Hồ Hùng
3-12-2019
Tiếp theo kỳ 1: Người thoát án tử “phút 89”
Cái được cho là quần áo của Hồ Duy Hải mặc khi gây án là… 1 mẫu vải, đoạn dây thắt lưng được thu từ 1 đống tro, 3 tháng sau khi xảy ra vụ án, lại là đống tro của ngôi nhà khác so với ngôi nhà của Hải khai. Cơ quan điều tra còn mượn cả nữ trang của em gái Hải đưa vào hồ sơ vụ án. Nhân chứng cũng vơ vét từ những người dân phòng dọn dẹp hiện trường sau khi đã khám nghiệm xong. Liệu có thể tử hình một con người bằng bản án vi phạm tố tụng từ cả 3 khâu: Điều tra, truy tố và xét xử?
Như đã thông tin, cả 3 thứ hung khí: Con dao, cái thớt, và chiếc ghế innox được cho là Hải dùng để giết 2 nạn nhân đã bị luật sư bác bỏ vì không được thu thập, lưu giữ theo đúng trình tự quy định tố tụng. Tất cả chỉ… nghe qua báo cáo của những đội viên dân phòng dọn dẹp hiện trường. Bản án phúc thẩm cũng thừa nhận các sai sót này nhưng vẫn khẳng định rằng đây chính là hung khí gây án!
1. Không có vật, lời khai bất nhất vẫn xem dao là hung khí
Bản án phúc thẩm đã nhận định như sau: “Xét, mặc dù qua điều tra không thu giữ được thớt tròn là hung khí đập vào đầu nạn nhân Ánh Hồng, dao Thái Lan là hung khí dùng để cắt cổ các nạn nhân, song những cung khai của bị cáo Hải đều phù hợp với bản ảnh hiện trường có con gấu nhồi bông, bịch trái cây, tấm nệm, có thớt tròn bằng gỗ, có ghế inox. Có việc bị cáo cho anh Võ Minh Dương sim card của bị cáo, có việc bị cáo đốt quần áo, dây thắt lưng ở vườn sau nhà chị Len… Các nhân chứng Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Váng là các đội viên dân phòng được Bưu cục Cầu Voi thuê dọn dẹp hiện trường sau khi khám nghiệm thu con dao Thái Lan tại kẹt vách chỗ tấm bảng sau đó có báo với công an, nhưng do dao không dính máu nên không thu giữ…”.
Không phải là luật sư bào chữa hay kêu oan cho bị án Hải, nhưng luật sư Trịnh Minh Tân, nguyên là Kiểm sát viên nhiều kinh nghiệm, từng giữ vai trò công tố trong “đại án” Năm Cam, đã bức xúc trước cáo buộc vô lý này và đã có văn bản gởi TAND Tối cao, VKSND Tối Cao.
Ông phản bác như sau: “Như vậy, án phúc thẩm xác định “thớt tròn” và “dao Thái Lan” là công cụ mà bị án Hồ Duy Hải sử dụng để thực hiện tội phạm. Cũng có nghĩa đây là vật chứng được coi là chứng cứ quan trọng nhất để kết luận bị án Hồ Duy Hải thực hiện hành vi giết người.
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định. Tuy nhiên, 2 công cụ coi là vật chứng được xác định là chứng cứ thì chỉ hiện hữu trên lời khai của Hải và các đội viên dân phòng, không có tính xác thực cần có để đánh giá đó là chứng cứ.
Con dao Thái Lan trên thực tế không được thu giữ mà chỉ được… mô tả qua các lời khai của đội viên dân phòng. Do đó không thể coi lời mô tả đồ vật không được kiểm chứng là vật chứng được. Ngay cả cái thớt tròn có trong bản ảnh nhưng không được thu giữ, không có mô tả kích thước thì trong trường hợp này không thể khẳng định đó là vật chứng của vụ án”.
Còn con dao gây án? Như đã nói ở kỳ trước: theo Biên bản Khám nghiệm hiện trường thì cơ quan chức năng đã rất cẩn thận, xem xét rất kỹ từng đồ vật, dấu vết, đặc biệt là khu vực cầu thang, chung quanh nơi có 2 thi thể nạn nhân, kể cả khu vực trong gầm cầu thang. Phát hiện rất nhiều đồ vật như hạt cơm, bún phơi khô, bịch cơm khô, bộ phận bếp dầu, thau nhựa, tô, chén, dĩa, rổ nhựa, bình nước, thùng mì gói,.. Và đã kết luận: “Chúng tôi không phát hiện thấy dấu vết đồ vật nào khác có liên quan đến vụ việc”. Thế mà chỉ qua ngày hôm sau, các đội viên dân phòng trong quá trình dọn dẹp hiện trường đã “thấy” 1 con dao “mới tinh” tại bưu cục. Và điều lạ là con dao thu được sau đó chỉ cách vị trí xác 2 nạn nhân chưa đầy 0,5m. Vậy sao cả ngày hôm trước không thấy?
2. Vật sắc bén đâu chỉ có con dao Thái?
Ngoài nguồn gốc mơ hồ, cũng không có chứng cứ nào cho thấy chính con dao ấy là hung khí cắt cổ 2 nạn nhân. Theo Bản Giám định pháp y số 21/PY.08 và 22/PX.08 ngày 17/1/2008 của Phòng Giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Long An (BL 60 và 61) thì nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân đều tử vong do: “Bị vết thương hở làm đứt ngay vùng cổ phía trước gây choáng chấn thương, mất máu cấp”. Và tại văn bản số 37/GT.PX08 ngày 7/4/2008 của Phòng Giám định Pháp y Bệnh viện Đa khoa Long An (BL 63) v/v trả lời giải trình dấu vết trên cơ thể nạn nhân đã xác định: “Cả 2 nạn nhân đều bị vết thương hở, có bờ mép sắc gọn làm cắt đứt phần cổ trước…”. Tất cả những điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ là vật sắc bén.
Nhưng vật sắc bén ấy là gì? Có phải là con dao như lời nhận tội của bị cáo Hải hay không? Có mối liên hệ nào giữa con dao nhặt được và hành vi giết người?
Kết luận giám định chỉ ra hung khí là vật sắc bén, còn các anh dân phòng chỉ khai phát hiện con dao. Còn việc xem lời nhận tội của bị cáo rằng bị can sử dụng con dao để gây án và con dao ấy chính là con dao mà các anh dân phòng phát hiện là suy diễn và không phù hợp.
Cơ quan điều tra có tổ chức nhận dạng con dao, nhưng như chúng tôi trình bày ở phần sau, các Biên bản nhận dạng này vi phạm thủ tục tố tụng nên không thể được xem là chứng cứ. Hơn nữa, nếu có cũng chỉ là chứng cứ là phù hợp về con dao tức loại dao, kích thước con dao, vị trí phát hiện con dao chứ không phải tình tiết sử dụng con dao để cắt cổ 2 nạn nhân. Xin nhắc lại không có bất cứ chứng cứ nào xác định hung thủ có sử dụng dao hay không? Và nếu có thì dao nào? Có phải con dao được các nhân chứng phát hiện hay không?
Theo cáo trạng thì tư thế, động tác của hung thủ khi thực hiện dùng dao cắt cổ 2 nạn nhân đều giống nhau là cả 2 nạn nhân đều nằm, bất tỉnh, hung thủ tay phải cầm dao, tay trái nắm tóc nạn nhân và cắt thật mạnh 2 cái vào cổ nạn nhân (BL 520). Thế nhưng, theo Bản giám định pháp y (BL 60 và 61) thì đường cắt lại có hướng khác nhau. Cụ thể đường cắt trên vùng cổ của nạn nhân Hồng là từ trái sang phải, còn đường cắt trên vùng cổ của nạn nhân Vân lại từ phải sang trái.
3. Lấy mẫu tro than nhà hàng xóm, sau 3 tháng vẫn xem là phù hợp
Về mẫu tàn than tro, theo Kết luận điều tra (BL 387) và bản án phúc thẩm cũng nhắc lại: “Sau khi gây án khoảng 1 tuần, sợ bị phát hiện, Hải lấy số quần áo mặc gây án và dây thắt lưng đem ra vườn phía sau nhà bà Nguyễn Thị Len (dì ruột của Hải) đốt”. Cáo trạng cho rằng phù hợp với Bản giám định số 3200/C21B ngày 8/5/2008 của Viện Khoa học hình sự, rằng: “Số tro than trên có thành phần vải và nhựa poliester…”. Bản án sơ thẩm cũng cho rằng trong quá trình điều tra cũng có thu được “… 1 đoạn dây thắt lưng bị cháy dở, 1 mảnh vải cháy dở màu đen sọc xanh”. Sự liên kết có hệ thống này tưởng như chuyện Hải đốt tiêu hủy quần áo mặc trong lúc gây án là có thật!
Nhưng đối chiếu với các tài liệu khác thì kết luận này là suy diễn và không phù hợp! Cơ quan điều tra có lấy mẫu tro đốt này đưa đi giám định, kết luận giám định số 3200/C21B (BL 70) thì rất chung chung là: “Trong mẫu tàn than tro gửi đến giám định có thành phần vải và nhựa Poliester”. Mà những chất đó thì bất kỳ đống tro rác nào hầu như cũng có. Kết luận giám định cũng nêu rõ: “Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và sim card”.
Oái oăm hơn, đống tro được lấy mẫu là đống tro nào? Lấy vào thời điểm nào? Cáo trạng ghi: “Bị can sợ bị phát hiện mới lấy quần áo đã mặc lúc gây án và 1 sợi dây nịt bằng da ra phía sau vườn nhà chị Len (dì của bị can) đốt để phi tang (BL 54)”. Nhưng tại quyết định trưng cầu giám định ngày 27/3/2008 (số 01 của CQĐT – BL 67) thì số tro, than gởi đi giám định lại là thu “tại phía sau nhà của Hải“. Việc thu này là vào ngày 21/3/2008, tức hơn 3 tháng sau kể từ ngày được xem là Hải đốt. Và thu ở được vị trí khác với vị trí xác định là Hải đốt. Nghĩa là mẫu tang vật này được thu từ 1 địa điểm khác với lời khai, được thu vào 3 tháng sau khi Hải “đốt”.
Quan trọng nhất, khi kết luận giám định cho rằng không kết luận được gì, nhưng từ kết luận điều tra, cáo trạng, cả 2 bản án sơ phúc thẩm đều lấy đó làm căn cứ và cho rằng phù hợp để buộc tội Hải. Thực tế, bà Nguyễn Thị Rưởi, dì của Hải, cho biết do ở nông thôn, không có dịch vụ thu chở rác nên không riêng nhà bà mà nhiều nhà khác đều có thói quen quét gom rác vào một chỗ rồi đốt hủy. Lúc nào phía sau nhà bà Len, Rưởi, Loan (mẹ Hải), nằm liền kề nhau, cũng có 2-3 đống tro như vậy. Việc các cơ quan tố tụng xem những đống than bất kỳ như vậy là bằng chứng giết người thì thật là nguy hiểm cho người dân!
(Còn nữa)