1-9-2019
Đan Phượng, một huyện vùng ven nằm men sông Hồng. Vài năm trước Hà Nội mở rộng địa giới. Những làng xã thôn quê thành đất kinh kỳ sau một tiếng gà gáy sáng, theo đúng nghĩa đen.
Ngày hôm nay, lưỡi dao tàn ác đoạt mạng 5 con người đều là máu mủ ruột rà hoặc xóm giềng thân thuộc. Tôi không cố quy kết chính sách quản lý và hành vi cá nhân vào quan hệ nhân quả. Nhưng rõ ràng rằng đất đai với quá trình tăng giá trị “sốc” đang là một ma lực biến đổi quan hệ xã hội.
Đương nhiên không thể phủ bác sự gia tăng giá trị tự nhiên của đất đai. Nhưng trong sự biến thiên đó, đất đai có vẻ như đi trái với quy luật dồn tích thặng dư. Giá trị của đất đai không nằm ở công năng mà nằm ở quy hoạch.
Ví dụ ở Đan Phượng cũng như nhất loạt các miền quê trên khắp nước, cả ở những vùng xa xôi nhất. Một quy hoạch nâng cấp con đường, một quyết định phân loại đô thị có thể thay tên đổi họ một làng xã, mang lại cơn sốt đô thị hoá ảo. Ở đó chỉ có đất và đất. Không có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung dân số và hạ tầng toàn diện.
Giá đất vượt lên trên tích luỹ của con người. Thành mồi lửa xung đột, thành chủ thể trong các tranh đoạt. Kiện tụng, tranh giật, đổ máu… đất đai đang trở thành nguyên nhân của đa số các vụ kiện dân sự và nhiều vụ việc đau lòng.
Nhà nước, trong cả một quá trình dài cố ghìm cương xung đột đất đai, đã chưa dám mạnh tay đặt ra vấn đề tư hữu. Một yêu cầu của thời đại. Có cây viết tôi quý trọng nói rằng cần phải chấp nhận tư hữu, dù nó cũng tương tự như việc thay đổi “bàn thờ” lý luận thể chế.
Tư hữu đất đai, thì có lẽ hiệu lực thừa kế ở Đan Phượng sẽ phát sinh thời hiệu và tính pháp lý nhanh và chính danh hơn. Cho dù nó không có khả năng ngăn chặn lòng tham tàn hung bạo của công dân nhưng nó sẽ làm vơi đi ẩn ức, dẫn đến hành động tàn mạt.
Quan trọng hơn, có tư hữu đất đai thì Đan Phượng có lẽ vẫn là Đan Phượng, không thành kinh đô sau tiếng gà gáy sáng. Và đất sẽ không biến đổi quá nhanh từ quan hệ huyết thống sang tranh đoạt bạo lực.
Tư hữu đất đai, nghĩa là không phải người ta muốn đặt quy hoạch gì vào đất thì đặt. Và nói thẳng ra, nó là một dạng tham nhũng chính sách. Để bờ xôi ruộng mật thành đất vàng của quan chức và tư hữu.
Vả chăng, khi đất đai trở thành báu vật và công dân hoàn toàn cô thế và chịu rủi ro trước quy hoạch nhà nước, họ sẵn sàng đẩy xung lực vào nhau ở mức độ cao hơn vì lợi ích.
Đất đang đi từ nơi gieo hạt, lưu giữ huyết thống đến chỗ xâu xé, đổ máu. Người thì đang chịu bao trầm luân khổ ải mà chưa biết đến bao giờ có được quyền sở hữu chính danh…
“Đất và người, bao giờ hết cuộc bể dâu?”
Giời ạ, nhà tiên tri cảm lạnh Nguyễn Tiến Tường quên Bác Hồ nó lời tiên đoán chính xác của mình rùi sao cà ? Thui thì tớ nhắc lại; Ngàn năm -nếu đọc thêm Lê Nguyễn Duy Hậu- là ít nhất .
What you do in the mean time? Tin vào Đảng thui chứ nàm gì bi giờ .