, ông vẫn khoẻ mạnh bình thường.

Hệ quả cái chết của ông là việc điều tra, làm rõ lại vụ án ở nhiều vấn đề, trong đó có chuyện vì sao chỉ định luật sư Quyết, sẽ rất khó khăn!

3. Lời nhắn kinh hoàng của ông Kiểm sát viên cao cấp

Khi tham gia vụ án này, người đột tử cuối cùng là Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện Kiểm sát phúc thẩm, Viện Kiểm sát tối cao tại TP.HCM, ông Trần Ngọc Lẫm. Ông là người giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm xử Hồ Duy Hải.

Quê tại Thủ Thừa, Long An, ông Lẫm từng làm Trưởng Phòng Kiểm sát kinh tế của Viện Kiểm sát tỉnh Long An, trước khi chuyển về Viện Kiểm sát Phúc thẩm.

Ông Lẫm được bạn bè đồng nghiệp quý trọng là người giỏi nghiệp vụ, sinh hoạt mực thước. Điều trớ trêu là ông Lẫm không phải người xa lạ mà chính là bạn học của bà Nguyễn Thị Rưởi (dì ruột Hồ Duy Hải và là người đồng hành với bà Loan – mẹ Hải, đi kêu oan).

Theo lời bà Rưởi, các cựu học sinh cùng học với bà và ông Lẫm hàng năm thường tổ chức họp mặt, và bà vẫn thường đi dự. Nhưng từ khi vụ án xảy ra bà buồn và mặc cảm nên nhiều lần vắng mặt. Gần đây do bạn bè khuyến khích, thúc đẩy, bà có đi dự và gặp mặt ông Lẫm nhưng không nhắc đến chuyện vụ án. Nhưng trước khi mất, trong lần đi dự hội thảo ở Hà Nội, ông Lẫm đã điện thoại cho 1 bạn chung của 2 người, nhờ nhắn lại bà Rưởi như sau: “Nói với nó (bà Rưởi), đừng trách tôi đứng ra tuyên tử hình Hồ Duy Hải, chứ nó không biết ai xúi tôi tuyên. Hãy trách người xúi tôi xử”.

Và qua người bạn này, ông Lẫm còn khuyên: “Gia đình hãy theo ông luật sư Nguyễn Văn Đạt kêu oan đi, ông này giỏi lắm!”.

Ngay trong phần tranh luận tại phiên tòa, ông Lẫm cũng thừa nhận điều quan trọng là trong vụ án này các cơ quan tố tụng đã bỏ qua hành vi hiếp dâm qua hình ảnh thể hiện trên hiện trường. Nhưng điều kỳ lạ là ông không hề kiến nghị hủy án điều tra lại trước tình trạng vi phạm tố tụng nghiêm trọng để sót người lọt tội.

Ông Lẫm bị đột tử năm 2013, tại gia đình, được xác định là do tai biến mạch máu não. Hệ lụy cái chết của ông trong vụ án này qua lời nhắn với bà Rưởi là câu hỏi ai là người xúi ông xử y án tử hành Hồ Duy Hải sẽ mãi mãi không có lời đáp.

Phải chăng chính vì lời xúi, sức ép nào đó cần đổ tội cho Hồ Duy Hải mà ông Lẫm đã vượt lên pháp luật chấp nhận bỏ qua chuyện lọt tội hiếp dâm? Bởi điều tra tội hiếp dâm, sẽ lòi ra nhân vật khác?

*** Chúng tôi đã tìm hiểu về 4 cái chết này không phải chuyện hiếu kỳ, cũng không nhằm nói đây là chuyện “giết người diệt khẩu” như 1 kỳ án, mà chỉ phân tích vai trò cái chết của từng người trong mối liên quan đến vụ án, ảnh hưởng như thế nào nếu phải xét xử lại vụ án.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Có bài này bên trang VNTB nói về một thạc sĩ luật, cán bộ chuyên ngành tư tưởng văn hoá (giám định viên tư tưởng), đảng viên, vợ một cán bộ thành uỷ viên cao cấp. Nói chung là một trí thức được đảng đào tạo đúng bài bản…đột ngột từ chức. Xem lý do tại sao bà bất đắc dĩ phải từ chức mới là dzui nè:

    TỪ VỤ BÀ CHỦ TỊCH HỘI PHỤ NỮ Ở THÀNH PHỐ HCM TREO ẤN TỪ QUAN
    VNTB) – Hôm 27/11 và 28/11, nhiều tờ báo ở Việt Nam đồng loạt đưa tin bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, sinh 1975, quê Long An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện có đơn xin thôi giữ chức vụ, đồng thời xin nghỉ việc với lý do cá nhân.

    Bà Bích thông báo với cơ quan đã nộp đơn xin thôi giữ chức vụ và nghỉ việc từ tháng 9/2019. Sau đó Thành ủy Hồ Chí Minh đã có quyết định cho cho nghỉ theo nguyện vọng, có hiệu lực từ 1/11.

    Theo lý lịch mà báo chí đăng, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích còn khá trẻ, 44 tuổi, thạc sĩ luật, cử nhân chính trị chuyên ngành tư tưởng văn hóa, nguyên Phó Ban tuyên giáo Quận ủy quận 8, nguyên Phó chủ tịch ủy ban nhân dân quận 8…

    Bà Bích là phu nhân của ông Tất Thành Cang, hiện là Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh”.

    Thắc mắc ở đây là với chuyên môn “cử nhân chính trị chuyên ngành tư tưởng văn hóa”, vì sao bà Bích lại không nhận ra ‘tư tưởng’ của ông Cang có vấn đề với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, với đảng cộng sản nơi ông Cang từng ngồi ghế phó chủ tịch thành phố, phó bí thư thường trực của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh?

    Ngược dòng thời gian, ngày 15/11/2018, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố.

    Ngoài ra, ông Cang cũng đã vi phạm “các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp”.

    Ông Cang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố. Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm…

    Sở dĩ cần kể dông dài như vậy để nhằm muốn nói rằng cần thiết xem lại cái gọi là “chuyên ngành tư tưởng văn hóa”. Những cán bộ khoác chiếc áo ‘chuyên ngành tư tưởng văn hóa’ là một nỗi ám ảnh của các luật sư bào chữa trong những vụ án ‘tù nhân lương tâm’.

    Trong vụ án Hội Anh em dân chủ, để buộc tội, cáo trạng cho biết theo kết luận của các giám định viên tư tưởng, thì các bài viết của các bị cáo mang tư tưởng “lật đổ chính quyền” nên cần phải bị xử trí pháp luật hình sự. Nhóm giám định viên tư tưởng ở vụ án này gồm có: Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, tổ trưởng điều phối giám định tập thể, và các tổ viên giám định tập thể là Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra; Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí; Đinh Tiến Dũng, phó Chánh Thanh tra; Trần Thị Nhị Thủy, phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

    “Giám định tư tưởng” là một nghề không được đào tạo ở bất kỳ trường lớp nào. Những người được giao phần việc gọi là ‘giám định viên tư tưởng’, thường là có bằng cấp chuyên môn tương tự như bà Nguyễn Thị Ngọc Bích.

    Sắp tới đây trong vụ án nhà báo Phạm Chí Dũng, chắc chắn cũng có tổ giám định tập thể được thành lập để ‘giám định tư tưởng’ của vị nhà báo này qua các bài viết của ông.

    Từ vụ treo ấn từ quan của bà Bích, một thạc sĩ luật, cử nhân chính trị chuyên ngành tư tưởng văn hóa, cho thấy ngay cả người đồng chí cận kề của bà là ông Tất Thành Cang – cũng có hàm cử nhân chính trị, thạc sĩ luật, đã vấp sai phạm về ‘tư tưởng’ kéo dài, nhưng bà Bích không phát hiện ra; và nếu mai này pháp luật không quy kết bà Bích trong vai trò đồng phạm, thì phải chăng cần thiết coi lại nghề ‘giám định tư tưởng’ đối với những tiếng nói của quyền tự do ngôn luận, như với trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng mới đây chẳng hạn.
    (Nguyễn Việt Nam)

  2. Bàn 1 chút về Bản „án trắng“ và Bản „án vô tội“: Ở các nước pháp quyền tuyên án kết thúc phiên tòa hoặc „phạm tội“ hoặc „trắng án“ (nếu chỉ kết án vô tội thì sẽ không đầy đủ, vì khi không thể buộc tội cho bị cáo theo những điều đổ tội – và khi còn nghi ngờ về sự phạm tội của bị cáo thì bị cáo sẽ hưởng lợi: „in dubio pro reo“. Có nghĩa là về lí thuyết không thể loại trừ người hưởng án trắng chính là thủ phạm và do đó nếu người đó được tuyên án: „vô tội“ sẽ không công bằng. Và ở các nước pháp quyền thì người được tuyên „án trắng“ cũng coi như người không phạm tội.

Comments are closed.