13-8-2019
Muốn tìm hiểu về trận đánh này cần đọc ít nhất 2 cuốn sách: 1. Tet của Don Oberdorfer; và 2. Cuốn sách của Robert J. O’Brien (tựa dài, có thể Google từ tên tác giả). Cuốn sách thứ 1 của Oberdorfer được viết sau sự kiện vài ba năm. Cuốn của O’Brien đầy đủ và cập nhật hơn, ra mắt năm 2009. Vì sao năm 2009? Vì đây là năm mà một số tư liệu về trận Đại sứ quán Tết Mậu Thân được Mỹ giải mật. Trong đó quan trọng nhất là các báo cáo hỏi cung 3 Việt Cộng bị bắt trong trận này.
Về 3 VC sống sót, phía Mỹ vì lý do gì đó không tiết lộ, và nó là một bí mật cho đến tận gần đây. Đương nhiên người ta biết ít nhất có 1 VC còn sống và bị bắt, đó là Ba Đen, chỉ huy của toàn bộ nhóm biệt động. Hình ảnh ông này bị bắt sống và được lính Mỹ áp giải bên ngoài Tòa Đại sứ đã được đăng tải khắp thế giới vào thời điểm đó. Oberdorfer trong Tet cho biết có ít nhất 2 VC còn sống, nhưng không biết tung tích.
Theo O’Brien, 3 tù binh VC là Ngo Van Giang, Nguyen Van Sau ( tự “Chuc”), và Dang Van Son. Những người này bị Trung tâm Tình báo Quân đội Tổng hợp (CMIC của Mỹ) hỏi cung, và báo cáo hỏi cung về 3 VC này hiện đang nằm trong trung tâm lưu trữ quốc gia ở Maryland. Rất tiếc, mình rất muốn đọc hết cả 3 báo cáo nhưng chỉ tìm được của tù binh Nguyen Van Sau, có hình chụp từ báo cáo đăng bên dưới.
Sau trận đánh, 3 tù binh được Mỹ bàn giao cho cảnh sát VNCH. Như vậy, ngoài hỏi cung của Mỹ, chắc chắn phía VNCH có phần hỏi cung tù binh của riêng họ. Và những tư liệu tiếng Việt này có lẽ vẫn còn nằm đâu đó trong kho lưu trữ ở VN?
Ngo Van Giang chắc chắn là tên mà Ba Đen, được biết đến trên báo chí VN là Ngô Thành Vân, khai với CMIC. Có vẻ như trong 3 tù binh chỉ có mỗi Ba Đen sống sót trong tù của VNCH cho đến sau năm 1975. Ông này cũng là một bí ẩn khác của biệt động Sài Gòn, vì với vai trò quan trọng, chứng nhân của trận đánh lịch sử như vậy, nhưng Ba Đen chẳng bao giờ được xuất hiện đình đám như những ông Tư Chu, Mười Hương, v..v.. Thử tìm thì không thấy bài báo nào phỏng vấn trực tiếp ông này, hoặc có thể có nhưng đã từ rất lâu.
Tù binh thứ 2 là Nguyen Van Sau, ông này bị thương từ sớm và nửa bất tỉnh cho đến khi bị bắt. Đọc lời khai của Nguyen Van Sau khá hay ho. Ông này khai bị VC vào làng bắt lính, trói tay lại dẫn đi, chứ không phải tình nguyện. Rồi sau đó do đồng đội chung quanh cũng toàn người làng bị bắt lính, cùng độ tuổi, thấy ai cũng muốn chiến đấu, thế là “giác ngộ” luôn.
Tù binh thứ 3 là Dang Van Son, bị thương ở đầu, bất tỉnh rồi bị bắt. Ông này nằm viện cho đến mấy tháng sau đó. Dang Van Son khai là đầu bếp của đơn vị bị huy động đi chiến đấu.
Ngo Van Giang cho biết tài xế của Đại sứ quán tên là Ba đã tham gia vào trận đánh. Điều này phù hợp với xác nhận của lính Mỹ cho biết có ít nhất 2 VC mặc áo sơ mi trắng, và có thẻ nhân viên Đại sứ quán chết trong trận đánh. Như vậy qua lời khai của tù binh, tư liệu Mỹ xác nhận có ít nhất 2 lái xe nhân viên Đại sứ quán Mỹ là VC nằm vùng. Ngoài ông Ba, còn một người nữa mà lính Mỹ gọi là “Soc Mau” là tài xế. Những chi tiết này mình chưa thấy tư liệu hoặc báo chí của bên thắng cuộc nhắc tới.
Qua lời khai của Nguyen Van Sau, và có thể của cả Ngo Van Giang, phía Mỹ khám xét garage của bà Nguyễn Thị Phê ở 59 Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ ngày nay) và một ngôi nhà khác của gia đình bà này gần đó. Đây là điểm tập kết của đội biệt động trước trận đánh. Hơn 10 người trong 2 nhà này bị bắt, trong đó có 1 cảnh sát và 1 sĩ quan quân đội VNCH. Những người này không rõ số phận ra sao sau đó, và hình như cũng ít được bên thắng cuộc nhắc đến hay ghi công gì.
Trong một điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi ngày 27 tháng 2 năm 68 được giải mật năm 2009, Đại sứ và nhân viên xác nhận tài xế của Đại sứ quán tham gia vào trận đánh. Bức điện này cho biết một báo cáo chi tiết về việc Nguyen Van De tham gia trận đánh sẽ được gửi sau khi tù binh Ngo Van Giang bị khai thác hết. Tuy nhiên, báo cáo này có lẽ chưa được giải mật. Nhưng quan trọng hơn, ta biết được tên của một trong hai lái xe VC nằm vùng là Nguyen Van De.