Thà bỏ sót tội phạm còn hơn là kết án oan

Báo Sạch

Nguyễn Thanh Nhã 

1-12-2019

Hồ Duy Hải (phải). Ảnh: internet

Ở bất cứ đâu trên trái đất này, những kẻ giết người đều bị coi là quỷ dữ. Bởi vì việc xuống tay tàn độc với đồng loại là trái ngược văn minh chung. Bởi danh dự, sức khỏe và tính mạng của một người là bất khả xâm phạm!

Tòa án Việt Nam, trước khi tuyên “loại bỏ bị cáo khỏi đời sống xã xội vĩnh viễn” cũng có khái niệm tương tự: Bị cáo đã không còn khả năng cải tạo, đã mất nhân tính.

Thế nhưng, có một điều chắc chắn là việc điều tra luôn được thực hiện bởi con người. Mà người thì không thể thiếu sót, hoặc chủ quan!

Nếu bạn đọc hết cuốn “Nhân từ với quỹ dữ”, bạn sẽ thấy nước Mỹ văn minh vẫn có án oan chỉ vì cảnh sát điều tra non kém nghiệp vụ và cả bởi sự chủ quan. Và đó là lý do luật sư Bryan Stenvenson giải mã các bí ẩn, trả lại sự công bằng cho những kiếp người lỡ vướng vòng lao lý.

Trở lại với vụ án Hồ Duy Hải ở bưu điện Cầu Voi cùng rất nhiều vụ án giết người khác kéo dài ở Việt Nam, chỉ có một lý do duy nhất khiến các vụ án ấy trở thành “kỳ án” bởi nghiệp vụ kém cỏi của cơ quan điều tra vốn “được coi” là “giỏi nhất thế giới”.

Hải sẽ đáng chết, nếu hai cô gái nhân viên bưu điện đó là nạn nhân của Hải. Nếu ai đã từng xem hồ sơ vụ án, coi các bản ảnh nạn nhân bị cắt lìa cuống họng, cùng bầu ngực thiếu nữ bị chẻ đôi sắc lẹm và không gian xung quanh đỏ sẫm màu máu… sẽ không giấu được hãi hùng, cuồng nộ.

Và rằng, khi tước đoạt mạng sống của người khác, Hải cũng tự chối bỏ quyền sống của mình trước sự nghiêm minh của pháp luật được đảm bảo thực thi bởi cơ quan nhà nước!

Tuy nhiên, lỗi lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An đã không thể thuyết phục dư luận về hành vi phạm tội của Hải, khi các chứng cứ đều chống lại lập luận tử hình.

Đầu tiên là vật chứng của vụ án là con dao được công an đi mua để đưa vào vụ án. Tiếp đó là bản giám định vân tay, mẫu máu đều không có vết tích của Hải. Lời khai của các nhân chứng chưa được chú ý làm rõ…

Theo Điều 89, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, vật chứng và chứng cứ phải là những vật (một vài trường hợp có thể kể đến lời khai) có thật, được làm phương tiện, công cụ phạm tội được thu thập theo trình tự, thủ tục quy định.

Cơ quan điều tra tự ý mua con dao, cái thớt là chưa đáp ứng đúng các quy định đó. Đem con dao mua ngoài chợ về kết tội người khác thì một vụ án giết người bằng dao ở Bangkok cũng có thể đổ lỗi cho bà bán dao ở chợ Thị Nghè chỉ vì sạp hàng của bà có bán dao Thái Lan.

Có lẽ không cần phải nhắc thêm về các nguyên tắc văn minh của một nền tố tụng chuẩn mực: Đó là khi không có bằng chứng về hành vi phạm tội thì không thể buộc tội một bị cáo! Dẫu trước đó, bằng niềm tin nội tâm, kẻ đang đối mặt với hội đồng xét xử kia chính là kẻ sát nhân!

Bỏ lọt một tội phạm nguy hiểm còn hơn là hàng trăm triệu dân khác đều có khả năng bị tội oan chỉ vì sự kém cỏi của các cơ quan tiến hành tố tụng!

Hôm nay là Hồ Duy Hải ở Long An, ngày mai có thể là hàng trăm Hải khác ở 63 tỉnh thành…

Chỉ khi nào biết nhận sai sót, để từ đó rèn giũa lập luận, trau dồi nghiệp vụ điều tra cùng thái độ thượng tôn pháp luật thì lúc đó mới tránh được án oan và xây dựng một nền tố tụng văn minh, chuẩn mực của nhân loại!

Điểm chung của các vụ kỳ án như Hồ Duy Hải, Lê Bá Mai, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… là các bộc lộ nguy hiểm về sự tùy tiện của quan điểm buộc tội hơn là các nguyên tắc suy đoán có lợi cho người khác.

Muốn “nhân từ” với “quỷ dữ” sẽ không có cách thứ hai ngoài việc nỗ lực học hành nghiêm túc và trái tim biết yêu thương chứ không phải được cử tuyển đi học cán bộ rồi được bổ nhiệm…

Sai thì sửa! Chứ không phải sai thì cố chấp phải “giết quách” cho bằng được Hồ Duy Hải như lời ông viện trưởng viện kiểm sát Long An phát biểu công khai tại hội nghị.

12 năm tạm giam, chôn vùi tuổi thanh xuân của một thanh niên như Hồ Duy Hải, đền một núi tiền cũng không thể cứu chuộc lại quãng đời đẹp đẽ ấy!

Trả tự do cho một tử tù không đủ chứng cứ buộc tội có thể sẽ là cách lau chùi tấm gương công lý vốn đang bị hoài nghi bởi dân chúng…

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Ở bất cứ đâu trên trái đất này, những kẻ giết người đều bị coi là quỷ dữ
    Thiệt vậy hả???

  2. Xin phép tham gia.
    >> ư pháp VN có dựa trên CÔNG LÝ không?

    Ai cũng phải sống theo hiến pháp, ở đây là điều 4. Theo điều này thì tất cả Lập pháp (quốc hội), Tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát) và Chính phủ (Các bộ, chính quyền tỉnh, huyện xã thôn), đều dó “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (theo điều 4 hiến pháp) chỉ huy.
    Dân cứ bầu thành viên của “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” làm đại biểu quốc hội (hiện nay hơn 95% đại biểu quốc hội là thành viên của “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”), thì chẳng bao giờ cái “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, lại TỰ NGUYỆN xóa bỏ quyền lực của mình!

    • Ở đây nói „sống theo Hiến pháp hay pháp luật“ là cách nói của dân trong Nhà nước pháp quyền. Tuy vậy muốn để dân thực hiện nghiêm chỉnh thì thứ nhất Hiến pháp phải chuẩn mực, và sau khi chuẩn mực thì Nhà nước phải thực hiện nghiêm túc trước hết, chứ không thể chỉ đòi hỏi dân sống theo Hiến pháp và pháp luật, mà Chính quyền thì theo Lệ (không truy cứu hình sự cán bộ – nhất là cấp cao ngay như dân mà đàm theo cách ngoài luật quy định, rồi sau đó chỉ phê bình, khiển trách, rút kinh nghiệm và điển hình nhất là tố cáo cán bộ tham nhũng … bị đưa vào im lặng và chỉ 1 số sau khi họ về hưu … mới lôi ra …), – hay nói nặng theo Bà Ngô Bá Thành về xử án „Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!“ Hiến pháp Việt Nam đợt xây dựng 2013 có điều kiện là 1 Bản hiến pháp chuẩn mực tương tự như các Hiến pháp tiến bộ nhất các nước, vì có nhiều nước sẵn sàng giúp đỡ – tuy nhiên theo tôi biết Việt Nam đã có những khước từ sự giúp đỡ và phải theo chỉ đạo, cho nên đã có nhiều điều mâu thuẫn khiến Hiến pháp còn không ít những điểm chưa khoa học và không thể dể thực thi như các nước. Kể cả bạn đọc hay nhắc tới „sự lãnh đạo của Đảng trong Đ. 4 (có ai trong guồng máy lãnh đạo 3 cơ quan quyền lực không phải là đảng viên?!), tuy nhiên cũng chính trong Điều này đã khẳng định: „3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.“ thì lại hầu như không được ai nhắc tới và nếu chỉ cần tập trung kiểm tra nội dung đó sẽ thấy điều trái với nguyên tắc đó. Với tôi quan trọng nhất là cần có góp ý, phản biện đủ để chỉnh lý Hiến pháp cho chuẩn mực và sau đó tuân thủ thực sự nguyên tắc Hiến pháp là luật gốc – các luật khác phải dưới tầm của nó, chứ luật không thể đóng vai trò phải quyết định như vụ „Luật biểu tình“ – nói tóm lại toàn bộ hệ thống pháp luật được xây dựng theo tiêu chuẩn tối ưu và Nhà nước và Nhân dân cùng thực hiện theo đó thì lúc đó mới có thể nói tới khái niệm „Nhà nước pháp quyền“. Và tôi nhìn nó nằm ở thì tương lai và còn xa vời, nhưng nếu mỗi người dân cùng quan tâm tham gia, đóng góp thì có thể thì tương lai đó sẽ không đến nỗi phải chờ quá lâu!

  3. Câu cuối trong bài của bác Thanh Nhã như sau:
    Trả tự do cho một tử tù không đủ chứng cứ buộc tội có thể sẽ là cách lau chùi tấm gương công lý vốn đang bị hoài nghi bởi dân chúng…
    Xin hỏi bác: Tư pháp VN có dựa trên CÔNG LÝ không?

Comments are closed.