5-8-2019
Nếu tôi không làm luật sư, tôi có thể làm gì?
Hôm nay là sinh nhật lần thứ 57 của tôi. Tôi có dịp nhìn lại cuộc đời mình 57 năm qua, và hình dung, mình có thể làm gì nếu không hành nghề luật sư. Tôi tự huyễn hoặc, rất có thể mình đã thành công hơn nhiều, nếu không chọn nghề luật sư. Tôi tự liệt kê những nghề hay công việc tôi có thể làm:
1/ Nhà toán học: Là một học sinh giỏi toán hàng đầu cách đây 40 năm, tôi tự tin nếu chọn ngành toán, tôi có thể đang là một giáo sư toán ở Đức, ở Pháp hay ở Mỹ. Tôi có thể nổi tiếng, có lẽ chỉ kém đôi chút so với giáo sư Hoàng Xuân Phú hay giáo sư Ngô Bảo Châu. Cách đây hơn chục năm, khi lại gặp một thầy giáo dạy toán có tiếng, ông bất ngờ đưa tôi một bài giải toán hàng chục năm trước của tôi, và nói đây là một trong những bài giải hay nhất của các học sinh chuyên toán của ông, mà thầy còn giữ lại, giải một trong những bài toán khó nhất thời đó, với một cách giải bất ngờ và đơn giản. Ông là thầy của giáo sư Ngô Bảo Châu và nhiều giáo sư toán giỏi nhất người Việt. Đáng tiếc cho nền toán học Việt nam, tôi đã không chọn học đại học toán.
2/ Nhà sử học. Tôi vốn mê học sử từ nhỏ, là cán sự sử trong một lớp học phổ thông, vị trí lẽ ra do con gái của nhà sử học lớn nhất Việt nam đương đại nắm giữ. Cô bạn học này của tôi nay cũng là một phó giáo sư sử học. Cách đấy mấy năm, sau khi đọc “Bên Thắng Cuộc” của tác giả Huy Đức, tôi nãy ra ý định, lập “Dự án viết sử lịch lịch sử chiến tranh Đông Dương- Việt nam”. Một dự án đồ sộ mà chưa có nhóm nhà lịch sử nào ở Việt nam hay quốc tế thực hiện. Dự án này chắc ngốn nhiều kinh phí, nhưng nếu có nhiều thời gian rỗi, tôi có thể vận động tài chính và trực tiếp tham gia. Lịch sử 50 năm gần như liên tục chiến tranh Đông Dương- Việt nam là độc nhất vô nhị trên thế giới, với sự tham dự trực tiếp của nhiều cường quốc, rất đáng để nghiên cứu và viết, cho thế giới và hậu thế. Theo tôi, lịch sử chiến tranh này (với 4 giai đoạn chiến tranh) bắt đầu từ khi phát xít Nhật vào Đông dương/ Việt nam ngày 22/9/1940 và kết thúc khi Việt nam rút khỏi Căm Pu Chia cuối năm 1989. Nếu có một dự án như vậy, tôi sẽ mời Huy Đức và cô bạn Phó giáo sư sử tham gia.
3/ Một nhà đầu tư kinh doanh thành đạt. Khi còn là sinh viên học ở Đông Âu hơn 30 năm trước, tôi đã đi buôn. Về nước, tôi là một tay kinh doanh bất động sản, khi tuổi đôi mươi. Mặc dù đang hành nghề luật sư, tôi cũng từng thử sức kinh doanh và đầu tư trong một số lĩnh vực, có thất bại, nhưng thành công là chủ yếu. Nếu như không quá bận rộn nghề luật sư, có lẽ tôi đã là một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Có vẻ nghề này hợp sở trường của tôi và một lựa chọn cho tôi trong thời gian tới.
4/ Chủ tịch liên đoàn bóng đá Việt nam (VFF). Cách đây 14 năm, tôi ứng cử chủ tịch VFF một cách nghiêm túc. Tôi có một chương trình tranh cử khá bài bản, cho dù tôi thất cử, nhưng nhiều nội dung trong chương trình tranh cử của tôi đã được áp dụng. Như đề xuất lập một công ty quản lý giải chuyên nghiệp (VPF hiện nay) hay thiết lập những trung tâm đào tạo trẻ tư nhân với sự tài trợ của các đại gia. Tôi vẫn tin rằng, nếu tôi là chủ tịch VFF từ 2005, giờ đây nền bóng đá Việt đang hàng đầu Châu Á và đã tham gia giải World Cup. Tôi có thể là một J. Havelange của Việt nam. Ông J. Hevelange-một luật sư người Braxin, là chủ tịch thành công nhất của FIFA. Nếu sắp tới, ông chủ tịch VFF cùng tên Hải không dẫn dắt được Việt nam dự WC năm 2022, có lẽ tôi cần nhận trách nhiệm này. Tôi sẽ có đủ sự ủng hộ của những nhà tài phiệt Việt cho mục tiêu này.
5/ Một quan chức ngành tư pháp. Tôi đã từng làm việc tại ngành toà án lẫn kiểm sát, nếu như tôi “nhẫn nhịn” một chút, giờ đây tôi có thể là một thẩm phán hay một công tố viên cao cấp. Ở nhiều nước có nền tư pháp văn minh, một luật sư trở thành một quan chức tư pháp hàng đầu là một chuyện thường. Đáng tiếc, ở Việt nam, chuyện đó chưa thể xảy ra. Nhưng tôi vẫn mơ, một ngày nào đó, sẽ là một vị thẩm phán mẫu mực, với những phiên xử công bằng và tuyên những bản án đầy thuyết phục. Những “phiên toà nhôm nhoan”, ” bản án bỏ túi” sẽ có ngày biến mất khỏi Việt nam. Sẽ có ngày ước mơ đó thành hiện thực.
Còn nhiều nghề hay công việc khác, tôi có thể đảm nhận, như một giảng viên luật, một nhà hoạt động về môi trường, một nhà hướng dẫn khởi nghiệp, một cố vấn truyền thông hay đơn giản một người giới thiệu sách hay một nhà báo tự do.
Nhưng nếu được lựa chọn và chính quyền chấp nhận, tôi muốn tham gia nhóm các chuyên gia pháp lý Việt nam cùng các chuyên gia luật quốc tế kiện Trung Quốc đã vi phạm công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). Tôi có thể vận động các luật sư người Việt giỏi nhất về công pháp quốc tế tham gia vụ kiện, vận động tài chính để hỗ trợ vụ kiện, thuê những chuyên gia quốc tế hàng đầu cho Việt nam. Nhà nước Việt nam không phải lo về các chuyên gia và kinh phí, các vị lãnh đạo Việt nam chỉ cần “bản lĩnh dám kiện”. Việt nam chắc chắn sẽ thắng kiện!
Tất nhiên, đó chỉ là những giả thiết. Trước mắt, tôi sẽ nghỉ ngơi, đi du lịch khắp Việt nam và thế giới, trong vài năm. Khả năng lớn nhất: Hành nghề luật sư vẫn sẽ là công việc của tôi trong 40 năm nữa, như 25 năm qua!
-Các sử gia hiểu, biết rõ về lịch sử & có đủ tư liệu chứng minh lịch sử nhưng họ ko đủ kiến thức Luật pháp Quốc tế về kiện tụng, vì đó ko phải là chuyên môn của họ. Các Luật sư có đủ kiến thức Luật pháp Quốc tế về kiện tụng để đi kiện nhưng họ cần dc các sử gia cung cấp các tư liệu cần thiết. Từ đó, 02 bên cùng thảo luận, sắp xếp trình tự tư liệu theo đúng qui định, trình tự kiện tụng Luật pháp Quốc tế và đi kiện là chắc thắng.
-Mong ước của Luật sư Trần Vũ Hải “tôi muốn tham gia nhóm các chuyên gia pháp lý Việt nam cùng các chuyên gia luật quốc tế kiện Trung Quốc đã vi phạm công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS)” là rất đúng, rất phù hợp với năng lực đa ngành, nghề của Luật sư như: “Tôi vốn mê học sử từ nhỏ”; “Là một học sinh giỏi toán hàng đầu cách đây 40 năm”; “tôi có thể là một thẩm phán hay một công tố viên cao cấp”. Rất mong Luật sư Trần Vũ Hải bớt chút thời gian đi theo hướng này. Đa tạ.
P/s: 01 khó khăn sẽ găp phải là ai đứng đơn kiện & lộ trình kiện có thời gian ra sao? TQ chiếm HS năm 1974, chiếm một phần TS năm 1988 và TQ sẽ có đủ sức mạnh để bảo vệ thời hạn 50 năm thì năm 1974+50=2024 HS về với TQ, năm 1988+50=2038 TS về với TQ.
Happy birthday anh Hải.
Trong cuộc sống ấy, ở môi trường ấy, những người đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu đều không có đất dung thân, không tìm được chỗ đứng xứng đáng. Lý do đơn giản vì cái chế độ ấy chỉ biết sử dụng những kẻ dễ bảo, sẵn sàng đánh đổi nhân cách chỉ vì chút bổng lộc. Anh hãy vui lên vì mình đã chọn lối sống “không giống ai” nhưng không hổ thẹn với lương tâm, không tủi hổ với bao thế hệ kiên cường, bất khuất đã đi qua. Hãy cố thực hiện việc viết lại lịch sử cuộc chiến phi lý đã cướp đi sinh mạng nhiều triệu người từ các phía. Việt một cách trung thực và (cố gắng) khách quan. Chúc anh luôn thành công.