Vụ cháy Rạng Đông: Những điều kỳ lạ và thảm họa cấp quốc gia

Mai Quốc Ấn

1-9-2019

(Vui lòng đọc kỹ. Vì tính mạng của chính bạn và người thân!!!)

Vụ cháy nhà máy sản xuất phích nước và bóng đèn Rạng Đông tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội có rất nhiều điều kỳ lạ. Cần phải nhận định lại vụ việc này một cách nghiêm túc bởi nó ảnh ưởng rất lớn đến nhiều người. Xin nhớ cho, mật độ dân cư trung bình của Hà Nội là 2.100 người/km2 và khu vực trung tâm như quận Thanh Xuân thì còn cao hơn nữa (xem ảnh 1).

Xin điểm lại các mốc thời gian quan trọng của vụ việc:

– Vụ cháy được xác định vào khoảng 18h ngày 28/8/2019.

– Cả ngày 29/8/2019 tôi quá bức xúc khi dù bận vẫn cập nhật tin tức vụ cháy mà các cảnh báo mang tính khẩn cấp liên quan đến các độc chất sản xuất phích nước, bóng đèn không đủ trọng lượng so với quy mô của nó dù phường Hạ Đình đã ra văn bản khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, heo được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy tại Công ty Rạng Đông trong vòng 21 ngày.

+ Tôi đặt vấn đề ngay trên status đầu tiên của mình về vụ cháy sau khi xem status của anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt (xem ảnh 2).

+ Cũng trong tối 29/8/2019, một đứa em phóng viên đồng nghiệp tác nghiệp hiện trường vụ cháy cho biết 2 thông tin quan trọng: 1- Cán bộ (chưa rõ phường Hạ Đình hay quận Thanh Xuân) trấn an người dân không có mùi khó chịu dù dân phản ánh ngược lại. 2- Phóng viên ở hiện trường có các dấu hiệu trúng độc. Tôi khuyên em vào viện ngay lập tức vì tôi mường tượng được độ nghiêm trọng của vụ việc dựa trên kinh nghiệm tác nghiệp cháy nổ của mình.

+ Tôi gọi đây là một thảm hoạ cấp quốc gia trong status tiếp theo với tất cả sự nghiêm túc của một người viết lâu năm về môi trường và đi thực tế tại những nơi ô nhiễm nhất Việt Nam.

+ Thức trắng đêm 29/8/2019 và viết status 7 CẢNH BÁO & 3 ĐỀ NGHỊ liên quan đến vụ cháy này vào sáng 30/8/2019. Trong suốt thời gian từ khi tôi viết status đầu tiên đã có lác đác thông tin được tung ra kiểu “làm đoé gì có chất độc”.

– Sau status 7 CẢNH BÁO & 3 ĐỀ NGHỊ thì mật độ “phản công” tăng đột biến. Tuy nhiên, “phe cảnh báo” có những cái tên rất chất lượng về mặt khoa học còn “phe phủ nhận” thì hoàn toàn không có những lập luận vững chắc nào ngoài chửi người khác là ngu và cố tình viết sai sự thật đến mức thay đổi cả công thức hoá học.

+ Xu hướng chuyển sang tấn công cá nhân được áp dụng để gọi những người lo lắng việc phát tác độc chất là ngu. Ngay cả chương trình khẩu trang chống bụi PM2.5 mang tính phi lợi nhuận của tôi khởi xướng cũng được cho là cơ hội để kinh doanh.

+ Doanh nhân Lê Hoài Anh muốn tặng 2.000 khẩu trang cũng được đề nghị là “không nên”, “không ăn thua”. Tôi vào ngay status của chị ấy và comment trực tiếp ngay thì không có “phản công” nào.

+ Cũng trong ngày 30/8/2019, liên tục các diễn biến gồm:

*Hơn 10 phóng viên tác nghiệp hiện trường vụ cháy đồng loạt đi khám sức khoẻ. Đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử báo chí Việt Nam trong tác nghiệp!

*Bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân thông báo thu hồi văn bản khuyến nghị của phường Hạ Đình. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam bày tỏ, ông “rất bất ngờ” trước động thái thu hồi văn bản của chính quyền phường Hạ Đình vì “Thông báo phát đi rất kịp thời, không có gì sai cả. Văn bản do chính quyền phường ban hành nhưng tôi nghĩ nội dung đã được cơ quan chuyên môn tư vấn bởi các khuyến cáo đưa ra trong đó tương đối chính xác và chi tiết, thể hiện kiến thức chuyên môn. Người soạn thảo nhìn thấy rõ nguy cơ, đây không phải một vụ cháy thông thường.”

*Điều tôi lo ngại nhất đã diễn ra. Sát bên vụ cháy, người dân vẫn họp chợ, mua bán thực phẩm, rau củ, thức ăn như bình thường tại thời điểm chưa đưa tin thu hồi văn bản của phường Hạ Đình. (Xem ảnh 3)

*Khoảng 15h ngày 30/8/2019, quận Thanh Xuân thông báo kết quả phân tích nhanh các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí xung quanh, bụi, đất cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi… đều ở mức độ bình thường. (Xem ảnh 4)

*Tối 30/8/2019, tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Viện phó Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), người trực tiếp dẫn đoàn của Viện quan trắc khu vực đám cháy kho bóng đèn Rạng Đông cho hay, ông “chưa có một văn bản nào” trả lời kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy tại số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. “Thông tin chính thức của Viện sẽ chỉ được công bố bằng văn bản do chúng tôi cung cấp”, ông Sơn nói. (Xem ảnh 5)

– Ngày 31/8/2019, Bộ Tài nguyên môi trường đưa ra khuyến cáo “nhấn mạnh, đây là sự cố cháy nổ có liên quan đến hoá chất có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.” (Xem ảnh 6 và nên xem thật nhiều lần vì nó không chỉ có ích cho vụ Rạng Đông mà có ích về lâu dài. Ví dụ khả năng một cuộc tấn công bằng thuốc nổ vào các kho chứa tro bay đốt rác hay tro luyện thép mà tôi nhiều lần cảnh báo.)

Đáng chú ý nhất là hình ảnh ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường của bộ đang mang mặt nạ phòng độc chuyên dụng. Khoảng cách cảnh báo tăng lên 1,5km và xác định được phương hướng. (Xem ảnh 7) Nói đáng chú ý vì các nhân viên công vụ khác chỉ đeo khẩu trang y tế thông thường (không có tác dụng phòng độc). Trước đó, các cán bộ lấy mẫu mà quận Thanh Xuân thông báo cũng chỉ dùng khẩu trang y tế.

– Hãy chú ý thật kỹ điều này: Việc lấy mẫu diễn ra không ngay lập tức khi có cháy dù đây là một vụ cháy hoá chất. Việc lấy mẫu diễn ra sau cơn mưa ngày 29/8/2019 nghĩa là các độc chất đã bị pha loãng vào nước mưa hay theo gió bay xa. Và hãy nhớ một kiến thức vô cùng cơ bản “vật chất không tự sinh ra, không tự mất đi”. Nó đã tìm được nạn nhân trực tiếp khi cháu và sẽ còn tìm những nạn nhân mới thông qua chuỗi thức ăn, nước uống và nhất là hít thở.

Hãy nhớ thật kỹ những cảnh báo và đề nghị của ông Đỗ Thanh Bái – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam: “Một khi đã xảy ra sự cố cháy nổ thì viên amalgam với thủy ngân lỏng cũng không có gì khác nhau. Khi xảy ra cháy nổ, toàn bộ các chất trong bóng đèn sẽ bị đẩy ra ngoài môi trường không khí, đất và nước.”

“Tuy nhiên, hàm lượng thủy ngân bao nhiêu thì đã bị mưa dội xuống, cho nên bây giờ lấy mẫu không khí thì không có được,” ông Bái nhấn mạnh. Vì thế, để xác định chính xác kết quả và khuyến cáo người dân, số liệu tin cậy nhất là để đơn vị thứ 3 tổ chức quan trắc độc lập,” ông Bái nhấn mạnh (Xem ảnh 8.)

…..

Tôi cập nhật chưa đầy đủ. Ví dụ người dân phản ánh cây cảnh trong nhà (xin nhấn mạnh là cây cảnh và trong nhà) đã chết úa. Các phản ánh sơ bộ khác về số người dân phải vào viện kiểm tra khi có dấu hiệu trúng độc đến nay chưa thống kê đầy đủ nhưng lớn hơn con số “hơn 10 phóng viên” đã nhắc ở trên.

Status này sẽ tiếp tục cập nhật vì những điều kỳ lạ nhất vẫn đang được xác minh. Việc những kẻ ẩn danh (đa số) hay không ẩn danh cố tình lái câu chuyện không có độc được tôi suy nghĩ theo chiều hướng khác – một cuộc giải cứu truyền thông để sự việc không đi quá xa (bị khởi tố vụ án chẳng hạn).

Khu đất bị cháy ấy là đất vàng theo nghĩa đen! Và biết đâu ở Rạng Đông có một “hoàng hôn” mang tên nhiệm kỳ…

Chỉ là tôi không thể nén tiếng chửi thề khi có những người vẫn viết không có độc, vẫn khuyên người khác ở nhà chờ kết quả quan trắc. Đó là một sự ngu xuẩn mang tính dẫn dắt và trái minh bạch có khả năng không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà cả sinh mệnh hay các ảnh hưởng xấu và lâu dài khi mang thai.

Lần nữa, tôi gọi vụ cháy ở Rạng Đông là một thảm hoạ cấp quốc gia. Tôi – Mai Quốc Ấn – sẵn sàng chịu trách nhiệm vì những điều mình viết! Chỉ là sự ác của người khác quá lớn trong khi sự thiếu hiểu biết của đám đông trước các biến cố môi trường còn lớn hơn.

Dù sao, tự an ủi mình là mọi người cũng sẽ nhanh nhận ra thôi! Đấy đơn giản là một “quá trình chọn lọc tự nhiên”. Chỉ là tôi không thể không viết vì thấy nó quá đau đớn cả thể xác và tinh thần, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả bây giờ và tương lai!

P/s: Vụ này chìm xuồng thì còn hơn cả xúc phạm điều 50 Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2014 hay kết luận không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế mà Bộ Chính trị mới thông báo gần đây!!!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiếng gào trong sa mạc.
    Còn nhớ những thảm họa môi trường như Formosa, tôi cũng đã giật mình khi xem những bức hình cá chết nổi trắng xóa cả vùng bờ biển.
    Nhưng sau đó thì sao ?
    Cá chết do … ngộp nước, cá chết do ….tiếng ồn … blah blah….
    Bây giờ cũng kịch bản củ.
    Tôi đoán bọn này cố gắng đè nén thông tin. Vì những tác động của nhiễm độc hóa chất vào môi trường sẽ ảnh hưởng trong vài năm sau đó. Vấn đề chính là nó không gây chết liền. Nên bọn chúng cố kéo dài thời gian để vét cú chót rồi chạy ra nước ngoài.
    Phải có sự nội công ngoại kích. Người Việt hải ngoại phải tìm và chặn tất cả những tên ôm tài sản từ VN chạy ra nước ngoài. Nếu được như thế thì tình trạng sẽ khá hơn. Nhưng……
    Ở đây cơm áo co vòi lại.
    Chỉ biết mình thôi, không biết ai.
    …..

Comments are closed.