Trân Văn
5-9-2019
Có quốc gia nào mà một doanh nghiệp của nhà nước, hoạt động bằng công quỹ như Mobifone dùng công quỹ mua lại một doanh nghiệp tư nhân như AVG và tự nguyện trả hớ 7.000 tỉ đồng, tính ra giá mua gấp 14 lần giá trị thật?
Có quốc gia nào mà cơ quan đặc trách trật tự – trị an như Bộ Công an thản nhiên lấy nhãn “an ninh quốc gia” dán lên những thương vụ như vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG nhằm ngăn chặn lạm bàn về những mờ ám trong mua bán?
Có quốc gia nào mà chỉ vì lớn giọng dạy dỗ mọi người phải tận trung với đảng cầm quyền nên được chọn làm rường cột (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN), tham gia quyết định vận mệnh quốc gia, số phận dân tộc, như Son, Tuấn?
Có quốc gia nào mà một số doanh nhân vốn dĩ vô danh đột nhiên nổi như cồn vì thành tỉ phú. Nguồn gốc các khối tài sản kếch xù đều bắt đầu từ được hỗ trợ “mua rẻ, bán đắt” đất đai, cả công thổ lẫn ruộng vườn, nhà cửa của nhiều công dân như Vũ?
Có quốc gia nào mà doanh giới liên tục than như bọng vì bị “đè đầu, cưỡi cổ”, bị hệ thống công quyền “vắt” đủ kiểu cho đến khi kiệt sức, phải tuyên bố phá sản hoặc xin tạm ngưng kinh doanh nhưng vẫn có vài doanh nhân càng ngày càng “ăn nên, làm ra”?
Có quốc gia nào mà bên cạnh sự thành đạt của một số doanh nhân, luôn luôn có bóng dáng của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đủ cấp, đủ ngành, chẳng công khai thì cũng có hơi hướm của sự hỗ trợ bằng chủ trương, chính sách?
Có quốc gia nào dù vợ một đàn, con một đống nhưng vẫn được xưng tụng là “cư sĩ”, vì được xem là mẫu mực của cả “kinh doanh” lẫn “tu tập, nên được chọn làm Phó Ban Truyền thông của một trong những giáo hội đông tín đồ nhất như Phạm Nhật Vũ?
Có quốc gia nào mà thần quyền tự nguyện trở thành trang sức cho thế quyền, thuyết phục thiên hạ tuân phục thế quyền, chỉ hướng tới “thiện lành”, quên đi sự bất toàn, phi nhân của thế quyền đang gieo rắc khổ đau cho tha nhân?
Có quốc gia nào thần quyền gắn bó chặt chẽ với thế quyền, giác ngộ không còn là mục tiêu, tu tập trở thành cơ hội để sống xa hoa, hưởng lạc? Có quốc gia nào mà thế quyền thành công đến thế trong việc tha hóa thần quyền để củng cố vai trò, vị trí của mình?
Có quốc gia nào mà thu nhập rất khiêm tốn nhưng đa số viên chức đều giàu có “nứt đố, đổ vách” và rất tự tin trong việc khoe sang, khoe giàu bất kể hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ra rả tuyên bố tham nhũng là “quốc nạn”?
Có quốc gia nào đã xác định chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhưng lại cấm công bố bản kê khai tài sản của các viên chức? Hệ thống tư pháp chưa bao giờ điều tra vì sao viên chức giàu có bất thường mà chỉ tìm xử những kẻ tiết lộ?
Có quốc gia nào thừa nhận tham nhũng là quốc nạn nhưng Quốc hội lại tìm mọi cách để gạt đề nghị xem “giàu có bất minh” (viên chức không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản) là tội phạm, ra khỏi Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng?
Có quốc gia nào mà trước nay, tỉ lệ thành viên của đảng cầm quyền trong Quốc hội – nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân – luôn luôn vượt mức 90%, thành ra soạn thảo – ban hành – giám sát thực thi luật pháp luôn luôn bị bóp méo?
Có quốc gia nào mà cuộc sống càng ngày càng lầm than, sinh hoạt xã hội càng ngày càng nhiều rủi ro, đầy dẫy bất an nhưng đa số chỉ hoan hỉ khi những cá nhân như Son, Tuấn, Vũ,… ngã ngựa và bỏ qua việc truy nguyên để chặn từ gốc?
Có quốc gia nào mà chỉ những cá nhân như Son, Tuấn mới được lựa chọn – sắp đặt để lãnh đạo quốc gia, dân tộc và sát cánh với những cá nhân như Vũ để gom nhặt, biến mồ hôi, nước mắt đồng bào thành của nổi, của chìm, chia chác với nhau?
Hệ thống đã lựa chọn – sắp đặt những Son, những Tuấn, đã hà hơi, tiếp sức bơm thổi cho những Vũ trở thành tỉ phú đang tiếp tục lựa chọn – sắp đặt nhân sự cho “đại hội 13” lãnh đạo cả đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ và các ngành, các cấp.
Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Nhật Vũ không phải là mục tiêu. Đó chỉ là những ví dụ. Nếu không nhìn ra bản chất, không xác định được cội rễ dẫn tới thảm trạng thì xứ sở này, dân tộc này sẽ tiếp tục mất đủ thứ rồi trắng tay.
Đây là một ví dụ điển hình cho cái tinh thần “dám nghĩ dám làm “….
Đừng thấy có mà sợ, có mà đang không. Đừng thấy không mà nản, không nhưng đang có. Thế sự xoay vần, biến đổi là lẽ thường. Thiên hạ đại loạn là do lòng người, nhưng thiên lý luôn hiện hữu, sau cơn mưa trời lại sáng.
Kẻ làm bậy, dù mạnh, lòng luôn bất an. Người làm đúng, dù yếu, tâm thường an lạc. Mạnh nhưng căn cơ không vững, mạnh nhưng mà diệt. Yếu mà thật tâm, yếu mà lại thắng.
Thời gian là vô cùng vô tận với con người, nhưng là vô nghĩa trước tạo hóa. Mang lòng gian ác, chớp mắt trăm năm. Thiện lương tích trữ, vững bước đường đời.
Không làm cầu có, càng cầu càng hỏng. Thật làm không hối, mọi ước đều thành. Xã hội là sự quần tụ của nhiều người. Nhiều người thiện, xã hội an bình. Lắm kẻ ác, không loạn cũng diệt.
Đừng kêu gọi kẻ khác làm, khi ta chưa làm. Đừng mong thấy sự đổi thay, khi bản thân không thay đổi. Góp một viên đá, có ngày thành núi. Thêm một việc tốt, gạn đục khơi trong.