COP25 Madrid

Nguyễn Thọ

3-12-2019

Phân phối miếng bánh khí thải toàn cấu (Màu hồng là phần còn lại của thế giới). Ảnh: internet

Hôm nay, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) đã khai mạc tại Madrid sau nhiều lần thay đổi địa điểm.

Trước đây Brazil nhận đăng cai COP 25, nhưng ngay sau thắng cử, tồng thống cực hữu Jair Bolsonaro đã tuyên bố hủy đăng cai với lý do kinh tế. Chile đứng ra nhận đăng cai để giữ hội nghị ở lại Nam-Mỹ với rừng già Amazon đang bị đe dọa. Nhưng chỉ 10 tháng sau, các cuộc biểu tình bạo động tại Chile đã khiến chính phủ này phải vội vàng rút lui trách nhiệm. Trong các ứng viên xin nhảy vào gánh đỡ, người ta đã chọn Tây-Ban-Nha vì sự gần gũi về ngôn ngữ với Chile, nơi mà suốt năm qua, một đội ngũ chuyên viên đã làm cật lực chuẩn bị các văn kiện. Nhiều chuyên viên Chile đã sang Madrid để hỗ trợ các đồng nghiệp Tây-Ban-Nha.

Chỉ năm tuần sau khi Santiago de Chile rút lui, 30.000 khách quốc tế thay mặt cho 180 quốc gia đã đến Madrid để tham dự hội nghị.

Sự vội vàng, cuống quýt để chuẩn bị COP25 cho thấy, những người chủ trương chống biến đổi khí hậu đã cảm thấy lửa cháy sau lưng. Nhân loại không còn nhiều thời gian để chống lại cái chết của hành tinh xanh.

Tại Paris 2015 (COP21), 197 quốc gia, lãnh thổ và tổ chức đã ký vào thỏa thuận phải làm sao để nhiệt đô trái đất không được tăng quá 2°C, tốt nhất là 1,5°C, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận đó cũng đề ra mục tiêu cải tạo lối sống và sản xuất của loài người để cho đến 2050 sẽ không có khí thải CO² tung vào khí quyển. Trừ Syria là nước đang chiến tranh, không cử phái đoàn đến, tất cả các quốc gia đều ký vào thỏa thuận. Trong đó không ít phái đoàn ký cho vui, vì biết là mình không có năng lực thực hiện hoặc không có nhu cầu phải giữ lời cam kết. hoặc thậm chí đếch quan tâm..

Nước Mỹ đã ký thỏa thuận này với trách nhiêm cao, nhưng vì Trump không tin vào biến đổi khí hậu, lại nghĩ là thằng khác xả thải nhiều hơn mình mà chi ít, nên tuyên bố rút ra khỏi cam kết Paris từ 2020. Quyết đinh này được hân hoan chào đón bởi rất nhiều người… Việt Nam, xứ sở đang bị đe dọa nhấn chìm vựa thóc Nam Bộ vào năm 2050.

Thế giới đúng là khùng? Không, tôi sẽ bị chửi là khùng vì dám động vào Trump.

Nhưng thôi, không có Trump thì mọi việc cũng đã quá muộn. Người ta chứng minh nhiệt độ ở Đức hiên nay đã tăng lên 1,5°C so với cuối thế kỷ 19 mất rồi. Nhiệt độ ở Đức tất nhiên là nhiệt độ của châu Âu. Hè 2019, cả Pháp và Đức cùng tranh nhau về kỷ lục 43,5°C là vậy.

Nhìn vào bảng thống kê xả thải CO² 2018 chúng ta thấy thành tích của các nước. Đứng đầu là các nước công nghiệp và đông dân thì chúng ta không chấp. Việt Nam ta xếp hạng thu nhập theo đầu người thứ 138, còn xếp hạng GDP ở vị trí 44 toàn cầu, nhưng xả thải ta vươn lên được vị trí 25 chứng tỏ dân ta xài cũng không đến nỗi nào. Ta đứng sau Thái Lan hai bậc vì ít công nghiệp hơn, dễ hiểu. Nhưng nếu nhìn sang cột cuối cùng, so sánh mức độ tăng trưởng phun khói từ 1990 với 2018 thì Việt Nam là quán quân thế giới, với 1132 lần. Các nước có tốc độ phát triển xả thải bám sau Việt Nam là Trung Quốc 352 lần, Ả-Rập Xê-út 346 lần, Các tiểu vương quốc Arập 365 lần. Chỉ khác nhau ở chỗ: Các hoàng tử Ả-rập đang đốt dầu để nung quê họ từ sa-mạc lên màu xanh, còn các hoàng tử đỏ Trung Hoa thì đốt dầu và than để biến đất nước xanh tươi của họ thành sa mạc.

Ảnh: internet

Còn Việt Nam đốt sống đốt chết để cố đến năm 2020 thành nước công nghiệp thì lại là nhẽ khác.

Hôm qua cô em gọi sang, than thở là ngồi ở tầng 11 Ciputra không nhìn thấy cầu Nhật-Tân nữa, không khí vẩn đục, lo quá anh ạ.

– Ấy chết, anh là vốn là dân cựu VTV, cơ quan vẫn lớn tiếng phê phán “Bọn môi trường quấy phá”. Em nói vậy mà không sợ anh giận à?

Nhân hội nghi Madrid, báo chí Đức lại đưa những tin kinh hoàng. Báo Spiegel giật titre: “Từ cứu tinh của thiên nhiên thành kẻ gây ô nhiễm khủng”. Đó là các vỉa băng ở Bắc Cực. Từ hàng triệu năm qua, chúng là nơi cất dấu thán khí của trái đất, nay do nhiệt độ tăng, băng tan, các lớp sinh vật chết ngàn đời bắt đầu lộ ra và phát ra những lượng CO² khổng lồ tung vào khí quyển. Từ 2003 đến 2017, khu vực này xả ra 1,7 tỷ tấn CO², trong khi thực vật ở đó chỉ đủ chuyển hóa quang hợp 1 tỷ tấn. Quá trình này đang tăng tốc theo kiểu rơi tự do.

Ở Siberia, tình hình cũng khủng khiếp như vậy. Người ta còn nói đến khả năng các loại vi khuẩn bệnh dịch từng nằm dưới các lớp băng hàng chục ngàn năm, nay lộ thiên và phát tán trong không gian, sẽ đem đến những nạn dich mà loài người chưa biết đến.

Loài người quá kém cỏi, chỉ có khả năng đốt rừng, phun khí thải, tiêu diệt đa dang sinh học, hút hết lòng đất đủ đến mức chọc tức thiên nhiên, để rồi thiên nhiên nổi khùng làm nốt thiên sứ của con người: Phá hủy trái đất.

Thế nào cũng có vị chửi: Mày ở Đức là nơi xả thải gần gấp 3 lần Việt Nam, đừng lên mặt dạy đời.

Tôi đã từng viết: Thế hệ này, trong đó có cả tôi, đang ăn cắp tương lai của con cháu.

Cứ suy bì xem ai ăn cắp hơn ai, thì chỉ có kéo nhau “Xuống hố cả nút”.

“Bọn môi trường” bị coi là những thằng, những con khùng. Chúng rỗi hơi, không lo chăm sóc bản thân, gia đình, tự chuốc chửi rủa vào thân, bị cảnh sát đánh dập bầm dập chỉ vì mấy cái cây xanh, vì mấy dòng sông lãng nhách.

Nhưng xem ra thì chúng mới là những kẻ biết yêu cuộc sống, nếu không phải là đời chúng, thì cũng là đời con cháu chúng ta.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Thế hệ này, trong đó có cả tôi, đang ăn cắp tương lai của con cháu.”
    Tựa đề có thể viết ngắn hơn mà vẫn đủ nghĩa lả
    “Thế hệ của chúng ta đang ăn cắp tương lai của con cháu”
    hay !Chúng ta đang ăn cắp tương lai của con cháu”

Comments are closed.