Một số vấn đề pháp lý của vụ cháy Rạng Đông

Nguyễn Minh Đức

6-9-2019

Vụ cháy Rạng Đông là một sự cố môi trường. Sự kiện pháp lý này sẽ có thể dẫn đến một số hệ quả pháp lý sau:

1. Khắc phục ô nhiễm

Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm. Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải “khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước”. Mình không nghĩ là Rạng Đông đủ khả năng khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Nghe nói có dự định đưa bộ đội hoá học vào để làm. Chi phí này Nhà nước sẽ tạm ứng, Rạng Đông phải trả sau đó.

Lại nhớ năm 2010, BP gây sự cố tràn dầu. Chính quyền Mỹ đã phải huy động lực lượng để làm sạch dầu tràn. Sau đó, chính quyền Obama đã tổng hợp chi phí và gửi hoá đơn sang BP yêu cầu trả toàn bộ chi phí làm sạch dầu tràn.

2. Trách nhiệm dân sự đối với người dân trong khu vực

Trách nhiệm dân sự thì theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản. Nếu muốn được bồi thường người dân sẽ phải thống kê thiệt hại như tiền viện phí, thời gian đóng cửa hàng, thậm chí cả việc giảm giá trị tài sản… Thiệt hại phải xuất phát từ sự cố đám cháy, không được tát nước theo mưa, như kiểu: tính cả tiền hàn răng, hoặc đóng cửa hàng vì lý do đi nghỉ mát. Người dân đưa ra mức thiệt hại của mình, Rạng Đông có quyền đưa ra mức khác, nếu không thống nhất được thì ra toà.

Điều thú vị của trách nhiệm dân sự là Điều 602 của Bộ luật dân sự quy định: Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi. Tức là, kể cả khi Rạng Đông có chứng minh được là họ không cố ý, không vô ý để xảy ra cháy thì họ vẫn phải bồi thường.

2′. Thủ tục đòi bồi thường dân sự

Ở Việt Nam không có quy định rõ ràng về khởi kiện tập thể. Nên từng người dân một phải làm đơn kiện riêng. Nếu có nhiều đơn kiện tương tự nhau, toà án có thể nhập nhiều vụ kiện vào chung một vụ và xử một thể. Nhưng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thích của toà.

Đây là một lỗ hổng chết người của hệ thống tố tụng dân sự của Việt Nam khi không có quy định về khởi kiện tập thể. Nếu giả sử mỗi người thiệt hại vài ba triệu đồng, đòi cùng lắm được vài ba triệu này mà phải tự mình theo đuổi một vụ kiện kéo dài thì chắc chẳng ai muốn kiện. Nếu có quy định khởi kiện tập thể thì chỉ cần một vài người đại diện, một vài luật sư là có thể đòi tiền cho hàng ngàn người.

3. Bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên

Pháp luật Việt Nam có một điểm thú vị là người gây ô nhiễm môi trường, ngoài bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cá nhân, tổ chức khác, còn phải bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên.

Người yêu cầu bồi thường là UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc BTNMT, tuỳ theo phạm vi thiệt hại là trong một xã, trong nhiều xã cùng huyện, trong nhiều huyện cùng tỉnh, trong nhiều tỉnh thành. Vụ này khả năng trách nhiệm thuộc về UBND phường Hạ Đình hoặc UBND quận Thanh Xuân, hoặc cũng có thể là UBND TP Hà Nội.

Nghị định 03/2015 hướng dẫn khá chi tiết về cách tính thiệt hại. Đương nhiên Rạng Đông cũng vẫn có quyền đề xuất mức bồi thường khác với mức mà các UBND trên đưa ra. Nếu không thống nhất được thì ra toà.

Tiền thu được sẽ về ngân sách. Tuy nhiên, trên thực tế, mình chưa bao giờ thấy một UBND nào đứng ra kiện đòi khoản này.

4. Trách nhiệm hình sự

Chưa rõ nguyên nhân vụ cháy nên chưa thể nói có yếu tố hình sự hay không. Nếu giả sử Rạng Đông đã làm sai quy định nào đó về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường thì cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 237 Bộ luật Hình sự.

Lưu ý, Điều 237 không chỉ xử lý đối với người gây ra sự cố, mà còn xử cả người vi phạm quy định về ứng phó và khắc phục sự cố. Nên nếu chứng minh được rằng lãnh đạo UBND vi phạm quy định nào đó về ứng phó và khắc phục sự cố môi trường thì lãnh đạo đó cũng có thể bị xử lý hình sự. Đương nhiên, ngoài yếu tố đã vi phạm quy định thì còn rất nhiều yếu tố khác phải chứng minh như thiệt hại sức khoẻ người khác là bao nhiêu, thiệt hại tài sản là bao nhiêu.

_____

À, những gì vừa nói là dựa vào quy định pháp luật thôi. Còn ở Việt Nam thì quy định một đằng, thực thi một nẻo. Nên viết vậy cho mọi người đọc cho vui thôi, còn đừng hy vọng gì kẻo lại thất vọng nhé.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Rạng Đông có BẢO HIỂM” không ? Nếu có thì bảo hiểm sẽ ….đền

    Còn việc các “nạn nhân” bị nhiễm thủy ngân bởi Rạng đông thì cũng nên thành lập một hội gọi là “hội nạn nhân thủy ngân” và đứng tên dại diện để….kiện; Cũng giống như đảng và nhà nước ta đã “cho phép” thành lập “Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (The Vietnam Association of Victims of Agent Orange/Dioxin” để kiện các công ty sản xuất bột….da cam của Mỹ vậy.

    Chỉ có điều là “hội da cam” đã bị tòa án Mỹ xử thua, còn “hội thủy ngân” (nếu có) thì không biết tòa của “ta” sẽ xử sao ?

Comments are closed.