9-8-2019
Ở ĐBSCL, anh Vân Trường là nhà báo nổi tiếng khi tôi còn chưa bước chân vào nghề. Bỏ qua những thứ ngoài mặt báo, thì anh Vân Trường là nhà báo có chuyên môn cao. Tính anh Vân Trường chảnh, có chút tự cao, vì thương hiệu cá nhân cũng như thương hiệu Tuổi Trẻ – anh cũng không chơi với lứa đàn em như tôi, nhưng không vì thế mà phủ nhận những cái mạnh của anh Vân Trường, cũng như những thứ mà anh đem lại cho Tuổi Trẻ.
Đằng sau mặt báo, những câu chuyện hậu trường, chỉ có báo biết và đương sự biết. Còn bạn đọc, họ chỉ biết Tuổi Trẻ là tờ báo chất lượng nhất Việt Nam suốt nhiều năm nay.
Kể cả báo chí đang thời kỳ mạt vận, thì Tuổi Trẻ vẫn là thương hiệu đứng đầu. Tuổi Trẻ có những phóng viên, nhà báo có tâm có tầm, kiểu như anh Lê Đức Dục, có ghét ổng cũng không thể chê được chỗ nào! Cũng có người tật này tật nọ, nhưng đa số là nhà báo xịn, xứng tầm đàn anh, đàn chị, cả về nghề nghiệp lẫn cách chơi.
Nhưng từ câu chuyện Asanzo, đã có một Tuổi Trẻ rất khác. Tôi có cảm nhận, Tuổi Trẻ đang bỏ rơi anh Vân Trường, khi mà trên mạng đang tạo trend “Vân Trường không đại diện cho Tuổi Trẻ”.
Dạ thưa, giấy giới thiệu ghi rõ ràng tên anh ấy, sẽ làm việc với Asanzo. Vậy anh ấy không đại diện Tuổi Trẻ chẳng lẽ đại diện cho Nhân Dân? Đại diện để làm việc, khác với “đại diện pháp luật” trong đăng ký kinh doanh. Ở đây, anh Vân Trường đại diện ở vụ việc cụ thể này…
Khi mới tấn công Asanzo, và Mr. Tam coi như đã ngã ngựa, Tuổi Trẻ tung ra vụ ”có người theo dõi phóng viên”. Tiếp đến mạng xã hội xôn xao thông tin… Asanzo chi 2 tỷ để thuê xã hội đen xử nhóm phóng viên.
Đòn đá dưới thắt lưng này, nhằm mục đích nâng vị thế nhóm phóng viên thực hiện tuyến bài. Đại gia như bác sĩ Chiêm Quốc Thái, cũng chỉ cần nửa tỷ là có ngay băng giang hồ nhảy ra lãnh lệnh giết người. Asanzo chi 2 tỷ, thì “phẩm giá” nhóm phóng viên cao gấp 4 lần đại gia họ Chiêm!
Rồi đến khi anh Vân Trường ngã ngựa, thì anh cũng như trái chanh, không hơn không kém. Giấy giới thiệu ký chưa ráo mực, xin đừng dồn hết tội lỗi lên anh Vân Trường.
Anh ấy dẫu có sai lầm, cũng không phải quả chanh.
Và, đâu phải mỗi Asanzo mới là nạn nhân của Tuổi Trẻ!
Trong năm nay, “trùm tội phạm” vòi bạch tuộc chiêu trò khủng bố Cashwagon xuất hiện trên Tuổi Trẻ như một hung thần, đã đẹp lung linh như nàng tiên sau một nốt nhạc.
Nốt nhạc này của Tuổi Trẻ, không phải của anh Vân Trường!
Đổi trắng thay đen, chỉ sau một nốt nhạc!
Nếu Asanzo cũng biết điều như Cashwagon, thì hẳn Tam sẽ lại lung linh như một vị thần – vì điều này cũng nhanh như một nốt nhạc.
Cá nhân tôi nghĩ, anh Vân Trường sai và anh nhận sai, là điều cần ghi nhận. Nhưng Tuổi Trẻ từ những chuyện đổi trắng thay đen để phụng sự bản thân, cần phải suy ngẫm và nên có cách đi xứng tầm hơn.
Tôi viết bài này không phải với tư cách đồng nghiệp, mà với tư cách là một đọc giả trung thành của Tuổi Trẻ! Tôi cần một Tuổi Trẻ như ngày xưa.
Mời đọc lại: Vòi bạch tuộc cho vay trực tuyến: chiêu trò và khủng bố — Cashwagon vào top 10 ‘Thương hiệu tiêu biểu hội nhập Châu Á – Thái Bình Dương’ — Cashwagon: Thương hiệu tin dùng – Sản phẩm, dịch vụ chất lượng 2019 (TT).