Bản tin ngày 31-8-2019

Tin Biển Đông

Ông Ryan Martinson, trường Cao đẳng Hải chiến Mỹ, tiếp tục cập nhật tình hình căng thẳng trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tối 30/8/2019, ông Martinson cho biết: “Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồ họa dưới đây cho thấy các hoạt động của tàu này từ ngày 26/8 đến nay”.

Đồ họa thể hiện hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 từ ngày 26/8 đến ngày 30/8/2019. Nguồn: Twitter Ryan Martinson

Trước đó, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông viết: Cập nhật 23h ngày 29/8/2019. Bài viết phân tích hải trình của tàu Hải Dương 8: “Vẫn những đường đi thẳng tắp kéo xuống gần khu vực Bãi Tư Chính rồi đi lên, trung bình ước tính mỗi ngày một vòng khảo sát được hoàn thành”. So với thời điểm tàu này chỉ cách TP Phan Thiết khoảng 130 hải lý trước đây, bây giờ nó đã ở xa hơn, nhưng vẫn ở sâu trong lãnh hải Việt Nam.

Về phía tàu Việt Nam, trang này cho biết: “Qua sơ đồ đường đi của các con tàu Việt Nam bật AIS, có thể thấy hai tàu Việt Nam vẫn miệt mài đeo bám và có những khoảng thời gian tiếp cận được rất sát chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8”, nhưng hải trình của tàu Hải Dương Địa Chất 8 cho thấy “tàu vẫn hoạt động bình thường”.

Đồ họa về hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 từ chiều ngày 26/8 đến chiều ngày 29/8/2019, thể hiện đường zig zag tương tự như đồ họa do ông Ryan Martinson cung cấp. Nguồn: FB ĐSKBĐ
Một phần nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang quấy phá lãnh hải Việt Nam. Đi theo tàu Hải Dương 8 có các tàu hải giám 37111, 33111, tàu “thương mại” Mei Cheng 822 và một số tàu hải giám khác. Phía Việt Nam có “Trường Sa 401012” và “Khánh Hòa 01011” vẫn đang cố gắng bám theo đội tàu Trung Quốc. Nguồn: FB ĐSKBĐ

Báo Nghệ An dẫn lời Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Phản ánh khách quan, trung thực về tình hình biển Đông. Nếu vậy thì Ban Tuyên giáo hãy công khai đưa tin về tình hình biển Đông, như liên tục cập nhật tình hình căng thẳng ở khu vực Bãi Tư Chính.

Nhiều tuần lễ qua, người dân chỉ biết hóng tin từ Twitter của ông Martinson, một số học giả Mỹ, cũng như các trang mạng “lề dân” có mua dữ liệu từ vệ tinh. Còn báo “lề đảng” hùng hổ lên tiếng được vài ngày rồi thôi, không có thông chi tiết gì về tình hình khu vực Bãi Tư Chính nữa.

TS Trần Công Trục có bài: Phải tỉnh táo, không để Trung Quốc tạo tình huống chuyện đã rồi trên Biển Đông. Ông Trục cảnh báo, từ các vụ Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như bãi cạn Scaborough của Philippines lần lượt vào các năm 1956, 1974, 1988, 2012, lần này chính quyền VN không thể để cho Trung Quốc tiếp tục áp dụng kế sách tạo ra tình huống, buộc nạn nhân phải chấp nhận “chuyện đã rồi”.

Tuy nhiên, vì là “trí thức lề đảng”, nên ông Trục vẫn kêu gọi “tạo được sự đồng thuận trong xã hội, không để cho những thế lực thù địch lợi dụng, khai thác nhằm phục vụ cho những âm mưu phá hoại khối đoàn kết toàn dân”, trong khi chính “thế lực thù địch” đang cùng với “đế quốc, thực dân” liên tục cập nhật tình hình Biển Đông.   

Liên quan đến vụ căng thẳng ở Biển Đông: TQ đòi loại bỏ ‘can thiệp nước ngoài’, châu Âu lên tiếng, theo BBC. Trong cuộc gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, “sẽ giữ quan điểm bất di bất dịch” về “chủ quyền của mình” đối với Biển Đông.

Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức ra thông cáo chung, bày tỏ sự quan ngại rằng, tình hình Biển Đông “có thể gây bất an và bất ổn trong khu vực”. Cũng trong chuyến thăm của ông Duterte, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng, Bắc Kinh và Manila cần “để sang bên cạnh các tranh chấp, loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài” trong vấn đề Biển Đông. 

Mời đọc thêm: Tàu Trung Quốc đang cản phá hoạt động chấp pháp của Cảnh sát biển Việt Nam (DT). – Biển Đông: Anh, Pháp, Đức cảnh báo về bất ổn và ủng hộ UNCLOS (BBC). – Ấn Độ-Thái Bình Dương trở thành căn cứ mới để Mỹ đối phó Trung Quốc? (Viet Times). – Ông Duterte nêu phán quyết Biển Đông ngay ở Bắc Kinh, ông Tập bác bỏ (TT).

Đón ông Duterte, Trung Quốc nói ‘không thay đổi’ trong vấn đề biển Đông (TP). – Ông Tập Cận Bình bác bỏ phán quyết Biển Đông, Tổng thống Duterte phản ứng thế nào? (VTC). – Trung Quốc dụ Philippines cùng khai thác dầu khí ở vùng tranh chấp (NV). – TQ – Philippines lập ủy ban chỉ đạo chung khai thác biển Đông (PLTP). – Dư luận Philippines đòi Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết Biển Đông (VOV).

Tin nhân quyền

VOA đưa tin: Ông Châu Văn Khảm, công dân Úc, bị truy tố tội khủng bố ở Việt Nam. Đài phát thanh và truyền hình ABC của Úc, dẫn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 30/8 xác nhận, nhà hoạt động nhân quyền Châu Văn Khảm, một công dân Úc bị giam giữ ở Việt Nam hơn 7 tháng qua, sẽ bị truy tố về các tội khủng bố.

Ông Khảm bị bắt ở Việt Nam hồi đầu năm 2019, tại một buổi gặp gỡ với một nhà hoạt động của Hội Anh em Dân chủ, trong một chuyến đi thăm Việt Nam để “tìm hiểu thực tế” về tình hình nhân quyền tại đây. Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do Úc châu cho biết, sẽ tìm cách bảo vệ các quyền lợi của ông Khảm. 

Ông Châu Văn Khảm, một doanh nhân về hưu, là một nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại VN. Nguồn: ABC News/VOA

Mời đọc thêm: Công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm bị CSVN truy tố tội ‘khủng bố’ (NV). Mời đọc lại: Công dân Úc Châu Văn Khảm bị bắt giam tại Việt Nam hơn 6 tháng vẫn chưa được gặp luật sư (RFA). – Phạm Đoan Trang được đề cử Giải Tự do Báo chí 2019 của RSF (VOA).

Asanzo kiệt quệ?

VTC đưa tin: Tài chính kiệt quệ, Asanzo thông báo tạm dừng hoạt động. Đã qua ngày 30/8/2019, thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có kết luận thanh tra vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo bán hàng Tàu nhãn Việt, cũng như dấu mốc 70 ngày kể từ ngày bài báo đầu tiên của Tuổi Trẻ đăng tải, cáo buộc Asanzo gian lận xuất xứ, nhưng vẫn chưa có kết luận thanh tra.

Còn ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo ký thông báo gửi các đại lý, khách hàng và các cơ quan báo chí. Thông báo cho biết: “Trong 70 ngày ấy, cứ mỗi ngày chúng tôi phải chi ra ít nhất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Đó là chưa kể còn vô số chi phí hoạt động khác. Cũng trong thời gian ấy, tiếng nói công tâm duy nhất mà chúng tôi nhận được là từ Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI)”.

ICT News dẫn lời tổ công tác VCCI: Asanzo không gian lận ghi dán nhãn xuất xứ hàng “Made in Việt Nam”. Theo đó, một văn bản kết luận buổi làm việc giữa tổ công tác của VCCI và ông Phạm Văn Tam, đại diện Công ty Asanzo từ ngày 25/7, nhưng đến nay mới được công bố. 

Tổ công tác nói trên cho rằng, đối với trường hợp sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “Chế tạo tại Việt Nam”, “Nước sản xuất Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật. Lưu ý, đây chưa phải là kết luận của Liên Bộ Công thương – Tài chính.

Nhà báo Bạch Hoàn viết: “Hôm nay, 30-8, là hạn cuối các cơ quan chức năng phải ra kết luận chính thức về Asanzo. Thế nhưng, đến tận thời điểm này, họ vẫn hoàn toàn im lặng. Doanh nghiệp từng khẩn cầu cho họ được sống chờ kết luận nhưng nay cũng phải thông báo đóng cửa nhà máy, tạm ngừng hoạt động”.

Mời đọc thêm: Thời hạn Thủ tướng chỉ đạo có kết luận, Asanzo tuyên bố tạm dừng hoạt động (BizLive). – Chưa có kết luận, Asanzo thông báo tạm dừng hoạt động (VNN). – Asanzo thông báo tạm dừng hoạt động vì “kiệt quệ” tài chính (ICTNews). – VCCI: Asanzo dán nhãn hàng hóa ‘sản xuất tại Việt Nam’ là đúng pháp luật (VNF). – VCCI kết luận Asanzo không gian lận xuất xứ hàng hoá? (VTC).

Cập nhật tin biểu tình ở Hồng Kông

VnEconomy đưa tin: Một loạt nhà hoạt động chính trị Hồng Kông bị bắt. Cảnh sát Hồng Kông vừa bắt giữ một loạt nhân vật nổi bật trong phong trào biểu tình ở Hồng Kông, trong đó có nhà hoạt động Joshua Wong, đồng thời cảnh báo những người biểu tình khác có thể chung số phận nếu xuống đường trái phép vào cuối tuần này.

Các nhà hoạt động nói trên bị cảnh sát bắt giữ vào ngày thứ Năm và thứ Sáu. Cùng bị bắt với Wong là Agnes Chow, một thủ lĩnh khác của Phong trào Dù Vàng năm 2014; nhà hoạt động Andy Chan, và Rick Hui, một thành viên hội đồng cấp quận. Cảnh sát Hồng Kông cũng tuyên bố đã bắt hơn 20 người kể từ hôm thứ Năm.

Trang Trí Thức Trẻ đưa tin: Giữa căng thẳng Hồng Kông, TQ công bố video kịch tính về chống bạo động: Cảnh sát bày binh bố trận trấn áp. Ngày 29/8, cảnh sát vũ trang và công an Trung Quốc huấn luyện chung tại Thâm Quyến, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Hồng Kông từ các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ gần 3 tháng qua.

Theo hình ảnh video của báo đảng TQ công bố, binh lính PLA thuộc ba quân chủng: Hải quân, lục quân và không quân, di chuyển từ Đại lục sang Hồng Kông. Tân Hoa Xã công bố ba ảnh về đợt luân chuyển của PLA, trong đó có bức ảnh một số xe bọc thép bánh lốp tiến vào Hồng Kông.

Báo Giao Thông dẫn lại video từ kênh Star TV và CCTV: Trung Quốc điều 6000 quân nhân luân chuyển đến Hồng Kông.

Mời đọc thêm: Hai trong 3 thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông bị bắt vừa được tại ngoại (NV). – Hong Kong: Joshua Wong và Agnes Chow bị bắt và được tại ngoại hầu tra (BBC).  – Thái độ của châu Âu đối với biểu tình Hong Kong (PLTP).

Tin giáo dục

Diễn biến mới vụ gian lận thi cử: Bộ Giáo dục xem xét kỷ luật nhiều lãnh đạo, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Bộ GD&ĐT thừa nhận, trong kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2018 đã xảy ra tiêu cực và gian lận trong tổ chức chấm thi ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bất bình trong dư luận xã hội. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật đối với 13 cá nhân.

Các lãnh đạo bị kỷ luật gồm: Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; ông Sái Công Hồng, cấp phó của ông Trinh; ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Quản lý thi; ông Hà Xuân Thành, PGĐ Trung tâm khảo thí quốc gia; ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; cùng một số nhân vật thanh tra gồm, chánh thanh tra, phó trưởng phòng thanh tra, thanh tra viên…


Cục trưởng Mai Văn Trinh, Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng, Vụ trưởng Vũ Đình Chuẩn bị xem xét kỷ luật. Ảnh: NB&CL

VietNamNet đưa tin: Hơn 50 giáo viên gửi tâm thư tới Bí thư Quảng Ninh. Có 54 giáo viên hợp đồng đang dạy tại các trường Mầm non công lập ở tỉnh Quảng Ninh cùng ký tên, gửi thư đến Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ nỗi sợ mất việc trong kỳ thi xét tuyển viên chức sắp tới.

Khai giảng cận kề, Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng, theo báo Giáo Dục VN. Còn khoảng hơn 1 tuần nữa là khai giảng năm học mới, một số giáo viên hợp đồng trên địa bàn Hà Nội vẫn đang rất hoang mang. “Mặc dù thành phố Hà Nội đã nhiều lần khẳng định chắc như đinh đóng cột: Sẽ giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới. Tuy nhiên đến ngày hôm nay vẫn chưa có một động thái quyết liệt nào từ Thành phố cho thấy sẽ giải quyết xong vấn đề của hơn 2000 giáo viên hợp đồng toàn Hà Nội”.

Mời đọc thêm: Nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng Bộ GDĐT bị xem xét kỷ luật (PLTP). –  Nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh thanh tra của Bộ Giáo dục bị xem xét kỷ luật (GDVN). – Cục trưởng Mai Văn Trinh và nhiều lãnh đạo cục, vụ Bộ Giáo dục – đào tạo bị xem xét kỷ luật (TT). – Vụ gian lận thi cử năm 2018: Công khai danh tính 13 lãnh đạo cục, vụ Bộ GD&ĐT bị xem xét kỷ luật (TP). – Nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh thanh tra của Bộ GD-ĐT bị xem xét kỷ luật, vì sao? (NLĐ). – Bộ GD&ĐT lên tiếng trước thông tin 13 công chức bị xem xét kỷ luật (GDTĐ).

Cần xem xét quy trình kỷ luật ở trường Điện Lực đối với ông Trương Nam Hưng (GDVN). – Gần 50 đơn vị phải dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (VNN). – Học sinh mầm non Tam Đồng bị gãy chân, Hiệu trưởng nói “gọi cho tôi làm gì” (GDVN). – Phòng GD&ĐT: ‘Gia đình trẻ bị gãy xương đùi không vẽ chuyện để ăn vạ’ (Zing). – Hiệu trưởng nói không sai khi bị tố vô cảm với học sinh gãy chân (Zing).

***

Thêm một số tin:  Ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc cấp đất xây chùa (GDVN). – Các hãng hàng không đồng loạt từ chối bán vé cho nữ công an đại náo sân bay (VOA). – Đài Loan tức giận vì thỉnh nguyện thư đòi mua đảo này (TT). – Yêu cầu làm rõ vụ Công an phường xô xát với người đi chợ (VOV). – Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc đường băng Nội Bài xuống cấp (TT).

Bình Luận từ Facebook