Tại sao lại tha những kẻ bán ‘ghế’ ở Đồng Nai?

Blog VOA

Trân Văn

11-9-2019

Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa công bố quyết định kỷ luật ông Huỳnh Tiến Mạnh, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Theo đó, ông Mạnh bị tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Đảng ủy Công an ĐồngNai). Đồng thời yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định kỷ luật ông Mạnh về mặt hành chính, tương ứng với mức kỷ luật của đảng (1).

Cách đây hai tháng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của BCH TƯ chỉ thông báo chung chung rằng cần “xem xét kỷ luật” ông Mạnh, vì người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020 (vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra để xảy ra nhiều khuyết điểm trong hoạt động điều tra – xử lý các vụ án, vụ việc, trong quản lý – sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự) (2).

Giờ, trong quyết định kỷ luật ông Mạnh, ngoài những lý do mà UBKT đã nêu, Ban Bí thư của BCH TƯ còn bổ sung thêm những vi phạm khác của ông Mạnh trong quá khứ: Bởi từng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ông Mạnh phải cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2010-2015. Khi trực tiếp phụ trách Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), ông Mạnh đã để cơ quan này “xảy ra nhiều vi phạm kéo dài nhiều năm, có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

***

Phòng CSGT của Công an tỉnh Đồng Nai vốn là “lá cờ đầu” về… mãi lộ. Trong hai thập niên vừa qua, CSGT của Công an tỉnh Đồng Nai góp vô số scandal về nhũng nhiễu, bảo kê các phương tiện chở hàng, chở khách, sử dụng côn đồ để thu tiền mãi lộ, răn đe những người phản kháng mãi lộ và khi cần, tấn công để dằn mặt thiên hạ. Phòng CSGT của Công an tỉnh Đồng Nai còn là “lá cờ đầu” trong chuyện thanh toán lẫn nhau, kể cả bắn lẫn nhau ngay tại nơi làm việc do bất đồng trong chia chác.

Ông Mạnh là người mà quá trình công tác gắn liền với tất cả những scandal làm dư luận toàn quốc rúng động đó suốt từ đầu thập niên 2000 và vừa luôn luôn thoát nạn, vừa tiến… mạnh hơn: Đội phó Đội CSGT Dầu Giây (2000), Đội trưởng Đội CSGT Quốc lộ 51 (2001), Phó phòng (2003) rồi Trưởng phòng CSGT Công an Đồng Nai (2005), Phó Giám đốc (2012) rồi Giám đốc Công an Đồng Nai (2015).

Năm 2015, sau khi ông Mạnh trở thành Giám đốc Công an Đồng Nai, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam đã từng chuyền cho nhau xem Thư ngỏ của một sĩ quan CSGT Công an Đồng Nai gửi “Cộng đồng quần chúng nhân dân”. Lá thư dài 1.800 chữ này vạch trần hoạt động của “cộng đồng CSGT ở Đồng Nai”, thừa nhận CSGT là một “công việc tủi nhục”. Sở dĩ “cộng đồng CSGT ở Đồng Nai” bị dân chúng khinh bỉ, báo chí soi mói, từng phải quỳ lạy phóng viên là vì… ông Mạnh.

Ông Mạnh – người đã thành “tinh” – chính là người dạy CSGT đòi mãi lộ, bảo kê, sử dụng côn đồ làm trung gian, buộc chung chi cho ông và để ông chia lại cho thượng cấp. Tuy Thư ngỏ bộc lộ sự cay cú khi nhiều sĩ quan CSGT bị tân Giám đốc Huỳnh Tiến Mạnh điều chuyển sang các lĩnh vực khác nhưng vẫn có khá nhiều chi tiết mà các cơ quan hữu trách có thể kiểm tra để xử lý ông Mạnh…

Đó là dưới thời ông Mạnh, CSGT ở Đồng Nai chỉ chặn xe thu tiền, sau đó mới lập biên bản vi phạm – xử lý vi phạm khống và dùng một phần tiền thu được từ mãi lộ để nộp phạt nhằm chứng minh… hiệu quả hoạt động của CSGT ở Đồng Nai. Người (hoặc những người) viết Thư ngỏ khẳng định, nếu kiểm tra những biên bản vi phạm – xử lý vi phạm trong kho lưu trữ chắc chắn sẽ thấy, tên – địa chỉ – lỗi vi phạm đếu… khống!

Thư ngỏ liệt kê cả thu nhập của CSGT (lính khoảng 300 triệu/tháng, chỉ huy khoảng 700 triệu/tháng). Để có được mức thu nhập như vậy, tất nhiên phải cống nạp và những người gửi Thư ngỏ ước đoán thu nhập ngoài lương của ông Mạnh không dưới 5 tỉ/tháng. Nguồn tài chính dồi dào này là lý do ông Mạnh thường xuyên phải sang Campuchia đá gà, đánh bài. Nếu chẳng may ông thua, thuộc cấp – những người mà ông Mạnh buộc phải gọi ông là “đại ca” – sẽ bị ông “chửi như… chó” (3)!

***

Trong vài ngày vừa qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã “tái bản” Thư ngỏ vừa kể. Có thể do bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, một số cơ quan truyền thông của hệ thống truyền thông chính thức chỉ giới thiệu “quá trình công tác” của ông Mạnh như một cách nhắc nhở công chúng rằng các scandal liên quan tới CSGT của Công an Đồng Nai không ngăn được ông Mạnh tiến… mạnh!

Trong việc “xử lý kỷ luật” ông Mạnh, tuy Ban Bí thư có bước xa hơn một chút so với UBKT của BCH TƯ đảng CSVN: Truy cứu thêm trách nhiệm của ông Mạnh, lúc ông trực tiếp phụ trách Phòng CSGT đã để cơ quan này “xảy ra nhiều vi phạm kéo dài nhiều năm, có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” nhưng chỉ “tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng” và yêu cầu các cơ quan hữu trách có hình thức xử lý tương ứng về mặt hành chính vẫn là cố tình… “sót người, lọt tội”.

Khoan bàn đến chuyện điều tra – truy cứu trách nhiệm cá nhân của ông Mạnh, chỉ riêng chuyện lựa chọn – sắp đặt một người như ông Mạnh vào các vị trí cao hơn đã rất đáng để làm tới nơi, tới chốn. Chẳng lẽ lại có thể tha những người đã cất nhắc ông Mạnh từ Đội phó lên Đội trưởng, từ Phó phòng lên Trưởng phòng, từ Phó Giám đốc lên Giám đốc Công an Đồng Nai? “Quy hoạch” một người như ông Mạnh làm “nhân sự chủ chốt” là vì lợi ích của đảng, của nhân dân hay vì tiền?

Đã thề chống “chạy chức, chạy quyền”, rà soát, chấn chỉnh “qui hoạch nhân sự” thì tại sao lại bỏ qua những trường hợp bất thường như ông Mạnh? Những ai ở Đồng Nai bán “ghế” cho ông Mạnh? Nghiêm trọng hơn, Giám đốc Công an một tỉnh không phải do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Đồng Nai quyết định, vậy thì những ai trong Bộ Công an, trong BCH TƯ đảng, Ban Bí thư tham gia “qui hoạch” ông Mạnh? Chẳng lẽ chống “chạy chức, chạy quyền” chỉ chống cấp dưới bán “ghế”, để dành đặc quyền đó cho cấp cao hơn?

***

Ngoài Huỳnh Tiến Mạnh, Đồng Nai còn có Hồ Văn Năm cũng vừa bị Ban Bí thư quyết định cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ông Năm thôi làm Đại biểu Quốc hội. Chẳng phải chỉ có UBKT mà Ban Bí thư của BCH TƯ đảng CSVN cũng úp úp, mở mở về lý do kỷ luật ông Năm: Lợi dụng cương vị Trưởng đoàn Đại biểu của Đồng Nai tại Quốc hội can thiệp vào hoạt động của cơ quan chức năng giải quyết vụ án hình sự (4).

Tuy nhiên đó không phải là lý do duy nhất, ông Năm bị xử lý kỷ luật còn vì từng “chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án, vụ việc không đúng quy định pháp luật khi giữ cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Đồng Nai” và vì là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm chính đới với những vi phạm, khuyết điểm của Viện Kiểm sát Đồng Nai! Tại sao lại đặt một người như thế vào ghế Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, giao thêm cả ghế Trưởng đoàn Đại biểu của Đồng Nai tại Quốc hội?

Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 14 bắt đầu từ 2016 đến 2021. Chỉ mới ba năm, riêng Đồng Nai đã có hai Trưởng đoàn Đại biểu tại Quốc hội đã và sắp bị miễn nhiệm. Bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy – người tiền nhiệm của ông Năm cũng bị kỷ luật vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dành đủ thứ ưu đãi trái pháp luật cho công ty của gia đình mình. Bà Thanh đã làm điều đó từ giữa thập niên 2000 nhưng vẫn liên tục được nhấc lên, đặt vào những cái ghế cao hơn (4).

Chắc chắn không phải tự nhiên mà những người đầy tì vết như các ông Huỳnh Tiến Mạnh, Hồ Văn Năm,… như bà Phan Thị Mỹ Thanh,… được qui hoạch làm nhân sự chủ chốt ở Đồng Nai. Có thể xem là bình thường khi không có ai bị truy cứu trách nhiệm, buộc phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn – sắp đặt những cá nhân bất xứng như vậy? Cứ như vậy thì làm sao chống được “chạy chức, chạy quyền” và quan trọng hơn là tại sao cố tình để sót những người đã chọn ông Mạnh, ông Năm, bà Thanh làm “nhân sự chủ chốt”, tiếp tục qui hoạch nhân sự từ cấp chiến lược cho đến tận phường, xã?

Vận hành công tác quy hoạch nhân sự như thế thì làm sao “xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên”? Nên khóc hay nên cười khi trước nay, lúc nào đảng cũng bảo đảm nhân sự lãnh đạo cả đảng lẫn quốc gia “đúng quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch”?

Có phải vì vậy mà đầu tháng này, tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội đảng khóa 13, khi tự đánh giá về nhiệm kỳ hiện nay của BCH TƯ, ông Nguyễn Phú Trọng bảo rằng “đoàn kết, thống nhất nội bộ rất tốt”. Nếu “đoàn kết, thống nhất nội bộ” theo hướng như thế mà khen là “rất tốt” thì nên trưng cầu dân ý rồi hãy khẳng định “lòng dân” ra sao ông Trọng ạ (5)!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/giam-doc-cong-an-dong-nai-huynh-tien-manh-bi-cach-moi-chuc-vu-trong-dang-20190910165059471.htm

(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/ubkt-tu-sai-pham-cua-giam-doc-cong-an-dong-nai-den-muc-phai-ky-luat-1101161.html

(3) https://www.facebook.com/viettan/photos/a.10151333017390620/10154531046435620/

(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/cach-het-chuc-vu-trong-dang-de-nghi-bai-nhiem-dbqh-doi-voi-ba-phan-thi-my-thanh-959353.html

(5) https://tuoitre.vn/giam-doc-cong-an-dong-nai-huynh-tien-manh-bi-cach-moi-chuc-vu-trong-dang-20190910165059471.htm

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trần đại Quang, Tô Lâm đều có phần cả, vui vẻ cả làng. Bộ chính trị cũng ngửi mùi thơm lây. Khốn khó cho dân, vẻ vang cho Đảng, nhìn theo tấm gương chiến sĩ CAGT mà làm theo, mà hiểu mà thuộc nằm lòng rằng đảng ta là đảng ăn cướp công khai, quen dần và tránh bị xốc khi các hũ mắm 1.000 tỷ chẳng may bị phơi bày. Đó là nghệ thuật ăn cướp la làng.

Comments are closed.