16-10-2019
Hồi còn làm việc ở VTV, mỗi lần đi công vụ xa là tiều phu phải cầm giấy của lãnh đạo đến tổ lái xe để nhận xe và xăng. Thời đó các cơ quan nhà nước đều sử dụng các loại xe quân sự command car (gọi là com-măng-ca, gần giống xe Jeep).
Command car có ba model chính: UAZ của Liên Xô, xe Bắc Kinh của Trung Quốc và UAP của Rumanie. Các loại xe này thiết kế giống nhau, đều uống xăng như điên, đi xóc như cưỡi trâu. Riêng xe Rumanie còn rất hay hỏng vặt. Thiên hạ có câu “Rumanie vừa đi vừa khóc“. Thế nên tiều phu cứ phải nịnh lão Ba, đội trưởng đội xe, để lão ta đừng phân cho mình cái xe UAP của xứ Lỗ-Mã-Ni.
Sau biến cố tháng 12.1989, quân đội và công nhân nước Lỗ nổi dậy lật đổ chính quyền của cặp vợ chồng độc tài Ceaucescu, nước Lỗ từ bỏ nền kinh tế XHCN. Tiều phu đã tưởng là hãng xe UAP sập tiệm vì cái tai tiếng “vừa đi vừa khóc“. Nhiều loại xe Đông Âu có doanh số mạnh hơn UAP như Trabant, Wartburg (Đông Đức), Tatra (Tiệp), Fiat Polska (Ba-Lan) đều không thể cạnh tranh nổi với các giòng xe phương Tây, lần lượt dẹp tiệm.
Nhưng Lỗ-Mã-Ni vốn nổi tiếng về tài “đu dây“. Trong suốt thời kỳ XHCN, nhà độc tài Ceaucescu đối nội bằng cái máy nghiền thịt của “Securitate“ [1], nhưng ông lại là người len lỏi giữa Liên Xô và Trung quốc, chơi với cả Mao và Bresnew. Về kinh tế, Bukarest bắt tay với cả khối XHCN và Phương tây. Nhờ “Đu dây“ và nhờ nằm trong nhóm ngôn ngữ francophone mà ngành công nghiệp ô-tô của Pháp đã đầu tư khá sâu vào xứ sở này.
Từ năm 1968, khi Đông Âu bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế thì hãng Renault đã giúp UAP xé rào XNCH, sản xuất xe theo license của Renault. Lúc đầu chỉ bán tại nước Lỗ rồi ngầm bán trong phe XHCN dưới cái tên Dacia 1100. Cứ như thế các hãng xe hơi Pháp, từ Renault cho đến Peugeot, lần lượt thâm nhập nền công nghiệp ô-tô Lỗ-Mã-Ni.
Nhưng cho dù có thiết kế và công nghệ Pháp, nhưng chế độ quan liêu của các xí nghiệp quốc doanh đã khiến cho bài ca “Rumanie vừa đi vừa khóc“ vang lừng một thời.
Sau 1989 UAP đổi tên thành Dacia.Từ một nhà máy quốc doanh nổi tiếng về xe chất lượng thấp, Dacia đã sống sót và trở thành một thành viên cứng cựa của tập đoàn Renault.
Nhưng con đường thoát khỏi nếp làm ăn láo lếu trong đầu người thợ và kiểu điều hành quan liêu XHCN không đơn giản. Những năm đầu sau khi chuyển đổi cơ chế, Dacia mỗi năm chỉ làm ra 60.000 đến 70.000 đầu xe.
Khởi sắc chỉ bắt đầu đến từ khi xe Dacia Logan ra đời năm 2006, thành công vang dội trong phân nhánh xe rẻ cho dân nghèo. Từ đó doanh số tăng liên tục và năm 2015 đã có 550.000 xe Dacia bán khắp thế giới, thường là dưới 9000 USD.
Thành công của Dacia Logan bên cạnh các yếu tố kinh tế kỹ thuật còn dựa vào tuyên truyền. Hay nhất trong đó: „Cách mạng vô sản“ là chìa khóa của quảng cáo.
Hãy xem 3 phút video quảng cáo xe Logan MCV [2].
Fidel Castro mệt mỏi trở về quê hương cách mạng. Trong căn nhà tiêu điều của các bậc tiền bối, Fidel gặp các khuôn mặt bế tắc của Marx, Lenin, Mao, Ghandi, Lumumba (lãnh đạo cách mạng Congo) v.v.
Ché Guevara ngồi bên thềm nhà than thở: Đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng mới!
Thành quả của cách mạng là xe Logan MCV, ai cũng có thể mua được, như ước mơ của Marx.
Hóm như Lỗ!
Nhờ hóm mà không lỗ.
_____
[1] Securitate: Lực lượng mật vụ Rumanie, nổi tiếng bởi sự tàn bạo và quỷ quyệt.
[2] Clip video 2 phút này đã phát sóng trên nhiều kênh TV Châu Âu từ 2006. Tuy có một số phê phán là video phản cảm, nhưng sự quan tâm của dư luận vào Dacia tăng vọt.
Gom Gandhi vào nhóm “bạo lực cách mạng” như thế này để CS.”dưạ hơi’
mà ăn theo uy tín và nhân cách cao qúy của thánh Cam Địa hay sao ?